Khái quát, đánh giá về tư pháp người chưa thành niên của Anh; Pháp và kiến nghị xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Châu Á phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng, đáng chú ý nhất là nỗ lực pháp điển hóa hướng đến xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Bài viết sau đây sẽ khái quát hóa một số chuẩn mực pháp lý quốc tế về người chưa thành niên và thực tiễn tư pháp người chưa thành niên của Anh và Pháp trên cơ sở pháp luật quốc tế. Từ đó đánh giá và đưa ra kiến nghị xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam.

I. Thực tiễn xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Anh và Pháp 

1. Các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế về người chưa thành niên[1]

Thứ nhất, lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khoản 1 Điều 3 Công ước quyền trẻ em quy định: Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan lập pháp, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.” Trong nhiều trường hợp, “lợi ích tốt nhất” của trẻ em được đặt trong mối quan hệ xung đột với lợi ích của những người trưởng thành khác và với chính quyền lợi được pháp luật bảo vệ của mình. Chẳng hạn, Điều 9 Công ước này cho rằng trẻ em có quyền được sống với cha, mẹ của mình và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm rằng trẻ không bị tách khỏi cha, mẹ trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, quyền này có thể bị hạn chế hoặc tước bỏ trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc tách trẻ khỏi cha, mẹ thông qua một quyết định tư pháp là hợp lý và cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ (ví dụ: trong các trường hợp trẻ em bị cha, mẹ lạm dụng, bỏ mặc, ngược đãi, bạo hành…).

Thứ hai, trẻ em có quyền tồn tại, quyền sống và quyền phát triển. Điều 6 Công ước quyền trẻ em thừa nhận quyền sống là quyền vốn có của mọi trẻ em và yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm tối đa sự sống còn và phát triển của trẻ. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức và xã hội có nghĩa vụ và bổn phận bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, phải cung cấp cho trẻ những điều kiện tốt nhất để trẻ được phát triển một cách lành mạnh và toàn diện, đồng thời phải hạn chế, loại bỏ những yếu tố cản trở trẻ tiếp cận và thụ hưởng các quyền này.

Thứ ba, không phân biệt đối xử. Theo quy định tại Điều 2 của Công ước quyền trẻ em, mọi trẻ em đều bình đẳng về quyền, không phân biệt “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc, sắc tộc hay xã hội, tài sản, khuyết tật, thành phần xuất thân hay địa vị khác của trẻ hoặc cha mẹ hay người giám hộ hợp pháp của trẻ”. Đối xử bình đẳng không đồng nhất với đối xử giống nhau với mọi trẻ em. Trong một số trường hợp đặc biệt như bắt buộc chữa bệnh hoặc xử lý hình sự, trẻ em có thể bị hạn chế hoặc mất một số quyền tự do.

Thứ tư, trẻ em có quyền bày tỏ quan điểm và quyền được lắng nghe. Điều 12 Công ước quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm quyền của trẻ em trong việc hình thành quan điểm riêng và tự do biểu đạt những quan điểm đó; những quan điểm này phải được coi trọng, lắng nghe, xem xét và cân nhắc trong mọi quyết định có tác động đến trẻ. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương. Do vậy, quá trình trẻ em bày tỏ quan điểm và được lắng nghe phải được thực hiện trong những điều kiện đặc biệt về không gian, thời gian, đối tượng,... phù hợp với độ tuổi, tình trạng và hoàn cảnh của trẻ, nhằm đảm bảo sự thoải mái, thân thiện, lành mạnh cũng như giảm thiểu những tổn thương thể chất, tinh thần có khả năng phát sinh ở trẻ.

