Họp đánh giá kết quả hoạt động triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng

Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hảỉ Phòng đã tổ chức cuộc họp để đánh giá kết quả hoạt động sau 5 ngày triển khai thí điểm tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng.  

 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hảỉ Phòng chủ trì buổi họp.

Theo báo cáo công tác triển khai Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, từ ngày 19/3/2018 đến ngày 23/3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện được chọn là đơn vị triển khai thí điểm, đã nhận và chuyển cho Trung tâm hòa gỉải, đối thoại tại Tòa án tổng số 206 đơn khởi kiện, trong đó có 29 đơn dân sự, 137 đơn hôn nhân gia đình, 26 đơn hành chính, 12 đơn kinh doanh thương mại, 02 đơn lao động.

Ngay sau khi nhận sồ sơ vụ việc, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phân công đơn cho các hòa giải viên, đối thoại viên xem xét, tiến hành hòa giài, đối thoại. Các hòa giải viên, đối thoại viên sau khi nhận được đơn đã vào sổ theo dõi thụ lý vụ, việc hòa giải và lập hồ sơ vụ việc theo hướng dẫn tại Công văn số 48/TANDTC-PC ngày 09/3/2018 của Tòa án nhân dân tối cao.

Kết quả 5 ngày thực hiện thí điểm đã có 16 đơn được các hòa giải viên đưa ra phiên hòa giải; trong đó hòa giải không thành 04 vụ, việc hôn nhân gia đình; hòa giải thành 03 vụ việc dân sự, 09 vụ việc hôn nhân gia đình.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đã trao đổi, nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thí điểm tại Hải Phòng về xử lý kết quả đối thoại (khoản 3 điều 140 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015), thẩm quyền về lãnh thổ của Tòa án (có hay không thụ lý đơn và chuyển cho Trung tâm hòa giải khi vụ, việc không thuộc thẩm quyền hay là hướng dẫn người dân gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ)… cũng như đề xuất các giải pháp, như tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp lý và kỹ năng hoà giải; xây dưng cơ sở pháp lý để hoạt động hoà giải, đối thoại của các Trung tâm đạt hiệu quả; trang bị, kiện toàn cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; đề xuất Ban Chỉ đạo sử dụng hình thức khoán kinh phí (Việc gửi đơn, hồ sơ, tài liệu cho càc Hòa giải viên, gửi giấy mời, thông báo cho đương sự đều qua kinh phí của thừa phát lại, trong khi kinh phí thừa phát lại còn gặp nhiêu khó khăn); đưa việc công nhận thuận tình ly hôn là tiêu chí xác định hòa giải thành.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Kế hoạch thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hảỉ Phòng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc trong việc triển khai thí điểm tại Hải Phòng cũng như những ý kiến, đề xuất tâm huyết tại cuộc họp nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp để hoạt động thí điểm công tác hoà giải, đối thoại tại Hải Phòng đạt hiệu quả cao nhất.

 

Về những ý kiến được nêu tại cuộc họp, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền đề nghị các đơn vị chuyên trách tổng hợp, nghiên cứu đề xuất Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định; đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng Quy chế hoạt động của Trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án.

 

NGUYÊN ANH