Pháp luật về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra và hướng hoàn thiện

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng gây ra là một trong những trách nhiệm dân sự được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự (BLDS). Tuy nhiên, trong quá trình thực thi thì quy định đó còn chung chung, chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi vận dụng vào thực tiễn. Vì vậy, việc hoàn thiệt những bất cập đó trong thời gian tới là rất cần thiết.

1.Quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Thứ nhất, căn cứ phát sinh và chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 605 BLDS năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác; Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Tức là, khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại, người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng. BLDS năm 2015 không xác định thứ tự chịu trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản. Điều đó dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ thể sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra (ví dụ, khi chủ sở hữu đã chuyển giao cho người khác quản lý, sử dụng rồi thì có phải bồi thường nếu có thiệt hại hay không?). Do đó, cần phải xác định thứ tự chịu trách nhiệm bồi thường và phải phân định được trách nhiệm của chủ thể khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại.

Theo quan điểm của chúng tôi, việc xác định người phải bồi thường thiệt hại là chủ sở hữu hay người chiếm hữu, người được giao quản lý, người sử dụng sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như sau: (1) Trong trường hợp nhà cửa, công trình khác gây thiệt hại mà có lỗi của người quản lý, thì phải xem xét trong thời gian đó có chủ thể nào có nghĩa vụ quản lý (nghĩa vụ kiểm tra tình trạng, khắc phục hư hỏng,…). Nếu chủ sở hữu là người trực tiếp quản lý, sử dụng thì chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu do người khác chiếm hữu, sử dụng và do họ đã không thực hiện tốt nghĩa vụ quản lý thì họ phải bồi thường thiệt hại; (2) Trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại mà không có sự vi phạm trong quản lý (tức là không chủ thể nào bị coi là có lỗi), thì việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào việc ai là người được thực hiện các quyền khai thác công dụng hoặc hưởng lợi các lợi ích phát sinh từ nhà cửa, công trình xây dựng khác tại thời điểm nó gây thiệt hại.

Theo đó, nếu chủ sở hữu là người đang thực hiện các quyền đối với tài sản hoặc đang được hưởng các lợi ích từ tài sản đó thì chủ sở hữu phải bồi thường, kể cả tại thời điểm đó nhà cửa, công trình xây dựng đang do người khác trực tiếp quản lý. Ví dụ, cả nhà đi xem phim và có nhờ người khác sang trông nhà hộ, nếu nhà gây thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu chủ sở hữu đã chuyển giao quyền khai thác công dụng hoặc hưởng các lợi ích từ nhà cửa, công trình xây dựng khác cho chủ thể khác (người thuê, người mượn,…) thì khi nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại, người được chuyển giao sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường; hoặc ví dụ khác; Hoặc, công trình đang xây dựng mà gây ra lún nền, nứt tường, nghiêng nhà của hộ liền kề thì lúc này trách nhiệm bồi thường sẽ là chủ sở hữu công trình đang xây dựng, nếu người thi công xây dựng cũng có lỗi thì phải liên đới bồi thường.

Ngoài các chủ thể trên, người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại có thể là người thi công. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là quy định hoàn toàn mới trong BLDS năm 2015. Có thể thấy, trước khi quy định này được bổ sung, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong nhiều trường hợp thuộc về người thi công hay chủ sở hữu cũng như các chủ thể có liên quan vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi.

Theo quy định tại Điều 627 BLDS năm 2005, người thi công hoàn toàn không được nhắc đến khi xác định các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại mà người thi công có lỗi thì việc họ có phải bồi thường hay không vẫn là vấn đề còn tồn tại những ý kiến khác nhau: (i) Ý kiến thứ nhất cho rằng, khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường chỉ thuộc về chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng như Điều 627 BLDS năm 2005 đã quy định; (ii) Ý kiến khác lại cho rằng, việc pháp luật không quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công không có nghĩa rằng người thì công không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Theo đó, nếu người thi công có lỗi thì họ cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, và cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 604 BLDS năm 2005 và các quy định có liên quan đến việc áp dụng tương tự pháp luật.

Thứ hai, các trường hợp loại trừ trách nhiệm

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm không được quy định tại Điều 605 mà được quy định chung trong Điều 584 cho tất cả các trách nhiệm. Theo đó, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp: “thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” (khoản 2 Điều 584).

Nghiên cứu quy định này có thể thấy các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại, BLDS năm 2015 chưa được quy định đầy đủ. Cụ thể, Bộ luật đã “bỏ qua” trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại xảy ra “hoàn toàn do lỗi của người thứ ba”. “Người thứ ba” ở đây có thể là cá nhân, tổ chức bất kỳ hoặc cũng có thể là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên thực tế, có rất nhiều công trình xây dựng thuộc danh mục di tích lịch sử phải bảo tồn (nhà cổ, đền, chùa…). Đối với những công trình này, việc sửa chữa phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy, nếu trong trường hợp vì cơ quan có thẩm quyền không cấp phép sửa chữa khiến công trình bị xuống cấp rồi sụp đổ thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Nếu căn cứ vào khoản 2 Điều 584 BLDS năm 2015 thì đây không thuộc các trường hợp để được loại trừ trách nhiệm bồi thường (thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại). Do đó, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này không phù hợp với lẽ công bằng.

