Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội Đánh bạc

Điều 321 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về tội “Đánh bạc”, đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, gây mất trật tự địa phương, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án có dấu hiệu của tội này nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập trong quy định của pháp luật.

Từ thực tiễn xét xử các vụ án đánh bạc nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập và qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn, thi hành tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định về tội “Đánh bạc” như sau:

Thứ nhất, về sửa đổi tên gọi, cấu trúc của điều luật. Để đảm bảo chính xác, tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu, áp dụng sửa đổi tên Điều 321 từ tội “Đánh bạc” thành tội “Đánh bạc trái phép”; sửa đổi tên Điều 322 từ tội “Tổ chức đánh bạc” thành tội “Tổ chức đánh bạc trái phép” để đảm bảo chính xác.

Thứ hai, đưa dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Đánh bạc trái phép” vào trong nội dung của điều luật. Dưới góc độ khoa học pháp lý thì khái niệm tội “Đánh bạc trái phép” đã được làm rõ. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cũng như văn bản hướng dẫn còn chưa nêu được đầy đủ dấu hiệu khách quan của tội phạm, chưa đưa đầy đủ khái niệm tội “Đánh bạc trái phép” vào quy định của điều luật, dẫn tới việc nhận thức cũng như áp dụng còn chưa thống nhất và chính xác.

Thứ ba, việc quy định tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Gá bạc” trong cùng một điều luật là không phù hợp. Do đó, tác giả đề nghị tách Điều 322 thành hai điều luật độc lập; một điều quy định về tội “Tổ chức đánh bạc trái phép” và một điều luật quy định về tội “Gá bạc”. 

Thứ tư, Điều 321, 322 BLHS năm 2015 thì tài sản dùng vào việc đánh bạc được điều luật xác định là “tiền hoặc hiện vật”. Đây là vấn đề bất cập, vướng mắc, quy định này không bao quát hết nếu trong trường hợp con bạc sử dụng cả những tài sản là các loại giấy tờ có giá trị khác nhằm vào mục đích đánh bạc.

Vì vậy, theo quan điểm của tác giả cụm từ “tiền hoặc hiện vật” cần sửa đổi thành “tiền, hiện vật hoặc các tài sản khác” để làm cơ sở cho việc xác định về định lượng được chính xác. 

Thứ năm, ban hành Nghị quyết hướng dẫn thay thế cho Nghị quyết 01/2010 trong đó sửa đổi những nội dung sau để bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật. 

Bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP về căn cứ xác định tiền hoặc hiện vật có giá trị dùng để đánh bạc như sau:

“Tiền hoặc hiện vật có giá trị dùng đánh bạc bao gồm: 

d. Tiền hoặc hiện vật có giá trị khác mặc dù chưa thu giữ được nhưng có căn cứ đã được hoặc sẽ được dùng vào việc đánh bạc.”.

Bổ sung quy định hình thức cộng dồn đối với số tiền dùng đánh bạc, do đó việc xác định tiền, giá trị hiện vật trong hai trường hợp đánh bạc được quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP cần sửa đổi như sau:

“Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc không được tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc để xem xét. Cụ thể như sau:

a. Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội Đánh bạc. Trừ trường hợp các lần đánh bạc được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian mà tổng số tiền các lần đánh bạc từ năm triệu đồng trở lên.

b. Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của các lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5 triệu đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó. Trong trường hợp này, số tiền các lần đánh bạc trên mức tối thiểu được cộng dồn lại để xem xét việc định khung hình phạt.”.

Bổ sung quy định về căn cứ xác định tiền hoặc hiện vật có giá trị dùng để đánh bạc. Do đó khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Tiền hoặc hiện vật có giá trị dùng đánh bạc bao gồm:

d. Tiền hoặc hiện vật có giá trị khác mặc dù chưa thu giữ được nhưng có căn cứ đã được dùng vào việc phạm tội.”

Sửa đổi, bổ sung điểm a, b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2010 như sau:

“Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau là hình thức đánh bạc mà những người đánh bạc trực tiếp ăn thua với nhau hoặc trong số những người tham gia đánh bạc có người đứng ra làm cái đánh bạc với những người đánh bạc khác nhưng số tiền mà người làm cái hoặc những người đánh bạc khác có sự dịch chuyển qua lại như hình thức ba cây, tài xỉu... Trong trường hợp này thì tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng người là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng tham gia đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 điều này. Trong một lần đánh bạc thì một người đánh bạc có thể chơi làm nhiều ván và một lần đánh bạc được tính từ khi bắt đầu đánh bạc cho đến khi kết thúc việc đánh bạc;

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.”.

Sửa đổi bổ sung quy định tại mục 5.1 và mục 5.2 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP theo hướng bỏ quy định việc xác định số tiền đánh bạc dựa vào thời điểm phát hiện hành vi phạm tội mà chỉ dựa vào thời điểm hành vi phạm tội đã hoàn thành như sau:

“5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi lô để, cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền hoặc giá trị hiện vật mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là số tiền mà họ phải trả cho người chơi nếu họ thua những người chơi số đề, cá độ.”

Bổ sung trong nghị quyết hướng dẫn những trường hợp như sau:

- Hướng dẫn cách tính số tiền đánh bạc trong trường hợp các đối tượng tham gia đánh bạc thỏa thuận việc thanh toán với nhau không bằng tiền mặt trực tiếp mà bằng cách quy đổi từ điểm, phỉnh... thành tiền khi kết thúc việc đánh bạc.

- Hướng dẫn cách tính số tiền đánh bạc đối với hình thức đánh bạc bằng công nghệ cao thông qua các trang Web cá cược mà máy chủ (server) đặt ở nước ngoài và việc thanh toán tiền đánh bạc thông qua hệ thống thanh toán quốc tế.

- Hướng dẫn việc xác định tội danh đối với các trường hợp “ké bạc với nhà cái, ké bạc với người đánh bạc” để áp dụng thống nhất.

- Hướng dẫn việc định tội danh trong trường hợp một người cho sử dụng địa điểm làm chỗ đánh bạc, khi nào hành vi này cấu thành Tội Tổ chức đánh bạc, khi nào hành vi này cấu thành Tội Gá bạc.

- Bổ sung hướng dẫn việc quy đổi ngoại tệ sang Việt Nam đồng để tính số tiền dùng để đánh bạc trong trường hợp sử dụng ngoại tệ.

- Bổ sung hướng dẫn cụ thể để làm rõ như thế nào là sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc.  

Thứ sáu, cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể phân biệt rõ tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hành vi gian dối sắp xếp đánh bạc và sắp xếp kết quả. Bởi lẽ dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo phải là (người nào) có thủ đoạn gian dối làm người khác tưởng giả là thật, giao tài sản cho chiếm đoạt. 

Theo Lsvn.vn

 

 

NGÔ ANH DŨNG (Tòa án Quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội)