Xác định căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục

Theo quy định tại khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng và nếu hết thời hạn này lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXXST) ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (QĐTĐC). Đây có phải là căn cứ để Tòa án nêu trong QĐTĐC hay không. Trong trường hợp này, sẽ là hợp lý nếu HĐXXST căn cứ vào điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” để ban hành QĐTĐC.

Nội dung vụ án

Nguyên đơn X khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Bị đơn Y thanh toán khoản tiền hàng còn thiếu theo hợp đồng mua bán hàng hóa giữa nguyên đơn và bị đơn. Sau khi bị kiện, Bị đơn đã có đơn phản tố, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng vì cho rằng nguyên đơn không cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng như các bên đã thỏa thuận và đề nghị được trả lại hàng hóa. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXXST đã ra quyết định tạm ngừng phiên tòa với lý do để Tòa án cần thu thập tài liệu, chứng cứ (điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS [1]). Hết thời hạn 01 tháng tạm ngừng phiên tòa, HĐXXST đã ra tiếp QĐTĐC với căn cứ được viện dẫn là điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS [2], cụ thể “để đợi kết quả thẩm định giá hàng hóa”.

Với tình huống trên hiện có các quan điểm khác nhau về việc áp dụng căn cứ nào là phù hợp để Tòa án ban hành QĐTĐC?

Quan điểm thứ nhất, căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS

Quan điểm thứ nhất này chính là của HĐXXST của vụ án minh họa nêu trên.

Theo đó, HĐXXST đã dựa vào căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS – có thể hiểu đó chính là căn cứ “[…] đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ  theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án” để ban hành QĐTĐC.

Có lẽ HĐXXST đã dựa vào những luận giải sau:

Một là: Dựa vào chính căn cứ mà Tòa án đã tạm ngừng phiên tòa.

Tòa án cấp sơ thẩm trước đó đã căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS: “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa” để tạm ngừng phiên tòa. Cụ thể, trong quyết định tạm ngừng phiên tòa, HĐXXST đã ghi nhận “Tòa án cần thu thập tài liệu, chứng cứ”.

Hai là: Dựa vào việc căn cứ tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục.

Sau khi hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày HĐXXST ra quyết định tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm thì việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án và các đương sự vẫn chưa thực hiện đầy đủ được. Nói cách khác, lý do để tạm ngừng phiên tòa là để Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ vẫn chưa được khắc phục.

Ba là: Dựa vào căn cứ tương thích với căn cứ tạm ngừng phiên tòa để HĐXXST ra QĐTĐC.

Do quy định của pháp luật về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ nào ghi cụ thể là tạm đình chỉ để Tòa án thu thập thêm tài liệu, chứng cứ như căn cứ tạm ngừng phiên tòa, tuy nhiên, có căn cứ ghi nhận tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS “[…] đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án” khá tương đồng và phù hợp với căn cứ tạm ngừng phiên tòa trước đó nên việc viện dẫn căn cứ này để ban hành QĐTĐC là chính xác và phù hợp nhất.

Nói rõ hơn, trong trường hợp này, Tòa án cũng đang đợi kết quả thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá nên có thể hiểu đây là trường hợp cần đợi tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án nên đó mới chính là cơ sở để HĐXXST ban hành QĐTĐC.

Quan điểm thứ hai, căn cứ khoản 2 Điều 259 BLTTDS

Ngược lại với cách tiếp cận của quan điểm thứ nhất, quan điểm thứ hai này lại dựa vào căn cứ lý do để tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục theo quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS để ra QĐTĐC. Theo đó, khoản 2 Điều 259 BLTTDS quy định: “[…] Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra QĐTĐC […]”.

Đối với vụ án trên, sau khi hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày HĐXXST ra quyết định tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm nhưng việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án và các đương sự vẫn chưa thực hiện đầy đủ được nên cần phải căn cứ vào khoản 2 Điều 259 BLTTDS để HĐXXST ra QĐTĐC.

Quan điểm này có lẽ đã cho rằng, đây là trường hợp cá biệt có quy định riêng cho căn cứ tạm đình chỉ tại quy định về tạm ngừng phiên tòa nên áp dụng căn cứ tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS mới phù hợp.

Quan điểm của người viết, căn cứ điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS

Mặc dù các quan điểm thứ nhất và thứ hai nếu để áp dụng trong trường hợp này có thể không làm ảnh hưởng đến việc có hay không có việc ban hành QĐTĐC. Tuy nhiên, việc áp dụng căn cứ không chính xác và phù hợp với quy định cụ thể của pháp luật đã có là điều hoàn toàn nên tránh. Trong tình huống thực tiễn này, theo pháp luật tố tụng dân sự mà cụ thể là tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS đã quy định căn cứ để Tòa án tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án là “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.

Quan điểm tác giả dựa vào một số luận giải như sau:

Thứ nhất: Đối với HĐXXST ban hành QĐTĐC khi viện dẫn được căn cứ cụ thể vào điều luật về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án là phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng linh hoạt vào trường hợp thực tiễn này dựa vào căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS là khiên cưỡng và thiếu chính xác. Nếu áp dụng theo tiền lệ này, trong trường hợp Tòa án áp dụng một trong các căn cứ khác để tạm ngừng phiên tòa theo khoản 1 Điều 259 BLTTDS đến khi căn cứ tạm ngừng phiên tòa sau 01 tháng chưa khắc phục được thì khi đó Tòa án sẽ không tìm được căn cứ tương tự nào khác ngoài căn cứ tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS để ra QĐTĐC. Như vậy, sẽ là phi lý.

Thứ hai là: Quan điểm thứ hai dẫn chiếu căn cứ tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS là không sai, nhưng chưa chính xác. Mặc dù, trường hợp này điều luật về tạm ngừng phiên tòa có quy định về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS khi mà căn cứ tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục. Tuy nhiên, không thể căn cứ vào điều luật quy định về tạm ngừng phiên tòa để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Do đó, cần phải hiểu đây là trường hợp pháp luật có quy định khác về căn cứ tạm đình chỉ, và cần phải áp dụng căn cứ tại điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS, trong đó có chỉ rõ “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” chính là trường hợp được quy định khác tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS.

Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp khác nói chung và trong trường hợp này nói riêng có ý nghĩa quan trọng nhằm để Tòa án giải quyết vụ án một cách triệt để, toàn diện khi chứng cứ của vụ án chưa được thu thập đầy đủ. Mặc dù, thực tế đã được khắc phục không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, ở góc độ lý luận, việc viện dẫn và áp dụng đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự không những cần thiết vì nó đáp ứng được đúng nguyên lý của nhà lập pháp khi ban hành các quy định của pháp luật mà còn có ý nghĩa đối với một cơ quan Tòa án trong công tác áp dụng pháp luật đúng đắn và chính xác để giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án, tránh trường hợp quyết định “một đằng” nhưng căn cứ lại “một nẻo”. Có như vậy thì nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự (Điều 3 BLTTDS [4]) mới được đảm bảo thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến về việc xác định căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án, mong nhận được các ý kiến của các độc giả.

 

[1] Điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS: “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”.

[2] Điểm đ khoản 1 Điều 214 BLTTDS: “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án”.

[3] Khoản 2 Điều 259 BLTTDS: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì HĐXX ra QĐTĐC. HĐXX phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa”.

[4] Điều 3 BLTTDS: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này”.

LÊ BÁ ĐỨC & NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (Trường ĐH Luật TP.HCM)