2.Kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, hoàn thiện quy định trong BLDS.

Nên bổ sung thêm khoản 2 vào Điều 584 BLDS năm 2015 đối với trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại là “thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thứ ba”. Theo đó, khoản 2 Điều 584 quy định như sau: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc hoàn toàn do lỗi của người thứ ba, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của người thi công.

Điều 605 BLDS năm 2015 quy định trách nhiệm của người thi công là “trách nhiệm liên đới”. Quy định này không công bằng với chủ sở hữu, đặc biệt trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công. Ví dụ: Người thi công không thi công đúng thiết kế, tự ý cắt giảm, thay thế nguyên vật liệu khiến nhà cửa, công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng, bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở… gây thiệt hại. Trong trường hợp này chủ sở hữu không có lỗi, bản thân chủ sở hữu cũng là người bị thiệt hại (do nhà cửa, công trình xây dựng thuộc sở hữu bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở) nhưng chủ sở hữu lại phải liên đới chịu trách nhiệm cùng người thi công để bồi thường thiệt hại. Đáng lẽ trong trường hợp này, người thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho cả chủ sở hữu (trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thi công) và người thứ ba bị thiệt hại (trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra theo Điều 584 BLDS năm 2015).

Đối với người thi công, việc chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công mà không quy định trách nhiệm của người khảo sát, thiết kế giám sát… cũng là không công bằng với người thi công. Một công trình kém chất lượng là kết quả từ nhiều khâu không đảm bảo, chứ không chỉ riêng một mình khâu thi công. Nhưng BLDS năm 2015 đã “bỏ qua” cho tất cả các chủ thể khác, mà chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thi công là không công bằng với với họ.

Từ những phân tích trên có thể đưa ra nhận xét rằng, việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, nếu tách trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công thành một điều luật riêng biệt thì trong đó, về bản chất phải quy định trách nhiệm của người thi hành công vụ là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật, có lỗi gây thiệt hại; về nội dung, người thi công có thể phải chịu trách nhệm độc lập (nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người thi công hoặc giữa bên thi công và chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng đã có thỏa thuận) hoặc trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, chủ thể cùng chịu trách nhiệm liên đới với bên thi công có thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng hoặc có thể là bên thiết kế, bên khảo sát, bên giám sát…nếu những chủ thể này cũng có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng gây ra thiệt hại.

Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng khác là tài sản nhà nước gây thiệt hại.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Còn quy định trách nhiệm bồi thường do tài sản nhà nước gây thiệt hại thì chưa quy định. Do đó, cần mở rộng phạm vi quy định, xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước được giao quản lý tài sản nhà nước.

Thứ tư, cần có quy định chi tiết để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác của vợ, chồng gây ra trong Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng: Nhà cửa, công trình xây dựng khác của một bên giao cho bên vợ, bên chồng quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm chung của vợ chồng. Việc quy định chi tiết sẽ giúp giải quyết những tranh chấp khi vợ chồng li hôn, vì trên thực tế, rất nhiều cặp vợ chồng khi li hôn, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cuối cùng người bị thiệt hại phải chờ đợi rất lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân đó.

Thứ năm, cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra trước tiên căn cứ vào thỏa thuận của các bên chủ thể giữa chủ sở hữu và người được chủ sở hữu giao quản lý.

Tức là, người được chủ sở hữu giao quản lý nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Các thỏa thuận sau đây không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường: (i) Thỏa thuận cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; (ii) Thỏa thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao quản lý sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường; (iii) Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì việc xác định chính xác chủ thể bồi thường thiệt hại cần dựa trên nguyên nhân gây ra thiệt hại, theo đó, trách nhiệm thuộc về người có nghĩa vụ quản lý, trông coi nhà cửa, công trình xây dựng khác. Họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý tài sản của mình, tuy nhiên nếu như người quản lý đã thể hiện thái độ quan tâm đúng mức nhằm ngăn chặn việc xảy ra thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường.

Thứ sáu, về kết quả giám định, thẩm định của Công ty về kiểm định

Trong nhiều tranh chấp dân sự, không riêng gì tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, thì kết quả giám định, thẩm định luôn là một nguồn chứng cứ rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét xử. Trong bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra, các kết quả giám định thường là kết quả về nguyên nhân chính gây ra thiệt hại cho công trình liền kề và xung quanh. Vì vậy, các bên tranh chấp hay có yêu cầu tòa án giám định đi, giám định lại, tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Pháp luật của nước ta hiện nay, các vấn đề về giám định hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Giám định Tư pháp năm 2012, tuy nhiên, Luật này cơ bản điều chỉnh về các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn về các công ty thẩm định, kiểm định vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, nên tăng cao trách nhiệm của các công ty này đối với kết quả mà công ty đưa ra cho Tòa án, mức phạt cao nhất là quy về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI ( Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình)