Thành công của Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân đã bắt đầu được Tòa án nhân dân tối cao tiến hành triển khai thí điểm tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND quận, huyện của thành phố Hải Phòng từ tháng 3 đến tháng 9/2018. Sáng ngày 20/9/2018 tại Trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị tổng kết việc thí điểm trong 6 tháng qua.

Tham dự hội nghị các có ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đại biểu là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đại diện lãnh đạo các đơn vị Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban pháp luật của Quốc Hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các tổ chức JICA, tổ chức KOICA Việt Nam.

Tới dự còn có ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng; bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án Tòa án nhân dân  thành phố Hải Phòng; lãnh đạo 09 quận, huyện đã thực hiện thí điểm và toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng.

Những kết quả đạt được

Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án. Đồng thời, kết quả hoà giải, đối thoại góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đặc biệt, hòa giải, đối thoại dựa trên nền tảng công tác dân vận là một giải pháp hiệu quả, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “…Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây là kinh nghiệm của nước ta và nhiều nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nhằm nghiên cứu thực trạng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, đề xuất những giải pháp mới nâng cao hiệu quả của công tác này trong bối cảnh hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã báo cáo và được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính trong đó cho phép Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng.

Tại Quyết định số 332/QĐ-TANDTC ngày 09/3/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 09 Tòa án nhân dân quận, huyện của Thành phố, từ tháng 3 đến hết tháng 9 năm 2018 và dự định sẽ tiếp tục triển khai từ tháng 01/2019 cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (dự kiến vào cuối năm 2019).

Theo hướng dẫn của TAND tối cao, TAND thành phố Hải Phòng và các TAND cấp huyện đã rà soát, lựa chọn, chỉ định 60 Hòa giải viên, Đối thoại viên, là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên đã nghỉ hưu, các cán bộ đã từng tham gia công tác hội thẩm nhân dân và các luật sư có phẩm chất đạo đức, có uy tín, có kỹ năng, phương pháp hòa giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình để tham gia vào hoạt động hòa giải, đối thoại. Qua 6 tháng thí điểm, Đề án đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Tại 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện, đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn và hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%. Trong số các vụ hòa giải, đối thoại thành có 1.606 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con, 159 vụ tranh chấp dân sự, 45 vụ kinh doanh, thương mại, 04 vụ tranh chấp lao động và 13 vụ khiếu kiện hành chính.

Một số Trung tâm hòa giải, đối thoại quận, huyện đạt tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự cao như: Tiên Lãng, An Dương, Hải An, Kiến An và Lê Chân. Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành 6 tháng là 1.827 vụ nên đã giúp 9 đơn vị cấp huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý giải quyết 1.827 vụ, thực tế giảm số vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động , hành chính phải giải quyết, xét xử là 598 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với 1.451 vụ các đương sự đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận, các vụ việc này sẽ được các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành trên cơ sở tự nguyện của các đương sự, không phải cưỡng chế cũng giúp cơ quan Thi hành án dân sự giảm được rất nhiều thời gian, chi phí.

Các ý kiến đánh giá

Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương đã ghi nhận và biểu dương những kết quả trong việc triển khai Đề án thí điểm, đồng chí đề nghị TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm Đề án tại Hải Phòng và mở rộng ra nhiều địa phương khác (như Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An,…), bảo đảm tính đại diện vùng, miền, số lượng vụ việc, để có cơ sở đánh giá toàn diện hơn về mô hình thí điểm, phục vụ công tác hoạch định chính sách và thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; Tòa án nhân dân cần nghiên cứu làm rõ khái niệm hòa giải, đối thoại trong tố tụng và khái niệm hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng.

Tòa án nhân dân cần nghiên cứu xác định rõ địa vị pháp lý của các Trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án, nghiên cứu về trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, đối thoại, chú ý tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cũng như về chế độ chính sách đối với các hòa giải viên, đối thoại viên, sớm hoàn thiện Đề án, tiến tới xây dựng dự án Luật trình Quốc hội xem xét.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đánh giá cao Đề án thí điểm và cho biết đây là chủ trương sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Thông qua Đề án nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, dễ dẫn đến xung đột đã được đối thoại và hòa giải thành công.

