Hà Nội: Người dân bức xúc khi không được đền bù trên đất đã ở hàng chục năm

Thời gian qua, Tạp chí Tòa án Nhân dân nhận được đơn thư của nhiều hộ dân tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội có đất nằm trong diện bị thu hồi đất, nhưng không được bồi thường, mặc dù đã sinh sống hàng chục năm nay.

Bà Thức chỉ tay về khu đất nơi bà sống mấy chục năm, nhưng khi thu hồi lại không có hỗ trợ tái định cư

Trong đơn gửi đến Tạp chí Tòa án nhân dân, bà Nguyễn Thị Thức ở tổ dân phố Ngọa Long 2, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, gia đình bà sử dụng đất vào mục đích đất ở liên tục, ổn định, ngay tình, không tranh chấp, không có bất cứ văn bản hành chính ngăn chặn nào của chính quyền địa phương từ những năm 80 của thế kỉ XX. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án “Xây dựng hạ tầng kĩ thuật phục vụ xây dựng Trụ sở Công an phường Minh Khai vào năm 2017” thì Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm xác định giá đất bồi thường cho gia đình bà là “0 đồng”, “xác định không đủ điều kiện bồi thường về đất cho gia đình tôi, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, ảnh hưởng đặc biệt tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình”, bà Thức cho hay.

Bà Thức cho rằng, gia đình bà có đủ căn cứ để yêu cầu chính quyền địa phương đền bù thỏa đáng cho mình. Đó là, căn cứ sổ hộ khẩu của Công an thành phố Hà Nội số: 849575, quyển số 01, trang số 85 do Công an quận Nam Từ Liêm xác nhận cấp ngày 06 tháng 08 năm 2005. Trong đó cho thấy hộ gia đình bà đã được xác nhận có đăng kí thường trú tại xã Minh Khai, huyện Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội từ tháng 12 năm 1988.

Vào năm 2010, văn bản trả lời của UBND phường Minh Khai, xác nhận về nguồn gốc thu hồi giải phóng mặt bằng của gia đình bà thực hiện dự án mở rộng đường 32 và việc bà Thức có tên trong sổ mục kê do Ủy ban Phường Minh Khai quản lý, diện tích sau thu hồi năm 2010 của gia đình bà còn lại là 87m2. Điều này cho thấy, bà Thức được xác định sử dụng đất và công trình nhà xây dựng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993.

Sổ hộ khẩu của bà Thức thể hiện gia đình bà đang sống trên địa bàn

Căn cứ phiếu xác nhận số: 357/XN-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2017 của UBND phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tại trang số 03, tờ số 02, phần 1 và 2, mục IV dòng thứ 04, 05 và 06 từ dưới lên. UBND phường Minh Khai xác nhận: Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thức sử dụng đất không tranh chấp và không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp có thẩm quyền. Có thể đương nhiên khẳng định rằng hộ gia đình tôi đã sử dụng đất vào mục đích đất ở liên tục, công khai, ngay tình, ổn định, không tranh chấp, không có bất cứ khiếu nại nào từ những năm 80 của thế kỉ trước.

Căn cứ sổ mục kê, tờ bản đồ năm 1994 và năm 2000 của UBND phường Minh Khai. Thể hiện thửa đất số 34, tờ bản đồ số 19, bản đồ năm 1994 thể hiện rằng có công trình trên đất, diện tích 241 m2. Mục ghi chú ghi “Ng Thị Thức”.

Bà Thức bức xúc cho rằng trong quá trình triển khai quy trình thu hồi đất, các hộ dân không được mời họp lấy ý kiến quy hoạch, không được biết đến chủ trương thu hồi đất. “Trong khi đó, trong bản giới thiệu dự án thì thể hiện chủ yếu là đất trống là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi lẽ thực tế từ những năm 90 của thế kỉ trước các hộ gia đình chúng tôi đã có nhà ở ổn định, ngay tình và không xảy ra tranh chấp gì”, bà Thức nói.

Nhiều hộ dân ở đây cũng cho rằng, việc xây dựng công trình nhà ở trước ngày 15/10/1993 hoặc có công trình xây dựng trước ngày 01/07/2004, hoặc có công trình nhà ở trước năm 2006. Tất cả các công trình nhà ở đều không có bị các quyết định, hay văn bản hành chính nào ngăn chặn, thứ nữa khi đó còn chưa hình thành nên Luật xây dựng.

“Các hộ gia đình chúng tôi sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (phường Minh Khai) xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất. Thì chúng tôi hiện tại phải được công nhận là đất ở và được hưởng quyền lợi tối đa khi Nhà nước thu hồi đất. Việc vi phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm là hoàn toàn không đúng mức bồi thường, gây thiệt hại lên tới hàng tỉ đồng của các gia đình chúng tôi. Ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các gia đình chúng  tôi”, bà Thức nói.

Thực tiễn cho thấy, tính phức tạp của tranh chấp đất đai, khiếu nại không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân có tính lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ, những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế mà còn từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của cơ quan hành chính Nhà nước, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai, sự thiếu trách nhiệm, không công tâm, khách quan của một bộ phận cán bộ, công chức, người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ, đã gây bức xúc trong nhân dân.

PV