Để “sự cố” trong ngành y tại BVĐK Hoà Bình không còn lặp lại…

Cho tới thời điểm hiện nay, liên quan đến vụ án vô ý gây chết người xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhiều bác sĩ chuyên môn, cán bộ kỹ thuật, lãnh đạo bệnh viện đã bị khởi tố. Những kiến nghị của TAND tỉnh Hòa Bình đã được CQCSĐT Công an tỉnh Hòa Bình làm rõ trong bản kết luận điều tra bổ sung, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần cân nhắc .

Tuy nhiên, giá như quy trình kỹ thuật thận nhân tạo và quản lý, xử lý và kiểm soát chất lượng nước RO như trong Quyết định số 2482/QĐ-BYT ngày 13/4/2018 của Bộ Y tế được ban hành sớm hơn 1 năm trước để những người được giao trực tiếp quản lý, sửa chữa hệ thống nước RO tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình tuân thủ thì có thể hậu quả nghiêm trọng làm chết 9 bệnh nhân đã không xảy ra. Và để sự cố hy hữu trong ngành y tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình không còn lặp lại, cần phải truy trách nhiệm quản lý ngành, vì xem ra trách nhiệm trong sự cố này không chỉ thuộc những người đã bị khởi tố.

Không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO?

Những kiến nghị của TAND tỉnh Hòa Bình đã được CQCSĐT Công an tỉnh Hòa Bình làm rõ trong bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh này hồi cuối tháng 5/2017.

Theo kết luận điều tra bổ sung: Về chủ trương xã hội hóa, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập. Thế nhưng, cho đến khi sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017 thì chưa có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO nào được ban hành. Chỉ đến ngày 13/4/2018, sau khi sự cố xảy ra một thời gian dài, Bộ Y tế mới có Quyết định số 2482/QĐ-BYT ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật thận nhân tạo, bao gồm cả 7 quy trình kỹ thuật chi tiết về quản lý, xử lý và kiểm soát chất lượng nước RO

Nội dung kết luận điều tra cũng khiến mọi người giật mình vì đến thời điểm xảy ra sự cố thì những quy định liên quan đến quy trình khám chữa bệnh đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo chưa được Bộ Y tế quy định rõ ràng.

Trở lại vụ án xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, từ năm 2010, ông Khiếu với tư cách PGĐ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình phụ trách khoa Hồi sức tích cực trong đó có Đơn nguyên thận nhân tạo đã ký Hợp đồng với bệnh viện Bạch Mai về chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho bác sỹ và điều dưỡng viên của bệnh viện Đa khoa Hoà Bình gồm tài liệu và kỹ thuật Lọc máu HD cấp cứu, Lọc máu HD chu kỳ, Xử lý nước, Xử lý lại quả lọc trong lọc máu, đường vào mạch máu tạm thời trong lọc máu. Hai bên đã ký nghiệm thu và thanh lý hợp đồng sau 3 tháng cử cán bộ đi đào tạo theo hợp đồng, tiếp nhận toàn bộ khung chương trình và toàn bộ kỹ thuật chuyển giao để thực hiện kỹ thuật lọc máu (thận nhân tạo) tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế nên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã không xây dựng quy trình riêng cho việc sửa chữa, bảo dưỡng, bàn giao hệ thống nước RO mà thực hiện theo Quy chế bệnh viện (quy định về chức năng của các phòng, khoa, ban, cá nhân liên quan) và quy định chung về chuyên môn. Và Bệnh viện cũng không thể xây dựng quy trình riêng về quản lý nước RO mà thực hiện theo các yêu cầu chuyển giao kỹ thuật công nghệ từ Bệnh viện Bạch Mai cho các bác sỹ, cán bộ được đào tạo theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Việc triển khai các quy trình chạy thận cũng thực hiện theo hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật nêu trên. Tuy nhiên, một trong các yêu cầu điều tra để khởi tố Giám đốc bệnh viện này lại là do không ban hành quy trình riêng cho Bệnh viện (?).

Lỗ hổng trong phân công nhân sự chuyên trách?

