Tìm hiểu về lịch sử và bản chất của nguyên tắc "Mặc cả thú tội” của Mỹ

Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự, nhưng mặc cả thú tội lại là một chế định tương đối mới trong lịch sử phát triển của hệ thống tư pháp hình sự Mỹ.

1. Đặt vấn đề

“Mặc cả thú tội” (Plea bargains), còn được biết đến với các cách dịch khác nhau như: “thỏa thuận nhận tội”, “thương lượng nhận tội”, “đàm phán thú tội” và là một trong những nguyên tắc và cũng là thủ tục tố tụng nổi tiếng của Hoa Kỳ. 90% các vụ án hình sự ở Hoa Kỳ được giải quyết bằng mặc cả thú tội, 8% các vụ án hình sự bị đình chỉ và chỉ có khoảng 2% là giải quyết bằng thủ tục xét xử đầy đủ, có bồi thẩm đoàn (Công bố vào ngày 11/6/2019 trên trang web chính thức của Pewresearch. Org).

Để hiểu rõ thêm về lịch sử, bản chất, hình thức và thủ tục thực hiện mặc cả thú tội trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ở Hoa Kỳ cũng như bước đầu nghiên cứu bản chất của mặc cả thú tội trong hệ thống tư pháp hình sự của Hoa Kỳ chúng tôi xin giới thiệu bài nghiên cứu về lịch sử và bản chất mặc cả thú tội trong tố tụng hình sự của Hoa Kỳ.

2. Lịch sử của “mặc cả thú tội”

“Mặc cả thú tội” (Plea bargains) là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo trong vụ án hình sự (VAHS), thông thường được thực hiện bởi luật sư bào chữa và công tố viên, theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà chính bị cáo đánh giá là thuận lợi (có lợi) hơn cho mình. Kết quả này có thể là giảm nhẹ khung hình phạt, giảm mức án hoặc được áp dụng định tội danh “nhẹ hơn” với tội mà bị cáo đã phạm phải. Mặc dù có vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp hình sự nhưng mặc cả thú tội lại là một chế định tương đối mới trong lịch sử phát triển của hệ thống tư pháp hình sự Mỹ.

2.1. Thế kỷ thứ mười tám

Cho đến hết thế kỷ thứ mười tám, một phiên tòa xét xử điển hình ở Mỹ vẫn là thẩm phán và bồi thẩm thường diễn ra mà không có luật sư. Thẩm phán thống trị hệ thống này. Bị cáo bị từ chối tư vấn pháp lý. Bị cáo sẽ nói liên tục tại phiên tòa và thậm chí trả lời các nhân chứng do công tố cung cấp. Do thiếu tư vấn pháp lý, các trường hợp có xu hướng được xử lý nhanh hơn nhiều. Tòa án có thể xét xử từ 12 đến 20 vụ trọng tội mỗi ngày. Thời kỳ này, không có nhu cầu thực sự cho một hệ thống có mặc cả thú tội hay thực sự tranh tụng.

Một số biểu hiện manh nha của “mặc cả thú tội” sớm nhất diễn ra trong thời kỳ thuộc địa trong các phiên tòa xét xử phù thủy Salem năm 1692, khi các phù thủy bị buộc tội được cho biết rằng họ sẽ sống nếu họ thú nhận nhưng sẽ bị xử tử nếu không. Các thẩm phán  muốn khuyến khích những lời thú tội, và trong nỗ lực phát hiện ra nhiều phù thủy hơn, họ muốn các phù thủy thú tội làm chứng chống lại những người khác. Nhận tội đã cứu nhiều phù thủy bị buộc tội khỏi bị xử tử. Sau đó, các phiên tòa xét xử phù thủy Salem đã được sử dụng để minh họa một trong những lập luận mạnh mẽ nhất chống lại sự mặc cả: rằng việc thực hành “nhận tội để thoát chết” đôi khi khiến các bị cáo vô tội phải nhận tội.

