Khó khăn, vướng mắc trong nghiệp vụ xét xử và kiến nghị

Tham luận của TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh, báo cáo Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022 do Phó Chánh án Phạm  Hồng Phong trình bày đã nêu khó khăn vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và đề xuất hướng giải quyết rất thiết thực, cụ thể.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm kịp thời của TANDTC trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, giải đáp các khó khăn, vướng mắc tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thông qua hoạt động giải quyết án phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm các loại, TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh còn một số các vướng mắc, chưa thống nhất về quan điểm áp dụng pháp luật trên nhiều lĩnh vực cần được TANDTC hướng dẫn, giải đáp.

1. Trong lĩnh vực hình sự

1.1.Xử lý yêu cầu rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án cấp phúc thẩm phải ra Thông báo về việc rút kháng cáo, kháng nghị (không phân biệt ai rút, rút một phần hay toàn bộ) tại Điều 342; riêng trường hợp rút một phần kháng cáo, một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút theo Điều 348. Từ hai quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể: Có quan điểm cho rằng mọi trường hợp đều phải ra Thông báo và nếu thuộc trường hợp rút một phần thì ra thêm Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm theo Điều 348; có quan điểm cho rằng nếu là rút một phần thì không ra Thông báo theo Điều 342 mà chỉ ra Quyết định đình chỉ theo Điều 348.

Riêng đối với trường hợp vụ án có nhiều người kháng cáo, kháng nghị mà trong đó chỉ một hoặc một số người rút toàn bộ phần của mình và không liên quan đến các phần khác thì BLTTHS chưa quy định. Để xử lý trường hợp này, có quan điểm cho rằng chỉ ra Thông báo theo Điều 342 mà không ra Quyết định đình chỉ phúc thẩm; ngược lại có quan điểm cho rằng cần áp dụng tương tự Điều 348 để ra Quyết định đình chỉ mà không cần ra Thông báo. Về phía Tòa án cấp sơ thẩm và Cơ quan thi hành án hình sự phản hồi cho rằng nếu chỉ ra Thông báo thì không đủ cơ sở làm thủ tục cho bị cáo đi chấp hành án nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ.

Đề xuất: TANDTC phối hợp liên ngành trung ương có văn bản thống nhất về việc xử lý các trường hợp trên để đảm bảo thực hiện đúng quy định tố tụng cũng như quy định về thi hành án hình sự nói chung.

1.2. Về việc xét khiếu nại của phạm nhân đối với Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước hạn

Điều 368 BLTTHS quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, phạm nhân có quyền khiếu nại các Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước hạn … và trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị, khiếu nại “được thực hiện theo quy định tại Chương XXII (phúc thẩm) và Chương XXXIII” (khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự). Quy định này dẫn đến hai cách hiểu khác nhau, cụ thể có quan điểm cho rằng cần giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, còn quan điểm khác cho rằng giải quyết theo trình tự khiếu nại tư pháp. Thời gian qua, đơn vị giải quyết kháng nghị, kháng cáo đối với các quyết định này với Hội đồng 03 Thẩm phán, trình tự tương tự giải quyết án phúc thẩm. Tuy nhiên, thực hiện theo trình tự thủ tục phúc thẩm thì việc giải quyết bị kéo dài, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhanh gọn, kịp thời.

Đề xuất, kiến nghị: Để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật, rút ngắn thời gian cũng như đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo giải quyết nhanh và đúng quy định, đề xuất TANDTC hướng dẫn theo hướng trình tự, thủ tục cũng như thành phần giải quyết khiếu nại đối với Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước hạn theo thủ tục giải quyết khiếu nại tư pháp (Chương XXXIII BLTTHS).

2. Trong lĩnh vực hành chính

Pháp luật tố tụng và Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính quy định, khi xem xét đối với quyết định hành chính thì Tòa án có thẩm quyền xem xét các quyết định hành chính khác có liên quan. Nhưng hiểu như thế nào là quyết định có liên quan thì còn có nhiều quan điểm khác nhau, nhất là trong các vụ án khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, trong vụ án khởi kiện quyết định hành chính về thu hồi đất thì có quan điểm cho rằng quyết định hành chính liên quan là các quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định bị khởi kiện; cũng có quan điểm cho rằng quyết định có liên quan bao gồm cả các quyết định về bồi thường, cưỡng chế …

Do sự khác biệt về quan điểm nên trong thực tế thường xuyên xảy ra tình huống cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm giải quyết không triệt để vụ án (xác định không đầy đủ các quyết định liên quan) hoặc vượt quá thẩm quyền (xác định các quyết định liên quá rộng). Vì vậy, để đảm bảo giải quyết triệt để vụ án nhưng không vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền, đề xuất TANDTC có hướng dẫn những trường hợp nào Tòa án có thẩm quyền hủy các quyết định hành chính có liên quan.

