Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự - một góc nhìn khác

Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, có một số ý kiến cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS mâu thuẫn và vô hiệu hóa quy định tại khoản 3 Điều 150 của Bộ luật này. Tác giả bài viết nghiên cứu, phân tích và trao đổi về vấn đề này.

Hiện nay, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (hiểu theo nghĩa rộng) được quy định tại nhiều bộ luật, luật như: Bộ luật dân sự (BLDS), Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS),[1] Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật các công cụ chuyển nhượng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Doanh nghiệp, Luật Bồi thường nhà nước, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Thi hành án dân sự, Luật Năng lượng nguyên tử và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. 

Theo tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 150 BLDS, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là một thời hạn cụ thể mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Mặc dù vậy, cũng chính Bộ luật này lại có quy định không cho phép Tòa án tự áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Thay vào đó, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nếu có đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp đưa ra trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án (khoản 2 Điều 149). Quy định này được cho là để tôn trọng quyền tự định đoạt về giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 150 của Bộ luật này. Hệ quả của sự mâu thuẫn đó là quy định tại khoản 2 Điều 149 đã vô hiệu hóa quy định tại khoản 3 Điều 150, làm mất đi vai trò, mục đích, ý nghĩa của quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. 

Để góp phần làm sáng tỏ loại ý kiến nêu trên, tác giả đã nghiên cứu, phân tích các quy định tại khoản 2 Điều 149 và khoản 3 Điều 150 và một số quy định liên quan của BLDS. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên phương diện nghiên cứu khoa học, loại ý kiến nêu trên không phải là không có cơ sở; là một cách tiếp cận có tính gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu, thảo luận về vấn đề thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.

1. Các ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa quy định tại khoản 2 Điều 149 và khoản 3 Điều 150 BLDS

Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 BLDS, thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền khởi kiện của chủ thể có quyền này (sau đây gọi tắt là người có quyền), BLDS còn có quy định về việc không tính vào thời hiệu khởi kiện thời gian người có quyền gặp trở ngại khách quan hoặc thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng (Điều 156 BLDS). Như vậy, theo các quy định nêu trên, nếu không gặp trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng mà người có quyền không thực hiện quyền khởi kiện trong thời gian luật cho phép, thì người đó mất quyền khởi kiện. Mất quyền khởi kiện dẫn đến việc người bị mất quyền này không còn được nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp giữa họ với bên tranh chấp còn lại. Vì vậy, nếu người bị mất quyền khởi kiện vẫn nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì sẽ phát sinh một số vấn đề cần xem xét, đánh giá sau đây:

Thứ nhất, người bị mất quyền khởi kiện nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự với tư cách nào?

Thứ hai, căn cứ, cơ sở nào để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện nếu xác định thấy người nộp đơn đó đã mất quyền khởi kiện?

Hiện nay, có nhiều loại ý kiến khác nhau về các vấn đề nêu trên.

Loại ý kiến thứ nhất viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS để cho rằng người bị mất quyền khởi kiện vẫn được quyền nộp đơn khởi kiện, Tòa án vẫn phải xem xét, thụ lý đơn khởi kiện với lý do Tòa án không được tự động áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự khi có ít nhất đề nghị của bị đơn và bị đơn phải đưa ra đề nghị này trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Nếu bị đơn không đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thì Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án dân sự. Đây là quy định mới của BLDS để bảo đảm quyền tự định đoạt giải quyết tranh chấp giữa các bên đương sự. Như vậy, không có sự mâu thuẫn giữa quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS và khoản 3 Điều 150 của Bộ luật này.

