Vị Thẩm phán từng là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Đó là Thẩm phán Hoàng Nam Hải (1923 – 2003), từng giữ cương vị Chánh Tòa hình sự TANDTC. Ông đã tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ ngày đầu thành lập.

CHIẾN SĨ ĐẦU TIÊN TRONG QUÂN ĐỘI

Ông Hoàng Nam Hải sinh tại bản Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Quê gốc của ông là thôn Đa Đinh, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha ông đi lính, lên đóng đồn tại Cao Bằng, lập gia đình và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Trong số các anh em trong nhà, ông là người được giác ngộ cách mạng sớm nhất. Còn anh trai ông, sau này trở thành Giám đốc đầu tiên Công an tỉnh Hà Giang (12/1945), tiếp đó làm Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ. Một người bạn, sau trở thành em rể ông, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 Thành đồng Tổ quốc những ngày đầu kháng chiến chống Pháp…

Năm 1941, để chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang sau này, một số thanh niên Cao Bằng giác ngộ cách mạng (Vũ Nam Long, Đàm Quang Trung, Mai Trung Lâm, Hoàng Long Xuyên, Hoàng Siêu Hải, Hoàng Ngọc Sơn, Vũ Lập, Hà Hưng Long, Thu Sơn…), trong đó có Nam Hải được đưa sang Trung Quốc học quân sự tại phân hiệu Võ bị Hoàng Phố. Theo nghiệp đao cung, khóa học kéo dài 3 năm, đến tháng 10/1944, ông về nước tham gia huấn luyện tự vệ huyện Hà Quảng. Giữa lúc huấn luyện, Hoàng Nam Hải nhận được chỉ thị về tham gia  Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) do đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) chỉ huy.

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm 1945 - Ảnh: Hoàng Văn Đức

Trên báo QĐND, ngày 17/12/1979, trong bài Ngày lịch sử ấy Đại tướng Hoàng Văn Thái đã kể lại ngày thành lập Đội VNTTGPQ như sau: “... Nói đến thành lập Quân Giải phóng là trong bụng tôi như mở cờ. Điều đó tôi mong mỏi từ khi tham gia cách mạng, từ khi là chiến sĩ tự vệ bí mật cầm gậy tre thay cho súng, từ ngày có đội du kích Bắc Sơn cho đến những ngày học tập quân sự ở nước ngoài, không giấu nổi nỗi vui sướng, tôi cầm chặt tay anh Văn và hỏi:

- Đồng chí ghi tên anh em ngay bây giờ chứ?

Anh Văn cười gật đầu và mở sổ tay trong đó đã ghi tên những đồng chí cán bộ và chiến sĩ trung kiên đã hoạt động lâu năm ở Cao - Bắc - Lạng mà đã được anh Văn cùng liên tỉnh ủy lựa chọn: đồng chí Xích Thắng, Hoàng Sâm, Mậu, Thư, Hậu, Hữu Ích, Long Quân, Hoàng Thịnh, Nam.

Theo tôi đọc, anh ghi thêm các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Quốc Chủng, Xuân Trường, Thu Sơn, Lâm Kính, Văn Quyển, Hưng Long, Long Xuyên, Nam Hải”.

Sau hai trận chiến thắng mở màn tại Phai Khắt và Nà Ngần, đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5/2/1945, Đội VNTTGPQ đánh trận thứ ba tại Đồng Mu (nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng). Trận này, một chiến sĩ hy sinh là Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường). Đây là liệt sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam. Nhiều năm sau, thân nhân của liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng về Hà Nội gặp ông Nam Hải, ông đã viết giấy chứng nhận để họ được hưởng tiêu chuẩn chính sách của Nhà nước dành cho thương binh, liệt sĩ và người có công với Cách mạng.

Thượng tướng Phùng Thế Tài và ông Hoàng Nam Hải  – Tư liệu gia đình

Một số người hỏi: Không được ghi tên trong danh sách những chiến sĩ đầu tiên của Đội VNTTGPQ, ông có thắc mắc gì không? Ông Nam Hải trả lời: “Tôi không có mặt trong 34 người nên người ta không ghi tên. Nhưng số chiến sĩ VNTTGPQ đầu tiên không chỉ còn tôi mà còn một số người nữa. Tôi nghĩ rằng ghi tên hay không ghi tên, không quan trọng, cách mạng hàng triệu người tham gia, làm sao ghi tên hết được. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận tôi là chiến sĩ VNTTGPQ, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng, cũng là vẻ vang rồi".

NGƯỜI LÊN TÂY TIẾN MÙA XUÂN ẤY

Ngày 15/4/1945, Hoàng Nam Hải trở thành cán bộ huấn luyện quân sự cho học viên trường Quân chính kháng Nhật (nay là Trường Sỹ quan Lục quân I). Đây là vốn liếng ban đầu của cách mạng trong những ngày tiền khởi nghĩa, để sau đó, những học viên trường Quân chính kháng Nhật này đã tỏa về các địa phương nhanh chóng giành chính quyền về tay cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Hoàng Nam Hải được chỉ định làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La nhận nhiệm vụ Tây Tiến sang Lào chặn bước thực dân Pháp trở lại xâm lược.

“Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Nhà thơ Quang Dũng đã tạc tượng đài người lính Tây Tiến bằng thơ, theo thời gian sống trong lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Để có chất liệu thành thơ ấy là cuộc sống thực đầy gian khổ song rất hào hùng của người lính các đơn vị Tây Tiến mà ông Hoàng Nam Hải là Trung đoàn trưởng đầu tiên.

Hồi ức của các nhận chứng lịch sử của đoàn quân Tây Tiến ghi chép lại cho biết: Tháng 11/1945, hai tiểu đoàn Pháp của đạo quân A-lếch-xăng-đri, chạy sang ở Vân Nam (Trung Quốc) từ ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nay quay trở lại Việt Nam. Chúng được thổ ty Đèo Văn Long đưa về chiếm thị xã Lai Châu. Cùng lúc đó, lực lượng Quốc dân đảng phản động, được quân đội Tưởng Giới Thạch che chở, cũng lôi kéo Đèo Văn Long và một số thổ ty chống lại cách mạng. Trong tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc (11/1945) và Bộ Tổng tham mưu đã điều động một bộ phận lực lượng Giải phóng quân lên chi viện cho Mặt trận Tây Bắc. Từ đây, bộ đội Tây tiến ra đời.

Đến đầu tháng 3/1946, Tư lệnh Chiến khu 2 Hoàng Sâm, sau khi sang Sầm Nưa thăm và uý lạo bộ đội Tây Tiến giải phóng Sầm Nưa, đã về Mường Hét dự cuộc họp với Lào, bàn việc thành lập khối Liên minh chiến đấu Việt-Lào. Sau đó Tư lệnh Hoàng Sâm sang Sơn La, triệu tập cán bộ chủ chốt của Trung đoàn, đại diện Ban cán sự và Ủy ban Hành chính tỉnh Sơn La, công bố quyết định thành lập Ban chỉ huy Trung đoàn Sơn La, gồm: Hoàng Nam Hải - Trung đoàn trưởng, Lê Trọng Tấn - Trung đoàn phó; Hoàng Mười – Chính trị viên; Hoàng Đông Tùng - Phái viên chính trị của Khu, kiêm Bí thư Trung đoàn ủy.

Đến thời điểm này, Trung đoàn có đủ 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 71 (Tiểu đoàn trưởng: Kim Anh), Tiểu đoàn 90 (Tiểu đoàn trưởng: Bế Văn Sắt), Tiểu đoàn 86 (Tiểu đoàn trưởng: Kim Thành).

Tháng 9/1946, Phùng Thế Tài lên thay. Trung đoàn trưởng Nam Hải về làm Giám đốc trường Quân chính Quân khu 2. Được gần 6 tháng, ông lại nhận nhiệm vụ mới, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 34 (nay là Lữ đoàn Pháo binh 45 Tất Thắng)…

THANH GƯƠM CÔNG LÝ

Năm 1958, trong đợt kiểm tra sức khỏe, ông không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân đội nữa mà phải chuyển ngành về công tác tại Ban Nông thôn Trung ương (do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Trưởng ban), rồi về công tác tại Tòa án nhân dân tối cao từ năm 1960. Trước khi nghỉ hưu, ông Hoàng Nam Hải là Chánh tòa Hình sự - Tòa án nhân dân tối cao (cố vấn bậc 2).

Tin buồn đăng báo Công Lý ngày ông Hoàng Nam Hải từ trần

Gần 30 năm công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, đến khi nghỉ hưu (1988), ông Hoàng Nam Hải luôn có ý thức giữ gìn cán cân công lý. Từ quân đội chuyển ngành sang, vốn kiến thức về Tòa án là con số không nhưng theo nhận xét của các cán bộ hưu trí Tòa án nhân dân tối cao, là người ham học, thông minh, ông Hoàng Nam Hải đã nhanh chóng trau dồi được kiến thức chuyên môn của người cầm cân nảy mực khi giữ thanh gươm công lý.

Nhà giáo ưu tú Đặng Hiển, em vợ của ông viết: Trong hơn hai chục năm làm công tác tư pháp, anh đã nghiên cứu làm việc, xét xử đúng người đúng tội, không phạm một sai lầm nào. Đặc biệt anh kiên quyết giữ gìn phẩm chất liêm chính của một người cán bộ, Đảng viên. Anh đặt ra một quy tắc bất di bất dịch cho mình là không bao giờ tiếp người thân của phạm nhân ở nhà riêng và cũng cấm những người thân của mình không được can dự vào các việc xét xử”./.

"Nhiều nhân chứng được hỏi chuyện đều nói hôm 22/12/1944 có khá đông, phải đến gần 100 người, nhưng chủ yếu là đứng xung quanh, còn 34 đội viên đứng thành hàng ở giữa và làm lễ thành lập, tuyên thệ. Khi làm lễ, lúc đó khoảng 5 giờ chiều, lại ở trong rừng, mùa đông nên trời tối, không nhìn mặt hết tất cả mọi người, chưa kể nhiều người chỉ mang bí danh để hoạt động” (Tư liệu Viện Lịch sử Quân sự - BQP).

 

Ông Hoàng Nam Hải (bên cạnh người cầm cờ) cùng các chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân báo công trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/12/1996  – Tư liệu gia đình.

KHẢI ĐĂNG