Mặc cả thú tội rất hiếm diễn ra trong lịch sử nước Mỹ thời kỳ đầu. Các thẩm phán tỏ ra ngạc nhiên khi các bị cáo đề nghị nhận tội, và họ đã cố gắng thuyết phục họ thay vào đó để ra tòa. Tuy nhiên, ngay từ năm 1832, những lời bào chữa đã trở nên phổ biến ở Boston, khi những người vi phạm pháp lệnh công cộng có thể mong đợi những bản án ít nghiêm trọng hơn nếu họ nhận tội. Đến năm 1850, hoạt động này đã lan sang các tòa án xét xử các tội phạm rất nghiêm trọng và việc các bị cáo nhận tội để thay đổi một số tội danh hoặc các thỏa thuận khác được sắp xếp với công tố viên.

2.2. Những năm đầu 1920 đến 1960

Trong những thập kỷ sau thập niên 1920, các tòa án hình sự Mỹ đã bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào lời nhận tội. Báo chí luôn diễn ra 2 phe: ủng hộ “mặc cả thú tội” và phản đối. Đến cuối năm 1958, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hầu như đã “tự có xu hướng” chuyển giải quyết các VAHS theo hướng nghiêng về “thỏa thuận nhận tội”. Bộ Tư pháp lúc đó đã thực hiện một số động tác để ngăn chặn Tòa án quyết định vấn đề. Tòa án Tối cao sau đó đã “lờ đi” để vẫn áp dụng “mặc cả thú tội” dưới một số hình thức. Đồng thời, sự quá tải của các VAHS thời kỳ này đã làm tăng thêm lý do sử dụng nhiều hơn “mặc cả thú tội” nhằm làm giảm độ phức tạp, thời gian và chi phí cho các phiên tòa hình sự có bồi thẩm đoàn. Trong những năm 1960, vụ án mang tính bước ngoặt (vụ án Gideon v. Wainwright) đã làm thay đổi đáng kể cách xử lý các VAHS. Theo án lệ này, Tòa án phán quyết rằng các bị cáo nghèo khổ có quyền tư vấn pháp lý và sử dụng mặc cả thú tội khi thấy việc đáp ứng theo đầy đủ thủ tục tố tụng có thể dẫn đến nhiều thiệt hại hơn.

2.3. Từ những năm đầu 1970 đến nay, và áp lực hiện tại của mặc cả thú tội

Sau thời điểm bước ngoặt năm 1960, là một thập niên chuẩn bị cho sự ra đời và ghi nhận bằng hiến pháp Mỹ đối với “mặc cả thú tội”. Cuối cùng, trong một phán quyết năm 1970 (án lệ Brady v. Hoa Kỳ), Tòa án tối cao Mỹ kết luận rằng: Mặc cả thú tội - Plea bargains là "vấn đề cố hữu/ tất yếu của luật hình sự và chính là cách mà luật hình sự vận hành"[1]. Có thể nói lịch sử của mặc cả thú tội mới trải qua chừng 50 năm (1970 đến nay)  nhưng từ những vụ án áp dụng mặc cả thú tội một cách “dè dặt” ban đầu vào 1970 thì đến 1979, con số các vụ án hình sự trên toàn nước Mỹ áp dụng “mặc cả thú tội” đã lên đến 90% và tỉ lệ này giữ vững cho đến tận ngày nay[2].

Từ 2010 đến nay, với sự phát triển nhanh chóng của tỉ lệ tội phạm, có nhiều áp lực ảnh hưởng đến sự phổ biến của các “mặc cả thú tội” hay “thỏa thuận nhận tội”. Có quá nhiều trường hợp quá tải về giải quyết VAHS. Bên cạnh chi phí đắt đỏ, với sự thật được đánh giá là “không có gì lạ” khi một phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn ở Mỹ tiêu tốn con số trung bình  hơn 1 triệu đô la. Thêm vào đó, các công tố viên thường bị quá tải với quá nhiều vụ án cùng một lúc. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công nhận rằng nếu mỗi VAHS dẫn đến một phiên tòa hoàn chỉnh, cần phải có thêm nhiều tòa án, thẩm phán và nhân sự. Vì thế, rất nhiều thẩm phán khuyến khích các công tố viên và luật sư bào chữa đưa ra các thỏa thuận nhận tội, thỏa thuận bào chữa để không phải trải qua quá nhiều thủ tục tranh tụng rườm ra và tốn kém, và đó được coi là một cách giải quyết vụ án hiệu quả.