Loại ý kiến thứ hai thì cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS mâu thuẫn và vô hiệu hóa quy định tại khoản 3 Điều 150 của Bộ luật này. Bởi lẽ:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 150 BLDS, thì việc nộp đơn khởi kiện là để thực hiện quyền khởi kiện trong một thời gian cụ thể mà luật cho phép. Nếu người này không thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn đó, thì họ mất quyền này. Do đó, khi thời hiệu khởi kiện vụ án dẫn sự vẫn còn, mà người có quyền khởi kiện tiến hành nộp đơn khởi kiện, thì người này được gọi là “người khởi kiện” hoặc “nguyên đơn” nếu Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Vì vậy, trong trường hợp người có quyền khởi kiện không nộp đơn khởi kiện trong thời hạn luật cho phép, thì người này mất quyền khởi kiện và mất luôn tư cách “người khởi kiện”. Từ đây, khi đã bị mất quyền khởi kiện, thì người mất quyền này không có bất kỳ tư cách nào để nộp đơn khởi kiện. Đồng thời, Tòa án cũng không có căn cứ, cơ sở nào để thụ lý đơn khởi kiện khi xác định thấy người nộp đơn khởi kiện đã mất quyền khởi kiện. Như vậy, có thể khẳng định rằng nếu cho phép người bị mất quyền khởi kiện vẫn được nộp đơn khởi kiện và Tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện đó để giải quyết, thì quy định về việc mất quyền khởi kiện tại khoản 3 Điều 150 BLDS là “vô nghĩa”, cần phải bãi bỏ.

Thứ hai, khi người có quyền khởi kiện nộp đơn khởi kiện người khác trong thời hạn luật định, thì người khác đó được gọi là “người bị kiện” hoặc “bị đơn” nếu Tòa án thụ lý đơn khởi kiện. Do đó, nếu thời hiệu khởi kiện đã hết, thì “người bị kiện” cũng mất tư cách này. Nói cách khác, không có căn cứ để tiếp tục xác định một người là “người bị kiện” khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Vì vậy, việc BLDS (khoản 2 Điều 149) trao quyền cho người không còn được coi là “người bị kiện” theo luật định được đề nghị áp dụng hoặc từ chối áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện là không có cơ sở pháp lý.

2. Một số bình luận nhận xét về quy định tại khoản 2 Điều 149 và khoản 3 Điều 150 BLDS

2.1. Về quy định tại khoản 3 Điều 150 BLDS

Khoản 3 Điều 150 BLDS quy định: “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.

Theo quy định trên, người có quyền khởi kiện phải thực hiện quyền đó trong thời hạn mà luật cho phép. Nếu hết thời hạn đó, thì người có quyền khởi kiện mất quyền này. Quy định trên của BLDS là phù hợp thực tiễn, thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được đặt ra với những mục đích sau đây:

Thứ nhất, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền khởi kiện/nguyên đơn

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được đặt ra để cá nhân, tổ chức (sau đây gọi tắt là người có quyền) yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị cá nhân, tổ chức khác (sau đây gọi tắt là người có nghĩa vụ) xâm phạm. Đó là những trường hợp như: Người có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự sau khi xâm phạm quyền, lợi ích người có quyền; Người có nghĩa vụ cho rằng họ không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền; Giữa người có quyền với người có nghĩa vụ không thống nhất được với nhau về cách xử lý hoặc người có nghĩa vụ vi phạm cam kết, thỏa thuận về nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự với người có quyền...

Do đó, để giải quyết các vấn đề nêu trên, luật pháp cho phép người có quyền, trong một thời hạn cụ thể, được nộp đơn yêu cầu Tòa án buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự; xác định nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự của người có nghĩa vụ đối với người có quyền; yêu cầu người có nghĩa vụ công nhận, tôn trọng, chấm dứt những hành vi xâm phạm hoặc chấm dứt việc cản trở người có quyền thực hiện quyền của họ thông qua bản án, quyết định của Tòa án và việc thi hành án.

Thứ hai, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện/bị đơn

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không chỉ được đặt ra để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện/nguyên đơn mà còn để bảo vệ người bị kiện/bị đơn. Theo đó, luật chỉ cho phép người khởi kiện/nguyên đơn tiến hành việc khởi kiện trong một giới hạn thời gian nhất định; nếu hết thời hạn đó mà người khởi kiện/nguyên đơn không khởi kiện, thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc gặp trở ngại khách quan hoặc một số trường hợp khác như: người khởi kiện chưa đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Nói cách khác, người có quyền khởi kiện không được “ngủ quên” trên quyền lợi của mình và phải biết được hậu quả của việc “ngủ quên” đó, là việc không còn cơ hội sử dụng Tòa án để bảo vệ, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình nếu không thực hiện việc khởi kiện trong thời hạn luật cho phép.

