Giỗ Tổ Hùng Vương: Lòng biết ơn và cội nguồn đoàn kết dân tộc

Những ngày nay, đồng bào cả nước hướng về Đền Hùng, trên vùng đất cổ Phong Châu, để tướng nhớ các Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc với niềm thành kính và tự hào. Tưởng nhớ các Vua Hùng là biểu hiện cao nhất của lòng biết ơn và từ đó phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc.

Từ dân tộc đến nhân loại

Ngày 6/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Ủy ban Liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, từ truyền thống của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã vượt ranh giới quốc gia để trở thành di sản tinh thần của nhân loại.

Người Việt có truyền thống thờ phụng tổ tiên, thờ phụng những người có công lao đối với Tổ quốc, với nhân dân, trong đó các Vua Hùng được suy tôn là những vị thủy tổ của cả dân tộc, mở ra Nhà nước Văn Lang, khẳng định bờ cõi chủ quyền, và chăm lo đời sống muôn dân, trăm họ.

Ý thức thờ phụng các Vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ. Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức của người Việt.

Truyền thống ấy được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối và khẳng định như trong bài thơ Thần: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách Trời” và ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng  nhau giữ lấy nước”.



Rước cờ trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Nhiều nước ở khu vực và trên thế giới có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc, song hiếm có dân tộc nào mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cùng thờ chung một vị quốc tổ, tổ chung của cả nước như dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng này mang bản sắc đặc sắc của Việt Nam. 

Các triều đại trong lịch sử đã ghi chép thời đại Hùng Vương vào chính sử, cấp sắc phong, định nghi lễ, cấp ruộng đất… để phụng thờ các Vua Hùng. Ngày nay, ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba là ngày Quốc lễ.

Lòng biết ơn và sức mạnh đoàn kết

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “ Con chim có tổ, con người có tông”… Người dân Việt Nam vẫn truyền tụng câu ca: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Đến Đền Hùng là con cháu quy tụ về lễ tổ tiên, nguồn cội của mình, như Tản Đà đã viết trong một đôi câu đối ở đây: "Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản sông Đà, non nước vẫn quay về Đất Tổ/ Văn minh đương buổi mới, con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông".

Từ lòng biết ơn các Vua Hùng khai sáng dân tộc, người dân Việt Nam biết ơn các các thế hệ tiền nhân đã khai sơn phá thạch, tạo dựng xóm làng; đã ngã xuống trong nhưng cuộc chiến chống xâm lăng từ thế hệ này sang thế hệ khác; biết ơn những người tạo dựng nền văn hiến Việt Nam trong quá trình dựng xây và phát triển đất nước. Có thể nói máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ đã tạo dựng nên giang sơn cẩm tú ngày nay.

Lòng biết ơn ấy mang giá trị của nhân loại, có người nói rằng: "Trái tim không biết ơn sẽ không tìm được hạnh phúc. Khi chúng ta có lòng biết ơn, sẽ tìm thấy hạnh phúc trong từng giờ”. Có lẽ cảm nhận được điều đó nên trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, việc hương khói thờ phụng các Vua Hùng  được gìn giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác, dù có lúc thăng lúc trầm; và khắp trong cả nước, không nơi nào có không có đền miếu, từ đường thờ phụng những người có công lao, đóng góp cho đất nước, thờ phụng tổ tiên các dòng họ…

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn là cội nguồn, là điểm tựa của tinh thần đoàn kết dân tộc. Bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, với 100 người con trai tỏa đi bốn phương, người Việt tự hào vì mình là con Rồng, cháu Tiên và cả nước cùng là anh em, sinh cùng một bọc, hình thành nghĩa “đồng bào” thiêng liêng, sâu nặng. Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ, gắn kết ấy cùng củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trước những thách thức trong lịch sử như chống giặc ngoại xâm, vượt qua những thử thách trước thiên tai và những hoàn cảnh ngặt nghèo để đất nước trường tồn.

Gìn giữ bản sắc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không phải là công nhận giá trị của đền miếu mà là công nhận giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, với những nét đặc sắc như nghi thức rước kiệu; rước lễ vật là bánh chưng, bánh dày – những sản vật đặc trưng của nền văn minh lúa nước; là việc thực hành nghi lễ và hành hương về cội nguồn… Đó là những giá trị mang bản sắc văn hóa Việt.



Các làng xung quanh Đền Hùng rước lễ vật trong ngày Giỗ Tổ

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương cũng là ngày hội, ở đó các trò chơi dân gian, các điệu hát dân ca, hát Xoan, đánh trống đồng, thi gói bánh chưng, thi bơi chải, thi vật… được tổ chức, đưa những sinh hoạt văn hóa từ quá khứ đến hiện tại, để bảo tồn trong tương lai.

Do đó, gìn giữ và phát huy giá trị cao quý, mang tầm nhân loại của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đặt ra nhiều nội dung cần được quan tâm một cách cẩn trọng và khoa học, để giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn sức mạnh vượt qua mọi thử thách để đất nước trường tồn, trăm họ ấm no.

 

Ảnh trong bài của báo Phú Thọ

PHÙNG HUẾ