Cần có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm bản quyền... trên mạng xã hội

Ngày 31/5, hơn 1.100 sản phẩm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, đã được Cục QLTT Đồng Nai phát hiện thông qua mạng xã hội www.facebook.com/leduongbaolam.keptuben. Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên việc bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mập mờ về tác dụng, vi phạm bản quyền thông qua mạng xã hội được phanh phui bởi sự tiếp tay của các nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Phát hiện lô hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng qua livestream

Thông qua livestream của nghệ sĩ LDBL có địa chỉ mạng xã hội trên, Đội QLTT số 1 đã phát hiện tại địa chỉ tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai do bà Tạ Quỳnh Anh làm đại diện; ngành, nghề kinh doanh: mua bán quần áo may sẵn, mỹ phẩm; đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam trên môi trường internet.

Ông Võ Văn Tỉnh – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phối hợp trong công tác tuyên truyền. (Ảnh: minh họa)

(Ông Võ Văn Tỉnh – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phối hợp trong công tác tuyên truyền)

Khám và kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 60 triệu đồng. Cửa hàng đăng bán 1.118 chai dầu thơm là mặt hàng giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là gần 30 triệu đồng.

Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định vi phạm hành chính với tổng số tiền là hơn 51 triệu đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo, tiếp tay cho hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc

Trên trang cá nhân của các nghệ sĩ như: T.N, Q.H, V.T, K.L… thi thoảng vẫn có những buổi live stream bán hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng LV, Burberry, Adidas, Fila, Polo… với giá từ vài trăm ngàn đồng đến trên 1 triệu đồng. Một số mắt kính giả của Dior, mỹ phẩm Chanel (bộ gồm 9 món) đang được nghệ sĩ rao bán công khai giá dưới 300 ngàn đồng, trong khi giá hàng thật khoảng trên 5 triệu đồng.

Theo Masterchef Phạm Tuấn Hải, với người tiêu dùng chuyên nghiệp sẽ nhận ra ngay thật giả, tuy nhiên những người ít theo dõi thời trang khi nghe tên thương hiệu nổi tiếng như Chanel. LV mà giá chỉ vài trăm ngàn đồng được bán bởi nghệ sĩ nổi tiếng họ sẽ mua ngay, đó phải chăng là hành vi tiếp tay cho hàng giả, hàng hóa giả mạo.

Masterchef Phạm Tuấn Hải cho biết, khi lựa chọn quảng bá sản phẩm, ông phải tìm hiểu và cân nhắc rất kỹ

(Masterchef Phạm Tuấn Hải cho biết, khi lựa chọn quảng bá sản phẩm, ông phải tìm hiểu và cân nhắc rất kỹ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm)

Gần nhất nghệ sĩ H.V đã phải cúi đầu xin lỗi khán giả vì thiếu thận trọng dẫn đến quảng cáo sai sự thật của một loại thực phẩm chức năng. Nghệ sĩ Q.L cũng đã từng bị chỉ trích vì nói quá công dụng của một sản phẩm, nghệ sĩ đó đã rất ân hận vì chưa tiết chế lời nói khi quảng cáo.

Khảo sát tại một số hội nhóm người tiêu dùng trên mạng xã hội, đa số khách hàng thừa nhận đều bị “thôi miên” bằng những ngôn từ quảng cáo rồi mua sản phẩm mà không chú ý đến công dụng, nguồn gốc xuất xứ… Chỉ khi lãnh hậu quả, họ mới té ngửa bị lừa và rút kinh nghiệm.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với cơ quan chức năng trong kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, cần có biện pháp nghiêm khắc xử lý những người nổi tiếng cố tình quảng bá cho sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng “tiếp tay” quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, ngăn chặn ra sao?

Ông Trần Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Tổng cục QLTT cho biết, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử bùng nổ đã khiến cho việc bán hàng, quảng cáo của các cá nhân, doanh nghiệp trở lên thuận lợi. Dựa vào lợi thế là người của công chúng với số lượng fan hâm mộ đông đảo nghệ sĩ, người nổi tiếng đã công khai quảng cáo cho nhiều mặt hàng trên trang cá nhân hay livestream trên mạng xã hội và được chia sẻ rầm rộ.

Các sản phẩm, hình ảnh được quảng bá đó thật sự khó phân biệt thật giả. Do đó khó có chế tài xử lý, có thể sản phẩm được quảng bá là thật, nhưng sản phẩm bán cho khách hàng là giả, do đó chỉ khi nào có dấu hiệu vi phạm, có tố giác của người tiêu dùng hoặc bắt quả tang thì lực lượng QLTT mới có thể kiểm tra xác minh.

Lực lượng QLTT toàn quốc có năm đã xử phạt 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 430 tỷ đồng, chuyển 107 vụ việc cho cơ quan công an. Tuy nhiên, việc xử phạt nghệ sĩ, người nổi tiếng rất ít.

Tổng cục QLTT sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan giám sát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng

(Tổng cục QLTT sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan giám sát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong thời gian tới)

Vụ việc vừa phát hiện ở Đồng Nai chỉ là một việc nhỏ, thời gian tới chúng tôi sẽ cập nhật và quét liên tục mạng xã hội bởi các vệ tinh ở các tỉnh thành và nguồn thông tin lớn nhất chính là người tiêu dùng. Ngoài ra chúng tôi sẽ làm việc, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để có thể có chế tài xử lý khi chứng minh được nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm về việc quảng cáo, giới thiệu các mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

 

 

Theo điều 13 Nghị định 185/2013 bán hàng giả thì tùy theo sản phẩm, hành vi có thể bị xử phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng. Người bán có thể bị phạt các hình thức bổ sung khác như tịch thu tang vật, buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính... Đáng chú ý, nếu việc mua bán này ở quy mô lớn thì người bán còn có thể bị xử lý hình sự về "tội sản xuất buôn bán hàng giả" theo bộ luật Hình sự 2015.

VƯƠNG PHƯƠNG