Việc chậm trễ trong việc khởi kiện của người khởi kiện/nguyên đơn có thể làm tổn hại lớn đến khả năng của người bị kiện/bị đơn trong việc tự bảo vệ, phản bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện/nguyên đơn. Theo đó, người khởi kiện/nguyên đơn càng chậm trễ trong việc thực hiện quyền khởi kiện, thì việc tự bảo vệ của người bị kiện/bị đơn đối với nội dung khởi kiện càng khó khăn hơn. Cụ thể, theo thời gian, người làm chứng có thể không còn, hoặc không thể xác định được địa chỉ của họ; các tài liệu bằng văn bản viết hoặc được thể hiện, lưu trữ bằng phương tiện điện tử có thể bị hủy hoặc thất lạc.

Mặc dù xét về khách quan, thì những khó khăn này cũng có thể xảy ra với người khởi kiện/nguyên đơn nhưng xét cho cùng thì người bị kiện/bị đơn vẫn ở một vị trí bất lợi hơn so với người khởi kiện/nguyên đơn. Bởi lẽ người khởi kiện/nguyên đơn là người quyết định việc khởi kiện; người này có thể sử dụng thời gian trước khi khởi kiện để thu thập chứng cứ cho việc khởi kiện. Trong khi đó, người bị kiện/bị đơn ít có khả năng biết được người khởi kiện/nguyên đơn đang chuẩn bị hoặc đã chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết để khởi kiện họ. Từ đó, người bị kiện/bị đơn không đủ thời gian để có thể tiến hành những hành động cần thiết nhằm chống lại vụ kiện của nguyên đơn.

Vì vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án là cơ sở quan trọng để người bị kiện/bị đơn đánh giá về khả năng bị kiện, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia vụ kiện hoặc tiến hành điều đình, thỏa thuận với người bị kiện/nguyên đơn về việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Thứ ba, để bảo đảm ổn định xã hội và thực thi công lý

Có một quan điểm được thừa nhận rộng rãi rằng xã hội càng có lợi khi các vấn đề tranh chấp được giải quyết ngày càng nhanh chóng. Thời hiệu khởi kiện tạo điều kiện ổn định xã hội bằng cách bảo đảm rằng các tranh chấp sẽ không có điều kiện kéo dài với phạm vi không xác định. Quan điểm này cũng đồng thời cho rằng thời hiệu khởi kiện có vai trò trong việc tăng cường việc thực thi công lý. Việc khởi kiện bị chậm trễ càng dài, thì việc thu thập, lưu giữ chứng cứ ngày càng phức tạp. Điều đó dẫn đến việc Tòa án sẽ rất khó khăn khi ra phán quyết giải quyết tranh chấp cũng như ảnh hưởng đến nhận thức chung của xã hội đến tính hiệu quả của hệ thống Tòa án. Sẽ là thuận lợi cho Tòa án, các bên đương sự khi việc khởi kiện được tiến hành mà chứng cứ vẫn còn điều kiện để thu thập, nhân chứng vẫn có thể được triệu tập và cung cấp được chứng cứ “sạch”. Trên cơ sở đó, Tòa án có điều kiện bảo đảm để ra phán quyết công minh, chính xác, đúng pháp luật, không để lãng phí nguồn nhân lực, tài chính do việc chậm trễ trong việc khởi kiện và giải quyết tranh chấp.

2.2. Về quy định tại khoản 2 Điều 149 của BLDS

Khoản 2 Điều 149 BLDS quy định: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

Theo quy định tại đoạn một Điều 149 khoản 2 BLDS, thì “một bên hoặc các bên” có quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện dân sự trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án. Tuy nhiên, điều luật không xác định “một bên” hoặc “các bên” là những chủ thể nào. Vì vậy, để xác định, cần phải căn cứ quy định của BLTTDS để xác định những chủ thể này. Theo quy định của BLTTDS, thì đương sự trong vụ án dân sự là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc có yêu cầu độc lập). Như vậy, quy định “một bên” hoặc “các bên” chính là các đương sự trong vụ án dân sự theo định nghĩa của BLTTDS. Trên cơ sở đó, tùy thuộc từng vụ án, những đương sự sau đây có thể đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện:

- Bị đơn hoặc cả nguyên đơn và bị đơn;

- Cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

- Nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

- Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

 Cần lưu ý rằng, việc đặt ra các giả định các trường hợp trên đây là trên cơ sở quy định của điều luật về chủ thể “một bên” hoặc “các bên” có quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện dân sự. Việc giả định đó nhằm chứng minh sự phi lý, không phù hợp thực tiễn của quy định về chủ thể có quyền nêu trên. Theo đó, trên thực tế, rất khó xảy ra trường hợp nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập lại đưa ra đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Bởi lẽ, nếu một hoặc cả hai người nêu trên đưa ra đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, thì Tòa án sẽ chấm dứt việc giải quyết vụ án. Trong khi trước đó, một trong hai người này, cho dù thời hiệu khởi kiện đã hết, vẫn nộp đơn yêu cầu khởi kiện, đưa ra yêu cầu độc lập, để hy vọng Tòa án vẫn thụ lý giải quyết nếu bị đơn không đề nghị Tòa án áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện.

Mặt khác, từ phân tích trên đây, có thể thấy rằng quy định về việc “nguyên đơn”, “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” có quyền đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện là không cần thiết, “cồng kềnh”. Bởi lẽ, mục đích của việc đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện là để Tòa án chấm dứt giải quyết vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Trong khi đó, để đạt được mục đích này, nguyên đơn chỉ cần rút đơn khởi kiện với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết là Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, Tòa án không cần phải hỏi ý kiến của bị đơn và đương nhiên bị đơn cũng không có quyền phản đối việc rút đơn đó.

Bên cạnh quy định về quyền đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện, đoạn hai khoản 2 Điều 149 của BLDS quy định: “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”

  Quy định nêu trên không xác định ai là “người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”. Tuy nhiên, nếu xem xét quy định này trong tố tụng dân sự, thì “người được hưởng lợi” là bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập và đứng về phía bị đơn.

Đối với quy định “Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệuthì thường được diễn giải theo hướng bị đơn được trao quyền này để khi bị đơn áp dụng, thì vụ án vẫn được Tòa án tiếp tục giải quyết, không phụ thuộc vào thực tế là thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết. Tuy nhiên, đoạn hai khoản 2 Điều 149 của BLDS không dừng ở đó mà còn bổ sung thêm quy định: “trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.

Từ quy định này, một số vấn đề sau đây cần phải làm rõ:

- Có trường hợp nào mà bị đơn từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện với “mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”?

- Nếu có trường hợp đó, thì có phải bị đơn không được cho phép từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện?

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tác giả thấy rằng không có trường hợp nào mà bị đơn từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện với mục đích như trên. Bởi lẽ, nếu xét về lý do bị đơn từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện, thì có thể giả định rằng bị đơn làm như vậy trong trường hợp bị đơn tự nhận là người xâm phạm đến quyền, lợi ích của nguyên đơn hoặc bị đơn sẵn sàng chấp nhận trở thành người có nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự đối với nguyên đơn theo bản án, quyết định của Tòa án. Nói cách khác, khi bị đơn từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện, thì bị đơn không thể trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự với nguyên đơn, trừ trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc bản án, quyết định của Tòa án xác định bị đơn không phải là người có nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự với nguyên đơn.

Bên cạnh đó, có thể diễn giải quy định “trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụlà quy định không cho phép bị đơn thực hiện quyền từ chối áp dụng thời kiện, khi có căn cứ cho rằng việc từ chối là nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc không cho phép bị đơn từ chối như nêu ở trên đương nhiên sẽ dẫn đến hệ quả là thời hiệu khởi kiện sẽ được áp dụng và Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện.

Như vậy, có thể thấy rằng quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 149 của BLDS không cho phép người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện nếu việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ là một quy định vừa phi thực tế vừa thừa. Cụ thể, sự phi thực tế biểu hiện ở chỗ không thể có trường hợp nào mà bị đơn đề nghị không áp dụng thời hiệu khởi kiện lại có mục đích “nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”. Từ đó, đương nhiên, quy định không cho phép người được hưởng lợi từ chối áp dụng thời hiệu khởi kiện nếu việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trở thành quy định thừa.

Tuy nhiên, với tư cách không phải là chuyên gia hoặc có kiến thức chuyên sâu về thời hiệu khởi kiện, tác giả mong muốn được các đồng nghiệp, những người quan tâm trao đổi, làm rõ để tác giả có thể hiểu thêm, nhận thức đúng về quy định “trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụnêu trên của BLDS.