Tại Anh, 04 nguyên tắc nêu trên đều hiện diện xuyên suốt nhiều văn bản quy phạm liên quan đến trẻ em nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng. Cụ thể, những đạo luật chính và quan trọng nhất có thể kể đến như: hệ thống Đạo luật về trẻ em (Children Acts), Đạo luật về Tội phạm và Rối loạn 1998 (Crime and Disorder Act 1998), Đạo luật Nhân quyền 1998 (Human Rights Act 1998), Đạo luật Tư pháp hình sự và Cơ quan Tòa án 2000 (Criminal Justice and Court Services Act 2000), hệ thống Đạo luật về Giáo dục (Education Acts), Đạo luật Bình đẳng 2010 (Equality Act 2010). Bên cạnh đó, hệ thống tư pháp tại Anh cũng yêu cầu các Tòa án phải luôn luôn cân nhắc đến phúc lợi của người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong quá trình đưa ra phán quyết của mình[2]. Do đó, các quy định tại Điều 2, 3, 6 và 12 của Công ước quyền trẻ em thường xuyên được viện dẫn, áp dụng trực tiếp trong nhiều phán quyết của Tòa án khi xét xử các vụ việc liên quan đến quyền của trẻ như phán quyết của Tòa tối cao Anh[3], phán quyết Tòa Nữ hoàng (Tòa cấp cao Anh)[4] về việc cân nhắc đến lợi ích tốt nhất và quyền được lắng nghe của trẻ em.

Tại Pháp, các nguyên tắc kể trên của Liên hợp quốc được coi trọng và ngày càng được đề cao. Mặc dù Pháp vẫn thường bị chất vấn vì chưa có một bộ luật dành riêng cho trẻ em, nhưng tinh thần của các nguyên tắc chủ chốt bảo vệ trẻ em vẫn được thể hiện trong nhiều văn bản quy phạm quan trọng, điển hình như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật phúc lợi xã hội và gia đình (Code de l’action sociale et des familles), Luật số 2016-297 về bảo vệ trẻ em, v.v. Cụ thể, Điều 112-3 Bộ luật phúc lợi xã hội và gia đình quy định: “Việc bảo vệ trẻ em nhằm hướng tới bảo đảm các nhu cầu cơ bản của trẻ, hỗ trợ cho sự phát triển cả về mặt thể chất, tình cảm, trí tuệ, xã hội và bảo vệ sức khỏe, an toàn, đạo đức, giáo dục cho trẻ trên cơ sở tôn trọng các quyền của trẻ.”[5] Ngoài ra, Tòa phá án và Tham chính viện Pháp còn công nhận việc áp dụng trực tiếp một số quy định của Công ước quyền trẻ em. Cụ thể, trong bản án ngày 18/5/2005, Tòa dân sự thứ nhất trực thuộc Tòa phá án đã lần đầu tiên công nhận việc áp dụng trực tiếp điều 3-1 về đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em và điều 12-2 về quyền được lắng nghe của trẻ em được quy định tại Công ước quyền trẻ em[6]. Bản án này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, bởi trước đây Tòa phá án Pháp thường từ chối việc áp dụng trực tiếp Công ước khi cho rằng Công ước không đặt ra các quy định ràng buộc các quốc gia phải tuân thủ. Nhiều bản án sau này của Tòa phá án và Tham chính viện Pháp tiếp tục tích cực viện dẫn các điều khoản, nguyên tắc quy định tại Công ước này.

2. Các yêu cầu, khuyến nghị của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Thứ nhất, thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện, gồm các đạo luật, thủ tục, các cơ quan và thể chế áp dụng riêng cho trẻ em bị coi là, bị tố cáo hay thừa nhận là đã vi phạm pháp luật hình sự[7].

