Quyền lãng quên trên môi trường internet ở một số quốc gia và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam

Bài viết phân tích quyền được lãng quên trên môi trường internet theo pháp luật ở một số quốc gia và rút ra kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Theo nghĩa chung nhất, quyền được lãng quên (QĐLQ) có thể được xem là quyền của cá nhân trong việc tự xác định “khi nào, bằng cách nào và mức độ thông tin về họ được truyền đạt cho người khác”[1], từ đó, hỗ trợ cá nhân tăng cường kiểm soát thông tin về bản thân họ. Một số chuyên gia khác cho rằng, QĐLQ nằm trong nhóm quyền riêng tư, được áp dụng trong lĩnh vực thông tin, cụ thể là mức độ công khai thông tin mà chủ thể quyền mong muốn[2].

Qua nghiên cứu, tác giả cho rằng, QĐLQ là quyền của cá nhân đối với yêu cầu xóa dữ liệu mà cá nhân đã cung cấp. Theo đó, các quy định về xóa bỏ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng internet từ yêu cầu của chủ thể dữ liệu sẽ đặt ra các nghĩa vụ pháp lý khác nhau đối với chủ thể xử lý dữ liệu, cụ thể là trong việc thu thập, ghi, phân tích, lưu trữ, thay đổi, tiết lộ, cấp quyền truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu, thông tin cá nhân.

1. Quyền được lãng quên theo pháp luật của một số quốc gia

1.1. Cộng hòa Pháp

Là thành viên của Liên minh châu Âu, Cộng hòa Pháp đã thúc đẩy việc thừa nhận QĐLQ trên không gian mạng từ năm 2009, cùng với sự ra đời của Điều lệ cho phép người dùng internet hạn chế dấu vết của họ trên web vào năm 2010. Hướng tới mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền riêng tư và quyền của người dùng internet, Điều lệ này có quy định rằng, các bên ký cam kết “đề xuất một phương tiện để có thể yêu cầu sửa đổi hoặc xóa bất kỳ dữ liệu cá nhân nào đã được công bố”. Ủy ban quốc gia về tin học và tự do của Pháp đã định nghĩa QĐLQ trên không gian mạng là việc cung cấp cho mọi cá nhân khả năng kiểm soát các dấu vết kỹ thuật số và cuộc sống trực tuyến của họ, cho dù là riêng tư hay công khai, theo đó, cá nhân sẽ có thể kiểm soát việc xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến mình. Tuy nhiên, QĐLQ không cho phép kiểm soát hoàn toàn đối với mọi dữ liệu, đặc biệt là trong trường hợp cá nhân bị ràng buộc bởi một số nghĩa vụ nhất định đối với xã hội.

Hội đồng Nhà nước cũng quy định những loại dữ liệu cá nhân được xác định liên quan đến QĐLQ trên môi trường internet bao gồm: (i) Dữ liệu nhạy cảm; (ii) Dữ liệu tội phạm (liên quan đến thủ tục pháp lý hoặc kết án hình sự); (iii) Dữ liệu liên quan đến sự riêng tư mà không nhạy cảm. Dữ liệu nhạy cảm và dữ liệu tội phạm được coi là hai loại dữ liệu được hưởng sự bảo vệ cao nhất, do vậy, yêu cầu hủy niêm yết chỉ có thể bị từ chối hợp pháp nếu quyền truy cập vào dữ liệu nhạy cảm hoặc tội phạm từ việc tìm kiếm tên của người yêu cầu là thực sự cần thiết. Đối với loại thứ ba, việc yêu cầu xóa thông tin có thể bị từ chối nếu việc truy cập thông tin có liên quan đến lợi ích công cộng, trong trường hợp này, quyền tự do thông tin được bảo đảm thay vì QĐLQ.

Hội đồng Nhà nước cũng đồng thời chỉ ra các yếu tố cơ bản cần được tính đến khi áp dụng QĐLQ: (i) Đặc điểm của dữ liệu cá nhân được yêu cầu xóa như bản chất, nội dung, tính khách quan, độ chính xác, nguồn gốc, điều kiện của việc đăng tải cũng như hậu quả của việc nó được tham khảo đối với người có liên quan; (ii) Vai trò xã hội của người yêu cầu xóa dữ liệu (danh tiếng, vai trò của người này trong đời sống công cộng...) ảnh hưởng đến nhu cầu quan tâm của cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin của người đó; (iii) Các điều kiện tiếp cận thông tin được công khai: Nếu việc truy cập thông tin đó dễ dàng từ việc tìm kiếm bằng các từ khóa không bao gồm tên của đương sự, quyền tự do thông tin sẽ ít bị ảnh hưởng. Hơn nữa, nếu bản thân đương sự đã tiết lộ những thông tin đang được yêu cầu xóa bỏ thì sự xâm phạm quyền riêng tư mà người này cáo buộc sẽ ít có cơ sở hơn. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề QĐLQ tiếp tục tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội của Pháp giữa quan điểm bảo vệ quyền tự do ngôn luận với quyền riêng tư của con người[3].

1.2. Argentina

QĐLQ tại Argentina có thể được giải thích từ những bảo đảm về quyền bảo mật được ghi nhận trong Hiến pháp của quốc gia này. Những quan điểm ủng hộ QĐLQ được xác lập dựa trên cơ sở những lập luận về quyền tự chủ cá nhân trong việc kiểm soát hình ảnh của họ và ngăn cản người khác sao chép, tái tạo, phát sóng hoặc xuất bản hình ảnh mà không được phép. Theo đó, Điều 43 Hiến pháp Argentina[4] được giải thích như sau: Mọi người đều có quyền yêu cầu nhận thông tin được đăng ký trong hồ sơ hoặc cơ sở dữ liệu công cộng về cá nhân họ, hoặc trong những hồ sơ riêng tư nhằm cung cấp thông tin và trong trường hợp dữ liệu sai lệch hoặc mang tính phân biệt đối xử, cá nhân có thể gửi tới yêu cầu ngăn chặn, cải chính, bảo mật hoặc cập nhật dữ liệu nói trên[5].

1.3. Hàn Quốc

Trong những năm gần đây, vấn đề cho phép các cá nhân yêu cầu dữ liệu cá nhân bị hạn chế truy cập trực tuyến được đưa ra thảo luận một cách sôi nổi ở Hàn Quốc. Một số đạo luật đã đề cập đến QĐLQ như một biện pháp nhằm xóa một số thông tin cá nhân nhất định do bên thứ ba công bố, có thể kể đến như: Luật Bản quyền, Luật Trọng tài báo chí và bồi thường thiệt hại do báo chí, Luật Khuyến khích sử dụng mạng thông tin và truyền thông và bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên, trong trường hợp các cá nhân mất quyền kiểm soát các bài đăng của mình vì lý do mất thông tin tài khoản thành viên hoặc trang web đã bị tạm ngừng thì không thể tự xóa các bài đăng cá nhân của họ.

Tháng 5/2016, Ủy ban Truyền thông của Hàn Quốc (South Korea’s Communications Commission - KCC) đã đưa ra thông báo rằng, công dân có thể yêu cầu các công cụ tìm kiếm và quản trị viên trang web hạn chế quyền truy cập công khai các bài đăng của họ. KCC cũng đồng thời ban hành “Nguyên tắc về quyền yêu cầu hạn chế truy cập đối với các bài đăng trên internet cá nhân”, có hiệu lực từ tháng 6/2016 và không áp dụng cho nội dung của bên thứ ba.

 Thông qua việc áp dụng các nguyên tắc do KCC cung cấp, cá nhân có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình khỏi những tổn thương hoặc thiệt hại có thể xảy ra đối với việc làm, sự thăng tiến trong công việc hoặc hôn nhân do hậu quả của những bài đăng trong quá khứ của chính họ. Người có yêu cầu có thể nộp đơn yêu cầu hạn chế quyền truy cập kèm theo các minh chứng sau: (i) Bài đăng đang được đề cập và URL liên kết đến bài đăng; (ii) Bằng chứng rằng bài đăng đang được đề cập đã được đăng bởi người nộp đơn; (iii) Căn cứ cho yêu cầu. Yêu cầu có thể bị từ chối nếu bài đăng được yêu cầu xóa thuộc phạm vi bị cấm, hoặc bị gỡ bỏ theo các quy chế hiện hành[6] và/hoặc bài đăng chứa các thông tin liên quan đến lợi ích công cộng. Các bên thứ ba có thể phản đối quyết định của nhà điều hành web trong việc cấp phép hạn chế truy cập bằng cách tuyên bố rằng họ là người tải lên bài đăng đang được đề cập, không phải người đăng ký, kèm theo những minh chứng cần thiết.

