Thông tư liên tịch về giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú quản chế còn lại

Ngày 11/10/2021, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.

Thông tư liên tịch số 04/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP bao gồm 5 chương, 18 Điều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 11 năm 2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16 tháng 8 năm 2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.

1. Về trình tự thủ tục giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ

a.Hồ sơ đề nghị

 Hồ sơ để nghị giảm thời gian chấp hành án phạt tù cải tạo không giam giữ bao gồm:

  • Đơn đề nghị;
  • Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét giảm thời hạn chấp hành án từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án; Văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án;
  • Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (Nếu có);
  • Trường hợp người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên;
  • Nếu đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì phải có biên lai, hóa đơn, chứng từ.
  • Các tài liệu khác liên quan

b.Thủ tục đề nghị 

Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án có trách nhiệm rà soát người đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành án, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị giảm thời hạn chấp hành án đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp (Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực). Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ giảm thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cấp quân khu có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

c.Thủ tục xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành

Tòa án tổ chức phiên họp xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại khoản 4 Điều 103 của Luật Thi hành án hình sự; Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.

2. Về trình tự thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ

a. Hồ sơ đề nghị

  • Đơn đề nghị;
  • Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát; Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự trong trường hợp cơ quan này đề nghị;
  • Quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người chấp hành án lập công (Nếu có);
  • Trường hợp người chấp hành án bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên;
  • Đối với người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV thì phải có kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV. đang có nhiễm trùng cơ hội và tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
  • Xác nhận, nhận xét của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp người bị kết án phạt cải tạo không giam giữ chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
  • Tài liệu khác có liên quan.

b. Thủ tục đề nghị

Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi người chấp hành án đang cư trú, làm việc, tự mình hoặc theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành án. Hồ sơ bao gồm:

  • Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
  • Văn bản đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát;
  • Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự trong trường hợp cơ quan này đề nghị;
  • Đơn xin miễn chấp hành án của người bị kết án hoặc người đại diện theo quy định của pháp luật;
  • Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án đã lập công; kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của người bị kết án bị bệnh hiểm nghèo; xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị kết án chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

c. Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.

Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Chậm nhất là 03 ngày trước khi mở phiên họp, Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án.

3. Về miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

a. Hồ sơ đề nghị 

  • Đơn xin miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại của người chấp hành án;
  • Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án;
  • Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
  • Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã;
  • Văn bản đề nghị của ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế;
  • Văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;
  • Tài liệu khác có liên quan.

b. Thủ tục đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

Khi người chấp hành án phạt cấm cư trú, quản chế có đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 62 của Bộ luật Hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Tòa án cùng cấp xét miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú còn lại, đồng thời sao gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. 

c.Thủ tục xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định, Chánh án Tòa án có thẩm quyền thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ thì Thẩm phán chủ trì phiên họp đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với tài liệu chưa rõ. Văn bản đề nghị này đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ thêm tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.

Công an phường I, Tp Vị Thanh, Hậu Giang là mô hình điểm về giúp đỡ, hỗ trợ những người cải tạo không giam giữ, chấp hành xong án phạt tù… Ảnh: Nhật Tân/ BHG

Chi tiết  xem tại phần đính kèm.

Tài liệu đính kèm

PV