Hiện nay, Anh chưa có một đạo luật riêng áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên cơ sở khuyến nghị của Liên hợp quốc. Thực tế, các chế định liên quan tới việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật được quy định rải rác theo các mục hoặc chương trong nhiều đạo luật và chủ yếu được hướng dẫn chi tiết thông qua các văn kiện dưới luật (statutory instruments) như Phần 4 của Đạo luật Tội phạm và Rối loạn về xử lý người phạm tội (quy định các biện pháp xử lý áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật) hoặc Hướng dẫn tuyên phạt (Sentencing Guidelines) của Bộ Tư pháp và Uỷ ban Tư pháp người chưa thành niên[8]. Ngoài ra, Anh đã xây dựng một số cơ quan chuyên biệt hỗ trợ giai đoạn tiền tố tụng và tố tụng trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến nhóm đối tượng đặc biệt này, trong đó có thể kể đến Tòa án Thanh thiếu niên Anh[9], Đội Vi phạm Thanh thiếu niên[10] và Uỷ ban Tư pháp Thanh thiếu niên[11]. Về các thủ tục xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Anh đã phần nào thể hiện được tinh thần của Công ước quyền trẻ em thông qua những cải cách về thủ tục ngoài tòa án, thủ tục xét xử và các biện pháp xử lý. Trước hết, những người chưa thành niên lần đầu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng sẽ được xử lý thông qua các thủ tục ngoài tòa án như Kế hoạch Chuyển hướng Người chưa thành niên (The Youth Diversion Scheme) do lực lượng cảnh sát và các ban ngành liên quan phụ trách. Ngoài ra, thủ tục xét xử tại tòa án dành cho thanh thiếu niên có những đặc điểm riêng biệt so với các thủ tục tại phiên tòa cho người trưởng thành vi phạm pháp luật. Cụ thể, bố mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 16 tuổi buộc phải có mặt và ngồi ở vị trí cạnh trẻ trong suốt phiên tòa; phiên tòa không có bồi thẩm đoàn cũng như sự tham dự của công chúng nhằm đảm bảo sự thoải mái cho người chưa thành niên đang bị xét xử. Các thẩm phán ở Tòa Thanh thiếu niên phải là những thẩm phán đã được đào tạo về tư pháp người chưa thành niên. Trong quá trình xét xử, các thẩm phán trực tiếp tương tác với bị cáo là người chưa thành niên, đồng thời phải đảm bảo việc diễn giải luật và các tình tiết phù hợp với lứa tuổi và mức độ nhận thức của bị cáo. Cuối cùng, về các biện pháp xử lý, các biện pháp giam giữ[12] chỉ được áp dụng trong trường hợp vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà không có biện pháp phù hợp nào khác. Trong những trường hợp còn lại, các biện pháp giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng như biện pháp chuyển hướng (referral order), biện pháp tái hòa nhập cho người chưa thành niên (youth rehabilitation order) được ưu tiên áp dụng. Đối với những vi phạm ít nghiêm trọng, thẩm phán có thể miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn (absolute discharge) hoặc miễn trách nhiệm hình sự có điều kiện (conditional discharge). Như vậy, có thể thấy, hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Anh đã có nhiều đổi mới đáng kể trong giai đoạn giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhằm tìm ra phương pháp tiếp cận phù hợp nhất đối với chủ thể đặc biệt này.