Tuy nhiên, bộ nguyên tắc nêu trên không có tính ràng buộc, mà được thực hiện dựa trên sự hợp tác tự nguyện của các nhà khai thác web và nhà cung cấp dịch vụ. Mặc dù vậy, bảo đảm quyền riêng tư của người sử dụng có thể là một hình thức cạnh tranh phi giá đối với các doanh nghiệp kiếm lợi từ internet, vì ngày càng nhiều người dùng có nguyện vọng thực hiện quyền yêu cầu hạn chế truy cập đối với các bài đăng của họ. Trong trường hợp này, các nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ Nguyên tắc để duy trì cơ sở người dùng của họ[7].

Liên quan đến việc bảo đảm quyền riêng tư cho trẻ em và trẻ vị thành niên, Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy một đạo luật để bảo đảm “QĐLQ trên internet” cho trẻ vị thành niên. Theo đó, trẻ em có thể yêu cầu xóa hình ảnh, video hoặc thông tin khác do cha mẹ đăng lên mà không có sự đồng ý của các em. Theo dự kiến ban hành được công bố bởi Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân và các bộ chính phủ, trẻ vị thành niên sẽ có quyền xóa hoặc ẩn thông tin cá nhân của họ khỏi internet.

Theo luật bảo vệ thông tin cá nhân hiện hành, mọi trẻ vị thành niên và người trưởng thành đều có thể yêu cầu xóa thông tin cá nhân trực tuyến, nhưng chỉ áp dụng với những thông tin do chính họ đăng tải, không phải bởi bên thứ ba. Vì lẽ đó, trong năm nay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện một dự án thí điểm giúp trẻ vị thành niên yêu cầu xóa thông tin cá nhân trực tuyến trước khi ban hành thành luật vào năm 2024. Theo đó, Chính phủ sẽ cần giải thích các điều khoản và điều kiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho những người dưới 14 tuổi khi thu thập thông tin cá nhân của họ. Từ năm 2022, Chính phủ cũng cung cấp các chương trình giáo dục cho trẻ vị thành niên và cha mẹ để họ có thể cảnh giác hơn với các nguy cơ vi phạm thông tin cá nhân[8].

1.4. Philippines

Theo Hiến pháp Philippines năm 1987, quyền riêng tư được ghi nhận ở hai khía cạnh là quyền được bảo vệ an toàn đối với cá nhân, nhà cửa, giấy tờ của họ cũng như chống lại việc khám xét và thu giữ bất hợp lý và quyền bảo mật thông tin liên lạc, thư từ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, quyền riêng tư đã được mở rộng hơn cùng với sự ban hành Quy tắc về thu hồi dữ liệu năm 2008, cho phép xóa hoặc sửa chữa các dữ liệu hoặc thông tin sai sót.

Tuy nhiên, Tòa án tối cao nước này tương đối nghiêm ngặt trong việc áp dụng các quyền riêng tư cụ thể đối với thông tin tìm thấy trên internet. Trong vụ Vivares v. St. Theresa’s College năm 2014[9], trong phán quyết của mình, Tòa án đã tuyên bố: Người dùng internet phải nhận thức được rằng, bằng cách nhập hoặc tải lên bất kỳ loại dữ liệu hoặc thông tin trực tuyến nào, những thông tin này sẽ tồn tại vĩnh viễn trên nền tảng trực tuyến và sự tồn tại của chúng nằm ngoài sự kiểm soát của người dùng. Mặc dù vậy, những phát triển mới trong luật bảo vệ dữ liệu ở quốc gia này đã cho thấy, QĐLQ là một bộ phận của bảo vệ sự riêng tư. Đạo luật về bảo vệ dữ liệu riêng tư năm 2012 quy định quyền tạm ngừng và chặn dữ liệu, cho phép chủ thể dữ liệu ra lệnh chặn, xóa hoặc hủy thông tin cá nhân của họ khỏi hệ thống lưu trữ của các bộ phận kiểm soát thông tin cá nhân. Quyền này được thực hiện dựa trên một trong số những cơ sở sau đây: (i) Dữ liệu cá nhân không đầy đủ, lỗi thời, sai hoặc thu được bằng phương thức bất hợp pháp; (ii) Dữ liệu cá nhân đang được sử dụng cho các mục đích trái phép; (iii) Dữ liệu cá nhân không còn phù hợp với mục đích thu thập, lưu trữ ban đầu; (iv) Chủ thể dữ liệu không còn đồng ý với việc công khai dữ liệu hoặc phản đối quy trình xử lý dữ liệu.

Ngoài ra, chủ thể dữ liệu cũng có quyền đối với những tranh chấp về sự không chính xác hoặc sai sót trong thông tin cá nhân và yêu cầu chủ thể kiểm soát thông tin cá nhân sửa ngay lập tức. Quyền này được coi là hệ quả của QĐLQ và có nội hàm tương đối giống quyền hồi đáp và sửa chữa theo Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu, bởi lẽ, nó cho phép chủ thể dữ liệu sửa chữa những thông tin không chính xác hoặc hoàn thành dữ liệu không đầy đủ bởi bộ điều khiển dữ liệu[10].

2. Quy định về quyền được lãng quên trong pháp luật Việt Nam hiện nay

QĐLQ chưa được ghi nhận một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet, QĐLQ bắt đầu được đưa vào các cuộc thảo luận về vấn bảo đảm quyền riêng tư nói chung và quyền riêng tư trên không gian mạng nói riêng. Quyền riêng tư với tư cách là một quyền cơ bản của con người, được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp năm 1946 (Điều thứ 11) và tiếp tục được củng cố trong các bản Hiến pháp về sau. Cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp, các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng đã có một số quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân nói chung, trong đó có thể kể đến như: Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 32, Điều 38); Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điều 70)... Tuy vậy, xét tổng quát, QĐLQ với tư cách là một phương thức/biện pháp nhằm bảo vệ quyền riêng tư nói chung và quyền riêng tư trên không gian mạng nói riêng hiện vẫn chưa được đề cập một cách rõ ràng trong pháp luật Việt Nam.

Xét từ một khía cạnh khác, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân với tư cách là một cấu phần của quyền riêng tư hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh bởi một văn bản pháp luật thống nhất. Thay vào đó, quyền này được bảo vệ bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng…

Trong nỗ lực tăng cường khung pháp lý quyền về sự riêng tư thông tin, Việt Nam đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, trong đó đưa ra định nghĩa thông tin cá nhân, các nguyên tắc bảo vệ quyền về sự riêng tư dữ liệu, quy định về thu thập, sử dụng, sửa đổi, xóa thông tin cá nhân cùng với trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ dữ liệu riêng tư. Đồng thời, luật đòi hỏi cần có sự đồng ý của chủ sở hữu trước khi xử lý thông tin cá nhân (bao gồm thu thập, chỉnh sửa, sử dụng, lưu trữ, cung cấp, chia sẻ hoặc lan truyền), quy định tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải công bố chính sách sử dụng và bảo vệ thông tin được xử lý. Luật An ninh mạng năm 2018 lần đầu tiên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải thông báo trực tiếp cho người dùng nếu dữ liệu của họ bị vi phạm, bị hư hỏng hoặc bị mất. Quy định này tương đồng với các yêu cầu đặt ra trong Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này vẫn bộc lộ một số hạn chế, có thể kể đến như thiếu các quy định cụ thể quyền riêng tư đối với dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân; một số quy định hiện hành còn thiếu rõ ràng và mới dừng lại ở mức độ nguyên tắc; các quy định về chế tài với những hành vi vi phạm quyền với dữ liệu cá nhân còn chưa tương xứng, chưa bảo đảm tính răn đe[11].