2.3. Về việc Tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện của người đã mất quyền khởi kiện

Hiện nay, theo quy định của BLTTDS hiện hành, thì Tòa án không trả lại đơn khởi kiện cho người nộp đơn hoặc đình chỉ giải quyết vụ án chỉ với lý do duy nhất là đã hết thời hiệu khởi kiện như BLTTD cũ. Thay vào đó, BLTTDS hiện hành quy định Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết (điểm e khoản 1 Điều 217). Như vậy, có ý kiến cho rằng việc BLTTDS không còn quy định việc trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án như BLTTDS cũ là cơ sở để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của người mất quyền khởi kiện.

Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ quy định về thời hiệu khởi kiện, thì thấy rằng khi thời hiệu khởi kiện đã hết, thì người mất quyền khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện, trừ trường hợp người nộp đơn chứng minh được họ gặp trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng làm cho họ không thể nộp đơn khởi kiện trong hạn luật định. Bởi lẽ, việc nộp đơn khởi kiện là sự thực hiện quyền khởi kiện khi quyền đó còn có hiệu lực. Do đó, khi đã mất quyền khởi kiện, thì người mất quyền này không có bất kỳ tư cách nào để nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp với người khác.

Với quan điểm như trên, thì đương nhiên Tòa án cũng phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện nếu xác định thấy người nộp đơn khởi kiện đã mất quyền khởi kiện. Mặc dù vậy, hiện nay, có ý kiến lý giải việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện trong trường hợp nêu trên như sau:

- Chỉ có thể giải thích việc Tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện do trong trường hợp này Tòa án tự cho mình có quyền “phục hồi tạm thời” quyền khởi kiện của người bị mất quyền này. Tòa án phải có quyền này, thì mới có cơ sở pháp lý để thụ lý đơn khởi kiện. Như vậy, việc thụ lý đơn khởi kiện mới được coi là hợp pháp. Với việc “phục hồi tạm thời” quyền khởi kiện, thì cả người bị mất tư cách là “người khởi kiện” và “người bị kiện” do thời hiệu khởi kiện đã hết cũng được phục hồi “tạm thời” tư cách đó và được gọi là “nguyên đơn” và “bị đơn”.

- Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, việc quyết định hiệu lực “tạm thời” của quyền khởi kiện được tự động chuyển từ Tòa án sang “bị đơn”. Theo đó, “bị đơn” có quyền đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện để chấm dứt “hiệu lực tạm thời” của quyền khởi kiện hoặc “bị đơn” vẫn đồng ý duy trì “hiệu lực tạm thời” của quyền khởi kiện bằng việc từ chối đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Có thể thấy rằng, cách giải thích nêu trên về việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của người đã mất quyền khởi kiện là tương đối hợp lý, lô-gic. Tuy nhiên, cách giải thích này xét cho cùng vẫn loại bỏ vai trò, ý nghĩa, mục đích của quy định về thời hiệu khởi kiện.

Như đã nêu ở trên, khi diễn giải về quy định tại khoản 2 Điều 149 của BLDS về việc Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khởi kiện khi có bên hoặc các bên đề nghị áp dụng, một số ý kiến thường cho rằng đây là quy định thể hiện quyền định đoạt của đương sự.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng đã có sự phân biệt không rõ ràng giữa quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và quyền tự định đoạt của đương sự.

Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có tính độc lập, không thể tác động, can thiệp theo bất kỳ cách thức nào. Sự độc lập của thời hiệu khởi kiện thể hiện bằng cách thức “vận hành” của nó: khi đã bắt đầu, thì thời hiệu khởi kiện tự động tính cho đến khi hết thời hạn luật định nếu người có quyền khởi kiện không thực hiện quyền này.

Nói một cách dễ hiểu hơn, hiện nay, khoản 1 Điều 154 BLDS quy định “Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết... quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm...”. Như vậy, theo quy định này thì thời hiệu khởi kiện tự động tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm cho đến hết thời hạn 03 năm nếu người có quyền không thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện cũng sẽ tự động dừng lại vào thời điểm người có quyền yêu cầu nộp đơn khởi kiện. Từ đó, thời điểm nộp đơn khởi kiện chỉ là căn cứ để chứng minh người có quyền khởi kiện đã nộp đơn khởi kiện trong thời hạn luật cho phép mà thôi.

