Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc: Những sai trái nhìn từ luật pháp quốc tế - Kỳ 2: Yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố việc ban hành luật này là “một hoạt động lập pháp bình thường” và “các nội dung liên quan đều phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế”. Theo bộ luật này, nhân viên hải cảnh sẽ tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trên các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và trong vùng trời phía trên vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này vào những thời điểm lịch sử khác nhau (Ảnh: TTXVN)

Phạm vi các "vùng biển thuộc quyền tài phán" được Bắc Kinh áp đặt cho hầu hết diện tích khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh về các vùng nước có quyền tài phán ở Biển Đông từ lâu đã mâu thuẫn với UNCLOS 1982. Cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, yêu sách ranh giới biển được Trung Quốc áp dụng ở đây hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và trái ngược với thực tiễn quốc tế hiện hành.

Sự chiếm đóng trái phép bằng vũ lực không thể mang lại chủ quyền

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo này vào những thời điểm lịch sử khác nhau và để biện minh cho những hành động xâm chiếm bằng vũ lực phi pháp này, Trung Quốc đã công khai quan điểm, lập trường pháp lý của mình; cụ thể là:

Đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.

Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa. Khi Tưởng Giới Thạch bỏ chạy khỏi Trung Quốc đại lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) và trong khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông Hoàng Sa.

Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Đối với quần đảo Trường Sa, từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.

Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.

Năm 1988, Trung Quốc huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như  nhưng pháo đài trên biển.

Theo TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ , những tài liệu do phía Trung Quốc đưa ra, xét dưới góc độ pháp lý quốc tế, là không có giá trị. Bởi vì, đó không phải là bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh Trung Quốc là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa một cách rõ ràng, liên tục và hòa bình (Ảnh: TTXVN)

Năm 1995, Trung Quốc lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, ở về phía Đông Nam Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, tổng số đảo, đá, bãi cạn  mà phía Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 9 vị trí.  Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình, là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô, bãi cạn Bàn Than.

Yêu sách “chủ quyền lịch sử” phi lý – nhìn từ sử liệu của Trung Quốc

Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nghiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với  “Tây Sa” và “Nam Sa”. Những nội dung lịch sử, địa lý… mà phía Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền trên mọi phương tiện, mọi lúc, mọi nơi thực hư như thế nào? Giá trị của chúng đến đâu?  

Xin được đề cập một số tài liệu mà Trung Quốc thường trích dẫn để minh chứng cho lập trường của họ. Cuốn “Nam Châu dị vật chí” của Vạn Chấn (thời Tam Quốc, 220-265) viết dưới triều Hán Vũ Đế là cuốn sách hướng dẫn hàng hải trong Biển Đông, nhưng lại rất không chính xác, không thể làm căn cứ để xác minh quần đảo này hay quần đảo khác trong số hai quần đảo ngày nay đang bị tranh chấp. “Phù Nam truyện” của Khang Thái viết cùng thời kỳ này ghi nhận rằng, trong Trướng Hải có các đảo san hô và khẳng định đây là những mô tả về quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, đoạn trích này rất mơ hồ, rất thiếu chính xác, không thể căn cứ vào đó để nói rằng đó chính là quần đảo Trường Sa.

Các tác phẩm khác như “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi (đời Tống, 1178), “Chư phiên chí” của Triệu Nhữ Quát (đời Tống, 1225), “Đảo di chí lược” của Vương Đại Uyên (đời Nguyên, 1349), “Đông Tây dương khảo” của Trương Nhiếp (1618), “Vũ bị chí”của Mao Nguyên Nghi (1628), “Hải quốc văn kiến lục” viết dưới đời Thanh, “Hải Lục”của Vương Bính Nam (1820), “Hải quốc đồ chí” của Ngụy Nguyên (1848) và “Doanh hoàn chí lược”của Bành Ôn Chương (1848),vv… là một tập hợp các tác phẩm liên quan đến các chuyến đi, các chuyến khảo sát địa lý, sách hàng hải liên quan tới các nước bên ngoài Trung Quốc.

Người Trung Quốc còn đưa ra các dẫn chứng khác để chứng minh “chủ quyền từ lâu đời” của mình đối với hai quần đảo này. Đó là dưới thời Bắc Tống (thế kỷ thứ X-XII), các cuộc tuần tra quân sự của nước này đã được tổ chức, xuất phát từ Quảng Đông đi tới Hoàng Sa, rồi kết luận rằng: "Triều đình Bắc Tống đã đặt quần đảo Tây Sa vào phạm vi cai quản của mình", "Hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra đến vùng quần đảo Tây Sa". Tuy nhiên, khi phân tích kỹ dữ liệu này thấy rằng, đó không phải là cuộc tuần tra mà chỉ là chuyến thăm dò địa lý cho tới tận Ấn Độ Dương, không minh chứng một sự chiếm hữu nào.

Theo “Nguyên Sử”, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, việc đo đạc thiên văn đầu đời Nguyên được ghi chép như sau: "Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở hai mươi bảy nơi, phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc". Dưới đầu đề "đo đạc bốn biển", “Nguyên Sử” chép rõ tên hai mươi bảy nơi đo đạc trong đó có Cao Ly, Thiết Lặc, Bắc Hải, Nam Hải… Từ sự ghi chép trong “Nguyên Sử”, thấy rõ việc đo đạc thiên văn ở hai mươi bảy nơi không phải là "đo đạc" "toàn quốc" như văn kiện của Bắc Kinh nói mà là "đo đạc bốn biển", cho nên mới có cả một số nơi ngoài "cương vực Trung Quốc" như Cao Ly nay là Triều Tiên, Thiết Lặc nay thuộc vùng Xi-bia của Liên bang Nga, Bắc Hải nay là vùng biển phía bắc Xi-bia, Nam Hải tức Biển Đông. Mặt khác, chính “Nguyên Sử” cũng đã nói rõ "cương vực" Trung Quốc đời Nguyên, phía Nam chỉ đến đảo Hải Nam.

Trung Quốc còn đưa thêm các tài liệu có liên quan đến một cuộc tuần biển, được tổ chức trong khoảng các năm 1710-1712, dưới triều nhà Thanh, để khẳng định rằng người Trung Quốc đã đi qua vùng biển tương ứng với vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và kết luận rằng, vùng biển này “lúc đó do hải quân tỉnh Quang Đông phụ trách tuần tiễu”. Tuy nhiên, nếu dõi theo hành trình này trên bản đồ, dễ dàng nhận thấy rằng, đó chỉ là một con đường đi vòng quanh đảo Hải Nam chứ không phải là hành trình tới các biển xa. Đoạn văn viết: “Từ Quỳnh Nhai, qua Đồng Cổ, Thất Châu Dương, Tứ Canh Sa, vòng quanh ba ngàn dặm”. Trên thực tế, các địa danh này chính là Quỳnh Nhai gần thị trấn Hải Khẩu ngày nay, phía Bắc đảo Hải Nam; Đồng Cổ ở mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam; Thất Châu Dương là vùng biển có 7 hòn đảo gọi là Thất Châu, nằm ở phía Đông đảo Hải Nam; Tứ Canh Sa là bãi cát ở phái Tây Đảo Hải Nam.

Qua nghiên cứu thấy rằng các đảo này đã được ghi nhận và mô tả trong một số tài liệu địa lý, lịch sử của Trung Quốc, nhưng chúng chỉ dừng lại ở việc ghi chép những hiểu biết của người Trung Quốc đương thời về địa lý, lịch sử, phong tục… của các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Nam Á và đường hàng hải từ Trung Quốc ra nước ngoài, không có bất kỳ sự ghi chép nào về việc Nhà nước Trung Quốc đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền tại hai quần đảo này. Các tác phẩm đó chỉ được xem như các tài liệu chứng minh sự hiểu biết chung các vị trí địa lý, văn hóa, lịch sử… chứ không có ý nghĩa đáng kể về mặt pháp lý để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Cũng theo TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” là thiếu căn cứ, hoàn toán trái với nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” theo quy định của Luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành (Ảnh: TTXVN)

Như vậy, những tài liệu do phía Trung Quốc đưa ra, xét dưới góc độ pháp lý quốc tế, là không có giá trị. Bởi vì, đó không phải là bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh Trung Quốc là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa một cách rõ ràng, liên tục và hòa bình. Hơn nữa, các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu của nước này. Theo đó, có nhiều tài liệu địa lý, lịch sử, bản đổ cổ mà họ trích dẫn đã mô tả và nói rõ lãnh thổ của nước này có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý là cuốn “Địa chí phủ Quỳnh Châu” cũng như cuốn “ Địa chí tỉnh Quảng Đông” năm 1731. Điều này cũng được ghi trong “Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ”, phát hành năm 1894. Ngoài ra, cuốn sách “Trung Quốc Địa lý học Giáo khoa thư” (Sách giáo khoa địa lý Trung Quốc), phát hành năm 1906, nêu ở trang 241 rằng: “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18o13’ Bắc.”

Đánh giá các tư liệu do người Trung Quốc đưa ra, bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “ người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”….

Từ những thông tin và phân tích nói trên, có thể khẳng định rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” là thiếu căn cứ, hoàn toán trái với nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” theo quy định của Luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.

