Bàn về tạm giam – Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

BLTTHS năm 2015 có nhiều thay đổi tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và tình hình thực tế. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong quy định pháp luật về việc áp dụng biện pháp tạm giam gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng.

Trong đó thực tế, việc số lượng bị can bị khởi tố về tội phạm ma túy nhưng không áp dụng biện pháp tạm giam tương đối nhiều. Các đối tượng thường lang thang, hay nghiện hút, thường xuyên thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên để áp dụng biện pháp này phía các cơ quan tiến hành tố tụng  rất khó trong việc xác minh cũng như áp dụng điều luật.

1.Tạm giam trong tố tụng hình sự (Điều 119 BLTTHS)

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hay bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

 Về mục đích của tạm giam: Tạm giam áp dụng đối với các bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau trong tố tụng hình sự nhằm ngăn chặn việc bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án.

Về hậu quả pháp lý: Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính chất nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Người bị áp dụng biện pháp tạm giam bị cách li với xã hội trong một thời gian nhất định, bị hạn chế một số quyền của công dân.

Về căn cứ áp dụng: Tạm giam chỉ bị áp dụng với bị can, bị cáo. Trường hợp thứ nhất, bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng. Trường hợp thứ hai, bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ xác định người đó ở vào một trong các trường hợp sau: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Ngoài ra, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.” (khoản 2, 3 Điều 119 BLTTHS). Khi phạm tội thuộc những trường hợp trên các bị can, bị cáo áp dụng bị áp dụng biện pháp tạm giam.

 Tuy vậy, “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia...” (khoản 4 Điều 119 BLTTHS). Quy định này thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, nhưng lại gặp khó khăn khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các trường hợp đặc biệt này.

Về người già yếu, không có sự thống nhất trong pháp luật hình sự và tố tụng hình sự hiện hành. Đối với đối tượng già yếu có thể tham khảo theo hướng dẫn trước đây tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Người già yếu là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”. Đối với người bị bệnh nặng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nhưng có thể căn cứ vào Điều 8, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.”

Về thẩm quyền áp dụng: Những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án TAQS các cấp; Hội đồng xét xử.

Về thủ tục tạm giam: Việc tạm giam phải có lệnh, quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Lệnh, quyết định tạm giam phải ghi rõ ngày, tháng năm; họ tên, chức vụ của người ra lệnh, quyết định; họ tên, địa chỉ của người bị tạm giam; lí do tạm giam, thời hạn tạm giam và giao cho người bị tam giam một bản. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam nhằm xác định đúng đối tượng, tránh nhầm lẫn. Đồng thời thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết được sự việc để tránh những trường hợp phải tiến hành những thủ tục tìm kiếm không cần thiết gây tốn kém.

2.Những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, thực tế trong quá trình áp dụng pháp luật còn có vướng mắc:

Thứ  nhất, về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam “không có nơi cư trú rõ ràng”. Để có thể áp dụng được căn cứ này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định được nơi cư trú của bị can, bị cáo dựa theo Luật Cư trú và Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực từ 01/7/2021. Xác định nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú còn trường hợp nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trưng hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sốn. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại. (Điều 19 Luật Cư trú năm 2020). Như vậy trên thực tế vẫn sử dụng Luật Cư trú năm 2006, trong nhiều vụ án để xác định được bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như:  bị can, bị cáo là người ngoại tỉnh hoặc bị can, bị cáo vừa có nơi thường trú, vừa có nơi tạm trú lại có nơi đang sinh sống thì việc xác định nơi cư trú thế nào?… Hay cả khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thì trường hợp bị can, bị cáo là người ngoại tỉnh có nơi thường trú cụ thể, đến địa bàn nơi thực hiện tội phạm đăng ký tạm trú sau đó thực hiện hành vi phạm tội.

