Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2020 xuất bản ngày 22 tháng 01 năm 2020 bao gồm 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện được đông đảo bạn đọc quan tâm, tìm hiểu và Chỉ thị số 03/2019/CT-CA ngày 30/12/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc nâng cao chất lượng áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.

Với bài viết: “Một số vấn đề trong việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết các các vụ án kinh doanh, thương mại”, tác giả TS. Nguyễn Thị Thu Thủy và TS. Đặng Thị Thơm nêu nhận định: “Biện pháp khẩn cấp tạm thời đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của các bên trong giải quyết vụ án dân sự nói chung và vụ án kinh doanh, thương mại nói riêng. Bên cạnh việc phải giải quyết đúng cho các đương sự thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời, đáp ứng được nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ được chứng cứ, kịp thời bảo vệ được tài sản để sau khi có phán quyết của Tòa án, tài sản không bị tẩu tán, hủy hoại, người thắng kiện thi hành được yêu cầu của họ”. Trong bối cảnh hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thay thế Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005, việc nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật cũng như việc nhận định, đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, từ đó đưa ra các kiến nghị cụ thể là vô cùng cần thiết. Bài viết nêu trên của đồng tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy và Đặng Thị Thơm mang đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới khi nghiên cứu các quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong bài viết: “Tội chứa chấp hoặc tiêu thu tài sản do người khác phạm tội mà có – vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đỗ Nam Trung nêu quan điểm: “Trong thực tiễn hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hành vi phạm tội xảy ra ngày càng nhiều với tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm nhưng các quy định của pháp luật đôi khi vẫn chưa đủ sức răn đe hoặc quy định còn thiếu, không rõ ràng nên việc đấu tranh phòng, chống tội phạm còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các quy định của pháp luật cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp nhằm đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm… Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của BLHS 2015 và thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn một số vướng mắc, bất cập nhất định”. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong quy định tại Điều 323 BLHS 2015 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Cùng trên Chuyên mục “Pháp luật – Thực tiễn”, trong bài viết: “Một số vấn đề về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Đoàn Đắc Chinh nêu quan điểm: “Cướp tài sản là một trong những loại tội phạm nguy hiểm, với mức hình phạt cao nhất là chung thân. Tuy nhiên, cướp tài sản là một trong những loại tội phạm có nhiều quan điểm đánh giá về mặt lý luận và thực tiễn”. Trong bài viết, tác giả phân tích các quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015, đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá về một số vấn đề còn chưa có sự nhận thức thống nhất, từ đó tác giả nêu ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất.

Với quan điểm cho rằng: “Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các tranh chấp trong đời sống xã hội ngày càng gia tăng, góp phần giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, thân thiện, hiệu quả với thủ tục đơn giản, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các cơ quan nhà nước và các bên tranh chấp cũng như thúc đẩy giao lưu dân sự và phát triển kinh tế”. Bằng bài viết “Bình luận một số quy định về hòa giải tại Tòa án trong Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” – tác giả Huỳnh Thị Nam Hải đã có những nhận định, đánh giá, bình luật rất sâu sắc đối với Dự thảo 3 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đưa ra những ý kiến góp ý xác đáng để việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt được hiệu lực và hiệu quả cao trong thực tiễn áp dụng.

Với bài viết: “Bàn về một số điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Phạm Quý Đạt tiếp tục phân tích các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đặt dưới góc độ tiếp cận của pháp luật doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ góc nhìn pháp lý đa chiều để hiểu và thực hiện có hiệu quả trong thực tế ở nước ta. Trong bài viết, ngoài việc đi sâu vào phân tích các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật hình sự trong mối quan hệ với pháp luật doanh nghiệp hiện hành, tác giả còn đưa ra một số vấn đề cần hướng dẫn chi tiết để nâng cao hiệu quả thực thi những quy định về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Trên Tạp chí TAND số 02/2020 chúng tôi còn đăng tải một số bài viết về các lĩnh vực khác nhau cũng rất được bạn đọc quan tâm tìm hiểu, đó là: Bài viết: “Một số ý kiến về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP” của tác giả Ngô Minh Quân và bài viết: “Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng hành chính” của tác giả Nguyễn Thị Hà – Đoàn Minh Trang.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2020. Xin kính chúc Quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng!

BTK