Lãng phí – không thể không cảnh giác

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính về khái toán kinh phí tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 990 năm ra đời danh xưng Thanh Hóa, với tổng kinh phí hơn 104 tỉ đồng. Đó là khái toán, nếu được duyệt và thực hiện có lẽ con số quyết toán còn cao hơn, vì xưa nay việc tiêu ngân sách nhà nước ít khi thấp hơn dự toán.

Dù đề xuất này chưa được phê duyệt nhưng đã khiến dư luận xã hội không chỉ riêng Thanh Hóa giật mình, vì mức độ phung phí ngân sách của một địa phương còn đến 100 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, và thực tế mỗi năm Trung ương phải cấp thêm cho Thanh Hóa hàng ngàn tỷ đồng, mới đây nhất Thanh Hóa còn nhận gần 400 tấn gạo cứu đói cho dân mùa giáp hạt. Với điều kiện, hoàn cảnh như thế, không hiểu dựa trên nhận thức, quan điểm nào mà họ dự định chi tới trên 100 tỷ đồng để kỷ niệm một cái tên?

Ai cũng biết rằng Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đang đi vào cuộc sống. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện kịp thời Nghị quyết này trong cả nước nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã có những chuyển biến nhất định.

Báo chí cũng đã từng phản ánh và phê phán gay gắt các biểu hiện lãng phí ở khắp các lĩnh vực, các địa phương trong cả nước. Ví dụ tỉnh Vĩnh Phúc từng chi tới gần 54 tỷ đồng để mua tặng ấm chén tặng đại biểu và các hộ dân nhân Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc; hay nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống thợ mỏ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bỏ ra số tiền hơn 70 tỷ đồng làm hơn 1 vạn kỷ niệm chương bằng bạc để làm quà tặng. Trớ trêu hơn là sự việc diễn ra trong bối cảnh ngành than đang giảm sản lượng, việc làm và thu nhập bị giảm sút, đời sống người thợ mỏ đang rất khó khăn…

Như vậy là có Nghị quyết của Đảng, có  chương trình của Chính phủ, có sự giám sát và lên án của nhân dân, của báo chí mà bệnh lãng phí vẫn dai dẳng, thậm chí có chiều hướng gia tăng mức độ nghiêm trọng, con số 104 tỷ Thanh Hóa dự kiến trên đây phản ánh rất rõ. Lãng phí còn xảy ra ở khắp nơi, với các mức độ khác nhau. Một lễ kỷ niệm riêng tiền hoa tươi được khách mang đến có thể đến hàng trăm triệu đồng. Lễ tang, dù nhiều nhà tang lễ đã chuẩn bị hoa quay vòng nhằm để tiết kiệm nhưng người dân vẫn ít chấp nhận, mỗi đám tang ít cũng hàng chục vòng hoa, nhiều thì xe vận tải chở mới hết…

Nguồn tiền chi tiêu cho các hoạt động phung phí ấy dù ngân sách nhà nước, tiền doanh nghiệp hay cá nhân thì đều là nguồn lực xã hội, đều là công sức lao động chắt chiu, nên phải được chi tiêu đúng mức, cẩn trọng. Chi tiêu phung phí trong khi xã hội còn nhiều nhu cầu thiết thực chưa được đáp ứng, thì lãng phí có tính chất vô đạo đức.

Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng trở lên thì tùy tính chất mức độ mà có thể thì bị phạt tù cao nhất đến 20 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy lãng phí cũng là có thể trở thành tội phạm. Pháp luật quy định nghiêm khắc như vậy cho thấy tính chất nghiêm trọng của tệ lãng phí hiện nay.

Lãng phí cũng có thể do nhận thức, do thói quen háo danh, sĩ diện nhưng động cơ sâu xa hơn, có lẽ dân gian đã đúc kết từ lâu, đó là “hữu sự tất phì” – bày đặt ra để kiếm chác bằng cách này hay cách khác. Do đó, phía sau vỏ bọc lãng phí có thể là những hành vi tham nhũng lớn.

Vì thế, căn bệnh lãng phí không thể không canh chừng và cảnh giác cao độ.

Th.s NGUYỄN THỊ MINH NGUYỆT (CĐ DLHN)