Một số vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Hiện nay, việc áp dụng một số quy định của pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn bất cập, chưa thực sự phù hợp, rất cần được hướng dẫn, tập huấn…

1. Quy định của pháp luật

Người dưới 18 tuổi do đặc trưng về tâm sinh lý lứa tuổi nên nhận thức còn hạn chế, trình độ học vấn chưa hoàn thiện, vốn kinh nghiệm, hiểu biết xã hội còn ít, sự thông hiểu và chấp hành các chuẩn mực hành vi, chuẩn mực xã hội và pháp luật chưa cao, năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, dễ bị kích động, dễ phạm sai lầm, dễ bị thúc đẩy vào việc thực hiện tội phạm nhưng cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục thành người có ích cho xã hội. Theo khoản 1 Điều 91 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Việc xử lý người dưới 18 phạm tội phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành người công dân có ích cho xã hội…”. Đây là nguyên tắc cơ bản được thể hiện chính sách pháp luật về hình sự đối với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật.

Tội phạm (khoản 1 Điều 8 BLHS) là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 BLHS) là người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm nhất định; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.

Chủ thể là người dưới 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ.

Như vậy, người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ, cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Một số vướng mắc trong thực tiễn

2.1. Cách tính mức phạt tù có thời hạn

Cách tính mức phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 101 BLHS còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Nguyễn Văn A 17 tuổi phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 3 Điều 251 BLHS có khung hình phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Quan điểm thứ nhất: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với A là 15 năm tù (không quá 3/4 của 20 năm tù) và BLHS không quy định mức tối thiểu của hình phạt tù đối với A.

Quan điểm thứ hai: Khung hình phạt được áp dụng đối với A không quá 3/4 khung hình phạt luật định là từ 11 năm 03 tháng tù đến 15 năm tù.

Theo tác giả, quan điểm thứ hai hợp lý hơn. Điều 101 BLHS quy định về mức phạt tù có thời hạn đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì mức phạt tù cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định và đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức phạt tù cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. Trong trường hợp người phạm tội là người thành niên được quyết định mức hình phạt là mức thấp nhất của khung thì đối với người dưới 18 tuổi phạm tội mức hình phạt sẽ bằng 3/4 mức hình phạt của người thành niên đó, tức là 3/4 mức thấp nhất của khung, rõ ràng lúc này hình phạt của người dưới 18 tuổi đã thấp hơn cả mức thấp nhất của khung hình phạt luật định, điều này nhằm mục đích đảm bảo công bằng trong việc quyết định hình phạt giữa người thành niên và người dưới 18 tuổi phạm tội.

Luật chỉ khống chế mức tối đa cho phép nhưng Tòa án phải xác định được khung hình phạt từ thấp nhất đến cao nhất tương ứng đối với người dưới 18 tuổi, sau đó căn cứ vào các yếu tố được pháp luật quy định như mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả, nhân thân… để quyết định mức phạt tù cụ thể đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khi đã xác định khung hình phạt cho người dưới 18 tuổi phạm tội thì Tòa án xem xét có đủ điều kiện áp dụng thêm khoản 1 Điều 54 BLHS để Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã được xác định. Ví dụ trên, A dưới 18 tuổi phạm tội theo khoản 3 Điều 251 BLHS, khung hình phạt của A được xác định là từ 11 năm 3 tháng tù đến 15 năm tù, A có đủ điều kiện để Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 54 quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung tức là mức hình phạt của A dưới 11 năm 03 tháng tù.

Quy định tại Điều 102 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt cũng tương tự là chỉ quy định mức cao nhất của khung hình phạt luật định khi áp dụng xử phạt người dưới 18 tuổi phạm tội mà chưa quy định rõ mức thấp nhất của khung dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất.

2.2.Miễn trách nhiệm hình sự

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội và trên thực tế, Tòa án rất ít áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét xử.