2.4. Xu hướng tương lai

Do những áp lực đang diễn ra, nhiều trường hợp được giải quyết thành công thông qua mặc cả thú tội. Ngày nay, chỉ một phần nhỏ (2%) các VAHS thực sự dẫn đến một phiên tòa xét xử. Nhiều tòa án đứng trước thách thức phải xử lý hàng chục ngàn vụ án về tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng. Và vì vậy “thỏa thuận nhận tội” (mặc cả thú tội) vẫn còn là một xu hướng chiếm ưu thế trong tương lai. Đặc biệt, khi mọi vấn đề trong quản lý nhà nước đều đang có xu hướng được coi là “quản trị công”, “dịch vụ công” thì cách thức giải quyết vụ án hình sự (tức cách thức giải quyết các vi phạm tới lợi ích công của nhà nước) cũng nên giải quyết bằng “thương lượng”, “mặc cả”, tòa án nghiêng về thực hiện vai trò trọng tài hơn là vai trò “xét xử”.

3. Bản chất của mặc cả thú tội

Trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu “Mặc cả thú tội” ở cả 2 phạm vi:

- Phạm vi hẹp: “Mặc cả thú tội” với tư cách là một chế định, một nguyên tắc.

- Phạm vi rộng: “Mặc cả thú tội” với tư cách là một cách thức tiến hành tố tụng, một thủ tục giải quyết vụ án hình sự.

3.1. “Mặc cả thú tội” với tư cách là một chế định

Đi sâu nghiên cứu về bản chất ở nghĩa hẹp, cho thấy, mặc cả thú tội (Plea bargaining) không chỉ đơn thuần “là một thỏa thuận thương lượng của bị cáo với công tố viên”, theo đó bị cáo đồng ý nhận tội (thú tội) để đổi lấy một kết quả mà chính bị cáo đánh giá là thuận lợi (có lợi) hơn cho mình” như một số tài liệu phổ thông ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn quan niệm. Thực ra hiểu ở nghĩa này, chỉ là cách hiểu rất “hình thức” dịch từ định nghĩa của plea bargaining từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà chưa đi sâu tìm hiểu về bản chất pháp lý và đằng sau các định nghĩa bởi vỏ bọc ngôn ngữ đó là cả một triết lý sâu xa về tư pháp của mô hình tố tụng tranh tụng và cả một cơ chế khá phức tạp để vận hành “mặc cả thú tội”.

Hiểu một cách sâu hơn về bản chất của vấn đề, thì “Mặc cả thú tội” bao gồm việc trao đổi các nhượng bộ chính thức (giữa luật sư bào chữa của bị cáo với công tố viên - những người đã trải qua quá trình điều tra và chứng minh các tình tiết phạm tội của bị can qua 3 giai đoạn trước đó, những người được mặc định là luôn phụng sự công lý, đại diện cho lợi ích công và đã nắm rõ tình tiết của vụ án).

Hai bên sẽ đưa ra các “thỏa thuận” với các hình thức tạm gọi là “phần thưởng đền bù” cho hành vi tự giác nhận tội của bị cáo mà không phải trải qua một thủ tục xét xử rườm rà và tốn kém. Những nhượng bộ này có thể liên quan đến bản án do tòa án áp dụng hoặc đề nghị của công tố viên về tội danh bị buộc tội, hình phạt cũng như các chứng cứ được đưa ra xem xét tại tòa.

Tòa án không can thiệp và cũng không có vai trò gì trong quá trình mặc cả thú tội. Tuy nhiên, sau khi bản thỏa thuận nhận tội được thống nhất giữa công tố viên và đại diện của bị cáo (thường là luật sư bào chữa) thì Tòa án có quyền quyết định cuối cùng: chấp nhận hoặc không chấp nhận mặc cả thú tội cũng như nội dung đã được thỏa thuận.

