Tự ý bắt con sống xa mẹ là trái pháp luật

Chuyện hôn nhân đổ vỡ có muôn vàn lý do, hoàn cảnh khác nhau, nhưng trường hợp chị Lê Thị Oanh ở Đà Nẵng thì khá đặc biệt. Hai năm nay chị không được gặp con trai vì chồng chị đã tự ý gửi cháu về quê ngoài Bắc ở với bà nội, tạo sức ép để chị phải ly hôn…

Tạp chí Tòa án nhân dân nhận được đơn thư của chị Mai Thị Oanh (sinh năm 1987) cư trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Tp Đà Nẵng, phản ánh về việc chồng chị bạo hành gia đình đã “bắt ép” con trai (sinh năm 2015) gửi về quê giao cho bà nội cháu nuôi dưỡng mà không hề hỏi ý kiến chị. Từ đó đến nay gần 2 năm trời chị vẫn chưa được gặp con.

Theo lời chị Oanh chia sẻ: Chị và anh Lê Thanh Dư [1] kết hôn với nhau vào ngày 09/01/2012 tại quê nhà ở Nam Định. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển vào Đà Nẵng sinh sống và có với nhau ba người con chung, trong đó con nhỏ nhất 24 tháng tuổi, con lớn nhất mới 8 tuổi. Chồng làm nghề lái xe, vợ bán hàng tạp hóa, kinh tế tạm ổn.

Vài năm gần đây, cuộc sống vợ chồng chị bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, cãi vã nhiều hơn khi anh Dư không quan tâm đến gia đình mà chỉ biết mải mê với những cuộc vui rượu chè tụ tập cùng bạn bè. Công việc của anh khá bấp bênh, thu nhập không ổn định, mỗi tháng anh chỉ đưa cho chị 3 triệu đồng để chi tiêu cho một gia đình 5 miệng ăn, cô con gái út thì mắc bệnh hiểm nghèo, tiền chạy chữa rất tốn kém. Chị Oanh vừa phải lo cho các con, vừa phải gánh vác kinh tế gia đình, thu nhập chính từ một tiệm tạp hoá nhỏ do một tay chị gây dựng.

Tình hình ngày càng tệ đi khi mà anh Dư thường xuyên say xỉn, về nhà thì la mắng, đánh đập vợ. Theo lời con gái lớn của chị Oanh kể lại:Buổi tối khi con đang học bài, bố đi nhậu về nhiều lần đánh mẹ, con rất sợ, con không thể học tiếp được. Hai chị em con cứ khóc thét lên!. PV cũng đã gặp bà H – hàng xóm chị Oanh, bà H cho biết: “Lúc đầu, thấy thằng Dư đánh con Oanh, tôi cứ tưởng chỉ xích mích, cãi nhau chút rồi thôi nhưng việc đánh đập vợ còn xảy ra nhiều lần sau đó nữa, hàng xóm xung quanh ai cũng thấy”. Mặc dù thường xuyên bị chồng đánh đập vô cớ nhưng vì các con chị Oanh phải cắn răng nhẫn nhịn.

Nói về nguyên nhân ly hôn, chị Oanh cho biết, thời gian trước vợ chồng chị mua một miếng đất, vì không đủ tiền nên chị Oanh phải mượn tiền của người thân trong gia đình bên ngoại để chi trả và số còn lại phải vay ngân hàng. Chị Oanh phải chật vật trả tiền ngân hàng mỗi tháng từ tiền tích góp buôn bán của hàng tạp hoá của mình, đến bây giờ vẫn còn nợ số tiền khá lớn.

Trong thời gian từ năm 2019 đến nay anh Dư liên tục đòi ly hôn để chia tài sản, lấy tiền trả nợ. Chị Oanh không đồng ý vì vẫn còn nợ tiền của họ hàng nên anh Dư đã bắt cháu Lê Đức Anh (sinh năm 2015) gửi về quê Nam Định, giao cho bà nội cháu (70 tuổi) trông nom, nhằm ép vợ ly hôn.

