Dấu ấn của Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng trong cải cách tư pháp

Với cương vị là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, giai đoạn 2001-2007, ông Trương Vĩnh Trọng, thường được gọi thân mật là “anh Hai Nghĩa” luôn phát huy vai trò người đứng đầu, đầy tâm huyết và trách nhiệm với công việc, để lại những dấu ấn sâu đậm trong cải cách tư pháp nói riêng và lĩnh vực nội chính nói chung.

Nghị quyết đầu tiên về cải cách tư pháp

Nói đến sự nghiệp cải cách tư pháp là nói đến Nghị quyết số 08 năm 2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" và Nghị quyết số 49 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị. Cả hai nghị quyết quan trọng này đều có vai trò tham mưu quan trọng của Ban Nội chính Trung ương do ông Trương Vĩnh Trọng đứng đầu.

Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02/01/2002 là Nghị quyết quan trọng nhằm cụ thể hóa và phát triển những chủ trương nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng về công tác tư pháp. Nghị quyết đã đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò của tư pháp trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; sự mong đợi của nhân dân và các cơ quan tư pháp, đưa nền tư pháp của đất nước ta lên một bước mới, tạo điều kiện tăng cường hợp tác quốc tế về công tác tư pháp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, TS Hoàng Thế Liên thời ấy là Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp kể với PLO: “Sau gần 10 năm triển khai Hiến pháp 1992, nhận thức về nhà nước pháp quyền có những phát triển mới. Các vị lãnh đạo bắt đầu thấy sự tụt hậu của tư pháp so với kinh tế - xã hội đang trên đà đổi mới mạnh mẽ”. Sự tụt hậu ấy biểu hiện qua tất cả giai đoạn, lĩnh vực liên quan đến tư pháp, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. “Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, ban hành đầu năm 2002 ra đời trong hoàn cảnh ấy. Tôi là một trong tám thành viên tổ thư ký, đến từ các bộ, ngành, giúp việc, chấp bút dự thảo nghị quyết” - ông Liên kể.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng, nghị quyết đầu tiên của Đảng về tư pháp dần thành hình. Nhận rõ tính chất cấp bách, Nghị quyết 08 đã nêu thẳng nhiều yếu kém. Đó là “chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp...”.

Nguyên nhân cũng được nêu và đã đưa ra nhiều giải pháp như hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam; hoạt động công tố của Viện kiểm sát các cấp phải thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và suốt quá trình tố tụng, xử lý kịp thời sai phạm của người tiến hành tố tụng; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong bắt, giữ.

Nhiều chủ trương lớn từ Nghị quyết 08 đã được triển khai ngay sau đó, đáng chú ý là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự - tiền đề cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau này.

Tại Hội nghị tổng kết công tác Tòa án năm 2008, triển khai công tác năm 2009, sau khi đánh giá cao, biểu dương những kết quả ngành Tòa án đạt được trong năm 2008, chỉ ra những hạn chế, nổi cộm cần khắc phục (như tình trạng tiến độ và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án của ngành chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; đội ngũ cán bộ Toà án nói chung không những còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ, năng lực nghiệp vụ... hiện tượng cán bộ ngành Toà án vi phạm kỷ luật công vụ, phẩm chất đạo đức của người cán bộ Toà án...) Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói: "Theo tôi, ngành Toà án nhân dân cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, không để quá hạn luật định; phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; bảo đảm các quyết định của Toà án phải đúng pháp luật, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu có sức thuyết phục cao và có tính khả thi; tập trung giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ án hình sự và các tranh chấp, yêu cầu về dân sự nổi cộm, gây bức xúc trong giai đoạn hiện nay… Đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành và thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động Toà án theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành ở Trung ương và địa phương để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của Toà án, đặc biệt chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh và đủ về số lượng".

Những ý kiến tâm huyết và sâu sát của cố Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ hơn 10 năm trước đến nay vẫn có ý nghĩa thiết thực.

Người đứng mũi chịu sào

Với tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ, ông đã chỉ đạo cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương chủ động nghiên cứu, tham mưu, phát biểu với Bộ Chính trị về nhiều dự án luật quan trọng, nhất là các dự án về tổ chức bộ máy, thiết chế chính trị, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, về lĩnh vực tư pháp, phát triển kinh tế… như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Biên giới, Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Lao động, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)… Đồng thời, cán bộ của Ban cũng trực tiếp tham gia nhiều ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; góp ý với các cơ quan hữu quan về nhiều dự án pháp luật khác.

