Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương

Ô nhiễm từ rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa là thách thức nghiêm trọng và điển hình nhất đối với môi trường biển. Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn nạn của toàn cầu. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn  tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Sẽ xử lý 100% rác thải nhựa tại khu bảo tồn biển

Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, ở Việt Nam, túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong chất thải nhựa do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng, với mức sử dụng trung bình là 35 túi/hộ gia đình/tuần, mỗi ngày, có hàng chục triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường nhưng chỉ có 27% trong số đó được thu gom, xử lý và tái chế. Như vậy, một lượng lớn rác thải nhựa bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.

Bên cạnh đó, việc thải bỏ hoặc làm mất ngư cụ trong hoạt động khai thác thủy sản, thải bỏ rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra trên biển cũng chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Thực tế thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.

Để giải quyết vấn nạn này, Kế hoạch hành động đưa ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 phải tạo được sự đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa, thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường và tác hại của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Theo đó, sẽ phải giảm thiểu 50% rác thải nhựa đại dương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu 1 năm hai lần thu gom, làm sạch rác thải nhựa tại các bãi tắm biển; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Năm 2030, 100% các khu du lịch ven biển không sử dụng nhựa dùng một lần

Tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với những nội dung sau

- Thực hiện có kết quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

- Góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 và bảo đảm xây dựng, thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

- Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở Việt Nam.

- Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

- Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 5 lưu vực sông chính tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch thuộc 12 huyện đảo.

b) Đến năm 2030

- Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

- Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Cơ quan truyền thông tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương

- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển.

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Chính phủ Việt Nam tích cực ủng hộ và sẵn sàng tham gia trong việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

Ngày 26/11, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) (với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF) tổ chức Hội nghị quốc tế Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) theo hai hình thức trực tuyến và ngoại tuyến, cho phép nhiều khán giả trong và ngoài khu vực ASEAN tham dự.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn nạn rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Với vai trò là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang khẳng định năng lực lãnh đạo, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường

Thứ trưởng Bộ TN & MT Lê Minh Ngân

Theo Thứ trưởng, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực.

“Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài lĩnh vực y tế và kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp thì lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan đến hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và gia tăng lượng chất thải nhựa y tế”

Một coi cá voi chết vì 40 kg rác thải nhựa trong bụng trên bờ biển Philippines. Ảnh: The Guardian.

Một coi cá voi chết vì 40 kg rác thải nhựa trong bụng trên bờ biển Philippines. Ảnh: The Guardian.

Cần có giải pháp toàn cầu trong ứng phó với rác thải nhựa

Phát biểu trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường của Malaysia cho biết: “Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu trong đó có đất nước chúng tôi. Chúng tôi có trên 50% những sản phẩm nhựa là sản phẩm dùng một lần, 80% rác thải ở biển xuất phát từ đất liền. Chúng tôi hướng đến mục tiêu cụ thể bằng các chính sách theo hướng kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm trong cuộc sống”.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar, đất nước này có bờ biển dài, có nhiều thuận lợi nhưng cũng là thách thức khi các hoạt động kinh tế biển đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa ở đại dương.

“Chúng tôi đã thông qua những chính sách quy hoạch tổng thể và quản lý chất thải trong đó có chất thải nhựa đại dương. Chính vì những đe dọa của chất thải nhựa đại dương nên chúng ta cần chung tay, chia sẻ thông tin, kiến thức chung tay bảo vệ đại dương từ đó là bảo vệ toàn thế giới. Hiện nay chúng ta không có nhiều thông tin, kinh nghiệm quan trắc tình hình thực tế về rác thải nhựa đại dương. Cần phải đưa ra những hành động cụ thể trong chiến lược phát triển của các quốc gia. Với sự hỗ trợ của ngân hàng thế giới chúng tôi cam kết cùng ASEAN hành động để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Bảo vệ Môi trường Myanmar cho hay.

Theo Phó Thủ tướng – Bộ trưởng bộ Môi trường và Khí hậu Thụy Điển cho biết, nếu không cố gắng giảm thiểu thì lượng rác thải nhựa ở đại dương sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.

