Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Một trong những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực bảo hiểm là thực trạng bùng nổ của những hành vi cạnh tranh không lành mạnh (CTKLM), những hành vi đó có ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng đã mà đôi khi Luật chưa kịp điều chỉnh. Tác giả đề xuất một số hướng khắc phục.

Thị trường bảo hiểm

Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế thì cạnh tranh là quá trình tất yếu xảy ra trong sự phát triển của các ngành kinh tế. Sự thay đổi thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời với sự gia tăng số lượng cũng như quy mô của các doanh nghiệp trong cùng một ngành đã tạo nên một áp lực cạnh tranh lớn hiện nay trên thị trường. Quyền tự do kinh doanh là một sự đảm bảo mang tính pháp lý vững chắc khi các chủ thể trong quan hệ này được quyền lựa chọn đối tượng, phương thức và cả cách thức kinh doanh. Tuy nhiên, việc cạnh tranh cũng làm phát sinh những hiện tượng không lành mạnh với những toan tính, những thủ đoạn, những hành vi bất chính của một số doanh nghiệp yếu kém, không chịu được sức ép của cạnh tranh hoặc của một số doanh nghiệp có lợi thế trên thị trường nhằm tiêu diệt đối thủ, giảm bớt sức ép của cạnh tranh, lừa dối khách hàng để trục lợi… Những biểu hiện không lành mạnh ấy ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp trong biểu hiện, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của thị trường.

Bảo hiểm là một lĩnh vực rất quan trọng đối với các quốc gia nói chung và với Việt Nam nói riêng. Không chỉ là một biện pháp di chuyển rủi ro, bảo hiểm ngày nay đã trở thành một trong những kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Thực tế hoạt động kinh doanh bảo hiểm thời gian qua đã cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của ngành bảo hiểm và nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Thừa Thiên Huế là vùng kinh tế trọng điểm của miền trung, là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 36 về số dân với 1.163.500 người dân, như cầu mua bảo hiểm tăng mạnh trong vài năm gần đây. Khách hàng chủ yếu quan tâm đến các sản phẩm có yếu tố tích lũy thời gian dài, đáp ứng mục tiêu giáo dục lâu dài, hay có quyền lợi bảo hiểm tai nạn, bệnh hiểm nghèo… Suy nghĩ của người dân đối với bảo hiểm ngày càng thay đổi, nhất là ở phân khúc khách hàng có thu nhập khá, ở thành phố. Nhiều gia đình sử dụng ít nhất một sản phẩm bảo hiểm, thậm chí sử dụng một vài sản phẩm kết hợp bên cạnh các hình thức gửi tiết kiệm, đầu tư, hay bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Cùng với sự phát triển của thị trường, các công ty bảo hiểm ngày càng giới thiệu nhiều sản phẩm-dịch vụ đa dạng hơn, nhằm đón đầu như cầu sử dụng bảo hiểm của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến, một trong những vấn đề nổi cộm đó là thực trạng bùng nổ của những hành vi CTKLM, những hành vi đó có ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng đã và đang tồn tại trên thị trường KDBH rất đa dạng mà đôi khi Luật chưa kịp điều chỉnh. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu để thấy rõ những biểu hiện của các hành vi CTKLM trong lĩnh vực KDBH cũng như tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này, để từ đó có những phương hướng, giải pháp thích hợp để khắc phục, góp phần làm trong sạch thị trường KDBH nói riêng và thị trường kinh doanh trong nền kinh tế nói chung.

Trong những năm gần đây, thị trường Bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế, tại tỉnh Thừa Thiên Huế số lượng doanh nghiệp KDBH ngày càng tăng, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng gay gắt hơn, phức tạp hơn đòi hỏi ở mỗi doanh nghiệp phải không ngừng mở rộng mạng lưới ở khắp mọi nơi. Mặt khác, để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các sản phẩm bảo hiểm tới tay người dân, các DNBH tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cũng như đa dạng hơn phương thức bán hàng. Bên cạnh đó vẫn có các DNBH có những hành vi CTKLM trên thị trường.