3. Trong lĩnh vực dân sự

3.1.Việc xử lý tài sản thế chấp

Hiện nay, việc ký hợp đồng thế chấp bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng của người thứ ba được thực hiện theo mẫu do Ngân hàng soạn sẵn, trong đó có thỏa thuận rằng “tài sản thế chấp này được đảm bảo cho hợp đồng tín dụng này và các hợp đồng khác”. Trong khoảng thời gian hợp đồng tín dụng lần 1 đang có hiệu lực thì Ngân hàng tiếp tục ký hợp đồng tín dụng lần 2 cho bên được bảo lãnh. Khi phát sinh tranh chấp, phía Ngân hàng cho rằng người bảo lãnh đã ký bảo lãnh cho tất cả các hợp đồng tín dụng mà người được bảo lãnh ký kết với người nhận bảo lãnh là Ngân hàng nên yêu cầu Tòa án xử lý tài sản thế chấp để đảm cho các hợp đồng tín dụng này, nhưng người bảo lãnh thì cho rằng chỉ bảo lãnh cho hợp đồng tín dụng lần 1 nên không đồng ý xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ cho hợp đồng tín dụng lần 2.

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp này hiện nay có hai quan điểm: Một quan điểm là người bảo lãnh đã đồng ý dùng tài sản của mình để bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng mà bên được bảo lãnh ký kết với Ngân hàng trong phạm vi hạn mức tín dụng đã thỏa thuận thì phải chịu nghĩa vụ trong tất cả hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá phạm vi hạn mức tín dụng ở thời điểm ký hợp đồng bảo lãnh. Quan điểm khác thì cho rằng nghĩa vụ của người bảo lãnh đối với hợp đồng tín dụng lần thứ 2 chỉ phát sinh khi có sự đồng ý tiếp theo của người bảo lãnh.

Theo quan điểm của chúng tôi, trường hợp hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì cần áp dụng khoản 6 Điều 404 BLDS năm 2015 để giải thích theo ý chí của bên tham gia bảo lãnh. Cụ thể đối với trường hợp này, ý chí của các bên bảo lãnh là sử dụng tài sản để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng thứ nhất, việc người được bảo lãnh ký kết hợp đồng tín dụng thứ hai nhưng không có sự đồng ý của người bảo lãnh thì phải xem là hợp đồng tín dụng không có tài sản đảm bảo mới phù hợp.

3.2.Về Quyết định hủy hoặc không hủy Phán quyết trọng tài theo Luật trọng tài Việt Nam

Trong trường hợp Tòa án ra quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài nhưng sau đó phát hiện ra có sai lầm nghiêm trọng trong việc ban hành Quyết định của Tòa án và đương sự có đơn đề nghị kháng nghị, thì Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm không thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để khắc phục những sai lầm của Tòa án cấp dưới (Khoản 1 Điều 71 Luật Trọng tài quy định Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành; Ngoài ra, tại Công văn số 07/TANDTC-KHXX ngày 13/01/2015 của TANDTC cũng hướng dẫn về trường hợp trên như sau: “Thực  hiện quy định tại khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại và Công văn số 810/UBTVQH13-TP ngày 26-12-2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đối với các yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đã được Tòa án thụ lý, giải quyết theo quy định tại các điều 68, 69, 70 và 71 Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án có quyền ra quyết định hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài. Quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành và không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”).

Kiến nghị: Cần sửa đổi quy định này là đối tượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để khắc phục sai lầm khi Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định không đúng pháp luật.

3.3. Vấn đề công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị

Theo nội dung Án lệ số 02/2016/AL ngày 06/4/2016 đã được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-TA ngày 06/4/2016 của Chánh án TANDTC thì trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người trong nước đứng tên giùm, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất cho người đứng tên hộ. Vậy, trường hợp người bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nước ngoài hoặc là người Việt Nam trong nước mà không phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có xử lý tương tự án lệ trên hay không? Về vấn đề này cần có sự hướng dẫn thống nhất, cụ thể của TANDTC.