Bà T – hàng xóm chị Oanh bức xúc kể lại: “Tối hôm đó tôi thấy mấy đứa nhỏ đang chơi trước sân, lát sau Dư lái xe về chạy lại lấy tay kẹp cổ thằng con nhỏ kéo đi, thấy vậy tôi đã chạy lại ngăn cản đến mức té ngã nhưng Dư vẫn một mực kéo con đi”.

 

Bà T đang kể với phóng viên chi tiết việc ông Dư  bắt ép con đưa về Bắc

“Lúc anh Dư bắt con tôi đi, tôi bị sốc và khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Gần hai năm nay tôi mong ngóng con về, nhưng anh Dư không chấp nhận, tìm mọi cách ngăn cản, không cho tôi gặp con. Tôi vì hoàn cảnh mưu sinh và phải lo cho hai con nhỏ, đứa lớn mới học lớp 3 còn đứa út đang bị bệnh nan y, tháng nào cũng phải đi bệnh viện thăm khám. Nhưng dù khó khăn cực khổ đến đâu tôi cũng không cam tâm để con trai mình thiếu đi sự chăm sóc, yêu thương của mẹ và tình chị em chúng nó bị tước đoạt bởi một người cha vô trách nhiệm” - chị Oanh khóc nghẹn... chia sẻ với phóng viên.

Có thể nói, bạo hành vợ bằng hành vi đánh đập và bạo hành tinh thần bằng cách bắt con trai gửi về quê, cách xa hơn 700 cây số, trong khi bố mẹ sống ở Đà Nẵng là những hành vi đáng lên án. Tiếc rằng chị Oanh chưa biết tìm đến chính quyền, đến các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em để được giúp đỡ.

Cuối cùng, vì quá mệt mỏi, chị Oanh đành chấp nhận ly hôn, chị mong ước được nuôi cả ba con, để chúng không bị “tan đàn xẻ nghé”, để các con được quây quần trong vòng tay mẹ. Chị không tin một người chồng ăn chơi, lười biếng, thiếu trách nhiệm như Dư sẽ là người bố tốt để có thể chăm lo, dạy dỗ cho các con chị.

Chị vẫn mong cơ quan có thẩm quyền sẽ xác minh và sớm có hướng giải quyết thấu tình đạt lý, để cuộc sống của mẹ con chị được bình yên sau cuộc hôn nhân đổ vỡ này…

***

Nếu sự việc đúng như vậy, chúng tôi cho rằng hành vi của anh Dư đưa cháu Lê Đức Anh (sinh năm 2015) đưa về Nam Định, cách xa Đà Nẵng, nơi cha mẹ và chị em ruột đang sinh sống khi chưa có sự đồng ý của người mẹ là vi phạm nghiêm trọng Điều 22 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền được sống chung với cha, mẹ của trẻ em. Điều luật ghi rõ: “Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Đây cũng là biểu hiện bạo hành với trẻ em, cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Điều 96 của Luật Trẻ em cũng quy định về bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ “Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình bảo đảm điều kiện để trẻ em được sống với cha, mẹ”.  

Hành vi tự gửi con về quê giao cho bà nội cháu nuôi dưỡng của người bố, chia cắt tình mẫu tử tại thời điểm chưa có phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án cũng đặt ra câu hỏi nghi ngờ liệu anh Dư có đủ điều kiện kinh tế để lo cho con không và có tình cảm thật sự với con không? Giao con cho bố nuôi nhưng bố lại không trực tiếp nuôi con thì liệu có đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho con không? Phóng viên của Tạp chí Tòa án sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc trong những bài viết sau.

1.Tên nhân vật đã thay đổi

 

Quán tạp hóa của chị Oanh 

Nhóm PV – VP tại Miền Trung – Tây Nguyên