Pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại và thực tiễn áp dụng

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tự do phát triển kinh doanh đã làm xuất hiện một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong hợp đồng đã ký kết để cố tình vi phạm những giao kết với đối tác. Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp vi phạm hợp đồng bị áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hợp đồng như đã thỏa thuận do nhiều nguyên nhân.

Bất cập trong các quy định về bồi thường thiệt hại

 Trên thực tế, các vụ việc vi phạm hợp đồng thương mại xảy ra ngày càng nhiều, dẫn đến tranh chấp giữa các doanh nghiệp do đó mà tăng lên. Việc xác định được các căn cứ, các điều kiện quy trách nhiệm cụ thể đối với bên vi phạm, đó là những vấn đề cốt yếu phải được làm rõ mới có thể giải quyết tranh chấp xảy ra.

Bồi thường thiệt hại (BTTH) do vi phạm hợp đồng là biện pháp pháp lý quan trọng có vai trò bù đắp cho bên bị thiệt hại (bên có quyền) những tổn thất là hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, các hệ thống pháp luật khác nhau có những khác biệt về biện pháp này chẳng hạn như đối tượng thiệt hại nào được bồi thường, căn cứ áp dụng biện pháp BTTH ra sao, xác định mức BTTH như thế nào và các trường hợp nào được miễn trách nhiệm BTTH… và thực tiễn tại Việt Nam việc quy định, áp dụng pháp luật liên quan vấn đề này đang còn bộc lộ những hạn chế nhất định; nhiều tranh chấp xảy ra khó giải quyết kịp thời và triệt để.

Mặc dù đạt được nhiều ưu điểm, nhưng pháp luật hiện hành về BTTH do vi phạm HĐTM vẫn còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Cụ thể là:

Thứ nhất, các quy định về BTTH do vi phạm HĐTM còn có sự khác biệt, chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và LTM 2005

Với vai trò là hai đạo luật quan trọng nhất điều chỉnh về hợp đồng nói chung và chế tài BTTH do vi phạm HĐTM nói riêng, nhưng ngay trong BLDS 2015 và LTM 2005 đã có các quy định chưa thống nhất với nhau: nếu BLDS 2015 ghi nhận yếu tố lỗi là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiện BTTH, thì trong LTM 2005 không ghi nhận yếu tố lỗi; LTM 2005 quy định có bốn trường hợp miễn trách nhiệm cho bên VPHĐ, bao gồm: bao gồm: (1) xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; (ii) xảy ra sự kiện bất khả kháng: (iii) hành vi vi phạm cùa một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (iv) hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. BI.DS 2015 không đưa “hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng” làm căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường; BLDS 2015 yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho bên bị thiệt hại trong khi đó, LTM 2005 lại xác định phạm vi bồi thường thiệt hại là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Thứ hai, về xác định giá trị bồi thường thiệt hại

Khoản 2, điều 302 LTM 2005 xác định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm thì BLDS 2015 lại cho phép thoả thuận.

Thiết nghĩ việc các bên được thoả thuận trước mức BTTH bằng cách xác định trước một khoản tiền BTTH cụ thể trong hợp đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn cho các bên khi tham gia hợp đồng, tiết kiệm được thời gian giải quyết tranh chấp khi các bên không thống nhất được với nhau về giá trị thiệt hại cần phải bồi thường.

Thứ ba, pháp luật Việt Nam về BTTH do vi phạm HĐTM còn nhiều điểm chưa phù hợp, không tương thích với pháp luật quốc tế. Cụ thể: về phạm vi thiệt hại được BTTH do vi phạm HĐTM, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ vi phạm bồi thường có bao gồm những thiệt hại phi tiền tệ hay không (như thiệt hại do mất uy tín, thiệt hại do người bị chết, bị thương,…) và thiệt hại có tính đến mọi khoản lợi cho bên có quyền từ một khoản chi phí hay tổn thấy tránh được hay không.

Thứ tư, Các quy định về miễn trách nhiệm BTTH do vi phạm HĐTM còn một số điểm chưa được quy định rõ ràng và còn thiếu, như:

Điều 294 LTM 2005 quy định về việc miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng nhưng không quy định rõ sự kiện bất khả kháng xảy ra với chính chủ thể trong quan hệ hợp đồng hay sự kiện bất khả kháng xảy ra với bên thứ ba.

Quy định về thoả thuận về miễn trách nhiệm giữa các chủ thể trong hợp đồng cũng chưa được đầy đủ và triệt để. Ngoài ra, theo kinh nghiệm phải có những điều kiện nhất định để vừa bảo đảm tôn trọng sự tự do thoả thuận giữa các bên, vừa hạn chế việc một bên lợi dụng căn cứ này để trốn tránh trách nhiệm hợp đồng.

Quy định miễn trách nhiệm BTTH trong trường hợp hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng cũng chưa hoàn toàn triệt để vì chưa dự liệu trách nhiệm của Nhà nước đối với người bị thiệt hại trong trường hợp này.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Giải pháp khắc phục

Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hợp đồng Việt Nam để hiểu rõ các nguyên nhân hạn chế, bất cập để tìm các giải pháp, đề xuất hoàn thiện pháp luật hợp đồng Việt Nam, cụ thể trong việc áp dụng biện pháp BTTH do vi phạm hợp đồng là việc cần thiết cả về lý luận và thực tiễn. Yêu cầu sửa đổi và hoàn thiện pháp luật Việt Nam nói chung, hoàn thiện pháp luật Thương mại nói riêng đang là nhu cầu cần thiết hiện nay, trong đó cần thực hiện rất nhiều giải pháp.

Thứ nhất, nghiên cứu cơ chế điều chỉnh phù hợp với đường lối phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Cơ chế kế hoạch hoá tập trung tồn tại ở nước ta trong thời gian dài đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chinh sách kinh tế thời chiến, nhưng khi đất nước hoàn toàn độc lập thì cơ chế này đã bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm sự phát triển của kinh tế đất nước. Chủ trương đổi mới và phát triển kinh tế hàng hoá định hướng xã hội chủ nghĩa đã thừa nhận và mở rộng quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước.

Pháp luật về BTTH do vi phạm HTTM cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nên kinh tế, trong đó có quyền tự do hợp đồng và đảm bảo điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ kinh tế, tạo ra những đảm bảo cần thiết về mặt pháp lý để cho các chủ thể có thể thực hiện được quyền tự do kinh doanh của mình. Để đáp ứng yêu cầu này, việc hoàn thiện các quy định phải theo hướng chi tiết hoá các quy định hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau, lược bỏ những quy định cứng nhắc nhằm hạn chế sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào sự thoả thuận của các bên.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật thương mại theo hướng tạo điều kiện cho các hoạt động thương mại được phát triển thuận lợi trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hiện nay. Pháp luật phải đảm bảo cho các chủ thể có tiềm năn có cơ hội tham gia thị trường một cách thuận lợi mà không bị cản trở bất hợp lý và bất hợp pháp từ phía cơ quan công quyền.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Xu thế hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đang đặt ra yêu cầu cần phải xoá bỏ sự khác biệt không cần thiết trong pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế cũng như các tập quán thương mại quốc tế, nhất là trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng. Các chuẩn mực chung của thương mại quốc tế đang được Việt Nam từng bước áp dụng. Tuy nhiên, để học hỏi kinh nghiệm của pháp luật các nước và pháp luật quốc tế một cách có chọn lọc và có hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải có những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về từng hệ thống pháp luật pháp luật, về bản chất, cấu trúc cũng như phương thức vận hành của nó, bên cạnh đó là những điều kiện kinh tế, xã hội mà nó được sinh ra và tồn tại.

Thứ tư, đảm bảo sự thống nhất của các văn bản pháp luật. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật về BTTH do vi phạm HĐTM không thể tiến hành một cách độc lập mà phải tính đến sự thống nhất, tính đồng bộ trong toàn hệ thống pháp luật, tránh sự chông chéo, mâu thuẫn, đặc biệt phải xét đến mối quan hệ giữa BLDS với LTM. Những quy định mang tính nguyên tắc cần được loại bỏ khỏi luật chuyên ngành và cần tham chiếu theo các quy định trong BLDS. LTM chỉ quy định các nội dung đặc thù về quyền và nghĩa vụ của các bên trong một số hợp đồng được thương nhân xác lập phục vụ cho hoạt động kinh doanh thương mại của mình. Hơn nữa, cần có sự so sánh, đối chiếu quy định trong LTM với các VBPL có liên quan để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp khi áp dụng trên thực tế.

Thứ năm, hệ thống quy định của pháp luật thương mại phải hướng đến mục tiêu tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh: đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các loại chủ thể khác nhau cùng tham gia thị trường; tôn trường quyền tự do kinh doanh của công dân; bảo hộ mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ cáclợi ích công cộng và trật tự pháp luật, trật tự – kinh tế.

Thứ sáu, các quy định của pháp luật thương mại phải có tinh khả thi cao, có tính dự báo tốt, minh bạch, cụ thể, dễ áp dụng và phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại trong nước cũng như quốc tế.

Thứ bảy, bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước về thương mại phát huy được hiệu quả nhưng không gâycản trở cho các hoạt động thương mại hợp pháp trên thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 Phạm Duy Nghĩa (2004). Chuyên khảo luật kinh tế (dành cho sau đại học), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

  1. Hoàng Thị Kim Quế (2015). Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Dương Anh Sơn (2016). Luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Dương Anh Sơn, Lê Thị Bích Thọ (2005). Một số ý kiến về phạt vi phạm do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tạp chí Khoa học pháp lý (số 1).
  4. Nguyễn Thị Hồng Trinh (2009). Chế tài bồi thường thiệt hại trong thương mại quốc tế qua luật thương mại Việt Nam, Công ước CISG và Bộ nguyên tắc UNIDROIT. 

 

NGUYỄN THỊ HỒNG ĐIỆP (Trường Đại học Luật Huế)