Những vướng mắc trong quy định tạm ngừng phiên tòa hình sự

Tạm ngừng phiên tòa là một quy định mới trong BLTTHS 2015, nằm trong phần xét xử vụ án. Tuy nhiên, có một số vướng mắc về tạm ngừng phiên tòa mà Tòa án gặp trong thực tiễn xét xử cần khắc phục.

1. Căn cứ pháp lý

Theo Điều 251 BLTTHS 2015, khi có một trong các căn cứ thuộc các trường hợp sau thì việc xét xử có thể bị tạm ngừng:

Thứ nhất, tòa án cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa

Theo đó việc xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật của Tòa án phải ngắn gọn. Tài liệu đồ vật đó làm bổ sung thêm sự sáng tỏ của vụ án và thực hiện được nhanh chóng trong thời gian ngắn, tối đa là 05 ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa. Ví dụ như việc xác minh lại phần tiền bồi thường thiệt hại của bị cáo cho những bị hại mà lời khai trên phiên tòa với bản cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát là khác nhau. Khi đó, Tòa án có thể tạm ngừng phiên tòa và xác minh lại phần tiền mà bị cáo đã bồi thường cho các bị hại tại sao lại có mâu thuẫn (xác minh hóa đơn tổ chức ma chay của gia đình bị hại, đối tượng cấp dưỡng; thu nhập trung bình tại địa phương…). Như vậy, việc tạm ngừng phiên tòa là hoàn toàn hợp lý, để giải quyết công việc trong thời gian ngắn mà không cần nhất thiết phải hoãn phiên tòa để xác minh lại những điều đó.

Thứ hai, do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa

Thực tế cho thấy, khi phiên tòa diễn ra các thành phần tham gia tố tụng là đầy đủ theo quy định và giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, có những phiên tòa phức tạp có thể diễn ra nhiều ngày và trong đó người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách mà không thể tiếp tục tham gia phiên tòa. Nhưng điều đó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn cụ thể là dưới 05 ngày, thì Tòa án có thể căn cứ vào đó tạm ngừng phiên tòa.

Tuy nhiên, có nhiều phiên tòa mà hình sự khi thư kí kiểm tra sự có mặt của những người tiến hành tố tụng hoặc những người tham gia tố tụng không có mặt thì có nên tạm ngừng phiên tòa không? Điều này, phụ thuộc vào quyết định của HĐXX, xem việc vắng mặt của người tiến hành tố tụng có thể liên hệ nhanh chóng để tham dự phiên tòa trong một hoặc hai ngày tiếp theo, nếu việc vắng mặt đó không thể khắc phục được trong thời gian ngắn thì phải ra quyết định hoãn phiên tòa theo Điều 297.

Thứ ba, vắng mặt Thư ký tại phiên tòa

Thư ký tòa án là người tiến hành tố tụng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 34 BLTTHS năm 2015. Với nhiệm vụ quy định tại Điều 47, Thư ký tòa án là người không thể thiếu ở phiên tòa với nhiệm vụ quan trọng là ghi lại biên bản phiên tòa. Do đó, vắng mặt Thư ký theo quy định là phải hoãn phiên tòa theo Điều 297. Tuy nhiên, trường hợp vắng mặt thư kí tại phiên tòa có thể khắc phục được trong thời gian ngắn như việc thư kí vì lý do sức khỏe mà không thể tham gia phiên tòa được hoặc lý do như điểm b của khoản 1 Điều 251.

Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa (khoản 2 Điều 251).

2. Những vướng mắc khi áp dụng

Thứ nhất: Về thời hạn tạm ngừng phiên tòa

Việc BLTTHS 2015 quy định tạm ngừng phiên tòa, là sự tiến bộ trong quá trình lập pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các vụ án hình sự một cách nhanh chóng, tuy nhiên việc quy định thời gian tạm ngừng 05 ngày là quá ngắn, không đảm bảo thời gian để thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc mở lại phiên tòa, trong khi quy định hoãn phiên tòa đến 30 ngày thì việc 5 ngày để thu thập chứng cứ mang tính chủ quan của Hội đồng xét xử, nếu thấy cần thu thập chứng cứ thì hoãn phiên tòa sẽ có nhiều thời gian hơn chứ không cần phải tạm ngừng.

Công việc xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, cụ thể và chính xác; đôi khi việc xác minh không phải chỉ trong 01 địa phương mà đôi khi có thể ở nhiều địa phương khác nhau, có thể khoảng cách địa lý xa nhau nên 05 ngày để thực hiện công việc đó là khá ít, sẽ dễ dẫn tới trường hợp vật chứng, tài liệu không được thẩm định cẩn thận và xảy ra nhiều sai sót trong quá trình giải quyết vụ án. Làm thế nào có thể xác định rằng việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu mà có thể thực hiện trong vòng 05 ngày được để Hội đồng xét xử có thể ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Việc thu, thập xác minh chứng cứ là công việc đòi hỏi sự cụ thể, tỉ mỉ và chuẩn xác bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết vụ án. Do đó, khi áp dụng căn cứ này để tạm ngừng phiên tòa dễ dẫn tới việc quá trình thu thập, xác minh chứng cứ diễn ra hơn 05 ngày và khi đó lại phải ra quyết định hoãn phiên tòa.

