Tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế

Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế (International Association of Jugdes - IAJ) được thành lập năm 1953 tại Áo. Đây là một tổ chức quốc tế chuyên nghiệp, phi chính trị, tập hợp các hiệp hội Thẩm phán quốc gia, không phải Thẩm phán riêng lẻ, được Hội đồng Trung ương phê chuẩn để kết nạp vào Hiệp hội. Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế hiện có 92 thành viên là Hiệp hội Thẩm phán của các quốc gia. Hiệp hội không bao gồm bất kỳ nhân vật chính trị hoặc tổ chức công đoàn.[1]

Mục đích của Hiệp hội

Hiệp hội được thành lập nhằm các mục đích sau: (i) bảo vệ sự độc lập của cơ quan tư pháp, như một yêu cầu thiết yếu của chức năng tư pháp và bảo đảm quyền và tự do của con người; (ii) bảo vệ quan điểm lập hiến và đạo đức của cơ quan tư pháp; (iii) tăng cường, nâng cao kiến ​​thức và sự hiểu biết của Thẩm phán bằng cách liên hệ, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với Thẩm phán của các quốc gia khác; (iv) tạo diễn đàn để các Thẩm phán cùng nghiên cứu các vấn đề tư pháp và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện.

Tổ chức của Hiệp hội

Tổ chức của Hiệp hội gồm các cơ quan sau đây:

– Hội đồng Trung ương: Đây là cơ quan của Hiệp hội chịu trách nhiệm xây dựng chính sách. Mỗi hiệp hội thành viên có hai đại diện trong Hội đồng và một phiếu bầu. Hội đồng Trung ương bỏ phiếu về việc kết nạp thành viên mới, kiểm tra các hoạt động quản lý của Đoàn chủ tịch và Ban thư ký, phê chuẩn các nghị quyết và tuyên bố, cũng như các chủ đề và kết luận của các Ủy ban nghiên cứu. Hội đồng Trung ương cũng là cơ quan có thể thay đổi các quy định của Hiệp hội. Hội đồng Trung ương họp mỗi năm một lần tại các địa điểm khác nhau. Phiên họp gần đây nhất (lần thứ 62) được tổ chức tại Nur-Sultan (Kazakhstan) từ ngày 15-17/9/2019.

– Đoàn chủ tịch: Đoàn chủ tịch bao gồm Chủ tịch và 6 Phó chủ tịch. Đoàn chủ tịch họp 2 lần một năm để bàn bạc, quyết định liên quan đến các vấn đề hành chính, điều hành hằng ngày của Hiệp hội. Chủ tịch đương nhiệm của Hiệp hội là ông Tony Pagone (người Australia). Giúp việc cho Đoàn chủ tịch là Ban thư ký.

– Các Ủy ban nghiên cứu: Hiệp có bốn Ủy ban nghiên cứu, xử lý tương ứng với quản lý tư pháp và tình trạng của tư pháp, luật dân sự và thủ tục, luật hình sự và thủ tục, luật công và xã hội. Những Ủy ban này bao gồm các đại biểu từ các hiệp hội quốc gia. Họ nhóm họp hàng năm ở cùng địa điểm với Hội đồng Trung ương. Dựa trên các báo cáo quốc gia nhận được, các thành viên của ủy ban nghiên cứu và thảo luận các vấn đề lợi ích chung, liên quan đến quá trình công lý, trên cơ sở so sánh và xuyên quốc gia.

– Các nhóm hiệp hội theo khu vực: Hiệp hội Thẩm phán quốc tế được chia thành 4 nhóm hiệp hội theo khu vực, bao gồm Nhóm châu Âu (44 thành viên), Nhóm châu Phi (19 thành viên), Nhóm châu Á, bắc Mỹ và châu Đại dương (14 thành viên),[2] Nhóm các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (Ibero-American) (19 thành viên).

Các nhóm hiệp hội theo khu vực sẽ họp 2 lần một năm để thảo luận các vấn đề có liên quan đến tư pháp trong khu vực.

Ngoài ra, Hiệp hội còn có đại diện tại Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ), Geveva (Thụy Sỹ) và Viên (Áo).

