Bàn về tạm ngừng phiên tòa trong tố tụng dân sự

Bài viết phân tích thực trạng, đánh giá các quy định của pháp luật về tạm ngừng phiên tòa dân sư và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi các quy định này.

Tạm ngừng phiên tòa là một trong những hành vi tố tụng mà chủ thể tiến hành tố tụng có quyền quyết định trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nếu đáp ứng được các điều kiện luật định. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên vẫn còn tồn tại không ít khó khăn.

Trong quá trình tố tụng tại Tòa án để giải quyết vụ án dân sự, sau giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định thì phiên tòa sẽ được mở ra để tiến hành xét xử (phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm). Có thể nói, phiên tòa xét xử là bước tố tụng quan trọng nhất trong giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Tuy nhiên, tại phiên tòa này có thể phát sinh một số trường hợp làm việc xét xử không thể tiếp tục hoặc nếu tiếp tục thì có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc làm việc giải quyết vụ án không thể khách quan, công bằng. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự quy định về tạm ngừng phiên tòa trong một số trường hợp nhất định.

1.Khái quát về tạm ngừng phiên tòa trong tố tụng dân sự

Về nguyên tắc, phiên toà sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa. Tạm ngừng phiên tòa có thể hiểu là việc phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong một thời hạn nhất định khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định[1]. Việc tạm ngừng phiên tòa được thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm khi có một trong các căn cứ theo Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2019, 2020) (BLTTDS 2015) sau đây:

Thứ nhất, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng.

Thứ hai, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt.

Thứ ba, cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.

Thứ tư, chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Thứ năm, các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải.

Thứ sáu, cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 BLTTDS 2015.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa (không quy định phải ra quyết định như việc hoãn phiên tòa – Điều 233 BLTTDS 2015). Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa (khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015). Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định trên (Điều 304 BLTTDS 2015). Khi không còn lý do tạm ngừng phiên tòa, vụ án tiếp tục được xét xử và việc xét xử này là sự tiếp nối quá trình tố tụng của phiên tòa đã mở trước khi tạm ngừng.

Có thể thấy, quy định về tạm ngừng phiên tòa là phù hợp nhằm hạn chế việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà nhiều lần, gây khó khăn, kéo dài quá trình giải quyết vụ án dân sự. Đồng thời, quy định này cũng góp phần làm hạn chế tình trạng bản án, quyết định giải quyết án của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử huỷ, sửa vì vi phạm thủ tục tố tụng[2]. Tuy nhiên, các quy định hướng dẫn việc áp dụng tạm ngừng phiên tòa hiện nay chưa cụ thể nên thực tiễn còn tồn tại các quan điểm khác nhau về vấn đề này.

2. Những bất cập trong thực tiễn

Xin đơn cử một tình huống: Công ty A thế chấp Dự án Bất động sản tại Ngân hàng B để vay tiền. Sau đó, do A không thanh toán được khoản nợ đến hạn nên Ngân hàng B đã tiến hành thủ tục để bán đấu giá tài sản trên để thu hồi nợ. Việc bán đấu giá tài sản do Công ty đấu giá C tiến hành. Năm 2015, sau 13 lần tổ chức bán đấu giá, Công ty D đã trúng đấu giá (nhưng chậm thanh toán tiền trúng đấu giá). Năm 2019, Công ty A khởi kiện Công ty đấu giá C tại Tòa án để yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản và tính toán lại các khoản lãi phải trả đối với Ngân hàng B. Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn (Công ty A) gồm Luật sư X, Luật sư Y và Luật sư Z. Người đại diện theo ủy quyền của Công ty A là bà P. Đồng thời, bà P cũng là người đại diện theo ủy quyền của bà T, bà V (người có quyền lợi, nghĩa liên quan trong vụ án).

Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra trong các ngày 19/4/2020 và 20/4/2020. Sau đó, tại phiên xét xử ngày 21/4/2020, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa (lần 1) để xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân gồm: (i) ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh G về việc dự án có đủ điều kiện để chuyển nhượng bằng hình thức bán đấu giá hay không, (ii) về việc bán đấu giá cả phần quyền sử dụng đất không thu tiền sử dụng đất, (iii) ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tính hợp pháp của việc cho vay vàng theo các hợp đồng tín dụng, (iv) trưng cầu giám định tại Ngân hàng nhà nước về vấn đề tính lãi, thời điểm tính lãi…

Sau phiên tòa, Tòa án đã có văn bản gửi các cơ quan có liên quan để thu thập chứng cứ và thông báo mở lại phiên tòa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tòa án mới chỉ nhận được văn bản trả lời của vấn đề (i) và (iii), còn vấn đề (ii) và (iv) vẫn chưa thu thập được tài liệu, chứng cứ. Do đó, Công ty A (nguyên đơn) đã gửi văn bản đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 2 Điều 239 BLTTDS 2015. Sau đó, Hội đồng xét xử đã quyết định:

Lần 2: Tiếp tục tạm ngừng phiên tòa do người đại diện của Công ty đấu giá C (bị đơn) ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu (thông báo bằng lời nói).

Lần 3: Tiếp tục tạm ngừng phiên tòa do người đại diện của Ngân hàng B (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) bị đau bụng (thông báo bằng lời nói).

Lần 4 và Lần 5: Tiếp tục tạm ngừng phiên tòa do người đại diện của Công ty A (nguyên đơn) – là bà P – phải nhập viện cấp cứu do bị thiếu máu (có Giấy nhập viện bằng hình ảnh gửi qua zalo).

Lần 5: Phiên tòa sơ thẩm được tiếp tục mở ra và Tòa án tiếp tục tạm ngừng phiên tòa để cử người vào bệnh viện để xác minh tình trạng và việc điều trị bệnh của bà P (người đại diện của nguyên đơn).

Lần 6: Hội đồng xét xử quyết định mở lại phiên tòa. Người đại diện của nguyên đơn (bà P) vẫn đang nhập viện điều trị và có văn bản yêu cầu Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 bởi lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục. Tuy nhiên, lần này, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bà P với lý do: “Tòa án đã tạm ngừng phiên tòa, yêu cầu nguyên đơn khắc phục lý do tạm ngừng phiên tòa bằng cách thực hiện người khác ủy quyền đại diện Công ty A thay bà P tham gia phiên tòa, nhưng Công ty A không thực hiện cử người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa, yêu cầu Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là không có có sở”. Thực tế, nguyên đơn không nhận được văn bản của Tòa án về việc yêu cầu nguyên đơn thay đổi người đại diện theo ủy quyền. Sau đó, phiên tòa sơ thẩm được tiếp tục và Hội đồng xét xử đã tuyên bản án sơ thẩm vào ngày 24/6/2020 với kết quả không chấp nhận phần lớn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Từ diễn biến thực tế trên của vụ án trên đã đặt ra các vấn đề pháp lý sau đây:

Thứ nhất, tại lần 1, Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa theo căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 (Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa). Quy định về căn cứ này là phù hợp bởi chứng cứ là yếu tố quan trọng để tìm ra được sự thật khách quan của vụ án. Vấn đề là nếu hết thời hạn tạm ngừng nhưng vẫn chưa xác minh, thu thập được các tài liệu, chứng cứ đó thì sao? Hội đồng xét xử phải xử lý thế nào trong tình huống này?

Theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015, nếu hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà “lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”. Trong vụ án này, Hội đồng xét xử đã mở lại phiên tòa mặc dù chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ. Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 91, khoản 1 Điều 96 BLTTDS 2015, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ làm cơ sở giải quyết vụ án, không tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ thu thập chứng cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015[3].