Thứ hai: Về lý do tạm ngừng phiên tòa

Căn cứ để cho rằng do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa khi áp dụng có nhiều vướng mắc. Căn cứ vào đâu để Hội đồng xét xử cho rằng “Người tham gia tố tụng có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày”. Việc xác định căn cứ trên là do ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử để ra quyết định tạm ngừng phiên tòa, có nên cho rằng trong 05 ngày đó tình hình sức khỏe của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng có đảm bảo không để có thể tiếp tục tham gia phiên tòa. Vấn đề này cần có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng điều luật.

Về vắng mặt của Thư ký Tòa án tại phiên tòa, Thư ký Tòa án là người tiến hành tố tụng quan trọng trong mỗi phiên tòa, theo quy định tại các Điều 288 và Điều 349 BLTTHS năm 2015 quy định về sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án, phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa. Theo đó, trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì phiên tòa phải được tạm ngừng và việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 251 BLTTHS năm 2015.

Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 251 với khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015 cho thấy có sự mâu thuẫn, vì trong trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa thì ai sẽ là người ghi biên bản phiên tòa.

Sau khi tạm ngừng phiên tòa thì Hội đồng xét xử sẽ thu thập chứng cứ hay ra thông báo yêu cầu Viện kiểm sát thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 252 BLTTHS năm 2015. Trong khi Điều 88 BLTTHS năm 2015 lại quy định chung cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, trong đó có Tòa án được tiến hành thu thập chứng cứ như xem xét tại chỗ vật chứng, xem xét tại chỗ nơi xảy ra tội phạm. Theo tác giả, quy định trên cần phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với Điều 88 BLTTHS năm 2015.

Thứ ba: Về số lần tạm ngừng phiên tòa

Số lần tạm ngừng phiên tòa, theo quy định tại khoản 2 Điều 251 thì chưa quy định cụ thể số lần tạm ngừng phiên tòa. Một giả định đưa ra là HĐXX có thể áp dụng nhiều lần tạm ngừng phiên tòa mà không vi phạm quy định của pháp luật thì giải quyết vấn đề này ra sao?

Có quy định căn cứ để tạm ngừng phiên tòa nhưng thủ tục tạm ngừng phiên tòa, chủ thể ra quyết định tạm ngừng phiên tòa là ai thì cũng chưa nêu cụ thể. Thực tế thì trong quá trình xét xử, HĐXX là người có quyết định đối với tất cả hoạt động xét xử, do vậy quyết định tạm ngừng cũng là HĐXX ra quyết định. Tuy nhiên, cần phải đưa ra điều luật cụ thể nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng được diễn ra công khai, minh bạch.

Thứ tư: Chưa có biểu mẫu áp dụng đối với tạm ngừng phiên tòa

Khi áp dụng Điều luật này vào thực tế thì hiện tại Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 9 năm 2017 ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của bộ luật tố tụng hình sự thì trong 60 biểu mẫu không có biểu mẫu tạm ngừng phiên tòa thì khi áp dụng Điều luật này trong thực tế mà áp dụng biểu mẫu khác để ra quyết định tạm ngừng phiên tòa thì có vi phạm không?

3. Kiến nghị

Thứ nhất: Cần có một văn bản hướng dẫn cụ thể rằng những trường hợp nào cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày.

Thứ hai: Nên tăng thời gian tạm ngừng phiên tòa, theo quan điểm cá nhân của tác giả thì thời gian tạm ngừng phiên tòa tối đa là 10 ngày, 10 ngày là khoảng thời gian phù hợp cho giải quyết công việc mang tính chất tạm thời, có đủ điều kiện để thực hiện.

Thứ ba: Căn cứ Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa nên bỏ, vì Thư ký là một trong những người tố tụng theo quy định tại Điều 34 BLTTHS 2015. Hoặc cần có hướng dẫn “trong các vụ án khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử cần phải phân công Thư ký dự khuyết”. Vì trường hợp Thư ký chính thức vắng mặt sẽ có Thư ký khác thay thế mà không cần phải ngừng hoặc hoãn phiên tòa.

Thứ tư: Bổ sung các biểu mẫu tố tụng liên quan đến tạm ngừng phiên tòa, hướng dẫn thống nhất: Quyết định tạm ngừng phiên tòa, Biên bản hội ý tạm ngừng phiên tòa của Hội đồng xét xử; biên bản ghi nhận sự vắng mặt Thư ký; thành viên Hội đồng xét xử, đương sự do sức khỏe, do sự kiện bất khả kháng; Quyết định xem xét vật chứng, xem xét hiện trường…

Qua những phân tích và chỉ ra những bất cập trong việc áp dụng Điều luật cũng như đưa ra một vài kiến nghị bổ sung thì có thể thấy việc sửa đổi Quy định tạm ngừng phiên tòa trong BLTTHS 2015 là cần thiết. Tòa án không ra Quyết định hoãn phiên tòa vì hậu quả pháp lý của hoãn phiên tòa là mất thời gian trong quá trình giải quyết vụ án trong khi đó các quy định về tạm ngừng phiên tòa lại là một giải pháp hiệu quả và nhanh gọn hơn.

 

Tòa án  huyện Cần Đước, Long An xét xử sơ thẩm vụ án hình sự con gái ngược đãi mẹ già - Ảnh: Kim Kháng/ LVT

 

 

 NGUYỄN VĂN HÒA ( Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 3)