3.4.Về hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Điều 503 BLDS năm 2015 quy định việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực từ thời điểm đăng ký; Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014 quy định hợp đồng mua bán, tặng cho nhà có hiệu lực kể từ thời điểm công chứng.

Vướng mắc: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (có nhà trên một phần diện tích đất) thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được tính từ khi nào? Từ thời điểm công chứng hợp đồng hay từ thời điểm đăng ký? Theo quan điểm của tôi, trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất mà nhà được xây trên đúng diện tích đất đó thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định theo Luật Nhà ở. Còn đối với trường hợp nhà được xây dựng trên một phần đất thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định theo Điều 503 BLDS năm 2015. Về vấn đề này cũng cần có hướng dẫn cụ thể của TANDTC.

3.5.Về việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu

Giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2015. Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không  phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba (Giải đáp số 01 ngày 04/7/2017 của TANDTC).

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử hiện nay, có nhiều trường hợp kể cả đương sự và Thẩm phán khi giải quyết vụ án nhận thức không đúng “yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu”, cụ thể là: Khi giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán nhà hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, một bên yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, một bên không đồng ý và có yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Tòa án không giải thích rõ cho các bên đương sự (như hướng dẫn) để làm cơ sở xem xét quyền tự định đoạt của đương sự hoặc chỉ hỏi ý kiến của một bên đương sự và chỉ tuyên hợp đồng vô hiệu mà không giải quyết hậu quả nên dẫn đến trường hợp không thi hành án được vì còn nhiều quyền lợi liên quan chưa được giải quyết triệt để, từ đó phát sinh yêu cầu giám đốc thẩm lại vụ án, kéo dài thời gian tố tụng, gây khó khăn, thiệt hại cho các bên liên quan.

Kiến nghị: Trường hợp các bên đương sự đều hiểu rõ và không yêu cầu giải quyết hậu quả khi hợp đồng vô hiệu trừ trường hợp không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba thì Tòa án không giải quyết. Nếu phát sinh tranh chấp liên quan thì giải quyết bằng vụ án khác. Còn lại Tòa án phải giải quyết trong một vụ án về hậu quả hợp đồng vô hiệu.

Tòa án các cấp khi giải quyết phải thực hiện đúng hướng dẫn của TANDTC về việc giải thích rõ cho các bên đương sự như đã nêu. Nếu không thực hiện đầy đủ được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

4. Các khó khăn, vướng mắc khác

Đối với yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án sơ thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm đó có kháng cáo, kháng nghị nhưng đã bị đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Trường hợp bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, sau đó TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết đình chỉ xét xử phúc thẩm nên bản án sơ thẩm phát sinh hiệu lực pháp luật. Đương sự không có ý kiến đối với Quyết định phúc thẩm của TANDCC nhưng có yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm. Trường hợp này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền giải quyết, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Bản án có hiệu lực là bản án sơ thẩm. TANDCC  tuy có ra quyết định phúc thẩm trong vụ án nhưng đây là quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, lý do đình chỉ mang tính tố tụng và cũng không không xem xét về nội dung vụ án. Do đó, về bản chất TANDCC (cấp phúc thẩm) chưa giải quyết đối với nội dung vụ án nên TANDCC có thẩm quyền giám đốc thẩm trong trường hợp này.

Quan điểm thứ hai cho rằng tuy đương sự không yêu cầu giải quyết đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nhưng đây là cơ sở làm phát sinh hiệu lực của bản án sơ thẩm nên nếu không xem xét Quyết định này là không giải quyết toàn diện, triệt để vụ án; đặc biệt trong trường hợp nếu hủy bản án sơ thẩm có hiệu lực mà không giải quyết đối với Quyết định phúc thẩm là không phù hợp, do vậy cần phải xem xét cả hai bản án sơ thẩm và Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm nên Tòa án nhân dân cấp cao không có thẩm quyền mà phải do TANDTC giải quyết.

Đây là khó khăn thường gặp trong thực tiễn của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được quan điểm, do vậy đề xuất TANDTC hướng dẫn áp dụng thống nhất.

 

TANDCC TP Hồ Chí Minh quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma - Ảnh: Đình Trường 

 

TS. PHẠM HỒNG PHONG (Phó Chánh án TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh)