Quy định về chứng cứ điện tử trong pháp luật tố tụng và Luật Giao dịch điện tử

Từ việc phân tích những quy định liên quan đến chứng cứ điện tử và nguồn dữ liệu điện tử trong pháp luật tố tụng và Luật Giao dịch điện tử, tác giả đề xuất cần sử dụng thống nhất thuật ngữ “chứng cứ điện tử” trong các văn bản tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và văn bản pháp luật...

1. Chứng cứ và nguồn dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng

Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự hay hành chính, các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng phải dựa vào chứng cứ để bảo vệ quan điểm của mình đối với sự kiện pháp lý đang có tranh chấp hoặc đưa ra những quyết định, hành vi tố tụng phù hợp có tính thuyết phục đối với các chủ thể tố tụng khác và xã hội.

Thông tin được thể hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp nhất định là một trong những điều kiện cần thiết để thông tin đó trở thành chứng cứ và nó chỉ trở thành chứng cứ khi có đủ các thuộc tính khác; đó là: Tính khách quan; tính liên quan và tính hợp pháp. “Chứng cứ là những thông tin được thể hiện dưới dạng một thông điệp giao tiếp cụ thể mà con người có thể nhận biết được như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự khác; được ghi nhận, thu thập được trong hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính; phản ánh một cách khách quan, liên quan về sự kiện pháp lý hình sự, dân sự, hành chính và có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính”.

Vào những năm 1970, với sự ra đời của máy tính cá nhân cùng với công nghệ đã tạo ra một cuộc cách mạng về khả năng truyền tải thông tin một cách tự do và nhanh chóng tạo ra thời đại kỹ thuật số. Chỉ bằng hai số “0” và “1” tương ứng với việc đóng và ngắt mạch điện, con người đã giao tiếp được với máy tính, thông qua máy tính để tạo ra các định dạng và phát ra các tín hiệu được gọi là dữ liệu điện tử, các dữ liệu điện tử này có khả năng tác động đến các giác quan của con người khiến các giác quan cảm nhận được các thông điệp của thông tin dưới dạng chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự khác, được gọi là thông tin kỹ thuật số hay thông tin có nguồn gốc từ dữ liệu điện tử. Như vậy, thông tin kỹ thuật số là một dạng thông tin dữ liệu điện tử, được hình thành bằng việc định dạng, phát đi bởi các số “0” và “1”.

Từ việc dữ liệu điện tử có khả năng mang lại cho giác quan của con người những thông điệp của thông tin mà con người có khả năng trao đổi thông tin trong cuộc sống với nhau thông qua nguồn dữ liệu điện tử hoặc trong quá trình con người sử dụng các thiết bị, phương tiện điện tử sẽ có những thông tin thể hiện dưới dạng thông điệp là chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự phản ánh hoạt động của con người và các sự vật, hiện tượng liên quan. Chính vì vậy, dữ liệu điện tử đã trở thành một nguồn chứng cứ quan trọng trong kỷ nguyên số ngày nay giúp các chủ thể tố tụng phát hiện, tìm kiếm, khai thác, thu thập chứng cứ nhằm sử dụng trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

2. Quy định của pháp luật tố tụng và Luật giao dịch điện tử liên quan đến chứng cứ điện tử và nguồn dữ liệu điện tử

Chứng cứ điện tử được hiểu là một dạng chứng cứ trong tố tụng, luôn được hình thành hoặc gắn với nguồn dữ liệu điện tử, đảm bảo đầy đủ ba thuộc tính khách quan, liên quan, hợp pháp. Pháp luật hiện hành quy định về chứng cứ điện tử thông qua các quy định của tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính với các chế định có liên quan, cụ thể:

2.1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) không sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử” mà chỉ có những quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Theo đó, chứng cứ được xác định là: “Những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Những gì có thật ở đây được hiểu là tất cả những tình tiết, yếu tố phản ánh đúng với bản chất của sự kiện phạm tội đã xảy ra như nó vốn có hay nói cách khác đây chính là những thông tin về sự kiện phạm tội được phản ánh, thu thập lại giúp cho chủ thể tố tụng trong quan hệ tố tụng hình sự nhận thức về vụ việc mang tính hình sự hoặc vụ án hình sự tại thời điểm xem xét, giải quyết.

Theo quy định tại khoản 1 điều 87 BLTTHS năm 2015 thì dữ liệu điện tử đã được xác định là một trong bảy nguồn chứng cứ.