“Chúng ta cần phải giảm thiểu xả rác thải nhựa ngay tại nguồn, giảm bớt sử dụng sản phẩm nhựa trên thị trường. Những nỗ lực của chúng ta phải được thực hiện ngay để hạn chế rác thải nhựa nhất là ở đại dương vì đây là mối quan ngại toàn cầu. Cần phải có những trao đổi, hợp tác để đưa ra những quyết định, giải pháp mang tính toàn cầu cho phù hợp. Chúng ta cần có bước đi mạnh mẽ hơn để cho con cháu chúng ta có đại dương sạch đẹp trong tương lai”, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng bộ Môi trường và Khí hậu Thụy Điển nhấn mạnh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) cho biết, để ứng phó ô nhiễm nhựa, cần có giải pháp từ tất cả các bên, và cần kết hợp các giải pháp đó để giảm thiểu ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả nhất.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam).

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam).

“Đây là lý do tại sao tại UNDP Việt Nam, chúng tôi tích cực hỗ trợ phát triển chính sách và hoạt động ở cấp cơ sở với các đối tác như Hội liên hiệp Phụ nữ, nhóm lao động thu gom rác thải phi chính thức và nhóm thanh niên, để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi cũng liên kết các ngành công nghiệp và doanh nghiệp để chuyển giao sang mô hình kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ họ nhân rộng các giải pháp sáng tạo. Chống rác thải nhựa đại dương đồng nghĩa với việc chúng ta đang đóng góp vào một nền kinh tế biển bền vững. Đây là nội dung chính mà UNDP đang làm việc cùng Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy cho hội nghị cấp cao quốc tế về Kinh tế biển bền vững và Thích ứng với Biến đổi khí hậu “Giải pháp cho nền kinh tế xanh thích ứng với khí hậu”, dự kiến tổ chức vào năm 2021”, bà Caitlin Wiesen cho hay.

Bà Caitlin Wiesen cho biết thêm: “Ngay trong lúc tôi phát biểu, có tương đương 5 xe tải rác thải nhựa đang bị đổ ra biển và 5000.000 chai nhựa sử dụng một lần đã được bán ra trên toàn thế giới. Do đó, tôi kiến nghị tất cả các bên liên quan cùng hành động. UNDP sẵn sàng làm việc cùng các bên để tìm thêm các giải pháp, tìm kiếm nguồn tài trợ, nhân rộng các sáng kiến nhằm giảm thiểu nhựa và hướng tới phát triển bền vững. Chúng tôi thấy một cơ hội lớn cho Việt Nam và đối tác trong khu vực để thay đổi, từ một trong những nước có ô nhiễm nhựa nghiêm trọng nhất thế giới để trở thành một trong những khu vực dẫn đầu trong các sáng kiến giải quyết rác thải nhựa. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ trước khi quá muộn, để cứu hành tinh cho chúng ta, và hướng tới phát triển bền vững”.

https://vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2020-11/z2197927203268_bb2d8e3a1dd7b2468a2f589db082c30e.jpg

Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT), ảnh VOV

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo - ông Tạ Đình Thi cho rằng: “Ô nhiễm nhựa đại dương không bị hạn chế bởi các ranh giới địa lý và chế độ chính trị nên hợp tác quốc tế là cần thiết, đặc biệt là việc chia sẻ kiến thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính”.

Theo ông Thi, khu vực ASEAN đã có một số các chương trình, dự án quốc tế về rác thải nhựa đại dương được triển khai thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương. Nhưng thực tế cho thấy còn những khó khăn, tồn tại mà các thỏa thuận song phương, đa phương của mỗi quốc gia, khu vực chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề này.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9 tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đồng thời, trong khuôn khổ Đại Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GF6) tại Đà Nẵng, sáng kiến về xây dựng quan hệ đối tác về quản lý  rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế hết sức hoan nghênh, ủng hộ.

Mặt khác bằng việc đề cao giải pháp truyền thông tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Phát động và định kỳ 1 năm 2 lần tổ chức chiến dịch tình nguyện làm sạch bãi biển, các khu vực tập trung rác thải đại dương, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, sự phối hợp giữa cơ quan Trung ương và địa phương trong thực hiện mục tiêu hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương… Chúng ta tin tưởng mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được

 

 

HẢI HÀ