Số liệu báo cáo thống kê đã phản ánh nhu cầu cao của người Việt Nam trong việc sử dụng internet và các phương tiện truyền thông xã hội, do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như cho phép cá nhân thực hiện QĐLQ đối với những thông tin liên quan đến cá nhân mình là điều cần thiết. Trước bối cảnh trên, dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân[12] áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới dữ liệu cá nhân đã quy định cho phép chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân.

Tác giả cho rằng, việc QĐLQ trên môi trường internet có thể được áp dụng ở những mức độ khác nhau, từ xóa bỏ hoàn toàn những kết quả có liên quan khi tìm kiếm trên thanh công cụ đến hạn chế khả năng tiếp cận thông tin cá nhân bằng việc xóa bỏ một số đường dẫn hiển thị từ các công cụ tìm kiếm. Bên cạnh đó, việc ghi nhận quyền lãng quên còn cần tính đến tác động của quyền này đối với việc thụ hưởng các quyền con người khác, trong đó có quyền tự do biểu đạt và thông tin. Đây cũng là một thách thức đặt ra đối với các nhà lập pháp trong quá trình pháp điển hóa QĐLQ của chủ thể dữ liệu ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền được lãng quên ở Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia có nhu cầu tương tác, kết nối xã hội cao. Hiện trạng này càng gia tăng thách thức trong việc cân bằng giữa vấn đề chuyển dữ liệu đa nền tảng trong thời kỳ kỹ thuật số và QĐLQ của cá nhân. Liên quan đến việc áp dụng QĐLQ, một nhóm nghiên cứu từng đưa ra thảo luận về các yêu cầu kỹ thuật mang tính nghiêm ngặt khi thực hiện các yêu cầu xóa dữ liệu và trong môi trường trí tuệ nhân tạo, có thể không thể thực hiện QĐLQ một cách tuyệt đối, bởi lẽ, kể cả khi thông tin được yêu cầu xóa thì trước đó, những thông tin này có thể đã được sao chép và/hoặc có tên là ẩn danh lưu hành qua nhiều nền tảng mạng khác nhau. Vì vậy, cá nhân cũng đồng thời cần có ý thức với những thông tin cá nhân cung cấp cho các nền tảng mạng và tự đánh giá những rủi ro có thể gặp phải. Theo đó, QĐLQ chỉ được bảo đảm nếu có thể bảo đảm cho các cá nhân quyền kiểm soát cân bằng dữ liệu cá nhân của họ. Áp dụng QĐLQ sẽ góp phần vào sự thay đổi trong cán cân cân bằng về quyền lực và về lợi ích vì mọi cá nhân đều bình đẳng và là thành viên tích cực trong xã hội thông tin mở[13].

Trước tình hình trên, việc làm cần thiết trước mắt chính là xây dựng, ban hành một đạo luật quy định rõ ràng về nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp giám sát, theo dõi thư tín, truyền thông internet của cá nhân, cũng như cơ chế giám sát, khiếu nại, khiếu kiện trong trường hợp có sự vi phạm. Tiến trình xây dựng văn bản này cần được tổ chức công khai, có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, tổ chức xã hội và báo chí[14].

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó, các quy định về QĐLQ trên môi trường internet đã cho thấy bước phát triển mới trong nhận thức của các nhà lập pháp về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Dự thảo đã bước đầu tiệm cận với những đạo luật tiến bộ trên thế giới, tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, việc gửi yêu cầu xóa dữ liệu cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định, được ghi nhận theo pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như nâng cao trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền.

Thứ hai, cần bảo đảm sự cân bằng giữa quyền riêng tư và quyền thông tin của công chúng. Do đó, việc chấp nhận yêu cầu hủy, xóa dữ liệu cá nhân hay không phụ thuộc vào bản chất của dữ liệu cá nhân. Để thực hiện được điều này, cần có sự phân loại rõ ràng với những dữ liệu được coi là dữ liệu cá nhân.