Đề xuất khắc phục

Từ việc nhận dạng các hành vi CTKLM trên thị trường bảo hiểm Việt Nam qua thực tiễn Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, đối chiếu với các quy định của Luật Cạnh tranh, tác giả có một số đề xuất sau:

Thứ nhất, cần phải xác định rõ rằng mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh với Luật KDBH nói riêng và các văn bản pháp luật quản lý Nhà nước các lĩnh vực kinh tế cụ thể nói chung là quan hệ pháp luật chung và pháp luật chuyên ngành. Trong đó, Luật Cạnh tranh đặt ra những nguyên tắc cơ bản cho việc nhận dạng hành vi và xử lý hành vi CTKLM. Các văn bản pháp luật khác khi quy định về hành vi CTKLM trong lĩnh vực điều chỉnh phải tuân thủ theo đúng các nguyên tắc này. Các văn bản pháp luật khác quy định chi tiết và bổ sung cho Luật Cạnh tranh về các hành vi CTKLM trong lĩnh vực điều chỉnh. Tuy nhiên cần có sự phân biệt giữa các hành vi CTKLM và hành vi đơn thuần chỉ vi phạm pháp luật chuyên ngành. Ví dụ, như việc hạ phí bảo hiểm, cần phân biệt rõ các hành vi hạ phí nhằm CTKLM để lôi kéo khách hàng… với các hành vi vi phạm về quản lý Nhà nước liên quan đến phí bảo hiểm như hạ phí đến mức không thể tái được làm gia tăng rủi ro an toàn tài chính của chính doanh nghiệp và hệ thống. Để làm được điều này, cần có những nghiên cứu nghiêm túc về các loại hành vi và bản chất CTKLM của chúng trong lĩnh vực bảo hiểm để có những quy định phù hợp.

Thứ hai, cần thống nhất mức xử lý vi phạm đối với các hành vi CTKLM được quy định trong Luật Cạnh tranh và trong các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật cụ thể. Với tình trạng hiện nay, khi hành vi CTKLM được quy định đồng thời trong nhiều văn bản pháp luật thì đã xảy ra tình trạng cùng một hành vi nhưng lại áp dụng các mức xử lý khác nhau sẽ tạo sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Vì vậy, Luật Cạnh tranh nên chỉ nên quy định những nguyên tắc chung về xử lý, còn mức độ xử lý nên quy định theo luật chuyên ngành để thuận lợi cho việc quản lý theo lĩnh vực của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, bên cạnh việc quy định mức xử phạt theo tỷ lệ trên doanh thu, Luật Cạnh tranh nên quy định một mức xử phạt tối thiểu doanh nghiệp bị xử phạt nếu để xảy ra hành vi hạn chế cạnh tranh, tránh tình trạng với doanh nghiệp có doanh thu 0 đồng như Fubon trong vụ việc xử phạt 19 DNBH[1], làm tăng sức răn đe đối với hành vi vi phạm.