- Các loại mặc cả thú tội/ các loại thỏa thuận nhận tội

Tại Mỹ và trong các mô hình tố tụng tranh tụng trên thế giới (như Canada, Ý, Đức, Anh, Nga, và cả Nhật Bản, Hàn Quốc), chế định “mặc cả thú tội” đều được sử dụng ở mức này hay mức khác. Tương ứng với mỗi mô hình tố tụng và tùy thuộc vào chính đặc điểm của nền tư pháp hình sự của mỗi quốc gia, chế định mặc cả thú tội có những hình thức và biểu hiện khác nhau. Vai trò của chế định “mặc cả thú tội” vì thế mà cũng hoàn toàn khác nhau đối với mỗi nền tố tụng hình sự của mỗi nước.

Tuy nhiên, trên thế giới dù các biểu hiện của hình thức mặc cả thú tội có phong phú đến đâu thì tựu trung cũng có thể quy về 2 loại hình chính của mặc cả thú tội:

- Thứ nhất, là hình thức nghi can (bị can, bị cáo) khai nhận về hành vi phạm tội của chính mình để được hưởng các mức giảm tội danh, xóa cáo trạng tăng nặng hoặc giảm mức hình phạt.

+ Giảm tội danh. Tức thỏa thuận nhằm giảm mức cáo buộc của cáo trạng xuống mức ít nghiêm trọng hơn. Thương lượng để giảm mức tội danh từ một tội danh nặng hơn sang một tội danh nhẹ hơn.

+ Xóa cáo trạng tăng nặng. Tức là bác bỏ  những tình tiết tăng nặng

+ Giảm mức hình phạt. Bị cáo thỏa thuận với công tố viên nhận tội để đổi lấy một thỏa thuận của công tố yêu cầu thẩm phán có bản án nhẹ hơn đối với bị cáo.

- Thứ hai, là hình thức nghi can (bị can, bị cáo) khai báo về hành vi phạm tội của bên thứ ba (người khác, tổ chức phạm tội khác hoặc của pháp nhân khác) để được hưởng các mức giảm tương ứng hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, hoặc có nhiều trường hợp còn được đưa vào chương trình “bảo vệ nhân chứng” hoặc “bảo vệ nhân chứng đặc biệt” tùy thuộc vào tin tức về việc phạm tội mà người đó sẽ cung cấp hoặc đưa ra các bằng chứng.

3.2. “Mặc cả thú tội” với tư cách là một cách thức tiến hành tố tụng, một thủ tục giải quyết vụ án hình sự

Tiếp cận “mặc cả thú tội” không chỉ đơn thuần là một chế định, một nguyên tắc giải quyết vụ án hình sự mà ở nghĩa rộng hơn “mặc cả thú tội” còn là một giai đoạn tố tụng, cao hơn nữa, nó đã trở thành một phương thức giải quyết vụ án hình sự, thay thế cho việc phải trải qua phiên tòa xét xử với đầy đủ các thủ tục gồm thẩm phán, bồi thẩm đoàn, công tố viên, luật sư biện hộ và các chủ thể khác.

Khi tiếp cận “mặc cả thú tội” với tư cách là  một giai đoạn tố tụng, một phương thức giải quyết vụ án hình sự, nghiên cứu của chúng tôi khẳng định: Chỉ có thể áp dụng thủ tục mặc cả thú tội khi đã trải qua các giai đoạn tố tụng bắt buộc trước đó. Và cùng với các thủ tục bắt buộc này, “mặc cả thú tội” chính là một loại cách thức để giải quyết vụ án hình sự.

Cách thức này tuân theo các quy định về thủ tục giải quyết vụ án hình sự,  bao gồm các thủ tục/ giai đoạn bắt buộc cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1: Điều tra của cơ quan điều tra (Investigation of a crime by the police)

Mục đích là nhằm thu thập bằng chứng để xác định một người có thực hiện hành vi phạm tội như bị phát hiện hay không và có cần áp dụng biện pháp bắt giữ hay bảo lãnh nào là phù hợp, cần thiết. Một cuộc điều tra có thể yêu cầu cả việc khám xét người, tài sản, chỗ ở. Các hoạt động điều tra giai đoạn này chủ yếu nhằm vào tìm kiếm chứng cứ và các mối liên hệ giữa các thông tin thu thập được, xuất phát từ nguyên lý là sự thật về tội phạm thường gắn với một địa điểm, thời gian cụ thể.

- Giai đoạn 2: Bắt giữ (Arrest of a suspect by the police)

Khi có chứng cứ xác thực về việc rõ ràng có sự liên quan giữa người bị tình nghi với hành vi phạm tội đã xẩy ra và khi đủ căn cứ theo luật định thì điều tra viên sẽ ra lệnh áp dụng biện pháp bắt giữ. Bắt giữ là việc bắt một người đưa đến nơi giam giữ cho đến ngày ra tòa.

- Giai đoạn 3: Khởi tố (Prosecution)

Khởi tố một VAHS được quyết định bởi công tố viên cấp quận (a district attorney). Áp dụng nguyên tắc tùy nghi truy tố, công tố viên có quyền quyết định truy tố bị can về tội gì, truy tố về hành vi gì và khi nào truy tố, thậm chí trong trường hợp đã có đầy đủ chứng cứ nhưng công tố viên vẫn có thể cân nhắc các lợi ích công cộng hoặc các lợi ích của vụ án khác mà trì hoãn việc truy tố hoặc không truy tố, đình chỉ vụ án trong những trường hợp luật cho phép. Khi quyết định khởi tố để buộc một người có phạm tội hay không, công tố viên phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dựa vào chứng cứ và cân nhắc mực độ nghiêm trọng của hành vi.

- Giai đoạn 4: Phiên điều trần sơ bộ hoặc bản truy tố tội phạm (Indictment by a grand jury or the filing of an information by a prosecutor).

Theo quy trình khởi tố, điều tra vụ án hình sự, một phiên điều trần sơ bộ là bắt buộc trước khi buộc tội một ai đó. Công tố viên sẽ lựa chọn hoặc hoàn thành một bản cáo trạng (indictment) hoặc là bản thông tin về tội phạm (filing of an information by prosecutor) trong trường hợp người bị buộc tội bị buộc tội với mức hình phạt tù.

+ Luật pháp của hơn ½ các tiểu bang ở Mỹ quy định về việc phải qua thủ tục điều trần sơ bộ kín (close hearing), trong đó vụ án sẽ được xem xét bởi bồi thẩm đoàn, chỉ có công tố viên trình bày lời buộc tội mà không có sự tham gia của người bị buộc tội hay bên bào chữa của họ.

+ Ở các tiểu bang còn lại, sẽ không qua thủ tục điều trần mà chính công tố viên được phân công điều tra vụ án sẽ hoàn thành hồ sơ, điều thông tin cho một loại tài liệu tạm dịch là bản truy tố tội phạm của công tố viên (an information by a prosecutor). Sau khi có bản truy tố của công tố viên, sẽ phải mở một phiên điều trần sơ bộ,  trong đó có sự tham gia của người bị buộc tội và luật sư của họ để tranh luận và đưa ra các ý kiến về các cáo buộc của công tố viên.

Tuy nhiên, dù là điều trần sơ bộ ở thủ tục kín hay bằng thủ tục bản truy tố của công tố viên thì mục đích chính của thủ tục này đều nhằm tới việc các bên liên quan cùng xem xét có đủ các căn cứ để truy tố một người về tội danh mà họ đang bị điều trần hay không.

- Giai đoạn 5: Phán quyết của thẩm phán (Arraignment by a judge).

Trước ngày mở phiên tòa chính thức, sẽ có một thủ tục là người bị buộc tội phải có mặt tại tòa án, đưa ra lời nhận tội. Thông thường là sẽ trình bày về việc mình có tội hoặc không có tội. Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết của mình.

- Giai đoạn 6: Tạm giam hoặc tại ngoại (Pretrial detention and/or bail).