Ông Thành bày tỏ cảm ơn TANDTC đã lựa chọn Hải Phòng là địa phương thí điểm Đề án. Việc thực hiện thí điểm Đề án đã tháo gỡ được những khó khăn, mang lại hiệu quả trong công tác giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, làm giảm bất đồng, căng thẳng giữa các bên, góp phần giữ vững tình hình ổn định tại địa phương.

Các tham luận về ý nghĩa của hòa giải, đối thoại

Tham luận của Ủy ban nhân dân huyện An Lão, tham luận đánh giá  Qua quá trình được Đối thoại viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng thụ lý giải quyết; có vụ việc chính quyền địa phương áp dụng chế độ đền bù giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật, quyền lợi của người dân đã được đảm bảo, qua giải thích, phân tích của Đối thoại viên, Hòa giải viên, người khiếu nại, khởi kiện đã nhận thức được tính đúng đắn của quyết định hành chính của cơ quan nhà nước và rút đơn khởi kiện. Đồng thời cũng có vụ việc han hành quyết định hành chính của chính quyền chưa đảm bảo, được sự phân tích giải thích làm việc cùng đối thoại viên, trên tinh thần cầu thị, chính quyền địa phương đã chủ động hủy bỏ quyết định hành chính đã ban hành chưa đúng quy trình, thay thế bằng quyết định hành chính mới đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và người khởi kiện đã rút đơn khiếu kiện, Tòa án không phải thụ lý giả quyết qua các trình tự sơ thẩm, phúc thẩm.

Từ những sự việc được hòa giải thành tại Trung tâm hòa giải đối thoại,  việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh tế cho cả cơ quan nhà nước và người khiếu kiện; đã thay đổi nhận thức của cả chính quyền địa phương và người dân, tăng niềm tin của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đề xuất việc triển khai áp dụng và nhân rộng mô hình Trung tâm hòa giải, đối thoại trên phạm vi cả nước để vai trò, hiệu quả của trung tâm được phát huy nhiều hơn nữa.

Tham luận của ông Hà Văn Nam là Phó Giám đốc – Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Hải Phòng, ông Nam trình bày: Một số doanh nghiệp, cá nhân cố tình trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng. Ngân hàng phải làm thủ tục khởi kiện đến Tòa án đề nghị Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

Trước khi có đề án thí điểm hòa giải và Trung tâm hòa giải tại Tòa án, các yêu cầu khởi kiện của ngân hàng cũng đã được Tòa án tích cực giải quyết; quá trình giải quyết cũng kiên trì hòa, tuy nhiên, số vụ việc hòa giải thành còn chưa được cao.

Sau khi Trung tâm hòa giải tại Tòa án được thành lập, những vụ việc do ngân hàng khởi kiện được đưa ra hòa giải tại Trung tâm hòa giải trước khi Tòa án thụ lý.  Ban đầu cũng hoài nghi về hiệu quả của hình thức giải quyết này.. Nhưng thực tế giải quyết bằng hình thức hòa giải tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án đã đạt được những kết quả tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu của các bên. Ông đưa ra ví dụ

Vụ kiện của Ngân hàng SHB kiện yêu cầu Công ty An Phú phải trả là gần 200 tỷ đồng, tài sản thế chấp gồm nhiều bất động sản có giá trị lớn. Khoản nợ này là khoản nợ quá hạn đã lâu. Phía bị đơn không hợp tác trong việc giải quyết công nợ và bàn giao tài sản thế chấp dẫn đến việc tranh chấp đã kéo dài nhiều năm. Trung tâm hoà giải tại Tòa án nhân dân huyện An Dương đã thụ lý. Hòa giải viên đã tích cực hoà giải và kiên trì đưa ra nhiều phương pháp vận động thuyết phục, hướng dẫn các bên cùng nhau đi đến việc thống nhất giải quyết tranh chấp. Kết quả là tranh chấp giữa hai bên đã được giải quyết nhanh chóng, quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên đều được bảo đảm, giảm bớt rất nhiều thời gian, công sức và các chi phí tố tụng rất lớn nếu như  vụ việc được giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng như bình thường.