Tại Pháp, pháp luật có những quy định rải rác liên quan đến bảo đảm quyền lợi cho trẻ em nói chung và cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, trong đó phải kể đến một số quy định đặc thù trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự,… Mới đây, Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên (Code de la justice pénale des mineurs) của Pháp ra đời và có hiệu lực vào ngày 30 tháng 09 năm 2021, đã thay thế Pháp lệnh năm 1945 về trẻ em vi phạm pháp luật và từng bước thúc đẩy hệ thống tư pháp người chưa thành niên hoạt động chuyên biệt, hiệu quả hơn. Bộ luật mới đã cụ thể hóa các thủ tục tố tụng dành riêng cho người chưa thành niên, đồng thời ghi nhận thẩm quyền của các chủ thể tố tụng chuyên biệt. Đáng chú ý nhất là quy định về thẩm phán về trẻ em - người có chuyên môn trong việc bảo vệ người chưa thành niên bị xâm hại và xét xử người chưa thành niên vi phạm pháp luật[13]. Người chưa thành niên bị coi là vi phạm pháp luật, trong quá trình tham gia tố tụng, tùy theo mức độ vi phạm sẽ được xét xử ở những Tòa án khác nhau như Tòa trẻ em[14], Tòa tiểu hình người chưa thành niên[15] , Tòa đại hình người chưa thành niên[16]. Kế đó, cũng phải kể đến hai cơ quan ngoài tố tụng tham gia vào hoạt động tư pháp người chưa thành niên: Cơ quan bảo trợ xã hội dành cho trẻ em[17] và Cơ quan bảo trợ tư pháp dành cho thanh thiếu niên[18]. Đây là những tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng này. Về các thủ tục tố tụng, Bộ luật mới vẫn kế thừa nhiều quy định cũ của Pháp lệnh năm 1945: phân định rạch ròi thẩm quyền của thẩm phán công tố, thẩm phán dự thẩm, thẩm phán về tự do và giam giữ, thẩm phán xét xử; có những quy định riêng về thủ tục lấy lời khai, hỏi cung; ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng; chế độ giam giữ cách ly người chưa thành niên với phạm nhân trưởng thành,... Đồng thời, cần phải kể đến những quy định tố tụng mới như giảm thời hạn tạm giam, tạm giữ; ưu tiên áp dụng hình phạt không giam giữ (như quản thúc tại gia có giám sát điện tử[19]); đặc biệt là chia quá trình xét xử làm 3 giai đoạn nhằm giảm thiểu tối đa thời hạn tố tụng. Quá trình xét xử diễn ra nhanh hơn, với thời hạn lần lượt không quá 3 tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án đến phiên tòa luận tội, và không quá 9 tháng tính từ thời điểm kết thúc phiên tòa luận tội đến phiên tòa tuyên hình phạt. Giữa hai phiên tòa, người chưa thành niên sẽ phải tham gia giai đoạn “thử thách giáo dục” (mise à l’épreuve éducative), có thể bao gồm việc áp dụng các biện pháp giáo dục hoặc biện pháp an ninh. Biện pháp giáo dục phải được ưu tiên áp dụng, trừ trường hợp xét thấy cần áp dụng hình phạt vì có căn cứ tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, hướng đến xây dựng tư pháp phục hồi, trong đó mục đích tối thượng là phục hồi nhân phẩm cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, thúc đẩy các em tái hòa nhập cộng đồng và đảm đương vai trò tích cực trong xã hội thay vì chỉ nhằm mục đích trừng phạt. Để đạt được mục đích đó, việc xử lý đối với mỗi người chưa thành niên vi phạm pháp luật cần tương xứng, phù hợp với độ tuổi, hoàn cảnh riêng của em đó, hoàn cảnh vi phạm pháp luật chứ không chỉ xem xét những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Điểm c khoản 3 Điều 40 Công ước quyền trẻ em yêu cầu các quốc gia thành viên “xác định độ tuổi tối thiểu mà dưới độ tuổi đó trẻ em sẽ được coi là không có khả năng vi phạm pháp luật hình sự.” Pháp luật quốc tế không luật hóa độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự mà thừa nhận sự khác nhau trong cách tiếp cận và quy định tuổi này của các quốc gia, đến từ các điều kiện lịch sử, văn hóa riêng biệt; tuy nhiên, độ tuổi tối thiểu không nên được quy định quá thấp[20]. Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em cũng khuyến nghị rằng độ tuổi dao động trong khoảng từ 14 đến 16 tuổi là độ tuổi hợp lý phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xu hướng xác định độ tuổi tối thiểu của pháp luật hình sự quốc tế không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình tội phạm là người chưa thành niên ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Tuy nhiên, độ tuổi không phải căn cứ duy nhất để xác định trách nhiệm hình sự của một chủ thể hành vi vi phạm pháp luật hình sự. “Hoàn cảnh của người phạm tội cũng như hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội” cũng là những căn cứ quan trọng để thẩm phán cân nhắc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự[21]. Điều đó có nghĩa là, một đứa trẻ trong độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự có khả năng được giảm nhẹ, tăng nặng hoặc miễn trách nhiệm hình sự sau khi thẩm phán tính đến hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân của trẻ. Ở một số quốc gia mà thẩm phán có một số tự do nhất định trong xét xử như Anh và Pháp, thẩm phán được trao thẩm quyền xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết thích hợp đối với từng trường hợp cụ thể; nếu thẩm phán xét thấy có đầy đủ căn cứ chứng minh được một đứa trẻ dưới độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự có đủ khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và mong muốn hậu quả hành vi xảy ra trên thực tế, trẻ có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại Anh, Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 10 tuổi[22]. Bên cạnh đó, vụ sát hại James Bulger[23] làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Anh đã buộc các nhà lập pháp phải tiếp cận vấn đề về tội phạm là người chưa thành niên một cách nghiêm khắc hơn. Trong bối cảnh đó, Đạo luật Tội phạm và Rối loạn 1998[24] đã chính thức bãi bỏ nguyên tắc “doli incapax”[25] áp dụng đối với trẻ dưới 14 tuổi. Tuy nhiên, nguyên tắc cân nhắc đến phúc lợi của người chưa thành niên phạm tội vẫn được duy trì thông qua Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933[26] và được thể hiện rõ nhất khi các thẩm phán xem xét, đánh giá từng trường hợp cụ thể để lựa chọn biện pháp xử lý phù hợp nhất. Gần đây, Anh đã ban hành Đạo luật Hình phạt 2020 (Sentencing Act 2020), đồng thời công bố Bộ quy tắc Hình phạt (Sentencing Code 2020), thể hiện nỗ lực pháp điển hóa các thủ tục tố tụng phức tạp và tập trung hướng dẫn áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp đối với những người vi phạm pháp luật. Đạo luật mới yêu cầu các thẩm phán sử dụng phương pháp tiếp cận “cá nhân hóa” và tránh hình sự hóa một cách không cần thiết khi cân nhắc các biện pháp xử lý. Cụ thể, bên cạnh căn cứ vào độ tuổi thì cần phải xem xét mức độ trưởng thành, kết quả học tập tại trường, hoàn cảnh gia đình, ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa, sự lạm dụng các chất kích thích,... của người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, khuyến khích các em học hỏi từ những sai lầm của mình mà không phải gánh chịu sự trừng phạt hoặc kỳ thị không đáng có vì chúng có thể có ảnh hưởng lớn đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của các em trong tương lai.