Thẩm phán đồng thời cũng sẽ quyết định ký lệnh tạm giam hoặc cho bị can  tại ngoại. Giam giữ chỉ được áp dụng  như là biện pháp để chờ ngày xét xử. Hoặc bị can sẽ đặt một khoản tiền (gọi là Bail) để đảm bảo rằng anh ta sẽ có mặt tại phiên tòa.

- Giai đoạn 7: Mặc cả thú tội (Plea bargaining).

Thủ tục mặc cả thú tội giữa luật sư bào chữa và công tố viên. Thông thường, trong lời mặc cả thú tội (thể hiện bằng văn bản thương lượng nhận tội), bị cáo đồng ý nhận tội để đổi lấy việc giảm án phí, giảm khoản tiền phải bồi thường hoặc giảm án.

Và từ năm 1970 đến 1980 mặc cả thú tội bắt đầu trở nên phổ biến, các vụ án thường kết thúc ở biên bản mặc cả thú tội mà không phải trải qua thủ tục rườm rà và tốn kém bởi một phiên tòa xét xử. Đặc biệt từ 1980 đến nay có đến 80% đến 90% các VAHS ở tất cả các cấp tiểu bang và cấp liên bang ở Mỹ đều được giải quyết thông qua thủ tục mặc cả thú tội (plea bargaining).

- Giai đoạn 8: Xét xử bởi tòa án. Phiên tòa có bồi thẩm đoàn hoặc không có bồi thẩm đoàn. (Trial/adjudication of guilt by a judge or jury)

Nếu không đạt được thỏa thuận nhận tội, bị cáo sẽ được chuyển sang thủ tục xét xử bởi tòa án. Phiên tòa tùy vào mức độ và theo các quy định khác nhau, sẽ được diễn ra bởi một thẩm phán hoặc 1 thẩm phán và 3 bồi thẩm đoàn (hoặc 1 đến 3 thẩm phán và bồi thẩm đoàn 3-5-7-9 người) đối với trường hợp đặc biệt phức tạp. Thành phần bắt buộc tiếp theo là công tố viên và luật sư bào chữa.

Tiêu chuẩn của bằng chứng để buộc tội và kết án hình sự có tội là lỗi phải vượt quá mức độ cho một kết án hình sự là tội lỗi vượt quá sự nghi ngờ hợp lý, độ tin cậy thấp hơn 100% nhưng xác suất cao hơn. Nếu không chứng minh được bị cáo phạm tội dựa trên chứng cứ, bị cáo có quyền được tha bổng mà không cần đến phải có chứng cứ chứng minh sự vô tội của bị cáo.

- Giai đoạn 9: Kết án bởi thẩm phán (Sentencing by a judge).

Nếu bị cáo được kết luận là có tội, thẩm phán sẽ thực hiện việc kết án. Hình phạt có thể là phạt tiền, quản chế, giam giữ có thời hạn trong một cơ quan cải tạo (a correctional institution), hoặc hình phạt có thể là tù giam (tại trại tram giữ hoặc nhà tù), hoặc giám sát tại cộng đồng (supervision in the community), hoặc “tù tại gia” (incarceration)

- Giai đoạn 10: Kháng cáo (Appeals filed by attorneys).

Nếu có kháng cáo, luật sư sẽ đệ trình thủ tục kháng cáo tại các phiên tòa phúc thẩm và sau đó được phán quyết bởi các thẩm phán phúc thẩm. Nếu phiên tòa phúc thẩm có kết quả trái ngược với bản án đã tuyên, vụ án sẽ được trả lại để xét xử theo thủ tục tái thẩm. Với các căn cứ được xem xét lại (ở thế đảo ngược), các giả thuyết ban đầu được xem xét lại (với các lập luận mà trước đó chưa bao giờ được coi là có thể xẩy ra). Sau khi được xem xét ở thế đảo ngược, công tố viên sẽ xem xét lại việc có xem xét lại hoặc thậm chí loại bỏ các buộc tội trước đó. Ngay cả khi công tố viên đã bỏ các cáo buộc trước đó (drops the charges), bị cáo vẫn có khả năng bị xem xét truy tố miễn là thời hạn điều tra và buộc tội bị cáo chưa hết. Luật pháp đặt ra giới hạn về thời gian điều tra và xét xử một vụ án hình sự, ngoài thời gian đó, cơ quan công tố không có quyền buộc tội và xét xử vụ án hình sự đó nữa.