Nhớ lại giai đoạn ấy, nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ nhận xét: “Tư pháp, oan sai lúc ấy là vấn đề còn khá tế nhị, nhạy cảm. Nhưng làm việc với bác Hai Nghĩa thấy rất tình cảm. Bác không phải là dân luật nhưng rất tin tưởng, tôn trọng và rất lắng nghe ý kiến anh em có chuyên môn”.

Theo ông Trần Văn Độ, thời điểm ấy, ông đang luân chuyển làm Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu IV. Xa xôi vậy nhưng "bác Hai Nghĩa" vẫn chọn, gọi về tham gia nhóm chuyên gia liên ngành,  trực tiếp dự thảo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.

“Bác Hai Nghĩa gọi tôi lên, bảo chú thuộc diện quản lý của Quân ủy Trung ương nên không chịu nhiều sự ràng buộc của Ban cán sự đảng TANDTC. Vậy giao chú viết về phần Tòa án” - ông Độ kể lại.

Theo cách ấy, nhiều cán bộ trẻ có năng lực như Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, TS Lê Hữu Thể học luật ở Đức; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, TS Trần Đình Nhã học luật ở Liên Xô cũng được ông Hai Nghĩa mời về. Để đảm bảo khách quan, ông Thể được giao viết về cải cách tư pháp với hệ thống cơ quan điều tra, còn ông Nhã chấp bút về cải cách tư pháp cho Viện kiểm sát các cấp.

Ngày 16/1/2020, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đoàn TANDTC đã đến thăm và chúc Tết nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Bến Tre - Ảnh: Quang Trung

TS Hoàng Thế Liên nói: “Tôi dân luật, học ở Liên Xô về được tham gia từ đầu chí cuối quá trình ấy. Sau lần làm thư ký xây dựng Nghị quyết 08 thì được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Tư pháp, tiếp tục tham gia vừa triển khai Nghị quyết 08 vừa xây dựng Nghị quyết 49”.

Trong trí nhớ của ông Liên, Bí thư Trung ương Đảng Trương Vĩnh Trọng rất chịu khó lắng nghe, ham học hỏi, kể cả học cấp dưới. “Đấy là con người của hành động, tâm huyết với công việc. Không có bác quyết liệt đứng mũi chịu sào thì không có nền móng cải cách tư pháp” - ông Liên nhận xét.

Ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó Ban Nội chính Trung ương nói: Bây giờ đề cập đến các vấn đề như bảo đảm quyền tranh tụng tại tòa, vai trò của luật sư, của các bị can, bị cáo thì nghe có vẻ bình thường, nhưng thời điểm đầu những năm 2000 đặt ra những vấn đề như vậy không phải là đơn giản bởi "vấp" phải các quan điểm rất khác nhau.

Tập hợp được nhiều chuyên gia pháp luật, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp, đó là: Việc điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát nhân dân vào việc tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án địa phương (từ Bộ Tư pháp) về Tòa án nhân dân tối cao; chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của người bào chữa… Để nâng cao ý thức, thái độ và hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 “Về tăng cường lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, nhận xét rằng "những đóng góp của nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong lĩnh vực Nội chính đến nay vẫn để lại dấu ấn sâu đậm và còn nguyên giá trị".

Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì xây dựng Nghị quyết 49 đầy đủ, đề cập nhiều nội dung trong công cuộc cải cách tư pháp đặt ra thời gian đó, như: Xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và giám sát hoạt động tư pháp... Nhờ sự chuẩn bị công phu, tâm huyết của ông Trương Vĩnh Trọng và tập thể Ban Nội chính Trung ương nên nghị quyết đã được Bộ Chính trị đồng ý ban hành. Nhiều tư tưởng mới được đưa vào nghị quyết, như khẳng định trọng tâm trong việc xét xử là căn cứ vào tranh tụng tại tòa và chứng cứ. Từ đó, vai trò của luật sư được nâng lên so với trước đây, trách nhiệm của cơ quan điều tra được làm rõ. Vị thế của khối tư pháp được xác định rõ hơn, cơ sở vật chất, nguồn lực được đầu tư nhiều hơn.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, Trưởng ban Trương Vĩnh Trọng đã chủ động phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ xây dựng trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 06/3/2002 “Về một số việc cần làm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay”. Chỉ thị của Ban Bí thư ra đời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo sự chuyển biến bước đầu trong công tác này.