Theo tác giả, việc đánh giá tài liệu, chứng cứ nào là cần thiết trong giải quyết vụ án và để có một quy định ghi nhận rõ các tiêu chí trong trường hợp này là không dễ dàng. Do đó, việc xác định sẽ cần và chờ đợi rất lớn vào sự khách quan, công bằng của Hội đồng xét xử. Trong vụ án này, Hội đồng xét xử đã tự mâu thuẫn trong việc xử lý vấn đề. Bởi khi đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu, chứng cứ thì Hội đồng xét xử đã đánh giá tài liệu, chứng cứ này rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án mà nếu không có chứng cứ này thì “không thể giải quyết được vụ án. Thế nên, dù hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa nhưng khi chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ thì Hội đồng xét xử cũng không thể giải quyết được vụ án khách quan, triệt để và đúng bản chất vấn đề. Do đó, nếu Hội đồng xét xử áp dụng khoản 4 Điều 91, khoản 1 Điều 96 BLTTDS 2015 tại thời điểm VKSND yêu cầu tạm ngừng phiên tòa thì có thể phù hợp, còn sau khi Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa rồi mới quay lại áp dụng quy định này là không phù hợp. Trong trường hợp này, tác giả cho rằng Hội đồng xét xử phải căn cứ khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 để xử lý theo hướng tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Việc áp dụng khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 là quyền của Hội đồng xét xử (có quyền quyết định), thế nhưng, khi đã áp dụng khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 thì hoạt động tố tụng tiếp theo tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 của Hội đồng xét xử không còn mang tính lựa chọn nữa (không còn từ “có quyền”) mà họ phải “quyết định” theo quy định của luật.

Thứ hai, trong vụ án trên, từ lần 2 đến lần 6, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa liên quan đến căn cứ người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa do tình trạng sức khỏe (họ không yêu cầu xét xử vắng mặt). Vậy, căn cứ vào tiêu chí nào để xác định tình trạng sức khỏe của người tham gia tố tụng?

Thực tế tồn tại hai quan điểm khác nhau về trường hợp này. Quan điểm 1: Căn cứ vào tình hình thực tế sức khỏe của người tham gia tố tụng bởi đây là tình huống khẩn cấp. Quan điểm 2: Căn cứ vào giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế để tránh người tham gia tố tụng “cố tình” kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Tác giả cho rằng việc xác định theo quan điểm nào cũng có những điểm khó khăn nhất định. Nếu căn cứ vào tình hình thực tế thì sẽ giúp nhanh chóng giải quyết được tình huống, nhưng có thể dẫn đến trường hợp đương sự “dàn dựng”, “lợi dụng” để kéo dài thời gian tố tụng. Nhược điểm này có thể khắc phục được nếu căn cứ vào giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thủ tục tiếp nhận bệnh nhân và có được các giấy tờ xác thực của cơ quan y tế của Việt Nam (chữ ký của bác sĩ, chữ ký của người đại diện bệnh viện, đóng dấu…) là “không nhanh chóng” (nếu nhanh thì có thể 2 – 3 tiếng, nếu chậm thì phải mất 2 – 3 ngày hoặc thậm chí 1 tuần). Nếu phiên tòa đang diễn ra mà phát sinh tình huống này thì không thể yêu cầu mọi người ở lại phòng xử án để chờ đợi 2 tiếng, 3 tiếng hay nhiều hơn để có “tờ giấy” của cơ quan y tế rồi mới quyết định có tạm ngừng phiên tòa hay không bởi thời gian của bất kỳ ai cũng là quý báu. Tuy nhiên, nếu chỉ thông báo bằng lời nói mà không đưa ra chứng cứ và không hạn chế số lần thì rõ ràng có thể dẫn đến tình trạng các bên lạm dụng trường hợp này để kéo dài thời gian tố tụng để thực hiện mục đích của họ.

