Hoàn thiện quy định quyền tư pháp của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp năm 2013

Bài viết này phân tích và làm rõ quyền tư pháp của Tòa án nhân dân, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện về thể chế tư pháp trong Đề án xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

1. Quyền tư pháp của Tòa án

1.1. Quyền tư pháp được quy định trong Hiến pháp

Trong Hiến pháp năm 1946, Chương V quy định về cơ quan tư pháp và theo quy định tại Điều 63, cơ quan tư pháp là Tòa án các cấp. Sau Hiến pháp năm 1946, các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều không có chương quy định về cơ quan tư pháp mà chỉ có chương quy định về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Hiến pháp năm 2013 tuy không quy định về cơ quan tư pháp nhưng đã quy định rõ hơn về cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đó là Tòa án nhân dân: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102). 

Quyền tư pháp được nhiều nước trên thế giới quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 1949 (Điều 92) của Cộng hòa Liên bang Đức quy định: “Quyền tư pháp thuộc về các thẩm phán; quyền tư pháp do Tòa án Hiến pháp, các Tòa án liên bang được quy định trong Hiến pháp và các Tòa án bang thực hiện”. Tương tự như vậy, Hiến pháp năm 1978 của Tây Ban Nha (Điều 117) quy định: “Quyền tư pháp xuất phát từ nhân dân, do các thẩm phán và bồi thẩm đoàn đại diện cho quyền tư pháp thực hiện nhân danh nhà vua”; Hiến pháp Cộng hòa Hàn Quốc (Điều 101) quy định: “Quyền lực tư pháp được trao cho Tòa án bao gồm các thẩm phán”; Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Điều 3) quy định: “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những Tòa án cấp dưới mà Nghị viện có thể thiết lập trong một số trường hợp”; Hiến pháp Liên bang Nga (Điều 118) cũng ghi nhận: “Quyền lực tư pháp được thực hiện thông qua tố tụng Hiến pháp, dân sự, hành chính và hình sự”; Hiến pháp Nhật bản (Điều 76) ghi nhận: “Toàn bộ quyền tư pháp được trao cho Tòa án tối cao và các Tòa án các cấp được hình thành theo quy định của pháp luật”. Các bản Hiến pháp có những diễn giải khác nhau về quyền tư pháp nhưng có một điểm chung đó là quyền tư pháp đều được trao cho Tòa án thực hiện. 

Như vậy, quyền tư pháp theo cách hiểu chung nhất hiện nay là một trong những quyền lực nhà nước được giao cho Tòa án thực hiện, bao gồm quyền xét xử đối với các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội; công nhận giá trị pháp lý đối với các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

1.2. Đặc điểm quyền tư pháp

1.2.1. Quyền tư pháp do Tòa án thực hiện

Hệ thống Tòa án các nước đều có Tòa án tối cao và Tòa án cấp dưới, một số nước ngoài hệ thống Tòa án thường còn có các Tòa án chuyên biệt như Tòa án Hiến pháp, Tòa án hành chính, Tòa án lao động… Các Tòa án này được giao thực hiện quyền tư pháp, với sự tham gia của các thẩm phán, bồi thẩm đoàn (hội thẩm nhân dân). Ngoài Tòa án có quyền thực hiện quyền tư pháp, còn có những cơ quan khác có hoạt động tư pháp. Hoạt động tư pháp không đồng nghĩa với quyền tư pháp. Nếu như chủ thể quyền tư pháp chỉ có thể là Tòa án, cơ quan duy nhất có quyền xét xử thì hoạt động tư pháp còn hàm chứa các hoạt động khác nằm trong quỹ đạo của quyền tư pháp và để thực hiện quyền tư pháp.

Những cơ quan có hoạt động tư pháp bao gồm cơ quan công tố, cơ quan điều tra và cơ quan thi hành án (bao gồm cả thi hành án hình sự và thi hành án dân sự). Cơ quan có hoạt động tư pháp có thể nằm trong hệ thống tư pháp và được coi là cơ quan tư pháp nhưng chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền thực hiện quyền tư pháp. Chẳng hạn, ở Cộng hòa Liên bang Đức, Viện công tố nằm trong hệ thống tư pháp và được coi là cơ quan tư pháp, mặc dù chịu sự chỉ đạo của cơ quan hành pháp (Bộ Tư pháp). Ở Cộng hòa Pháp, công tố nằm trong Tòa án, nhưng về tổ chức vẫn phân định Chánh án công tố và Chánh án xét xử, thẩm phán có thẩm phán công tố và thẩm phán xét xử (thẩm phán đứng, thẩm phán ngồi). Sự “dính líu” về hành chính hoặc tư pháp không làm mất đi tính chất hoạt động tư pháp. Ở nước ta, Hiến pháp năm 1946 quy định công tố nằm trong cơ quan tư pháp (Tòa án), từ Hiến pháp năm 1959 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân được thành lập thành một thiết chế độc lập với hệ thống Tòa án nhưng quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời hoạt động xét xử của Tòa án.