Thứ ba, cần xây dựng được các quy định của pháp luật trong việc phối hợp xử lý các vi phạm của pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh với cơ quan quản lý cạnh tranh và cơ quan quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm và các lĩnh vực chuyên ngành khác, trong đó cần có sự thống nhất về thủ tục xử lý, đều là hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế của Nhà nước, song việc thực thi các quy định cụ thể trong từng lĩnh vực hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tích cực của các cơ quan, các cán bộ có thẩm quyền. Với các cơ quan chuyên ngành, chức năng điều tra vụ việc không phải là nhiệm vụ chính nên việc xử lý gần như chỉ bắt đầu từ khiếu nại của các doanh nghiệp hoặc sự lên tiếng của công luận. Các cơ quan chuyên ngành dường như chưa có sự chủ động phạt hiện và điều tra để xử lý các hành vi vi phạm. Trong khi đó, Luật Cạnh tranh trao cho cơ quan quản lý cạnh tranh thẩm quyền điều tra vụ việc ngay cả khi không có khiếu nại. Với thẩm quyền điều tra và với lực lượng điều tra viên, cơ quan quản lý cạnh tranh đã chủ động tiến hành các vụ việc điều tra về hành vi CTKLM một cách chủ động không phụ thuộc vào sự khiếu nại của những người liên quan. Do do, cần có những nghiên cứu thêm về cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý cạnh tranh với cơ quan quản lý chuyên ngành kinh tế cụ thể khi tiến hành điều tra và xử lý các vụ việc về hành vi CTKLM nhằm có được những đánh giá chuyên môn theo chuyên ngành, đảm bảo sự đánh giá mức độ, hành vi của các doanh nghiệp liên quan đến cạnh tranh một cách chính xác nhất.

Thứ tư, cần bổ sung trong Luật Cạnh tranh các quy định liên quan đến xử lý đối với hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc CTKLM, trong đó có xử lý đến cá nhân, người đại diện của các DNBH trong trường hợp để xảy ra các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh. Để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Cạnh tranh, trên thực tế vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp là rất lớn, do vậy, cần có sự xem xét trách nhiệm cá nhân để đảm bảo nâng cao hiệu quả của các quy định của pháp luật trong việc thực thi các quy định về cạnh tranh đối với các doanh nghiệp.

Thứ năm, để đảm bảo tránh những hành vi liên quan đến CTKLM, hạn chế cạnh tranh bị cấm trong hoạt động KDBH nhưng chưa được quy định trong pháp luật về cạnh tranh, vì vậy cần thiết phải có văn bản riêng hướng dẫn riêng về thi hành Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực KDBH để quy định cụ thể về vấn đề này nhằm định hướng cho sự phát triển an toàn, cạnh tranh lành mạnh của các DNBH trên thị trường bảo hiểm Việt Nam và góp phần giải quyết những mâu thuẫn, bất cập trong quy định quản lý chuyên ngành với các quy định trong chế định của Luật Cạnh tranh. Trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố đặc thù của thị trường bảo hiểm Việt Nam, cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ nhận biết được trong lĩnh vực mình quản lý, hành vi cạnh tranh nào sẽ có tác động tiêu cự đến thị trường, cần phải xử lý.

Ngoài các đề xuất liên quan đến hoàn thiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực KDBH, với các cơ quan chức năng và các chủ thể có liên quan khác trên thị trường cần thực hiện một số giải pháp sau.

Đường Phạm Ngũ Lão, TP.Huế – nơi có nữ du khách người Anh đến lưu trú và xét nghiệm nhiễm Covid-19 – Ảnh: Đình Toàn/ BTN

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Jérôme Yeatman (2001), Giáo khoa quốc tế về bảo hiểm, Nxb. Thống kê, Hà Nội

2. Lê Danh Vĩnh (Chủ biên) ( 2006), Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo trình Luật cạnh tranh, NXB Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh. 

3.Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà liên bang Đức năm 1909 (sửa đổi lần cuối cùng ngày 23/7/2002). http://www.qlct.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=1231&CateID=1   

  1. 4.Ngọc Lan (2011), “Tái suất cạnh tranh bảo hiểm bằng can thiệp hành chính”, http://webbaohiem.net, ngày 4/8.
  2. 5.Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Bá Linh (2008), bài nghiên cứu “Những hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm ở Việt Nam”. Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

[1] http://www.baohoabinh.com.vn/217/48062/Dieu-tran-that-bai-tai-Hoi-dong-canh-tranh-19-doanh-nghiep-bao-hiem-chiu-phat.htm

TRƯƠNG THỊ HUYỀN TRANG (Trường Đại học Luật Huế)