Trong vụ án trên, việc tạm ngừng phiên tòa đã diễn ra nhiều lần (4 lần), trong đó lý do liên quan đến nguyên đơn đã là 2 lần. Thế nên, ở một mức độ nhất định, có thể thấy sự phù hợp khi tòa án cân nhắc việc đương sự có đang lợi dụng tình trạng sức khỏe để kéo dài thời gian tố tụng vụ án hay không (kể cả trường hợp có chứng cứ đang chữa bệnh tại bệnh viện). Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ tình hình sức khỏe của người đại diện của nguyên đơn (bà P) là suy yếu thật. Mặt khác, trong vụ án đó, Công ty A (nguyên đơn) có người đại diện theo ủy quyền là bà P và 3 luật sư, nhưng bà T, bà V (người có quyền lợi, nghĩa liên quan trong vụ án) thì chỉ có 01 đại diện theo ủy quyền là bà P (không có Luật sư) thì Tòa án lại chưa xem xét đến. Do đó, nếu không có người tham gia tố tụng thay thế bà P mà Hội đồng xét xử vẫn quyết định tiến hành xét xử là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ dù việc có tạm ngừng phiên tòa hay không là do “Hội đồng xét xử có quyền quyết định” (theo quy định của khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015).

Mặt khác, việc Tòa án yêu cầu đương sự thay đổi người đại diện theo ủy quyền là không có cơ sở pháp lý. Bởi (1) về pháp lý, việc lựa chọn người đại diện theo ủy quyền là do đương sự quyết định trên cơ sở đáp ứng các điều kiện luật định, (2) về thực tế, nếu vụ án đã bước vào giai đoạn xét xử mới thay đổi người đại diện theo ủy quyền thì dẫn đến người này không thể nắm bắt hết nội dung vụ án và từ đó sẽ ảnh hưởng đến việc họ đưa ra các quan điểm để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bên ủy quyền. Có thể đây chính là nguyên nhân của việc yêu cầu nguyên đơn thực hiện việc thay đổi người đại diện theo ủy quyền bằng lời nói chứ không thực hiện bằng văn bản.

Tác giả cho rằng vấn đề quan trọng trong xử lý các tình huống này là xác định được sự thật về tình trạng sức khỏe của người tham gia tố tụng để đưa ra quyết định đúng đắn. Giả sử, trường hợp Hội đồng xét xử chỉ nghe thông báo bằng lời nói (có thể gọi điện thoại) và cho phép cung cấp hồ sơ bệnh án sau nhưng sau đó đương sự không cung cấp hoặc cung cấp nhưng không đúng tính trạng sức khỏe đã thông báo trước đó thì rõ ràng cũng chưa có cơ chế hiệu quả để xử lý các tình huống này. Do đó, việc thông báo bằng lời nói cần phải đi kèm các chứng cứ khác. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì việc tòa án yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ bằng văn bản giấy để chứng minh tình trạng sức khỏe trong hoàn cảnh phiên tòa sắp diễn ra ngay lập tức là không phù hợp, thay vào đó có thể yêu cầu họ cung cấp chứng cứ bằng hình ảnh, ghi âm, ghi hình và gửi qua các kênh thông tin chính thức của tòa án (có thể là email, zalo…).

Một vấn đề khác được đặt ra liên quan đến vụ án này như sau: Trong vụ án này, Công ty A (nguyên đơn) có 03 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là Luật sư X, Luật sư Y và Luật sư Z. Nếu một trong ba luật sư vì lý do sức khỏe (hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác) mà không thể tiếp tục tham gia phiên tòa và không yêu cầu xét xử vắng mặt thì Hội đồng xét xử có tạm ngừng phiên tòa không?

Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này nên việc có tạm ngừng phiên tòa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử. Có quan điểm cho rằng trường hợp này vẫn còn 2 người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty A (nguyên đơn) nên Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, tuy có ba người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhưng có thể họ có sự phân chia nhau phương án trong việc bảo vệ đương sự. Do đó, việc vắng mặt một trong ba Luật sư đều có thể làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ đương sự. Chính vì vậy, trong trường hợp này nếu có căn cứ xác định họ rơi vào tình trạng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015 thì Hội đồng xét xử nên quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Tuy nhiên, để hạn chế việc người tham gia tố tụng lợi dụng tình trạng này nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc giải quyết vụ án thì nên ràng buộc thêm điều kiện “người tham gia tố tụng không nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án”.

