Những kết quả và hạn chế sau 12 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ và phương hướng đề xuất xây dựng Luật mới

Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 . Từ thực tiễn công tác, căn cứ chức năng nhiệm vụ, Bộ Công an tổng kết 12 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Công an nhân dân.

Kết quả thực hiện

Công tác tuần tra kiểm soát và huy động lực lượng tham gia thực hiện tuần tra, kiểm soát (thực hiện Điều 87 Luật Giao thông đường bộ)

Từ năm 2009 đến hết tháng 12/2021 đã lập biên bản xử lý 65.200.379 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 33.235 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 3.895.548 trường hợp, tạm giữ 16.126.720 phương tiện. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, trực tiếp phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ 14.815 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.

Công tác đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thực hiện Điều 54 Luật Giao thông đường bộ)

Từ năm 2009 đến nay số phương tiện giao thông tăng nhanh chủ yếu là phương tiện cá nhân, trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10% đến 15%, tăng nhanh tại các thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến tháng 12/2021 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên 5.239.926 ô tô, 68.349.566 mô tô.

Công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (thực hiện Điều 38 Luật Giao thông đường bộ)

Từ năm 2009 đến hết tháng 12/2021 toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người. Trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Hạn chế và khó khăn, vướng mắc

Sau 12 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn vướng mắc, như sau:

- Thiếu các khái niệm liên quan đến an toàn giao thông, như: ùn; tắc; chỉ huy, điều khiển giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông; tổ chức an toàn giao thông; trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tránh; vượt; chuyển hướng; sát hạch lái xe; cơ quan tổ chức công tác sát hạch lái xe; đào tạo lái xe; cơ quan đào tạo lái xe…

- Không quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ về các nội dung: độ tuổi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện; quy tắc ưu tiên "rẽ phải - đi thẳng - rẽ trái"; dừng, đỗ xe; cấm lùi xe trên đường một chiều hoặc đường đặt biển cấm đi ngược chiều; nhường đường cho các xe đi cùng chiều phía sau, khi chuyển hướng; các trường hợp phải chú ý quan sát…

- Số lượng biển cấm, biển hiệu lệnh kèm theo biển phụ để thuyết minh, giải thích ý nghĩa của biển bằng tiếng Việt và báo hiệu, chỉ dẫn trên mặt đường bằng vạch sơn còn rất ít, dẫn đến nhiều người dân chưa hiểu rõ ý nghĩa của biển báo. Đối với đường cao tốc, không có tốc độ giới hạn tối đa cho từng loại phương tiện, nên nhiều xe trọng tải lớn chạy với tốc độ cao là nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

- Một số quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Công ước Viên 1968 mà Việt Nam tham gia chưa được nội luật hóa vào Luật Giao thông đường bộ hiện hành, cần phải khắc phục, như:

+ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ có quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, không quy định đối với người điều khiển xe ô tô; tuy nhiên, Công ước Viên bắt buộc Luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển.

+ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang quy định xe ô tô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn (khoản 2 Điều 9); tuy nhiên, Công ước Viên lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn.

- Kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc: Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông, còn xảy ra 948 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 3.049 người, bị thương 2.886 người, trong đó có rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm thương vong rất nhiều người.

-Các hành vi vi phạm về TTATGT vẫn diễn ra phổ biến, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ (toàn quốc xảy ra 582 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 07 đồng chí hy sinh, 184 đồng chí bị thương)...tình trạng vi phạm: Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, tránh vượt, chuyển hướng không đúng quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, lùi xe không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sử dụng rượu bia, chất ma túy … vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

- Chưa quy định cụ thể và chặt chẽ về điều kiện sức khoẻ, độ tuổi, loại giấy phép lái xe; về tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người được cấp giấy phép lái xe; quản lý người nước ngoài điều khiển phương tiện giao thông tại Việt Nam và ngược lại; người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải. Nội dung, chương trình đào tạo lái xe còn bị nhiều cơ sở đào tạo cắt xén, đào tạo không đầy đủ, kỹ càng về kiến thức pháp luật và đặc biệt là kỹ năng điều khiển từng loại phương tiện giao thông trên sa hình và ở đường trường.

- Ba ngành cùng thực hiện việc quản lý an toàn của phương tiện:

 Điều 54 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, Bộ Quốc phòng thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng; Điều 55 và Điều 57 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện và thực hiện việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe máy chuyên dùng. Như vậy, khi ba ngành cùng thực hiện việc quản lý an toàn của phương tiện, nhưng việc kết nối, chia sẻ thông tin còn hạn chế, dẫn đến giảm hiệu quả trong công tác quản lý. Luật chưa quy định nguyên tắc xác định màu sắc biển số xe thuộc chức năng quản lý của mỗi ngành.