Nội dung kết luận điều tra bổ sung cũng ghi rõ: Sở Y tế Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 1293/QĐ-SYT ngày 31/12/2009, Quyết định số 173/QĐ-SYT ngày 17/3/2014 phê duyệt danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh, trong đó kỹ thuật thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Quá trình 8 năm Đơn nguyên thận nhân tạo hoạt động, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra nhiều lần, quá trình điều tra cũng không phát hiện ông Trương Quý Dương- Giám đốc Bệnh viện có sai phạm trong việc ký hợp đồng liên doanh, liên kết mua bán, sửa chữa máy móc, thiết bị máy chạy thận nhân tạo. Trong khi đó, 8 trên 13 liên kết khai thác của Công ty Thiên Sơn đã được chuyển quyền sở hữu cho bệnh viện mà không phải sử dụng đến ngân sách nhà nước.

Trong kết luận bổ sung kết luận điều tra có nêu: Đối với hoạt động lọc máu chu kỳ tại Đơn nguyên thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì Sở Y tế chưa sâu sát trong vai trò quản lý, giám sát để xảy ra tình trạng Giám đốc bệnh viện không có quyết định phân công cá nhân phụ trách Đơn nguyên, không có quyết định giao việc quản lý sử dụng hệ thống lọc nước RO cho cá nhân cụ thể; việc sử dụng hệ thống lọc nước RO dùng trong lọc máu tùy tiện dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Kết luận điều tra bổ sung cũng thể hiện Giám đốc Bệnh viện đã ban hành Quyết định 261/QĐ-BVĐK ngày 14/4/2015 phân công Phó Giám đốc Hoàng Đình Khiếu phụ trách Khoa hồi sức tích cực (trong đó có Đơn nguyên thận nhân tạo). Và thực tế, hồ sơ vụ án cũng thể hiện ngày 29/02/2016, ông Hoàng Đình Khiếu cũng đã thay Giám đốc ký hàng hoạt các quyết định giao hệ thống nước RO và các máy chạy thận nhân tạo cho ông Hoàng Công Tình- Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực quản lý, sử dụng và bảo quản theo Quy chế bệnh viện.

Điều đáng nói là đối với hậu quả 8 bệnh nhân tử vong sau sự cố chạy thận nhân tạo ngày 29/5/2017, cũng có ý kiến chuyên môn cho rằng, việc có ban hành các quyết định phân công nhân sự hay không tại Đơn nguyên thận nhân tạo không phải là nguyên nhân dẫn đến sự cố mà do sự bất cẩn nhất thời của cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại thời điểm gây ra.

Kỳ vọng vào các cơ quan tư pháp 

Vụ án đang được sự quan tâm dõi theo của dư luận xã hội, đặc biệt là sự quan tâm theo dõi của những người làm trong ngành y và những gia đình có người thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo phải đi chạy thận hàng tuần. Bên cạnh đó cũng còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc khởi tố giám đốc Bệnh viện trong lần trả hồ sơ điều tra bổ sung gần đây. Một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật theo tinh thần không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội được dư luận kỳ vọng ở các cơ quan tư pháp.

Theo hồ sơ vụ án, vào sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người lần lượt tử vong. Công an sau đó vào cuộc điều tra xác định nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.

Trong phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị Hoàng Công Lương 30 – 36 tháng tù treo, Trần Văn Sơn 4 – 5 năm tù và Bùi Mạnh Quốc bị đề nghị mức án 5 – 6 năm tù. Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 6 vấn đề: Làm rõ những chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương; Kiến nghị xem xét khởi tố, điều tra với ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc Bệnh viện) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BVĐK tỉnh; Kiến nghị truy cứu trách nhiệm với ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư – thiết bị, BVĐK Hòa Bình) về trong việc gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến sự cố trên; Điều tra làm rõ đối với việc ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện) trong việc ký kết việc hợp đồng, liên doanh sửa chữa thiết bị trong bệnh viện; Làm rõ việc ông Hoàng Công Tình (Phó Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh) ghi thêm nội dung nghiệp vụ của bị cáo Hoàng Công Lương.

Theo phaply.vn

VŨ HUYỀN