Tại Pháp, việc quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 13 tuổi là điểm mới quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp hình sự người chưa thành niên của Pháp nhằm đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Dưới độ tuổi này, trẻ em được suy đoán là không có khả năng suy xét[27], do vậy không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khả năng suy xét (capable de discernement)[28] là căn cứ xác định trách nhiệm hình sự đặc trưng của pháp luật hình sự Pháp. Thực tế, khả năng suy xét không gắn với một độ tuổi cụ thể và xác định và không giống nhau giữa mỗi người chưa thành niên. Ví dụ, một đứa trẻ 6 tuổi có thể có khả năng suy xét đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình; trong khi đó, một đứa trẻ 10 tuổi khác lại không có khả năng này. Vì vậy, thẩm phán được trao quyền đánh giá khả năng suy xét của người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Như vậy, dù độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự ở Pháp là 13 tuổi nhưng dưới độ tuổi này, trẻ em vẫn có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thẩm phán có đủ căn cứ cho rằng trẻ có khả năng suy xét ở thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các biện pháp tư pháp thường được ưu tiên áp dụng. Hình phạt chỉ được áp dụng khi thẩm phán chứng minh được rằng việc áp dụng các biện pháp tư pháp là không phù hợp, và thường được tuyên cùng với một hoặc nhiều biện pháp tư pháp bổ trợ. Trong quá trình điều tra và xét xử, thẩm phán phải xem xét tổng thể hoàn cảnh cá nhân, gia đình, tình trạng sức khỏe và xã hội của người chưa thành niên vi phạm pháp luật[29] và quyết định áp dụng biện pháp xử lý tương xứng với từng cá nhân cụ thể. Biện pháp giáo dục tư pháp của Pháp được quy định và phân chia một cách rạch ròi, có hệ thống, trong đó có thể kể đến cấu phần tái hòa nhập, cấu phần sửa chữa và khắc phục hậu quả, cấu phần y tế, cấu phần bố trí cơ sở hoặc chủ thể chịu trách nhiệm giám sát, quản thúc…, nhờ đó, thẩm phán có thể linh hoạt áp dụng tùy theo hoàn cảnh nhằm đảm bảo tối ưu các nhu cầu cơ bản và sự phát triển của người chưa thành niên.[30]

II. Hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam trong mối tương quan với pháp luật quốc tế

1. Các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế về người chưa thành niên

04 nguyên tắc chung quy định tại Công ước quyền trẻ em được Việt Nam nội luật hóa tại Điều 5 Luật trẻ em 2016 về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em và tại nhiều quy định của Bộ luật hình sự 2015, đặc biệt tại khoản 1 Điều 91 (bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi) và khoản 1 Điều 3 (mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật) của Luật này. Bên cạnh đó, tinh thần của 04 nguyên tắc chung này cũng được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.