-Chưa có khái niệm rõ ràng về xe tự chế, xe công nông, xe máy kéo, xe máy điện, xe đạp điện, niên hạn sử dụng của các loại phương tiện cơ giới... nên có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong công tác thực thi pháp luật.

-  Quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái xe ô tô đối với việc đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa 2 kỳ kiểm định còn chung chung và chưa có chế tài rõ ràng (khoản 5 Điều 55) dẫn đến người dân, doanh nghiệp không thực thi tốt trách nhiệm của mình. Quy định về kết nối giữa đăng kiểm với bảo trì, bảo dưỡng và đăng ký xe còn chưa rõ ràng…

 Nguyên nhân cơ bản của tồn tại, hạn chế:

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện nay đang đồng thời điều chỉnh 3 lĩnh vực: (1) An toàn cho người tham gia giao thông; (2) Kết cấu hạ tầng giao thông; (3) Vận tải đường bộ. Cả 3 lĩnh vực này đang còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết, đó là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương khi tham gia giao thông; quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; phát triển, quản lý các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với nhu cầu xã hội… Như vậy tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành, dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả 3 lĩnh vực, phải ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn, thiếu tính ổn định, tập trung, thống nhất, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện và chưa đủ mạnh về pháp lý để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cả về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phát triển kết cấu hạ tầng, quản lý vận tải đường bộ.

- Theo quy định của pháp luật hiện hành, Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực tế lực lượng Công an là lực lượng trực tiếp, thường xuyên thực hiện công tác này, do đó về lý luận và thực tiễn, Bộ Công an phải là cơ quan tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành đạo luật để điều chỉnh các vấn đề về an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại điều chỉnh đồng thời cả hai lĩnh vực là bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, do đó việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch, dẫn đến chồng chéo, tăng tổ chức bộ máy và tăng biên chế, chưa phù hợp với thực tiễn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn ra trong nhiều năm qua.

- Về cơ sở khoa học, pháp lý và thực tiễn cho thấy quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là quản lý hành vi trực tiếp của con người để bảo đảm về kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển, xử lý tình huống nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Bởi vì tai nạn giao thông do 3 nguyên nhân chính, gồm: (1) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật, (2) Phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; (3) Đường sá không bảo đảm an toàn kỹ thuật, tổ chức giao thông bất hợp lý. Trong đó 90% nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện, chỉ có 10% là do phương tiện và đường sá.

Hiện nay cả 3 nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nêu trên do cơ quan về kinh tế - kỹ thuật quản lý, nhưng không có chức năng bảo đảm an ninh, an toàn. Nếu giữ nguyên như mô hình hiện nay sẽ không có đột phá về hoàn thiện thể chế, khó có thể kiềm chế được tai nạn giao thông. Trong đó nhiệm vụ thu hút nguồn lực, bảo đảm chất lượng, đồng bộ các công trình giao thông đường bộ từ quy hoạch, đầu tư, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì là trách nhiệm chính của cơ quan quản lý về mặt kinh tế - kỹ thuật. Nếu chỉ giao cho cơ quan bảo đảm an ninh, an toàn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường mà không quản lý chất lượng người lái xe từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì việc phòng ngừa tai nạn giao thông sẽ khó đạt hiệu quả.

Giải pháp nhiệm vụ thời gian tới

Xây dựng 02 Luật mới là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo đảm TTATGT, trong đó, xây dựng 02 Luật mới là Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ; 02 dự án Luật mới này sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để điều chỉnh chuyên sâu và tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực (theo đúng nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính" đúng với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Quy định các chế tài đủ mạnh

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tạo bước đột phá thông qua triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách, quy định các chế tài đủ mạnh nhằm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, qua đó sẽ tác động trực tiếp việc làm giảm các hành vi vi phạm, làm giảm tai nạn giao thông và các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên tuyến giao thông.

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TTATGT theo công nghệ hiện đại, kết nối đồng bộ và chia sẻ các dữ liệu dùng chung về TTATGT (quản lý giấy phép lái xe, quản lý lái xe, quản lý phương tiện giao thông; xử lý vi phạm TTATGT, kiểm định phương tiện, kết quả từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, dữ liệu về tai nạn giao thông...) để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về TTATGT và an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

Tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong toàn dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông kết hợp với tuyên truyền hệ thống thông tin cơ sở; hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa việc giáo dục an toàn giao thông trong trường học.

Một điểm tắc đường tại Thủ đô Hà Nội -Ảnh: Lương Tuấn Hùng

HÀ CHI