Khái niệm dữ liệu điện tử quy định tại Điều 99 BLTTHS năm 2015, đó là: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự mà con người có thể nhận biết được thông qua các thiết bị, phương tiện điện tử, phần mềm thích hợp khi có con người biết sử dụng thiết bị, phương tiện điện tử và phần mềm trong kỹ thuật số bởi nó tồn tại dưới dạng điện tử, dạng kỹ thuật số được định dạng, lưu trữ trong các thiết bị tương ứng với các đơn vị nhớ Bít (Bits), Bai (Bytes), các sóng điện từ, hạt điện tử… mà ở trạng thái tự nhiên chúng ta không thể nhìn thấy, nghe thấy hoặc nhận biết những dữ liệu trong các thiết bị chứa đựng nó. Ví dụ: Với một thẻ nhớ, bằng trực quan chúng ta không thể thấy được hình ảnh, âm thanh, ký tự…; nhưng khi lắp vào máy tính, sử dụng phần mềm thích hợp do người có khả năng sử dụng thiết bị, phương tiện điện tử và phần mềm để đọc thẻ nhớ thì chúng ta có thể thấy, nhận biết được các âm thanh, hình ảnh, ký tự… hoặc nếu chỉ cần một trong ba yếu tố thì không được sử dụng phần mềm thích hợp, không có thiết bị và phương tiện điện tử thích hợp hay không có người có khả năng sử dụng thiết bị, phương tiện và phần mềm sẽ không thể thấy, nhận biết được các thông điệp của thông tin là chữ viết, chữ số, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự.

Tại khoản 3 BLTTHS năm 2015 quy định: “Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Tiêu chí xác định giá trị của chứng cứ như vậy sẽ khiến những người sử dụng chứng cứ rất khó đánh giá bởi không thể biết được đâu là chứng cứ có giá trị cao, thấp hay ngang bằng nhau khi so sánh giá trị với nhau để sử dụng tranh tụng, buộc tội, gỡ tội hay kết tội hoặc làm căn cứ để đưa ra các quyết định, xử sự, hành vi tố tụng khác. Chúng tôi cho rằng, giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử có điều kiện tiên quyết là phải hợp pháp, nếu thông tin không hợp pháp thì không được coi là chứng cứ. Ngoài ra, để xác định chứng cứ này có giá trị trong giải quyết vụ việc, vụ án hơn chứng cứ kia thì phải xem xét, đánh giá dựa vào tiêu chí khách quan, liên quan thông qua cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố khác. Nếu thông tin càng khách quan, càng liên quan thì càng có giá trị và ngược lại, thông tin ít khách quan, ít liên quan hơn thì có giá trị ít hơn trong chứng minh tội phạm, giải quyết vụ án hình sự.

2.2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì chứng cứ được hiểu là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục mà BLTTDS quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Tương tự như BLTTDS, Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng quy định chứng cứ là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật tố tụng hành chính quy định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Cũng giống như tố tụng hình sự, “những gì có thật” trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính chính là những tình tiết, yếu tố phản ánh đúng với bản chất của sự kiện pháp lý dân sự hay hành chính đã xảy ra như nó vốn có mà đang được các chủ thể tố tụng đưa ra xem xét hay nói một cách khác, đây chính là những thông tin về sự kiện pháp lý dân sự hay hành chính được phản ánh, thu thập lại giúp cho chủ thể tố tụng sử dụng để bảo vệ quan điểm của mình, bác bỏ quan điểm của chủ thể khác hay làm cơ sở để đưa ra những quyết định, hành vi tố tụng phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xem xét, giải quyết vụ việc, vụ án dân sự, hành chính.

Nếu như BLTTHS năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử”, thì BLTTDS năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 lại sử dụng thuật ngữ “chứng cứ điện tử” duy nhất một lần tại khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015 và khoản 3 Điều 82 Luật tố tụng hành chính năm 2015 với ý nghĩa là một trong bảy hình thức thể hiện của “thông điệp dữ liệu điện tử” nhưng không có quy định nào đưa ra khái niệm “chứng cứ điện tử ”.