Ví dụ: Duy H 17 tuổi cùng tham gia trộm cắp tài sản với Nguyễn M, H là người đứng ở ngoài trông xe cho M thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Duy H phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không có cha mẹ đẻ. Tài sản H và M lấy trộm đã được thu hồi trả lại cho chủ sở hữu. Tòa án nhận định Duy H và Nguyễn M là đồng phạm giản đơn trong vụ án, H có nhiều tình tiết giảm nhẹ và thực hiện đồng phạm với vai trò không đáng kể, Tòa án xử phạt H 15 tháng cải tạo không giam giữ. Trường hợp này xét thấy Tòa án có thể vận dụng điểm c khoản 2 Điều 91 BLHS quy định về người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự cho Duy H.

Nguyên nhân của việc Tòa án không áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội khi có đầy đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 91 BLHS là do Thẩm phán chủ tọa còn bị chi phối về đề nghị hình phạt trong bản luận tội của Viện Kiểm sát mà chưa mạnh dạn áp dụng hoặc do đây là chế định mới nên Thẩm phán còn e dè trong việc áp dụng.

2.3.Áp dụng tình tiết tăng nặng “Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội”

Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

Quan điểm thứ nhất: Tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS được áp dụng đối với mọi chủ thể phạm tội, không giới hạn độ tuổi, tức là kể cả người chưa đủ 18 tuổi.

Quan điểm thứ hai: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội không được áp dụng với người phạm tội chưa đủ 18 tuổi. Bởi vì theo quy định tại Điều 90, Điều 91 BLHS thì xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức, những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Mặt khác, người dưới 18 tuổi là những đối tượng đang trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có thể tự ý thức được hành vi của mình.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, căn cứ vào quy định tại Điều 416 BLTTHS  về những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội tại khoản 3 là “Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục”, như vậy không đặt ra vấn đề người dưới 18 tuổi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội. Hơn nữa, để đảm bảo trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng có lợi nhất và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm thì không nên áp dụng tình tiết tăng nặng “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Ngoài ra còn có một số bất cập khác như khi giải quyết vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi, Thẩm phán phải là người có kinh nghiệm xét xử hoặc được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết, về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi; phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 6 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Hệ thống ngành Tòa án quân sự còn gặp khó khăn do thiếu Thẩm phán và Hội thẩm đáp ứng được yêu cầu trên.

3. Kiến nghị, đề xuất

Qua những vướng mắc khi xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như đã nêu trên, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

- Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có văn bản hướng dẫn các vấn đề sau:

+ Hướng dẫn áp dụng Điều 101 BLHS theo hướng như sau:

“Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi... nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt được áp dụng không quá 3/4 khung hình phạt luật định”.

“Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi... nếu là tù có thời hạn thì khung hình phạt được áp dụng không quá 1/2 khung hình phạt luật định”.

+ Hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm o khoản 1 Điều 52 BLHS theo hướng không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

- TANDTC cần tổ chức các buổi Hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về vấn đề xét xử người dưới 18 tuổi, như vấn đề áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội để trau dồi thêm trình độ năng lực cũng như bản lĩnh nghề nghiệp cho Thẩm phán cũng như các cán bộ Tòa án.

Xuất phát từ đặc điểm về lứa tuổi, những người dưới 18 tuổi được coi là những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý cũng như nhận thức và rất dễ bị tổn thương. Quá trình tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi, đặc biệt là người dưới 18 tuổi phạm tội đòi hỏi phải có những điểm đặc biệt nhất định phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và sự phát triển về mặt tâm sinh lý, sao cho việc giải quyết vụ án hình sự được hiệu quả nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ được họ trước quá trình tư pháp, để họ chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình và được tạo cơ hội nhằm tránh mắc phải những sai phạm như vậy trong tương lai. Vì vậy, những vướng mắc của pháp luật hình sự khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về nhận thức và thống nhất để áp dụng.

 

TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội xét xử rút kinh nghiệm đối với hai bị cáo, trong đó có một bị cáo dưới 18 tuổi - Ảnh: Tô Thị Thu Trang         

 

ĐẶNG THẾ THANH (Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5)