Ngoài việc tham mưu định hướng chung, Ban Nội chính Trung ương còn phối hợp hoặc trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, phức tạp, kéo dài ở các địa phương, như: Giao Thủy (Nam Định); Hà Tây (cũ); Mê Linh (Vĩnh Phúc); Hải Dương; Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh…; tổ chức nhiều cuộc họp giải quyết có hiệu quả một số vụ việc người dân khiếu nại kéo dài, góp phần ổn định tình hình ở một số địa phương, khu vực.

Không để người chống tham nhũng đơn thương độc mã

Trước thực trạng tham nhũng gia tăng, Ban Nội chính Trung ương chủ trì nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3 (khóa X).

Trong nhiều vụ án lớn, phức tạp được Ban Bí thư, Bộ Chính trị quan tâm, chỉ đạo xử lý, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trương Vĩnh Trọng đã tích cực, chủ động đôn đốc nắm tình hình, trao đổi với các cơ quan tố tụng, các cấp ủy địa phương có liên quan, nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư phương hướng xử lý, tích cực tham mưu cho Đảng trong thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những đóng góp của Ban Nội chính Trung ương thời gian này góp phần khẳng định quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong giai đoạn mới thông qua việc xử lý hàng loạt vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp như Vụ án Năm Cam, vụ Minh Phụng - EPCO, vụ Tân Trường Sanh, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18…; một số vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại Tây Nguyên, Tây Nam bộ…

Ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương nói với báo chí: Nhắc tới nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là nhắc tới người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết những đại án "nổi đình nổi đám" thời đó...  “Tôi nhớ như vụ Công ty Cho thuê tài chính II, lúc ấy có ý kiến nói rằng thôi trước Đại hội Đảng tạm gác lại vì sợ ảnh hưởng đến chính trị, đến dư luận, anh Hai Nghĩa nói rằng càng gần đại hội lại càng phải xử lý công bằng, kiên quyết, làm trong sạch bộ máy" -

Trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, Ban Nội chính Trung ương làm tốt vai trò phối hợp tạo nên sự quyết tâm thống nhất cao trong điều tra, truy tố, xét xử. Do vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xử lý vụ án được khắc phục, giúp cho quá trình xử lý của các cơ quan tố tụng và các cơ quan có thẩm quyền xử lý cán bộ, đảng viên thực hiện đúng pháp luật, đúng Điều lệ Đảng. Là người đứng đầu của Ban Nội chính Trung ương, ông kiên quyết nói không với tham nhũng, chỉ đạo các cơ quan ban ngành quyết liệt trong công tác phòng chống, bài trừ tham nhũng. Trong bài phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2006-2010, ông nhấn mạnh, “Cán bộ chủ chốt của các cấp ủy cần gương mẫu thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tiêu cực và không khoan nhượng với bất cứ trường hợp tham nhũng nào khi bị phát hiện, xử lý, kể cả người thân của mình; đồng thời, tăng cường giáo dục, nhắc nhở vợ /chồng, con và nhân viên công tác gần gũi với mình, không để họ lợi dụng uy tín của mình để tham nhũng”.

Năm 2010, dự và chỉ đạo Hội nghị biểu dương các cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng, ông nhấn mạnh: “Để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cần đặc biệt tạo cơ chế khuyến khích việc tố cáo các hành vi tham nhũng ngay tại cơ quan, công sở và tiếp tục nhân rộng các điển hình đóng góp cho công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, phải tăng cường cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đứng ra đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, không để họ phải đơn thương độc mã chống lại cái xấu”.

**

Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định ông Trương Vĩnh Trọng là người góp phần quan trọng kiến tạo nền móng của cải cách tư pháp ở Việt Nam, tính từ những năm đầu thập niên 2000. "Anh Trương Vĩnh Trọng luôn biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và mọi người, nên đã tham mưu xây dựng được nghị quyết có tầm quan trọng", bà Thu Ba nói và cho rằng những tư tưởng trong Nghị quyết 49 là tiền đề quan trọng để sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm tiến bộ, nhất là về cải cách tư pháp; xác định tư pháp độc lập; xác định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”...

“Khi còn đương chức, điều trăn trở nhất của anh Trương Vĩnh Trọng là về quyền lợi của người dân. Nhìn thấy cảnh bà con đi khiếu kiện, ông rất xót xa. Những trăn trở ấy thôi thúc, khiến ông quyết tâm cải cách tư pháp, khiến ông đau đáu việc làm sao nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, để người dân được tôn trọng, được hài lòng", bà Thu Ba nhớ lại.

 

Ông Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 2008 - Ảnh tư liệu

        

BẢO THƯ