Đồng thời, BLTTDS năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 đều quy định dữ liệu điện tử là một trong các nguồn chứng cứ có thể khai thác các chứng cứ sử dụng trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

Khoản 3 Điều 95 BLTTDS năm 2015 và khoản 3 Điều 82 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “thông điệp dữ liệu điện tử” được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Tuy nhiên, BLTTDS và Luật tố tụng hành chính đều không đưa ra khái niệm thế nào là “dữ liệu điện tử” như BLTTHS năm 2015 nhưng lại đưa ra khái niệm khi có sự trao đổi dữ liệu điện tử thì sẽ hình thành một dạng thông điệp điện tử bên cạnh các dạng khác là chứng cứ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Quy định như trên vẫn có những điểm còn khó hiểu bởi “dữ liệu điện tử” là nguồn chứng cứ mà việc trao đổi dữ liệu điện tử hình thành nên “thông điệp điện tử” và “chứng cứ điện tử” lại là một trong các dạng của thông điệp điện tử. Trong khi “chứng cứ điện tử” thì chỉ có thể khai thác được từ các nguồn dữ liệu điện tử và thư điện tử, điện tín… cũng là một hình thức thể hiện của dữ liệu điện tử khi được trao đổi giữa các phương tiện và thiết bị điện tử.

2.3. Luật Giao dịch điện tử năm 2005

Luật Giao dịch điện tử năm 2015 (Điều 4) đưa ra khái niệm “dữ liệu” là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự mà không đưa ra khái niệm “dữ liệu điện tử”, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nên hiểu đây chính là khái niệm về “dữ liệu điện tử”.

Tại Điều 10 Luật này quy định “thông điệp dữ liệu điện tử” được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác. Điều 14 Luật quy định “thông điệp dữ liệu” có giá trị làm chứng cứ và giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác. Như vậy, khác với chứng cứ truyền thống, giá trị không chỉ đánh giá trên các tiêu chí khách quan, liên quan và hợp pháp mà còn xác định dựa thêm vào cả tiêu chí cách thức đảm bảo và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu điện tử và cách xác định của người khởi tạo thông điệp đó hoặc các yếu tố phù hợp khác.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Từ những quy định liên quan đến chứng cứ điện tử và nguồn dữ liệu điện tử trong pháp luật tố tụng và Luật Giao dịch điện tử hiện hành, chúng tôi đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, các văn bản tố tụng hình sự, dân sự, hành chính hoặc văn bản pháp luật khác cần sử dụng thống nhất thuật ngữ “chứng cứ điện tử” với ý nghĩa là những thông tin được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử mà con người có thể nhận biết được như chữ viết, chữ số, ký hiệu, ký tự, âm thanh, hình ảnh hoặc dạng tương tự khác, được ghi nhận, thu thập được trong hồ sơ vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính phản ánh một cách khách quan, liên quan về sự kiện pháp lý hình sự, dân sự, hành chính và có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Hai là, khi đề cập đến khái niệm “dữ liệu điện tử” dưới góc độ là một trong các nguồn chứng cứ thì cũng cần quy định một cách tường minh hơn. Theo đó “dữ liệu điện tử” được hiểu là một trong các nguồn chứng cứ được quy định trong các bộ luật tố tụng, ở trạng thái tự nhiên, dữ liệu điện tử có trong các thiết bị, phương tiện điện tử, các khu vực lưu trữ khác hoặc được truyền đi, tiếp nhận từ các thiết bị, phương tiện điện tử, khi thông qua một phần mềm thích hợp, do chuyên gia thực hiện, trên các thiết bị và phương tiện điện tử tương thích thì các dữ liệu điện tử sẽ biểu hiện dưới dạng thông điệp giao tiếp có khả năng truyền tải thông tin như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự mà con người có thể nhận biết được bằng các giác quan.

Ba là, đối với các chế định khác trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử như: Quy định về khám nghiệm hiện trường, việc tìm kiếm, phát hiện, thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng dữ liệu điện tử, chứng cứ điện tử, thẩm quyền tài phán đối với tội phạm mạng, giao dịch điện tử, tương trợ tư pháp hình sự… cần có sự thống nhất và đồng bộ trong cả ba hệ thống tố tụng.

Bốn là, cần bổ sung trong tố tụng về những yêu cầu trong việc phục hồi dữ liệu điện tử bị xóa, thu thập dữ liệu điện tử trên đường truyền, mạng internet, icloud, các phần mềm… để có thể cung cấp các chứng cứ điện tử phục vụ hoạt động tố tụng.

Năm là, cần bổ sung quy định trong việc xem xét trách nhiệm pháp lý giữa con người và trí tuệ nhân tạo sinh ra các thông điệp điện tử gửi tới người dùng mạng máy tính, mạng viễn thông gây hậu quả cho xã hội và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện, thu thập chứng cứ, bảo quản, đánh giá và sử dụng dữ liệu điện tử cần có những khung pháp lý cụ thể.

 

Theo Kiemsat.vn

Trình chiếu chứng cứ điện tử tại một phiên tòa hình sự - Ảnh: MH

 

PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC HẠNH - CAO CẨM THI