Biên bản xem xét tại chỗ của Trung tâm Hòa giải, đối thoại có được coi là chứng cứ ?

Tapchitoaan.vn tiếp tục giới thiệu nội dung Công văn số 59/TANDTC-PC ngày 29 /3 / 2019 của TANDTC hướng dẫn bổ sung về nghiệp vụ triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân.

Trường hợp đơn khởi kiện chuyển đến Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS, khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính, không có tài liệu chứng cứ cần thiết kèm theo, thì xử lý thế nào?

Trường hợp đơn khởi kiện chuyển đến Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS, khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính thì Hòa giải viên, Đối thoại viên đề nghị người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đề nghị của Hòa giải viên, Đối thoại viên thì Hòa giải viên, Đối thoại viên báo cáo với Giám đốc Trung tâm và chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án.

Trường hợp đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS, khoản 1 Điều 118 Luật Tố tụng hành chính nhưng không có tài liệu, chứng cứ cần thiết kèm theo thì Hòa giải viên, Đối thoại viên vẫn xem xét tiến hành hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại tùy từng vụ việc mà Hòa giải viên, Đối thoại viên đề nghị người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết; tiến hành hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn tại Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018 của TANDTC và hướng dẫn tại Công văn này.

Trường hợp vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn có liên quan đến con là người chưa thành niên thì trước khi tiến hành hòa giải, Hòa giải viên phải có phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp không? Có phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 17 tuổi trở lên không ?

Việc hòa giải vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hướng đến mục đích để vợ chồng đoàn tụ hoặc thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành. Do vậy, Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải cần tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng, để từ đó thuyết phục vợ chồng hòa giải. Việc hòa giải ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại Trung tâm Hòa giải đối thoại tại Tòa án không nhất thiết phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 17 tuổi trở lên.

Tại điểm B mục 3 Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11 /10/ 2018 của TANDTC hướng dẫn: “Nếu các bên tranh chấp không yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì Hòa giải viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm chuyển ngay hồ sơ vụ việc,Biên bản hòa giải thành cho Tòa án để trả lại đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện trong trường hợp nhận hồ sơ từ Tòa án”.  Tuy nhiên, trường hợp người khởi kiện là pháp nhân ủy quyền cho người khác tham gia hòa giải mà người được ủy quyền không có thẩm quyền ký đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành; sau buổi hòa giải, người khởi kiện cũng không có đơn yêu cầu, thì thời hạn để Tòa án trả lại đơn khởi kiện là bao nhiêu ngày?

Trường hợp một trong các bên tranh chấp là pháp nhân, người tham gia hòa giải là người đại diện theo ủy quyền thì nội dung của ủy quyền phải bảo đảm người đại diện đó có đầy đủ quyền tham gia giải quyết tranh chấp; khi hòa giải thành tại Trung tâm Hòa giải đối thoại tại Tòa án mà các bên tranh chấp không có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành thì Hòa giải viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm và chuyển ngay hồ sơ vụ việc, Biên bản hòa giải thành cho Tòa án. Trường hợp này được coi là người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc, Biên bản hòa giải thành do Trung tâm chuyển đến, Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Trường hợp tranh chấp về tài sản được Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tiến hành hòa giải thành; trong quá trình hòa giải, Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã lập biên bản xem xét tại chỗ, tiến hành xác minh tại thực địa cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Sau đó, các bên có yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành và được Tòa án thụ lý giải quyết. Vậy biên bản xem xét lại chỗ của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án lập có được coi là chứng cứ khi Tòa án tiến hành giải quyết việc dân sự không?

Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có chức năng hòa giải, đối thoại các tranh chấp, khiếu kiện hành chính trên tinh thần tự nguyện và tự định đoạt của các đương sự mà không căn cứ vào chứng cứ để phân xử đúng sai. Do đó, việc Trung tâm Hòa giải đối thoại tại Tòa án lập biên bản xem xét tại chỗ, tiến hành xác minh tại thực địa trong quá trình hòa giải là để tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự đạt được thỏa thuận, không phải là chứng cứ để Tòa án căn cứ giải quyết việc dân sự trong quá trình công nhận kết quả hòa giải thành, Tòa án xác định chứng cứ theo quy định tại điều 95 BLTTDS.

Các tranh chấp được Tòa án nhận đơn chuyển qua Trung tâm Hòa giải, đối thoại và theo thẩm quyền của Tòa án nơi bị đơn cư trú có trụ sở theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 BLTTDS. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm s khoản 2 Điều 39 BLTTDS về thẩm quyền giải quyết việc dân sự thì Tòa án nơi người yêu cầu cư trú làm việc là Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án.

Vụ việc được hòa giải và đương sự có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, người yêu cầu (trường hợp chỉ có một người yêu cầu là nguyên đơn) cư trú ở địa điểm khác với địa bàn được hòa giải thành, trường hợp này Tòa án đã tiến hành hòa giải có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành  hay phải chuyển đến Tòa án đúng thẩm quyền nơi người yêu cầu cư trú, theo quy định tại điểm s khoản 2 Điều 39 BLTTDS?

Đối với trường hợp nêu trên, việc công nhận kết quả hòa giải thành do Tòa án nơi có Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã tiến hành hòa giải thành thực hiện nhằm bảo đảm sự thuận tiện, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với một số vụ án dân sự, trong biên bản hòa giải thành thể hiện các bên thống nhất thỏa thuận việc giải quyết vụ án, nhưng khi yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì thỏa thuận này đã được thực hiện một phần. Vậy Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành tại buổi hòa giải như thế nào? Công nhận kết quả hòa giải thành hay công nhận phần thỏa thuận chưa thực hiện?

Trường hợp thỏa thuận thành, các bên đã thực hiện một phần hoặc không thực hiện trong thời hạn mà các bên thỏa thuận (nhưng vẫn trong thời hạn 6 tháng theo Điều 418 BLTTDS), người khởi kiện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì Tòa án có thụ lý việc dân sự để công nhận kết quả Hòa giải không, hay hướng dẫn người khởi kiện làm thủ tục khởi kiện lại tại Tòa án?

Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS năm 2015. Theo đó, Tòa án không xem xét yêu cầu công nhận việc các bên đã thực hiện một phần thỏa thuận hay thực hiện toàn bộ thỏa thuận, mà căn cứ vào việc có căn cứ và hợp pháp của các thỏa thuận để công nhận theo yêu cầu của các đương sự.

Trường hợp hòa giải thành (các bên đã thực hiện một phần hoặc không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn mà các bên thỏa thuận nhưng vẫn trong thời hạn 6 tháng theo Điều 418 BLTTDS), người khởi kiện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì tòa án thụ lý việc dân sự để xem xét yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành.

Trong vụ án ly hôn, quá trình Hòa giải viên tiến hành hòa giải thì người khởi kiện rút đơn nhưng không đồng ý lập biên bản hòa giải thành vì người khởi kiện không về đoàn tụ. Theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/ 10/ 2018 thì Hòa giải viên tiến hành lập biên bản hòa giải. Vậy biên bản hòa giải trong trường hợp này có được tính là hòa giải thành không?

Đối với vụ án ly hôn, nếu sau khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải mà người khởi kiện rút đơn thì được coi là hòa giải đoàn tụ thành và biên bản hòa giải trong trường hợp này được tính là hòa giải thành.

 

 

THÁI VŨ