Phương thức hoạt động của Hiệp hội

Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, Hiệp hội hoạt động trên cơ sở các phương thức sau: (i) tổ chức các hội nghị và các cuộc họp của Ủy ban nghiên cứu; (ii) thiết lập quan hệ văn hóa; (iii) thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ thân thiện giữa các Thẩm phán của các quốc gia khác nhau; (iv) tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau giữa các hiệp hội quốc gia và các nhóm; khuyến khích trao đổi thông tin và tạo điều kiện cho các chuyến thăm của Thẩm phán đến các quốc gia khác; (v) các phương thức hoạt động khác được chấp thuận bởi Hội đồng Trung ương.

Hiệp hội có tư cách tham vấn với Liên hợp quốc (có sự tham khảo cụ thể của Văn phòng lao động quốc tế và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Hoa Kỳ) và với Hội đồng Châu Âu.

 

 Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào đại diện TANDTC tiếp Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán quốc tế ngày 04/10/2019  

Kết nạp thành viên của Hiệp hội

Chỉ các hiệp hội thẩm phán quốc gia hoặc các nhóm thẩm phán đại diện quốc gia mới có thể là thành viên của Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế. Cá nhân Thẩm phán không đủ điều kiện để trở thành thành viên của Hiệp hội.

Đơn đề nghị gia nhập Hiệp hội phải được Chủ tịch hoặc Tổng thư ký của Hiệp hội Thẩm phán quốc gia hoặc đại diện nhóm Thẩm phán gửi đến Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế (có trụ sở tại Rome, Italy). Đơn đề nghị gia nhập bao gồm thông tin chính về hiệp hội (thời gian thành lập, tổ chức và hoạt động, dữ liệu chi tiết về số lượng thẩm phán thuộc hiệp hội so với tổng số thẩm phán phục vụ trong cả nước, v.v..).

Hiệp hội hoặc nhóm Thẩm phán đề nghị gia nhập phải là đại diện của ngành tư pháp của đất nước. Hiệp hội hoặc nhóm Thẩm phán phải cung cấp bằng chứng rằng các hoạt động và nguyên tắc của nó phù hợp với các nguyên tắc được thể hiện trong hiến chương của Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế.

Trên cơ sơ Đơn đề nghị gia nhập, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế sẽ chỉ định một báo cáo viên để thẩm tra, xem xét việc xin gia nhập. Trên cơ sở kết quả xem xét, đánh giá, báo cáo viên sẽ báo cáo lên Đoàn chủ tịch của Hiệp hội. Đoàn chủ tịch sẽ soạn thảo một đề xuất về việc xét gia nhập hiệp hội thành viên, trình lên Hội đồng Trung ương tại phiên họp gần nhất. Nếu đạt được 2/3 tổng số phiếu ủng hộ, hiệp hội hoặc nhóm Thẩm phán quốc gia sẽ được kết nạp vào Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế.

Theo quyết định được Hội đồng Trung ương thông qua năm 2013, các hiệp hội hoặc nhóm Thẩm phán nộp đơn gia nhập phải trả cho Tổng thư ký một khoản phí hành chính, phục vụ cho việc xem xét, kết nạp thành viên.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam, với lộ trình thực hiện là: Giai đoạn 2019 đến 2020 nghiên cứu xây dựng Đề án; giai đoạn 2020 đến 2025 triển khai thực hiện Đề án.[3] Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án, Tòa án nhân dân tối cao đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc thành lập hoạt động của Hiệp hội Thẩm phán. Tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế như giới thiệu ở trên là nguồn tham khảo quan trọng, hữu ích trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam./.

 

[1] Bài viết được thực hiện dựa trên các thông tin tại website chính thức của Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế tại địa chỉ: https://www.iaj-uim.org.

[2] Các quốc gia tại châu Á tham gia Hiệp hội Thẩm phán Quốc tế: Trung Quốc (Đài Loan), Nhật Bản, Đông Timor, Mông Cổ, Li Băng, I-rắc và Kazakhstan.

[3] Mai Thoa, Xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam, Báo Công lý điện tử, tại https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/xay-dung-de-an-thanh-lap-hiep-hoi-tham-phan-viet-nam-297638.html, ngày 07/5/2019.

TẠ ĐÌNH TUYÊN