Một số trường hợp thất thoát, lãng phí nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước

Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường xung quanh vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.  Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ tiếp tục phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thảo luận đã bao quát toàn diện, phong phú, sâu sắc

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua một ngày làm việc tích cực, khẩn trương đã có 46 đại biểu phát biểu ý kiến và một ý kiến tranh luận, đại diện cho Chính phủ có hai Bộ trưởng, trưởng ngành phát biểu, làm rõ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Nhìn chung, nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đầy trách nhiệm và mang tính xây dựng cao.

Các vị đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Đoàn giám sát, đồng thời cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội. Quốc hội cũng chia sẻ với Đoàn về hệ thống số liệu chưa đầy đủ, cơ sở dữ liệu quốc gia trên nhiều lĩnh vực còn yếu, khó lượng hóa một cách đầy đủ cả về thực hành tiết kiệm cũng như chống lãng phí, mặc dù đã huy động rất lớn lực lượng tham gia giám sát chuyên đề này.

 

Quốc hội thảo luận sôi nổi

Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 330 của Đoàn giám sát của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội khẳng định, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành cùng với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Theo đó, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí còn lớn, nghiêm trọng làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Quốc hội đã phân tích kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế.

Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được tập hợp, ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn Giám sát phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến, có giải trình và hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào chiều ngày 15/11.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các vấn đề liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc lĩnh vực các Bộ, ngành trong các nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp này cũng như trong thảo luận dự án Luật đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tiếp tục lồng ghép trong việc chất vấn và thảo luận tới đây.

Mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện bởi những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%... Đặc biệt bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...).

 

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển. Bộ trưởng cũng nêu một số nguyên nhân tác động đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khẳng định đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị nên vấn đề về văn bản quy phạm pháp luật phải được hoàn thiện; tiếp tục hoàn thiện về các giải pháp, về trách nhiệm của cơ quan quản lý và vấn đề giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. 

Bộ trưởng cho biết có nhiều vướng mắc trong Luật Đầu tư công là một trong những khiến nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần. Bên cạnh đó, vướng mắc trong Luật Đất đai hiện hành dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thu hồi đất, bởi sau khi có quyết định thu hồi, cơ chế để đền bù, bồi thường cho nhà đầu tư đã đầu tư trên đất như nào vẫn nằm trên giấy, không triển khai được trên thực tế…. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu thực trạng, nguyên nhân khiến các dự án BT chậm tiến độ.

Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô (Nghị định 04), quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí… Trong đó, dự kiến tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính đã 2 lần công khai trên Cổng Thông tin điện tử, theo đó, dự thảo quy định rõ tiêu chí về việc mua sắm ô tô tại cấp huyện, nhằm giải quyết các vương mắc hiện tại.

Nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát

Nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp tích cực với các Bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện. 

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Giải trình về hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Mặc dù, chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, mặc dù hoạt động công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù, bản chất nghiên cứu khoa học là có tính mới, tính rủi ro, có độ trễ, các nghiên cứu khoa học triển khai trong nhiều giai đoạn và nhiều kết quả nghiên cứu thành công còn cần tiếp tục được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, hoặc nguồn lực của xã hội để phát huy trong thực tế. Thời gian vừa qua, Bộ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh được tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từng thời kỳ. 

Trong giai đoạn vừa qua, đóng góp của ngành khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế- xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp GDP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao… Các chỉ tiêu này trong giai đoang 2016-2020 đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho bết, từ năm 2013 đến nay, hàng năm Bộ công bố Sách trắng về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các tổ chức liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, tổ chức đánh giá, thử nghiệm tại một số địa phương nhằm đo lường năng lực, kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, qua đó đánh giá được mối tác động giữa các hoạt động khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế xã hội từng vùng.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận - Ảnh: Qh.vn

 

THÁI VŨ