1.2.2. Quyền tư pháp đòi hỏi tính độc lập cao

Trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực tư pháp độc lập sẽ bảo đảm để những giá trị tiến bộ của Nhà nước pháp quyền, dân chủ được phát huy và thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội. Tòa án, thẩm phán không độc lập thì nguy cơ quyền lực tư pháp trở thành công cụ bảo vệ quyền lợi của những thế lực chi phối và đương nhiên nó sẵn sàng tước bỏ quyền lợi hợp pháp, quyền lợi chính đáng của tất cả những bên còn lại. Lúc đó, tính công bằng của hoạt động xét xử bị triệt tiêu[1]. Vì vậy, quyền lực tư pháp độc lập được bảo đảm càng cao thì mức độ pháp quyền sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ, quyền lực tư pháp không độc lập thì chắc chắn pháp luật khó giữ được vai trò tối thượng trong đời sống xã hội. Trong trường hợp này, quyền con người, quyền tự do dân chủ của cá nhân, tổ chức khó được pháp luật bảo vệ. Do đó, độc lập của tư pháp (Tòa án) được coi là một trong những yêu cầu tiên quyết của nền pháp quyền dân chủ. Cho nên, trong luật nhân quyền quốc tế, độc lập của Tòa án là chuẩn mực tối thiểu bắt buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ thực thi lập tức, vô điều kiện nhằm bảo vệ quyền con người trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Hiến pháp của các Nhà nước pháp quyền hiện đại đều quy định quyền lực tư pháp (Tòa án) độc lập với các nhóm quyền lực khác. Ở Việt Nam, ngay từ Hiến pháp năm 1946, độc lập xét xử của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp: “Trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. Nội dung này được tiếp tục kế thừa trong các bản Hiến pháp sau đó.

1.2.3. Quyền tư pháp được thực hiện thông qua tố tụng tư pháp

Cũng như tính độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, trình tự, thủ tục tư pháp nghiêm ngặt cũng là đặc trưng cơ bản để nói về Nhà nước pháp quyền và là đặc trưng của quyền tư pháp. Khi nói đến quyền tư pháp là nói đến tố chất của một thủ tục chặt chẽ, công khai có tính dân chủ cao. Cũng chính vì điều này mà trong các tố tụng tư pháp, việc vi phạm các thủ tục tố tụng sẽ dẫn đến hậu quả bất lợi cho việc tiến hành vụ án. Trong tố tụng hình sự, đối tượng được ưu tiên bảo vệ là con người, quyền con người, quyền công dân. Do đó, lá chắn quan trọng và vững chắc nhất đối với quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng đó chính là các thủ tục tố tụng chặt chẽ. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự cũng là một bảo đảm quan trọng và vững chắc đối với quyền con người, quyền công dân nhằm phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm từ phía các cơ quan tố tụng. Đây là nguyên tắc “kinh điển” nhất của tố tụng hình sự được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng, như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948; Công ước của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Đặc biệt, bản Tuyên ngôn nêu trên đã coi nguyên tắc suy đoán vô tội là “phẩm giá của văn minh nhân loại”.

2. Nội dung quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013

Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. 2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. 3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Từ quy định này và các văn bản luật hiện hành, nội dung quyền tư pháp của Tòa án nhân dân gồm: (i) Xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; công nhận giá trị pháp lý đối với các sự kiện, hành vi làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức...; (ii) Xử lý vi phạm hành chính; xem xét đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước và quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật; (iii) Ra quyết định thi hành án; hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích…; (iv) Tạo ra án lệ để phục vụ việc giải quyết vụ việc mà Tòa án đang giải quyết; (v) Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, các bộ luật, luật đã quy định về quyền tư pháp như sau: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Pháp lệnh Trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân năm 2014 đã quy định thẩm quyền xét xử và giải quyết các tranh chấp tại Tòa án, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Những quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng, về cơ bản được kế thừa các quy định của pháp luật tố tụng trước khi có Hiến pháp năm 2013.