Đồng thời, cũng cần lưu rằng, trong thời hạn luật định, người có quyền khởi kiện chỉ được thực hiện một lần quyền nộp đơn khởi kiện. Việc rút đơn khởi kiện và nộp lại đơn khởi kiện bị pháp luật cấm nếu nội dung yêu cầu và bị đơn của lần nộp đơn khởi kiện lần sau trùng với nội dung yêu cầu và bị đơn của lần nộp đơn khởi kiện lần trước. Nguyên tắc này đã được thể hiện rõ tại quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp”.

 Bên cạnh đó, thời hiệu khởi kiện cũng tự động tạm dừng khi phát sinh các sự kiện: trở ngại khách quan, bất khả kháng hoặc người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo đó, thời gian phát sinh các sự kiện nêu trên hoặc thời gian người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thứ hai, quyền tự định đoạt của đương sự cần được hiểu theo hướng:

- Đương sự có quyền lựa chọn một trong phương thức giải quyết tranh chấp như: hòa giải, thương lượng, trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp giữa các đương sự;

- Các đương sự có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án và đề nghị Tòa án công nhận;

- Các đương sự có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

Như vậy, nếu kết hợp cách hiểu cơ chế vận hành của thời hiệu khởi kiện và cách hiểu về quyền tự định đoạt của đương sự như trên, có thể thấy rằng tính độc lập của thời hiệu khởi kiện không thể bị xâm phạm, can thiệp bởi đương sự.

Qua nghiên cứu luật pháp của một số nước trên thế giới, tác giả thấy rằng chưa có nước nào có quy định cho phép bị đơn từ chối áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện. Luật pháp các nước như Nga, Ốt-xtrây-li-a, Niu-di-lân, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu khác, đều quy định theo hướng khi thời hiệu khởi kiện đã hết, thì người mất quyền khởi kiện không được nộp đơn khởi kiện. Bên cạnh đó, luật pháp các nước nêu trên cũng có quy định hoặc án lệ về việc tạm dừng thời hiệu khởi kiện (Tolling of the statute of limitations) trong các trường hợp mà người có quyền khởi kiện chưa đủ năng lực hành vi dân sự (người dưới 18 tuổi) hoặc đang bị bệnh tâm thần; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và đang chấp hành án phạt tù; người khởi kiện hoặc người bị kiện đang phục vụ trong quân đội hoặc các sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan (force-majeure). Đa số các nước nêu trên đều không cho phép các bên đương sự can thiệp vào thời hiệu khởi kiện, không cho phép các bên có thể thỏa thuận về thời hiệu khởi kiện. Ví dụ: Điều 198 của BLDS Liên bang Nga quy định: các điều kiện và thứ tự cách tính thời hiệu khởi kiện không thể được thay đổi bởi thỏa thuận giữa các bên đương sự.

Vì vậy, việc cho phép đương sự (bị đơn) có quyền can thiệp vào cơ chế vận hành của thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự như quy định tại khoản 2 Điều 149 BLDS là một hạn chế đáng tiếc. Việc can thiệp của đương sự vào thời hiệu khởi kiện sẽ dẫn đến hậu quả làm “vô hiệu hóa” quy định về thời hiệu khởi kiện, làm mất đi vai trò, ý nghĩa, mục đích của việc giới hạn thời gian mà người có quyền khởi kiện được phép thực hiện quyền này như đã phân tích ở phần trên của bài viết này. Từ đó, câu hỏi cần được trả lời là liệu có cần quy định về thời hiệu khởi kiện nữa hay không và quy định này tồn tại nhằm mục đích gì khi luật pháp lại có thêm quy định “vô hiệu hóa” quy định về thời hiệu khởi kiện?

Trên đây là một số ý kiến của tác giả về quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự tại BLDS. Tác giả mong muốn được cùng trao đổi, thảo luận với những ai quan tâm đến vấn đề này./.

 

TAND huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Minh Châu

 

[1] BLTTDS quy định thời hiệu thời kiện vụ án dân sự theo hướng viện dẫn BLDS.

LÊ MẠNH HÙNG (Phó Vụ trưởng, Vụ HTQT, TANDTC)