Thứ ba, thẩm quyền và trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu hủy, xóa dữ liệu cần được quy định rõ ràng. Quy trình gửi yêu cầu có thể gồm các bước đơn giản như sau: (i) Chủ thể dữ liệu yêu cầu bên xử lý dữ liệu cá nhân hủy, xóa dữ liệu cá nhân của mình; (ii) Bên xử lý dữ liệu cá nhân xem xét yêu cầu hủy, xóa dữ liệu có thuộc các trường hợp pháp luật quy định không và trả lời trong thời hạn quy định; (iii) Nếu chủ thể dữ liệu không đồng ý với kết quả trả lời của bên xử lý dữ liệu hoặc không nhận được phản hồi trong thời hạn quy định thì chủ thể dữ liệu có thể gửi yêu cầu đến Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân (thành lập theo pháp luật) hoặc khởi kiện ra Tòa án[15].

 

Theo tcdcpl.vn

 

 

[1]. Alan F. Westin, Privacy And Freedom, 25 Wash. & Lee L. Rev. 166 (1968), link tham khảo: https://scholarlycommons.law.wlu.edu/wlulr/vol25/iss1/20.

[2]. Article 19 (2016), The “Right to be Forgotten”: Remembering Freedom of Expression, link tham khảo: https://www.article19.org/data/files/The_right_to_be_forgotten_A5_EHH_HYPERLINKS.pdf.

[3]. Huỳnh Thị Nam Hải & Huỳnh Thị Minh Hải (2021), Quyền được lãng quên và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, link tham khảo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat-the-gioi/quyen-duoc-lang-quen-va-van-de-bao-ve-du-lieu-ca-nhan.

[4]. Constitution of Argentina 1853 (reinst. 1983, rev. 1994), Translated to English by Jonathan M. Miller and Fang-Lian Liao, Link tham khảo: https://www.constituteproject.org/constitution/Argentina_1994?lang=en.

[5]. Edward L. Carter, Argentina’s Right to be Forgotten, 27 Emory Int’l L. Rev. 23 (2013), link tham khảo: https://scholarlycommons.law.emory.edu/eilr/vol27/iss1/3.

[6]. Trong trường hợp này, các nhà điều hành web phải lưu giữ, bảo quản bài đăng của cá nhân.

[7]. Yulchon (2017), South Korea: Korea Communications Commission Releases Guidelines On “The Right To Be Forgotten”, link tham khảo: https://www.mondaq.com/it-and-internet/561018/korea-communications-commission-releases-guidelines-on-the-right-to-be-forgotten.

[8]. Chi Mai (2022), Hàn Quốc: Yêu cầu cha mẹ tôn trọng “quyền được lãng quên trên internet” của con cái, Báo Văn hóa Online, link tham khảo: http://baovanhoa.vn/the-gioi/artmid/425/articleid/54587/han-quoc160yeu-cau-cha-me-ton-trong-%E2%80%9Cquyen-duoc-lang-quen-tren-internet%E2%80%9D-cua-con-cai.

[9]. Supreme Court of the Philippines (2014), Vivares v. St. Theresa’s College, Link tham khảo: https://lawphil.net/judjuris/juri2014/sep2014/gr_202666_2014.html.

[10]. The Right to Be Forgotten in the Philippine Context, link tham khảo: https://www.privacy.com.ph/the-right-to-be-forgotten-in-the-philippine-context/.

[11]. Vũ Công Giao & Lê Trần Như Tuyên (2020), Bảo vệ quyền đối với dữ liệu cá nhân trong pháp luật quốc tế, pháp luật ở một số quốc gia và giá trị tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 09 (409), tháng 5/2020.

[12]. Xem toàn văn tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Du-thao-Nghi-dinh-quy-dinh-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-465185.aspx.

[13]. Ngô Thị Minh Hương & Phạm Hải Chung, Quyền được lãng quên trong kỷ nguyên số: Thách thức của ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Link tham khảo: https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/94766/1/KY-1034.pdf.

[14]. Lã Khánh Tùng, Một số vấn đề về bảo vệ quyền riêng tư trong không gian internet,http://nhanquyen.vn/ images/File/1012017%20-%20b%C3%A0i%20quy%E1%BB%81n%20ri%C3%AAng%20t%C6%B0%20internet.pdf.

[15].  Huỳnh Thị Nam Hải & Huỳnh Thị Minh Hải (2021), Quyền được lãng quên và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, link tham khảo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat-the-gioi/quyen-duoc-lang-quen-va-van-de-bao-ve-du-lieu-ca-nhan.

TS. NGUYỄN THỊ DUNG (Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)