2. Các yêu cầu, khuyến nghị của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Về đạo luật riêng: Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về nội dung và thủ tục đối với người chưa thành niên trong các văn bản pháp luật khác nhau như Luật trẻ em, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật trợ giúp pháp lý,... Tuy nhiên, hệ thống luật pháp, chính sách về tư pháp người chưa thành niên vẫn còn tản mạn và chồng chéo: chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên.

Về cơ quan và chủ thể có thẩm quyền trong việc xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập đối với người thành niên vi phạm pháp luật: Thứ nhất, thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên chuyên trách về các vấn đề của người chưa thành niên và gia đình. Đây là Tòa chuyên trách mới được thành lập và bắt đầu được nhân rộng trong một vài năm trở lại đây. Do vậy, quy mô và các điều kiện cơ sở vật chất của Tòa vẫn còn nhiều hạn chế.[31] Thứ hai, các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, các cơ quan y tế, giáo dục, cơ quan bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em được khuyến khích tham gia vào công tác phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

Về thủ tục tố tụng chuyên biệt: Các thủ tục tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nằm rải rác tại nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt ở Chương XXVIII về thủ tục tố tụng cho người dưới 18 tuổi của Luật này, và tại một số văn bản pháp luật khác như Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật trợ giúp pháp lý,... Trong đó, 03 điểm tiến bộ đưa hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam ngày càng tiệm cận hơn với các chuẩn mực quốc tế nói chung và với các nền tư pháp phát triển của thế giới nói riêng cần được ghi nhận: (i) xử lý chuyển hướng (ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý không chính thức thay thế cho xử lý hành chính và hình sự); (ii) yêu cầu hạn chế áp dụng các chế tài hạn chế tự do đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật (biện pháp cưỡng chế và hạn chế tự do chỉ được áp dụng khi xét thấy các biện pháp ngăn chặn, giáo dục khác không hiệu quả; giảm thời hạn tạm giam đối với người chưa thành niên); (iii) tăng cường bảo vệ pháp lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật (áp dụng các thủ tục tố tụng, xử lý thân thiện nhằm đảm bảo tối đa các quyền tố tụng và một số quyền hợp pháp khác của người chưa thành niên).

Về xác định độ tuổi và cân nhắc hoàn cảnh riêng của người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Độ tuổi là căn cứ quan trọng nhất trong pháp luật hình sự Việt Nam để xác định trách nhiệm hình sự cũng như biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Điều 23 Bộ luật hình sự 2015 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Kế tiếp đó là khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như là nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm[32]. Có thể thấy, các yếu tố nhân thân được xem xét chỉ sau độ tuổi, Thẩm phán sẽ căn cứ vào đó để cân nhắc lượng hình. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á và Châu Á-Thái Bình Dương có quy định về độ tuổi tối thiểu phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em. So với hai nền tư pháp lớn là Anh và Pháp, quy định về độ tuổi tối thiểu của Việt Nam cũng có phần tiến bộ hơn. Tuy nhiên, việc ưu tiên độ tuổi so với các căn cứ xác định trách nhiệm hình sự và biện pháp xử lý khác, đặc biệt là các yếu tố nhân thân đã phần nào hạn chế vai trò xem xét, đánh giá linh hoạt của thẩm phán, dẫn đến nhiều trường hợp thẩm phán áp dụng cứng nhắc các quy định của luật và ban hành những quyết định không thỏa đáng, đi ngược lại với nhu cầu của dư luận xã hội.

