Một số vấn đề về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS hiện hành

Việc xác định chính xác thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không chỉ là vấn đề lý luận mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số vấn đề cơ bản về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS 2015.

1.Hai thời điểm

Khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng đòi hỏi chúng ta phải xác định chính xác thời điểm có hiệu lực, vì kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng trở thành luật của các bên tham gia hợp đồng và trong một số trường hợp các quy định này còn có hiệu lực ràng buộc đối với người thứ ba. Do vậy, việc xác định chính xác thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 401 BLDS thì: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác”. Quy định này về cơ bản giống với quy định của BLDS 2005 (Điều 405 BLDS) và BLDS 1995 (khoản 3 Điều 404). Một điểm khác biệt “nhỏ” duy nhất là BLDS 1995 và 2005 đều quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có thể do “Pháp luật có quy định khác”, nhưng BLDS 2015 chỉ quy định  “Luật liên quan có quy định khác”, tức là chỉ khác nhau ở thuật ngữ  “Pháp luật” và “Luật”. Sự khác biệt này xuất phát từ quy định của Hiến pháp, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[khoản 2  Điều 14] và ở góc độ này thì sự khác biệt giữ BLDS 2015 với các BLDS trước đó không phải là vấn để nhỏ nữa.  

Với quy định tại khoản 1 Điều 401 BLDS nêu trên, có hai thời điểm chúng ta cần lưu ý là thời điểm “giao kết hợp đồng” và thời điểm “có hiệu lực của hợp đồng”. Nguyên tắc được thiết lập trong quy định này là, khi các bên không có thỏa thuận và luật không có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Do vậy, câu hỏi đặt ra là thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm nào? Câu hỏi này sẽ chỉ được trả lời chính xác khi chúng ta xác định được hình thức giao kết của  một hợp đồng cụ thể.

1.1.Thời điểm giao kết hợp đồng

Theo quy định tại Điều 400 BLDS về thời điểm giao kết hợp đồng:

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này.

Quy định này thể hiện, mỗi hình thức hợp đồng có những phương thức giao kết khác nhau và còn có thể có nhiều phương thức giao kết đối với một hình thức hợp đồng hoặc có nhiều hình thức hợp đồng được giao kết đối với cùng một nội dung.

 Trường hợp các bên không trực tiếp thỏa thuận, ký kết hợp đồng mà bên đề nghị giao kết gửi văn bản đề nghị giao kết (hoặc dự thảo hợp đồng) cho bên được đề nghị giao kết, thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết (khoản 1 Điều 400 BLDS); Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn, thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó (khoản 2 Điều 400 BLDS). Chẳng hạn đối với loại hợp đồng mua bán, trong đó các bên có thỏa thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử…” [khoản 1 Điều 452 BLDS].

Đối với trường hợp các bên thỏa thuận trực tiếp bằng lời nói (bằng miệng), thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng (khoản 3, Điều 400 BLDS). Mặc dù, Điều luật này quy định thời điểm “các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng”. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu là thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên đã thỏa thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng, còn nếu các bên mới bắt đầu thỏa thuận, hoặc đang trong quá trình thỏa thuận thì chưa thể coi là đã giao kết hợp đồng.

Đối với hợp đồng bằng văn bản và các bên trực tiếp thỏa thuận, giao kết, thì thời điểm giao kết hợp đồng này là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (khoản 4 Điều 400BLDS).

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản, tức là một hợp đồng được xác lập bằng nhiều hình thức khác nhau, thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng (theo hợp đồng bằng lời nói). Đây là quy định mới so với BLDS 2005, quy định bổ sung này nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn giao kết hợp đồng. Thực tiễn xét xử tại Tòa án đã từng gặp phải trường hợp các bên sử dụng nhiều hình thức, phương thức khác nhau để giao kết một hợp đồng, khi xảy ra tranh chấp Tòa án rất khó xác định thời điểm giao kết hợp đồng, dẫn đến không có cơ sở xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Ví dụ: Doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát PS muốn mua bảo hiểm cho một lô hàng là nước giải khát hộp giấy (loại 01 lít), trong quá trình vận chuyển từ tỉnh A đến tỉnh Z. Thời điểm 8g ngày 10/8/2021 đại diện Doanh nghiệp PS gọi điện thoại đến Công ty bảo hiểm PRD để thỏa thuận về việc mua hợp đồng bảo hiểm đối với lô hàng là 100 thùng nước giải khát (mỗi thùng là 50 hộp), các bên đã thỏa thuận xong về nội dung của hợp đồng; ngay sau đó Công ty PS gửi mẫu đơn yêu cầu cung cấp bảo hiểm cho Công ty bảo hiểm PRD, 11g30 đại diện Công ty bảo hiểm PRD ký tên, đóng dấu vào đơn yêu cầu cung cấp bảo hiểm và gửi lại cho Công ty PS. Tuy nhiên, trước đó, vào thời điểm 10g, xe ô tô chở nước giải khát bị tai nạn, toàn bộ số nước giải khát bị hư hỏng.

Sau đó Công ty PS khởi kiện yêu cầu Công ty bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, vì cho rằng hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết từ 8g sáng; ngược lại Công ty bảo hiểm lại cho rằng hợp đồng bảo hiểm được giao kết lúc 11g30, nên thời điểm ô tô bị tai nạn hợp đồng bảo hiểm chưa được giao kết, nên không phát sinh nghĩa vụ bảo hiểm.

Với nội dung tranh chấp này, nếu theo quy định của BLDS năm 2005 sẽ rất khó để xác định hợp đồng bảo hiểm được giao kết vào thời điểm nào, nhưng với BLDS 2015 thì vấn đề xác định thời điểm giao kết của hợp đồng này không còn khó khăn, trong trường hợp này phải theo quy định về thời điểm giao kết của hợp đồng bằng lời nói, tức là vào lúc 8g sáng và như vậy đồng nghĩa với việc Công ty bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm (đoạn 2 khoản 4, Điều 400 BLDS).

Ngoài các phương thức giao kết hợp đồng truyền thống đã nêu trên, ngày nay chúng ta còn biết đến một phương thức giao kết mới đó là giao kết bằng phương tiện điện tử. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Giao dịch điện tử thì, “Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu”.

Theo quy định tại các Điều 18, 19, 20 Luật giao dịch điện tử và khoản 2 Điều 11 Nghị định 57/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006, thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là “Thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử đó tại một địa chỉ điện tử do người nhận chỉ ra. Thời điểm nhận một chứng từ điện tử ở địa chỉ điện tử khác của người nhận là thời điểm người nhận có thể truy cập được chứng từ điện tử tại địa chỉ này và người nhận biết rõ chứng từ điện tử đã được gửi tới địa chỉ này”. Theo quy định này thì người nhận được coi là có thể truy cập được một chứng từ điện tử khi chứng từ điện tử đó tới được địa chỉ điện tử của người nhận.

Như vậy, tùy theo hình thức của hợp đồng (bằng lời nói, bằng văn bản trực tiếp, văn bản thư tín…) mà pháp luật quy định thời điểm giao kết tương ứng và như vậy, khi đã xác định được chính xác thời điểm giao kết thì đồng thời chúng ta cũng xác định được thời điểm có hiệu lực của đa số các hợp đồng (trừ các hợp đồng có hiệu lực theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật).

1.2.Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận

Xuất phát từ một trong các nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt của chế định hợp đồng là “Tự do thỏa thuận”, nên pháp luật dân sự cho phép các bên có thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên, sự thỏa thuận đó không được trái luật hoặc trái với bản chất của hợp đồng.

Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Do vậy, trường hợp này các bên không thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trước thời điểm đăng ký được.

Hoặc các bên cũng không thể thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng trước thời điểm các bên giao kết hợp đồng được, vì như vậy là trái với bản chất của hợp đồng.

Thực tiễn đàm phán, ký kết hợp đồng, trong rất nhiều trường hợp các bên thỏa thuận thời điểm có hiệu lực của hợp đồng không phải là thời điểm các bên giao kết.

Ví dụ: Trong hợp đồng bảo hiểm, các bên thỏa thuận thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực pháp luật là ngày bên mua bảo hiểm hoàn tất hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và nộp đủ phí bảo hiểm đầu tiên. Hoặc trong nhiều trường hợp, hợp đồng đã được đại diện các bên ký kết, nhưng trong hợp đồng có điều khoản quy định, hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ ngày được người có thẩm quyền của Công ty phê chuẩn.

2.Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do pháp luật quy định

Trong một số trường hợp cần có sự kiểm soát chặt chẽ về thủ tục xác lập hợp đồng, pháp luật có quy định hợp đồng phải được lập bằng các hình thức văn bản có công chứng, chứng thực hoặc có đăng ký. Trường hợp này, hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm các bên làm xong các thủ tục theo quy định.

Thực tế giải quyết tranh chấp các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thời gian trước đây tồn tại một vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 146 khoản 4 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. 

Như vậy, theo quy định nêu trên thì thời điểm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật là thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được hiểu như thể nào? ngay tại thời điểm Văn phòng đăng ký tiếp nhận hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay thời điểm Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã hoàn tất thủ tục đăng ký, trước bạ sang tên?

Vấn đề này đã rõ hơn trong Luật Đất đai 2013, vì khoản 3 Điều 188 đã quy định rõ, hợp đồng này có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Và với quy định này thì không thể hiểu thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ mà phải là thời điểm “đăng ký vào sổ địa chính”.

Ngoài ra, pháp luật còn có quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực đối với một số loại hợp đồng:

Luật Nhà ở năm 2014 quy định, trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng [khoản 1 Điều 122]. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Đối với các giao dịch này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng [khoản 2 Điều 122].

Đối với giao dịch bảo đảm thì Luật dân sự hiện hành quy định rõ hai loại thời điểm có hiệu lực: (1) thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm [Điều 298] và (2) thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba [khoản 1 Điều 297], theo các quy định này thì thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm cũng tuân theo những quy định chung về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng (vì bản thân giao dịch bảo đảm là một hợp đồng), tức là có thể có hiệu lực từ thời điểm giao kết, theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật [khoản 1 Điều 310; khoản 1 Điều 319]. Về thời điểm giao dịch bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì Luật dân sự cũng quy định rõ là kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm [ khoản 2 Điều 310; khoản 2 Điều 319].

**

Như vậy, thời điểm giao kết và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là hai loại thời điểm khác nhau. Nguyên tắc chung để xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là: thời điểm do các bên thỏa thuận (thỏa thuận này không trái các quy định của pháp luật); Nếu các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm do pháp luật quy định; Nếu các bên không có thỏa thuận và pháp luật cũng không có quy định thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết hợp đồng, mà thời điểm giao kết hợp đồng thì cần phải căn cứ vào phương thức giao kết, hình thức tồn tại của hợp đồng để xác định.

 

 

 

 

 

TS. PHẠM VĂN LỢI (Tòa án nhân dân tối cao)