Tính chất ngụy biện trong yêu sách về ranh giới biển của Trung Quốc

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), biển, đại dương được phân chia thành ba loại vùng biển với các qui chế pháp lý ở những mức độ khác nhau:

Loại thứ nhất:  các vùng biển là bộ phận lãnh thổ của quốc gia ven biển mà ở đó quốc gia ven biển hoàn toàn có chủ quyền (như: Nội thủy được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 8; Lãnh hải được ghi nhận tại điều 12).

Loại thứ hai: các vùng biển không phải là bộ phận của lãnh thổ của quốc gia ven biển, chỉ thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).

Loại thứ ba: vùng biển không thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có biển và quốc gia sử dụng biển. Đó là Biển cả (High Sea) và Vùng (Zone).

Để xác định phạm vi các vùng biển nói trên, UNCLOS 1982 đã quy định các tiêu chuẩn mà các quốc gia ven biển cần vận dụng để hoạch định một cách cụ thể rõ ràng, theo nguyên tắc “Đất thống trị Biển”. Theo đó, trong Biển Đông có 3 loại thực thể địa lý có hiệu lực trong việc xác định phạm vi các loại vùng biển nói trên. Đó là quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo và các thực thể địa lý nằm giữa Biển Đông. Đáng chú ý nhất là cách giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 của Trung Quốc khi nêu yêu sách ranh giới biển của họ trong Biển Đông nhằm phục vụ cho chiến lược độc chiếm Biển Đông. Cụ thể là về hiệu lực để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các thực thể địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một nội dung có liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể địa lý (đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm, rạn san hô) ở giữa Biển Đông. Mặc dù UNCLOS 1982 và các tiền lệ pháp, đặc biệt là Phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016, đã quy định và phân tích, xác định rất rõ về hiệu lực của chúng, nhưng trong thực tế việc giải thích và áp dụng vẫn còn là vấn đề, hoặc là sai trái, hoặc còn để ngõ.

Vì vậy, chúng ta cần phải lưu ý những nội dung sau đây để thấy rõ tính chất ngụy biện trong lập trường của Trung Quốc. Đó là việc Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam) ngày 15-5-1996, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường có sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” 200 hải lý xung quanh các quần đảo ở giữa Biển Đông, mang tên “Tứ Sa” (bao gồm Tây Sa, Nam Sa,Trung Sa, Đông Sa, theo cách gọi của Trung Quốc) để biện minh và hợp thức hóa yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý của họ. Đây là sự giải thích và áp dụng sai trái UNCLOS 1982.

Bởi vì, theo quy định của UNCLOS 1982 thì “Quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử. Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ lệ số 1/1 và 9/1…

Phần IV, UNCLOS 1982 không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Quốc gia có chủ quyền đối với các quần đảo này (Trung Quốc không phải là quốc gia có chủ quyền hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như đã phân tích) mới có quyền vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó.

Như vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không có đường cơ sở được thiết lập theo tiêu chuẩn “quốc gia quần đảo”. Hệ thống đường cơ sở chỉ có thể được thiết lập cho từng thực thể địa lý, được coi là đảo, theo đúng định nghĩa của Điều 121, UNCLOS 1982. Vùng biển và thềm lục địa xung quanh các thực thể này phải tuân thủ đúng quy định của UNCLOS 1982; bên cạnh đó, theo Phán quyết của Tòa trong tài 2016, thì tất cả các thực thể địa lý này chỉ có lãnh hải tối đa 12 hải lý bao quanh.

Năm 2016, phán quyết của Hội đồng Trọng tài, được thành lập theo Phụ lục VII, để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, đã khẳng định rằng: nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Như vậy, tất cả các thực thể địa lý là các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận cấu thành của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo.

Điều cần được lưu ý nữa là, ngoài phạm vi lãnh hải tối đa 12 hải lý xung quanh các thực thể địa lý của hai quần đảo và ngoài phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của các quốc gia ven biển và quốc gia quần đảo, được xác định theo quy định của UNCLOS 1982, có thể còn có phạm vi Biến cả ( high sea) và Vùng (Zone), là “di sản chung của nhân loại” thuộc quyền và lợi ích chính đáng của tất cả mọi quốc gia, có biển hay không có biển, trong khu vực hay ngoài khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những quy định nói trên, hiện nay, Trung Quốc đang cố tình tìm mọi cách để hợp thức hóa các yêu sách dựa vào việc cố tình giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982. Cùng với các chiến thuật khác mà Trung Quốc đã áp dụng, việc thông qua Luật hải cảnh được cho là cũng nằm trong những toan tính nhằm giành sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông bằng sức mạnh, dù đó là sức mạnh cứng hay sức mạnh mềm.

 

Minh Nam - Văn Minh - Thanh Sơn (ghi)