Từ thực tiễn vụ việc này, tác giả cho rằng việc trao quyền để Hội đồng xét xử xem xét quyết định có tạm ngừng phiên tòa hay không là phù hợp. Tuy nhiên, để việc xem xét này là cẩn trọng hơn, khách quan hơn và đảm bảo thống nhất trong áp dụng thì cần có hướng dẫn cụ thể tiêu chí xem xét từ Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ ba, việc tạm ngừng phiên tòa được thực hiện bao nhiêu lần? Nếu hết thời hạn tạm ngừng mà lý do tạm ngừng chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử tiếp tục tạm ngừng hay phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015?

Pháp luật hiện hành không có quy định về trường hợp này. Thực tế vụ án trên, Hội đồng xét xử đã giải quyết theo hướng tạm ngừng phiên tòa nhiều lần với cùng một lý do.

Khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 quy định: “Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự…”. Từ quy định này có thể suy luận việc tạm ngừng phiên tòa được thực hiện một lần. Vậy một lần này thực hiện với một lý do hay nhiều lý do? Tác giả cho rằng, tuy pháp luật không có quy định cụ thể nhưng sẽ phù hợp hơn nếu một lần này được áp dụng với từng lý do, từng chủ thể để hạn chế trường hợp các bên lạm dụng điều này nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án[4].

Thứ tư, ngôn ngữ pháp lý đòi hỏi sự chuẩn mực. Thế nhưng, khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 lại sử dụng chưa thống nhất từ “ngừng” và “tạm ngừng”. Do đó, để đảm bảo việc thống nhất trong sử dụng thuật ngữ pháp lý, khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 cần bổ sung chữ “tạm” ngay trước chữ “ngừng”.

3.Kiến nghị

Tóm lại, từ những phân tích trên, chúng tôi xin kiến nghị:

Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn cách thức xác định trạng sức khỏe của người tham gia tố tụng để quyết định việc tạm ngừng phiên tòa. Cụ thể: “Hội đồng xét xử căn cứ tình trạng sức khỏe thực tế người tham gia tố tụng được chứng minh qua lời nói, hình ảnh, ghi âm, ghi hình hoặc xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và không nhằm gây khó khăn hoặc trì hoãn việc giải quyết vụ án để xem xét và quyết định việc tạm ngừng phiên tòa theo căn cứ quy định tại khoản điểm b khoản 1 Điều 259 BLTTDS 2015”.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015 như sau:

“2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này:

a.Nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa. Trường hợp sau khi tạm ngừng phiên tòa, phiên tòa xét xử có sự tham gia của Kiểm sát viên theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật này thì phiên tòa bắt đầu lại từ thủ tục bắt đầu phiên tòa.

b.Nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) thay mặt Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa.

Có thể nói, việc pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về tạm ngừng phiên tòa là phù hợp, góp phần vào việc giải quyết các tình huống phát sinh trong giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, các quy định BLTTDS 2015 về vấn đề này vẫn còn tồn tại vướng mắc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan lập pháp cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định của BLTTDS 2015, hướng tới việc bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nhưng vẫn đảm việc giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, công bằng và đúng pháp luật./.

 

TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm vụ án dân sự 'Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất  nhưng nguyên đơn vắng mặt. - Ảnh: Ly Ly

 

[1] Vũ Thị Huế, Bất cập trong tạm ngừng phiên tòa dân sự, Tạp chí Kiểm sát online, năm 2018, https://kiemsat.vn/bat-cap-trong-tam-ngung-phien-toa-dan-su-49717.html, truy cập ngày 19/4/2022.

[2] Nguyễn Văn Chuyên, Quy định về tạm ngừng phiên toà của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, năm 2017, https://vksbacgiang.gov.vn/baiviet/71/7222, truy cập ngày 19/4/2022.

[3] Điều 214 BLTTDS 2015. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

“1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;”

[4] Trong thực tế, các vụ án dân sự bị quá thời hạn đưa ra xét xử tồn tại rất nhiều. Một số Thẩm phán đã xử lý tình huống này theo hướng quyết định đưa vụ án đưa vụ án ra xét xử, sau đó tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa thì tiếp tục tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

ThS VŨ THỊ BÍCH HẢI – ThS ĐINH THU THỦY (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Văn Lang)