III. Kiến nghị, đề xuất xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách về tư pháp người chưa thành niên để hướng tới xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên nhất quán, toàn diện: bên cạnh mục tiêu xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến trẻ em nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng;

Thứ hai, quy định cụ thể thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, thiết chế chuyên biệt trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên, đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành: giữa cơ quan tư pháp với các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, các cơ quan y tế, giáo dục, cơ quan bảo vệ gia đình, bảo vệ trẻ em và các chủ thể khác trong việc phòng ngừa, xử lý, giáo dục, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật và giữa các cơ quan, tổ chức này với nhau;

Thứ ba, tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên ngành nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực tư pháp người chưa thành niên (Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công an, Luật sư, cơ sở giáo dưỡng, trại giam, các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội...).

Thứ tư, tiếp tục thành lập và triển khai mô hình tòa chuyên trách này tại 64 tỉnh thành trên cả nước, nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu thực tiễn;

Thứ năm, tăng cường tính đa dạng và chất lượng của các chương trình giáo dục, phục hồi tại cộng đồng: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, dạy nghề, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, gia đình tại địa phương vào quá trình giáo dục, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật;

Thứ sáu, giảm dần việc áp dụng các chế tài giam giữ, hạn chế áp dụng hình phạt tù. Cần tham khảo kinh nghiệm các nước để quy định bổ sung các hình phạt không giam giữ cho người chưa thành niên (ví dụ: hình phạt quản thúc tại gia có giám sát điện tử).

Ảnh:TANDTC tổ chức Hội thảo "Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên"

 

[1] Điều 1 Công ước quyền trẻ em xác định trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi. Như vậy, khái niệm “trẻ em” trong pháp luật quốc tế tương đương với khái niệm “người chưa thành niên” trong pháp luật Việt Nam, quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 (“Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”).

[2] Mục 44, Đạo luật về Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933 (Children and Young Persons Act 1933).

[3] Phán quyết số UKSC 25 (2012) R v. Westminster City Magistrates’ Court của Tòa án tối cao Vương quốc Anh.

[4] Phán quyết số EWHC 1850 (2011) Tinizaray v. Secretary of State for the Home Department của Tòa án cấp cao của Anh và xứ Wales.

[5] Art. L. 112-3: “La protection de l'enfance vise à garantir la prise en compte des besoins fondamentaux de l'enfant, à soutenir son développement physique, affectif, intellectuel et social et à préserver sa santé, sa sécurité, sa moralité et son éducation, dans le respect de ses droits.”

[6]  Xem thêm tại: https://www.cairn.info/revue-journal-du-droit-des-jeunes-2007-7-page-21.htm (“dans son arrêt du 18 mai 2005, la première chambre civile a reconnu pour la première fois l’applicabilité directe des articles 3-1 (primauté de l’intérêt supérieur de l’enfant) et 12-2 (droit d’être entendu) de la Convention de New York”).

[7] Khoản 3 Điều 40 Công ước quyền trẻ em.

[8] Hướng dẫn cụ thể Mục 120 Đạo luật Tư pháp và Điều tra viên 2009 (Coroners and Justice Act 2009).

[9] Tòa án Thanh thiếu niên Anh (Youth Court) là tòa án chuyên trách đối với các đối tượng là trẻ em từ đủ 10 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự, có thẩm quyền xét xử các hành vi như trộm cắp, đột nhập, hành vi chống đối xã hội, tội phạm ma túy. Tuy nhiên, đối với những vi phạm có mức độ nghiêm trọng cao (như giết người hoặc hiếp dâm), hồ sơ sẽ được chuyển lên cấp cao hơn và được thụ lý bởi Tòa án Hoàng gia Anh.

[10] Đội Vi phạm Thanh thiếu niên (Youth Offending Team) là cơ quan liên ngành được thành lập tại các địa phương, bao gồm lực lượng cảnh sát, các chuyên gia thuộc các cơ quan phúc lợi xã hội, y tế và giáo dục nhằm hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhận thức được hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi, thúc đẩy các em tái hòa nhập cộng đồng.

