Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nội dung Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết: “Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, Tòa án nhân dân nỗ lực bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII” , tác giả Nguyễn Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Nhìn lại 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, các nghị quyết của Quốc hội, có thể khẳng định, hệ thống Tòa án nhân dân đã liên tục đổi mới và sáng tạo, nỗ lực không ngừng, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đột phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Bài viết đánh giá tổng quan về những thành tựu đã đạt được của hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian vừa qua, đồng thời đưa ra các định hướng cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Trong bài viết: “Xác định yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong tố tụng dân sự ”, tác giả Nguyễn Minh Hằng – Lê Anh Tú cho rằng: Bên cạnh quyền khởi kiện của nguyên đơn, quyền phản tố của bị đơn, pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam ghi nhận quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của đương sự, giúp cho việc giải quyết toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về xác định yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trao đổi về một số vướng mắc trong thực tiễn, từ đó đề xuất hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về quy định này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Với bài viết: “Vai trò của Nhà nước trong việc bảo vệ chính sách công đối với hợp đồng, giao dịch về bất động sản thông qua hoạt động công chứng”, tác giả Ninh Thị Hiền cho rằng: Hoạt động công chứng được Nhà nước xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ công về tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là những hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tiễn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích thực trạng hợp đồng, giao dịch về bất động sản và hoạt động công chứng tại Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm bảo đảm chính sách công của Nhà nước đối với các hợp đồng, giao dịch về bất động sản thông qua hoạt động công chứng.

Trong bài viết: “Những yêu cầu đặt ra đối với chính sách hình sự trước thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay tại Việt Nam”, tác giả Nguyễn Xuân Văn nêu quan điểm: Trong những năm gần đây, vấn đề an ninh phi truyền thống tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều và với tính chất phức tạp cao hơn. Để đảm bảo khả năng ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, chính sách hình sự cần thiết phải tương thích các chuẩn mực quốc tế và có những điều chỉnh cần thiết gắn với diễn biến của tình hình tội phạm trong tình hình mới. Bài viết chỉ ra những yêu cầu đặt ra đối với chính sách hình sự trước thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay ở Việt Nam.

Với bài viết: “Bàn về tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Phan Thu Lê cho rằng: Tội phạm rửa tiền không chỉ là vấn đề cần xử lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật, mà đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, tội rửa tiền lần đầu tiên được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tên gọi khác là tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, với hai nhóm hành vi khái quát là: Thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác để hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có; và sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội rửa tiền tại Điều 324. Với sự chuyển biến đáng kể về nhận thức, cũng như về kỹ thuật lập pháp, tội rửa tiền được quy định bằng cách liệt kê những hành vi cụ thể. Bài viết phân tích về tội rửa tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và đưa ra đề xuất một số kiến nghị.

Trong bài viết: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong doanh nghiệp nhà nước theo chức năng của lực lượng cảnh sát kinh tế” của tác giả Hà Đức Dũng tập trung giới thiệu quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước; đánh giá thực trạng công tác trong phòng, chống tội phạm tham ô tài sản trong doanh nghiệp nhà nước theo chức năng của lực lượng Cảnh sát kinh tế, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Trong bài viết: “Một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật đối với tội mua bán trái phép chất ma túy và giải pháp khắc phục”, tác giả Đỗ Huy Bình – Đào Bảo Long nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể tại Chương XX về các tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật đối với tội mua bán trái phép chất ma túy đang tồn tại nhiều quan điểm chưa thống nhất trong xác định tội danh giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng cấp cơ sở. Bài viết đề cập tới thực trạng áp dụng pháp luật đối với tội mua bán trái phép chất ma túy và đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Với bài viết: “Những vướng mắc trong đối thoại khi giải quyết vụ án hành chính và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đinh Thị Thùy Linh cho rằng: Đối thoại là một thủ tục quan trọng trong tố tụng hành chính, giúp quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức của Tòa án và các bên đương sự, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động xét xử. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án. Bài viết phân tích quy định của pháp luật về thủ tục đối thoại, nêu ra một số bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./.
 

BTK