- Giai đoạn 11: Hình phạt và các biện pháp tư pháp (Punishment and/or rehabilitation administered by local, state, or federal correctional authorities).

Hình phạt hoặc các biện pháp tư pháp thuộc thẩm quyền áp dụng của các cơ quan tư pháp địa phương, cấp tiểu bang hoặc cấp liên bang. Hầu hết người chấp hành hình phạt không phải chấp hành hết toàn bộ hình phạt mà họ đã bị tuyên và hầu hết đều được trả tự do trước khi hết thời hạn tối đa đã được tuyên. Người chấp hành án có thể lựa chọn:

+ Hoặc thi hành hết thời hạn hình phạt đã được tuyên.

+ Được đề nghị lựa chọn hình thức giảm thời hạn thi hành, giảm hình thức áp dụng cơ chế chấp hành án.

Hình phạt và / hoặc biện pháp phục hồi được quản lý bởi các cơ quan giáo dục, cải tạo ở địa phương, tiểu bang hoặc liên bang. Hầu hết các tù nhân không phải chấp hành toàn bộ thời hạn đã tuyên và được thả ra trước khi hết hạn tù giam tối đa được ghi trong bản án. Việc thi hành hình phạt có thể được thực hiện bởi chính tòa án hoặc được thực hiện bởi cơ quan/ tổ chức mà Tòa án ủy quyền hoặc thông qua một cơ chế miễn chấp hành hình phạt, ví dụ bằng hình thức tạm tha, miễn chấp hành hình phạt hoặc lệnh ân xá.

 

Bồi thẩm đoàn trong một phiên tòa ở Mỹ - Ảnh: Vnexpress

Tài liệu tham khảo

1. Trung tâm nghiên cứu dữ liệu tư pháp liên bang: PEW RESRARCH, Công bố ngày 11/6/2019 về tình hình xét xử các vụ án hình sự Hoa Kỳ, Đăng trên trang web chính thức của http://www.Pewresearch. org

2. Plea Bargaining And Its History, Albert W. Alschuler, COLUMBIA LAW REVIEW, vol 79, No 1, Jan 1979

3. Frank Green, Tỷ lệ xét xử của Tòa án ở mức thấp mọi thời đại. Tham khảo tại: Va., RICHMOND TIMES-DISPATCH (ngày 18 tháng 10 năm 2009, 6:01AM), http://www.richmond.com/news/article_69942dd3-2cf8-52a6 -84c3-62a5faf96b86.html [https://perma.cc/J77D-VWZU.

4. Associate Dean for Academic Affairs and Frank L. Williams, Jr. Professor of Criminal Law, Chapman University School of Law. A.B. 1977, University of Missouri; J.D. 1981, University of Michigan.

5. http://digitalcommons.law.ou.edu/olr

6. See Ronald Wright & Marc Miller, The Screening/Bargaining Tradeoff, 55 STAN. L. REV. 29, 116-17 (2002) (asserting that “bargains are not inevitable” and urging “the substitution of hard prosecutorial screening practices for the use of plea bargains” – thử nghiệm sàng lọc chuyên sâu thay thế cho mặc cả thú tội.

7. Seattle University School of Law Digital Commons: Plea Bargaining: The Experiences of Prosecutors, Judges, and Defense Attorneys

8. Jenia Iontcheva Turner, Plea Bargaining and International Criminal Justice

9. William & Mary Law Review, Volume 57 | Issue 4, A Comparative Look at Plea Bargaining in Australia, Canada, England, New Zealand, and the United States.

 

[1] nguyên văn: Plea bargains is "inherent in the criminal law and its administration”.

[2] Xem: Plea Bargaining And Its History, Albert W. Alschuler, COLUMBIA LAW REVIEW, vol 79, No 1, Jan 1979, tr.1

PGS.TS. ĐINH THỊ MAI (Phòng Pháp luật hình sự, Viện Nhà nước và pháp luật)