[11] Uỷ ban Tư pháp Thanh thiếu niên (Youth Justice Board) chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Anh, đặc biệt là những quyết định liên quan đến việc giam giữ trẻ em và thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

[12] Biện pháp giam giữ và giáo dục (detention and training order) có thời hạn tối đa là 2 năm hoặc biện pháp giam giữ mở rộng (extended detention) có thời hạn tối đa là 14 năm.

[13] Điều 221-1 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên.

[14] Tòa trẻ em (Tribunal pour enfants) bao gồm thẩm phán về trẻ em và hai hội thẩm, có thẩm quyền đối với các thường tội hoặc tội vi cảnh cấp độ 5 do người chưa thành niên ở mọi độ tuổi thực hiện và các trọng tội do người chưa thành niên dưới 16 tuổi thực hiện.

[15] Tòa tiểu hình người chưa thành niên (Tribunal correctionnel pour mineur) là một thiết chế chuyên biệt của tòa tiểu hình, do thẩm phán về trẻ em chủ trì, có thẩm quyền xét xử đối với người chưa thành niên trên 16 tuổi thực hiện có tính chất tái phạm các thường tội với hình phạt trên 3 năm.

[16] Tòa đại hình người chưa thành niên (Cour d’assises des mineurs) bao gồm 3 thẩm phán chuyên trách và 6 bồi thẩm đoàn được lựa chọn ngẫu nhiên, có thẩm quyền đối với các trọng tội do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi thực hiện.

[17] Cơ quan bảo trợ xã hội dành cho trẻ em (Aide sociale à l’enfance) quy định tại Điều 221-1 Bộ luật hoạt động phúc lợi xã hội và gia đình.

[18] Cơ quan bảo trợ tư pháp dành cho thanh thiếu niên (Protection judiciaire de la jeunesse) quy định tại Điều L241-1 Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên.

[19] Hình phạt quản thúc tại gia có giám sát điện tử (détention à domicile sous surveillance électronique) được quy định tại Điều R122-13 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên.

[20] Điều 4 Quy tắc Bắc Kinh

[21] Điều 5 Quy tắc Bắc Kinh.

[22] Mục 16(1) về Vi phạm do trẻ em thực hiện Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1963.

[23] Sự kiện chấn động xảy ra vào ngày 24 tháng 11 năm 1993: 2 nghi phạm ở độ tuổi 11 bị kết tội hung thủ giết hại cậu bé 2 tuổi và trở thành 2 “kẻ giết người trẻ tuổi nhất của thế kỷ 20”.

[24] Mục 34 Đạo luật Tội phạm và Rối loạn 1998.

[25] Nguyên tắc suy đoán rằng trẻ em dưới 14 tuổi chưa đủ khả năng nhận thức và không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự của mình.

[26] Mục 44(1), Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933.

[27] Điều L11-1 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên quy định: “Les mineurs de moins de treize ans sont présumés ne pas être capables de discernement

[28] Khả năng suy xét là khả năng hiểu được và mong muốn hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên thực tế cũng như là hiểu được thủ tục tố tụng hình sự mà mình có khả năng phải chịu. (Điều L11-1 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên quy định)

[29] Điều L112-2 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên

[30] Điều L611-1 Bộ luật Tư pháp Hình sự người chưa thành niên

[31] Quy mô Tòa Gia đình và Người chưa thành niên còn hạn chế, chỉ có 02 phòng xử án, 01 phòng hòa giải, dẫn đến tình trạng thiếu phòng xử án, hòa giải. Các phòng xử án, phòng hòa giải và phòng làm việc đều có diện tích nhỏ, trường hợp có nhiều đương sự thì không đủ sức chứa, trang thiết bị làm việc.” Xem thêm tại: https://toaantamky.gov.vn/tu-phap-ve-nguoi-chua-thanh-nien-thuc-tien-o-viet-nam-va-kinh-nghiem-the-gioi.html

[32] Khoản 1 Điều 91 Bộ luật hình sự 2015

ThS. LƯƠNG NGÂN HÀ, NGUYỄN CAO THĂNG (Khoa Luật – ĐHQGHN), CẤN HOÀNG LONG (Đại học Luật Hà Nội)