Theo ông Nam, có thể về mặt chuyên môn pháp lý và kỹ năng các Hòa giải viên còn chưa bằng các Thẩm phán và Thư ký. Tuy nhiên, các Hòa giải viên có những lợi thế mà Thẩm phán và Thư ký không thể có. Đó là, Hòa giải viên không phải là người phải đưa ra các phán quyết; không phải bị điều chỉnh bởi các quy định khắt khe của Bộ luật Tố tụng dân sự nên khi Hòa giải viên đưa ra các quan điểm, ý kiến và các phương án giải quyết tranh chấp một cách linh hoạt, uyển chuyển hơn và được các đương sự nhìn nhận các quan điểm của Hòa giải viên là khách quan hơn.

Do quy định những lời trình bày của các bên đương sự tại Trung tâm hòa giải, trước các Hòa giải viên không phải là chứng cứ để giải quyết trước tòa nên các đương sự cũng có tâm lý thỏai mái và dễ dàng trình bày, bộc bạch về mọi vấn đề khúc mắc với Hòa giải viên. Từ đó mà Hòa giải viên cũng thuận lợi hơn trong việc hòa giải giữa các bên.

Như vậy, có thể nói phương thức giải quyết tranh chấp các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại thông qua Trung tâm hòa giải tại Tòa án là một phương thức ưu việt, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các bên tranh chấp, cho các cơ quan tiến hành tố tụng và rộng hơn là cho toàn xã hội.

Ông Nam cũng đề nghị, các cấp ngành cần sớm triển khai trên diện rộng mô hình Trung tâm hoà giải tại Tòa án để Trung tâm hòa giải tiếp phát huy hiệu quả; Sớm ban hành các khung pháp lý làm cơ sở cho việc hòa giải.

Ý kiến của đại diện đương sự, chị Nguyễn Thị Ngân trú tại: Lô 48 TT Hải Đoàn 38 Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Chị Ngân nói, chị  khởi kiện vụ án dân sự đối với chị Trần Thị Tuyết để đòi một khoản tiền là 200.000.000đ do chị Tuyết vay đến quá thời hạn theo giấy vay, chị đòi nhiều lần vẫn khất lần không trả.

Khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án quận Hồng Bàng, chị được giải thích và biết rằng hiện tại thành phố Hải Phòng đang thực hiện thí điểm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chị đồng ý vì hy vọng là nếu hòa giải viên làm trung gian, cầu nối hòa giải được, chị đòi đượ tiền mà vẫn giữ được tình cảm chị em nhiều năm gắn bó.

Qua quá trình làm việc và hòa giải tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng, chị thấy Hòa giải viên của Trung tâm đã làm việc với một tinh thần nhiệt tình, tận tụy và trách nhiệm, kiên trì giải thích quy định của pháp luật, khơi gợi tình cảm bạn bè đã gắn bó nhiều năm… Kết quả, chị Tuyết đã thanh toán 70.000.000 đồng ngay tại phiên hòa giải lần hai để giải quyết công việc của gia đình. Số tiền còn lại, bên bị kiện đưa ra phương án để trả dần, qua thỏa thuận hai bên đã thống nhất được về lộ trình thanh toán trả nợ; phương án thanh toán tiền theo thời gian nên chị đã rút khởi kiện.

Qua sự việc, chị thấy Trung tâm hòa giải và hòa giải viên đã làm việc rất hiệu quả mong Trung tâm hòa giải sớm được triển khai áp dụng để tiếp tục phát huy hiệu quả nhiều hơn.

 

 

 

   

Chánh án TANDTC, Phó Chánh án TANDTC và Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong quá trình thực hiện Đề án (ảnh Tuấn Anh)

Thay mặt Ban Cán sự Đảng TANDTC, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của các lãnh đạo Trung ương, BCĐ Cải cách tư pháp Trung ương, cùng các bộ, ngành liên quan.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, nỗ lực đóng góp của thành phố Hải Phòng, BCĐ Đề án thí điểm TANDTC, các chuyên gia quốc tế, các Thẩm phán Hoa Kì, Nhật Bản và Ấn Độ. Đặc biệt, Chánh án TANDTC đã biểu dương, hoan nghênh sự nỗ lực của các Trung tâm hoà giải và Hoà giải viên đã góp phần mang lại thành công bước đầu cho Đề án.

Tại Hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án òa án nhân dân tối cao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã trao tặng Bằng khen đối với các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng

HẢI HÀ