-Thứ hai, Về các quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 119 BLTTHS về các căn cứ “… có dấu hiệu bỏ trốn” và “… có dấu hiệu tiếp tục phạm tội…”. Các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là người tiến hành tố tụng thụ lý vụ án cần dựa vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ để xác định căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Nhưng để áp dụng các căn cứ này để tạm giam bị can, bị cáo còn nhiều khó khăn vì cần dựa vào ý thức chủ quan của bị can, bị cáo.

Ví dụ đối với trường hợp A - người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy và bị khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 250 BLHS, trước đó trong quá trình điều tra A đã đi khỏi địa phương sau đó một khoảng thời gian A mới quay lại địa phương và ra Công an phường để đầu thú, đến khi áp dụng biện pháp ngăn chặn thì có 2 quan điểm là theo quy định pháp luật không áp dụng biện pháp tạm giam vì không đủ căn cứ và có áp dụng biện pháp tạm giam vì trước đó trên thực tế A đã có hành vi bỏ trốn trước đó, nên có thể A sẽ trốn khỏi nơi cư trú. Hay một ví dụ khác: đối với trường hợp B - người có nhiều tiền án về tội phạm ma túy bị bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 249 BLHS, đến khi áp dụng cũng có 2 quan điểm là theo quy định của pháp luật không áp dụng biện pháp tạm giam vì không đủ căn cứ và có áp dụng biện pháp tạm giam vì trên thực tế B người nghiện ma túy phải thường xuyên sử dụng ma túy nên có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.

-Thứ ba, Trường hợp Lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra cần Viện kiểm sát phê chuẩn theo quy định tại khoản 5 Điều 119 BLTTHS năm 2015, trong 03 ngày làm việc từ ngày nhận được lệnh tạm giam cùng hồ sơ đề nghị phê chuẩn tạm giam của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát phải ra quyết định chuẩn hoặc không phê chuẩn. Trong thực tế, đối với các vụ án có tính chất phức tạp, cần xác minh tại nhiều địa phương khác nhau khiến quá trình điều tra của Cơ quan điều tra trong thời gian tạm giữ bị kéo dài cũng như cần thiết thu thập thêm tài liệu làm căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, không thể chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát dẫn đến Kiểm sát viên không có thời gian nghiên cứu hồ sơ hoặc thu thập, hoàn thiện hồ sơ trong 03 ngày để có thể ra quyết định chính xác.

3.Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Từ những đánh giá phân tích trên, tác giả có đề xuất một số kiến nghị sau:

-Một là, Đối với một số thuật ngữ như “không có nơi cư trú rõ ràng”, “có dấu hiệu tiếp tục phạm tội”, “có dấu hiệu bỏ trốn”… như đã nêu ở trên thì cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này. Nếu không hướng dẫn có thể làm cho các cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan tố tụng, dẫn tới có thể lạm dụng biện pháp tạm giam, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Theo tác giả, cần giải thích trong văn bản hướng dẫn làm rõ thuật ngữ “không có nơi cư trú rõ ràng” là không có nơi ở thực tế, có địa chỉ cụ thể và tồn tại trên thực tế cùng với việc phải đăng ký nơi cư trú theo Luật Cư trú.

-Hai là, Đối với trường hợp lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra cần Viện kiểm sát phê chuẩn: Tác giả kiến nghị nên tăng thời hạn xét phê chuẩn cho Viện kiểm sát trong những trường hợp hồ sơ vụ án phức tạp. Theo đó có thể sửa đổi khoản 5 Điều 119 BLTTHS năm 2015 như sau:

“5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn. Trường hợp hồ sơ vụ án có tính chất phức tạp, Viện kiểm sát ra yêu cầu bổ sung tài liệu cần thiết làm căn cứ tạm giam thì thời hạn xét phê chuẩn của Viện kiểm sát có thể kéo dài thêm nhưng không quá 05 ngày.”

 

Trại tạm giam CATP  Hải Phòng kiểm tra thân nhiệt người ra, vào trại  để phòng chống Covid-19 - Ảnh: CAHP

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)