Những nội dung mới được quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính để thực hiện quyền tư pháp của Tòa án bao gồm:

- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 4) quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền, để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự; áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự hoặc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.
- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Điều 221), Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (khoản 2 Điều 6) quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đó.

- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (khoản 2 Điều 22) quy định: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ phát triển và công bố án lệ. Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. 

Nhìn chung, sau khi Hiến pháp năm 2013 quy định quyền tư pháp của Tòa án, các văn bản pháp luật đã kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền của Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Nhiều quy định là những bước tiến đáng kể so với quy định của pháp luật trước đó, phù hợp với nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

3. Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

3.1. Các Tòa án phải được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử

Một trong những yếu tố để bảo đảm cho Tòa án độc lập là các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Độc lập của Tòa án còn là nguyên tắc hoạt động của Tòa án trong bộ máy nhà nước hiện đại. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 5). Hiện nay, hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức theo hệ thống Tòa án bốn cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện. Theo mô hình tổ chức này, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao đã được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, còn các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tổ chức theo đơn vị hành chính. Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực theo hướng gộp một số Tòa án cấp huyện thành một Tòa án sơ thẩm khu vực. Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực đã có những hạn chế, bất cập nên không được các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Một trong số những hạn chế mà trong thời gian tới phải tiếp tục nghiên cứu đó là Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực mới chỉ giải quyết được yêu cầu độc lập đối với Tòa án cấp huyện, còn Tòa án cấp tỉnh vẫn theo đơn vị hành chính là chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

3.2. Làm rõ nội dung Tòa án nhân dân thực hiện quyền kiểm soát hoạt động của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định Tòa án có thẩm quyền phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này được coi là Tòa án nhân dân kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Điều 221 Bộ luật này quy định: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan nhận được kiến nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nghị định, thông tư) thì trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan đã ban hành văn bản đó phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Tòa án nhân dân tối cao, nếu quá thời hạn này mà không nhận được văn bản trả lời thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án; đối với kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật là luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Theo quy định trên đây, đối với nghị định, thông tư, Tòa án nhân dân có quyền không áp dụng mà áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để giải quyết vụ án. Nhưng đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án chỉ có thẩm quyền kiến nghị, không có thẩm quyền không áp dụng. Vì vậy, trường hợp Tòa án đang thụ lý vụ án mà phát hiện thấy luật, pháp lệnh có nội dung trái với Hiến pháp thì phải tạm đình chỉ vụ án để chờ quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không sửa đổi luật, pháp lệnh thì vụ án sẽ không giải quyết được.

Hiện nay, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Như vậy, trong trường hợp khiếu kiện dân sự của người dân không có luật quy định, Tòa án nhân dân còn có thẩm quyền giải quyết thì trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phát hiện thấy luật, pháp lệnh có dấu hiệu trái hiến pháp, Tòa án lại không có thẩm quyền không áp dụng là không phù hợp. Vì thế, cần nghiên cứu có quy định trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án phát hiện thấy luật, pháp lệnh có dấu hiệu trái Hiến pháp thì Tòa án có thể vẫn tiếp tục giải quyết giống như xét xử trường hợp không có luật quy định. 

3.3. Thẩm quyền giải thích pháp luật của Tòa án

Về lý luận, Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, do vậy, Tòa án căn cứ vào pháp luật để xét xử, trong trường hợp không có luật quy định, hoặc có luật nhưng quy định không rõ ràng thì Tòa án vẫn phải xét xử và căn cứ vào tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, án lệ, lẽ phải, lẽ công bằng để xét xử. Đây là cơ sở để Tòa án ban hành án lệ và cơ sở để quy định Tòa án có thẩm quyền giải thích luật. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành của Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể quyền giải thích pháp luật của Tòa án. Vì vậy, Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới cần nghiên cứu bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền giải thích luật.

Theo tcdcpl.moj.gov.vn

 

Xét xử vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường - Ảnh: Duy Anh


1].Tô Văn Hòa, Tính độc lập của Tòa án: Nghiên cứu pháp lý về các khía cạnh lý luận, thực tiễn ở Đức, Mỹ, Pháp, Việt Nam và các kiến nghị đối với Việt Nam.

ThS. PHẠM THU GIANG (Khoa Vận tải – Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải)