Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên được đặt tên cho tuyến phố mới ở Hà Nội

Luật sư Vũ Trọng Khánh – cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp - chính thức được Hà Nội đặt tên cho một tuyến đường phố mới tại quận Hà Đông.

Quyết định vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp diễn ra vào sáng 5/12, trong đó phố Vũ Trọng Khánh là 1 trong hơn 40 tuyến đường phố được Thủ đô đặt tên và điều chỉnh độ dài lần này.

Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/3/1912 trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước ở thôn Cự Đà, Thanh Oai, Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội). Từ năm 1920 đến năm 1932, ông là học sinh của Trường Lycee Albert Sarraut Hà Nội.

Sau khi  tốt nghiệp Cử nhân Luật, ông về Hải Phòng làm Thư ký Văn phòng Luật Laubies từ năm 1938. Năm 1941, ông tuyên thệ trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội và trở thành Luật sư. Với trình độ Luật học uyên thâm và sự thông thạo tiếng Pháp, Vũ Trọng Khánh được Luật sư Laubies tin cậy, giao quyền thay mặt mình để tranh tụng trước tòa nhiều vụ án, bào chữa cho nhiều chiến sỹ cách mạng tại Tòa án của chính quyền thực dân Pháp tại Hải Phòng.

Ảnh minh họa: Hà Nội sẽ có thêm tuyến phố mới mang tên Luật sư Vũ Trọng Khánh

Là một trí thức tích cực tham gia hoạt động và trưởng thành trong phong trào yêu nước từ năm 1936 – 1945 tại Hà Nội và Hải Phòng, khi còn đang là sinh viên trường Luật, ông đã tham gia nhóm nghiên cứu Mac-xit do ông Nguyễn Thế Rục và Phan Tư Nghĩa lãnh đạo, được bầu làm tổ trưởng tổ thanh niên dân chủ do ông Đào Duy Kỳ chỉ đạo. Luật sư Vũ Trọng Khánh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào yêu nước.

Tháng 7/1945, ông nhận chức Thị trưởng (đốc lý) thành phố Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim với dụng ý bảo vệ Việt Minh, không để cho kẻ xấu nắm giữ chức vụ này để làm hại cách mạng. Đồng thời, ông đã liên hệ với cán bộ Việt Minh là ông Vũ Quốc Uy và liên lạc với ông Nguyễn Bình, Tư lệnh chiến khu Đông Triều để chuyển giao chính quyền Hải Phòng cho Việt Minh ngày 23/08/1945 trong hòa bình. Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ ngày 28/8/1945).

Tháng 6/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cụ Huỳnh Thúc Kháng nắm quyền Chủ tịch nước đã ký quyết định cử Luật sư Vũ Trọng Khánh sang tham gia Hội nghị Fontainbleu và làm cố vấn pháp lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc này đang thăm và làm việc tại Pháp.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh. Ảnh Tư liệu

Ngay sau khi giành được chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc lập hiến là một trong “những vấn đề cấp bách hơn cả”. Chính phủ lâm thời xúc tiến ngay việc khởi thảo Hiến pháp.

Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm có 7 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sáu thành viên còn lại là: Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến, Giáo sư Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Bằng và Trường Chinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Giáo sư Đặng Thai Mai và Luật sư Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên.

Tại Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì, Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành.

 

Luật sư Vũ Trọng Khánh và vợ – ảnh tư liệu gia đình

Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước. Bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946.

Trong bối cảnh Chính phủ lâm thời mới được thành lập, Hiến pháp và các đạo luật chưa được ban hành, việc quản lý đất nước bằng các sắc lệnh là vô cùng quan trọng. Trước tình thế cấp thiết ấy, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã tranh thủ ý kiến của nhiều trí thức, luật gia nổi tiếng, trong 181 ngày làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông đã soạn thảo trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành hơn 30 Sắc lệnh làm nền tảng cho thể chế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn thành trọng trách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao phó.

Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12/1946 đến tháng 12/1948, Luật sư Vũ Trọng Khánh làm Giám đốc Tư pháp Chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Từ năm 1949 đến tháng 12/1951, ông là Trưởng Ban Nghiên cứu pháp lý. Giai đoạn 1951 – 1954, ông làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp.

Tháng 10/1954, miền Bắc được giải phóng, Luật sư Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội, sau đó được điều động về Hải Phòng giữ chức vụ Ủy viên Hành chính, rồi Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng (từ năm 1955 – 1961).

Một trang trong cuốn sách “Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên”

Ngoài ra, ông còn giữ các chức vụ đoàn thể khác của thành phố Hải Phòng như Đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình, Hội trưởng Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Ban Vận trù học, tham gia Đoàn luật sư và là bào chữa viên Hải Phòng. Ông là Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng từ khi mới thành lập (năm 1955) đến năm 1977 (khi ông nghỉ hưu).

Do có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh (1994); Huân chương Kháng chiến hạng nhất (1961); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất (1986) và nhiều Huy chương, Bằng khen cao quý khác…

Luật sư Vũ Trọng Khánh qua đời tại Hải Phòng ngày 22/1/1996 (hưởng thọ 84 tuổi). Để ghi nhận công lao của ông, người đã có nhiều đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng thể chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kỷ niệm 20 năm ngày ông đi xa – năm 2015, ấn phẩm “Luật sư Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên” đã được xuất bản với sự phối hợp của nhiều tác giả.

Hơn 20 năm ngày ông đi xa, nhằm khẳng định những cống hiến của Luật sư Vũ Trọng Khánh đối với đất nước và cách mạng, tên của ông đã được Hà Nội đặt cho một con phố đẹp trên địa bàn quận Hà Đông. Phố này dài 1.210m, chiều rộng 20m, đoạn từ ngã ba giao cắt đường Trần Phú tại điểm đối diện trụ sở 2 Công an thành phố Hà Nội, đến ngã ba giao cắt phố Tố Hữu.

Như vậy, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên vinh danh những đóng góp to lớn của vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Việt Nam.

Chia sẻ về quyết định của thành phố Hà Nội, con trai út của cố Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên – ông Vũ Trọng Khải cho hay, việc đặt tên cho một tuyến phố mới tại quận Hà Đông rất có ý nghĩa bởi đây chính là quê nhà của Luật sư Vũ Trọng Khánh. Ông Khải cũng nhận thấy tuyến phố này khá đẹp, thể hiện sự ghi nhận, vinh danh của Hà Nội đối với những cống hiến của bố ông cho đất nước và cách mạng.

Theo baophapluat.vn

HOÀNG THƯ