Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 04 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết và là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
         Trong bài viết: “Bàn về chia tài sản chung của vợ chồng trong doanh nghiệp qua một vụ án ly hôn”, tác giả Lê Vĩnh Châu - Ngô Khánh Tùng nhận định: Chia tài sản chung của vợ chồng trong doanh nghiệp là một trường hợp cụ thể trong chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. “Trong nền kinh tế thị trường có khá nhiều cặp vợ chồng đầu tư kinh doanh, thành lập công ty do vợ chồng đứng tên hoặc cùng cha, mẹ, anh em đứng tên và có trường hợp vợ chồng tham gia cùng người khác thành lập công ty hoặc đóng góp cổ phần”. Do vậy, việc Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bổ sung cơ chế chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh khi ly hôn là điều tất yếu khách quan, phù hợp với bối cảnh đời sống kinh tế-xã hội hiện nay.


    Kinh doanh là hoạt động tương đối phức tạp với đa dạng các loại hình, ngành nghề kinh doanh được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về kinh doanh như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp... Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung luận bàn về đường lối xét xử của Tòa án trên cơ sở đối sánh với quy định của pháp luật hiện hành. 
  Với bài viết: “Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng”, tác giả Nguyễn Văn Sơn cho rằng: Bộ luật Dân sự  năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó đã bổ sung thêm cơ sở để tạo hướng giải quyết, đó là “lẽ công bằng”. Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Ở đây, lẽ công bằng đã chính thức được ghi nhận ở Việt Nam trong văn bản quan trọng là Bộ luật Dân sự  năm 2015. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích việc áp dụng lẽ công bằng ở một số quốc gia trên thế giới; từ đó đưa ra một số ý kiến về việc áp dụng lẽ công bằng khi giải quyết các vụ việc dân sự ở Việt Nam.
    Trong bài viết: “Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động truy nã tội phạm ”, tác giả Phùng Văn Hà cho rằng: Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm ở Việt Nam đang có diễn biến rất phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn và hậu quả tội phạm gây ra ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, điều đặc biệt cần quan tâm là, trong rất nhiều vụ án, người thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn sau khi gây án gây khó khăn cho quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Xác định được tầm quan trọng của công tác truy nã, từ trước đến nay các ngành chức năng không ngừng đẩy mạnh xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác truy nã, đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác truy nã tương đối đa dạng. Có thể khẳng định rằng, việc ban hành các văn bản pháp luật về công tác truy nã đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác truy nã hiện nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định pháp luật về truy nã cũng như thực tiễn áp dụng các quy định có liên quan đến công tác truy nã cho thấy một số vấn đề cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động này, góp phần nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm.
          Trong bài viết “Một số ý kiến về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Lê Quang Toàn cho rằng: Ngày nay, với những thành tựu to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) mang lại đã khiến cho nền kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều thuận lợi trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; việc hợp tác, giao lưu trên phạm vi đa quốc gia trở thành xu thế tất yếu, từng bước làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của người dân. Giờ đây, chỉ với một click chuột thông qua mạng máy tính, rất nhiều giao kết, thỏa thuận, hợp đồng đã được xác lập, mang lại giá trị lớn. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của mạng lưới Internet toàn cầu, số lượng các vụ án liên quan đến mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet diễn ra ngày càng nhiều với phương thức và thủ đoạn phạm tội ngày càng trở nên tinh vi, nguy hiểm hơn.
    Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cùng với những nỗ lực không ngừng trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, y học… Nhưng, cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, mặt trái mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, chính là số lượng tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông liên tục gia tăng.
Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích một số quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 BLHS năm 2015, đồng thời, chỉ ra một số vướng mắc và kiến nghị hướng hoàn thiện quy định về tội này.
    Với bài viết: “ Nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong quá trình xét xử của tòa án nhân dân theo hiến pháp năm 2013 và sự cụ thể hóa trong pháp luật tố tụng Việt Nam”, tác giả Mai Thị Mai nhận định: Nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp , nhất là từ sau khi Hiến pháp năm 2013 chính thức hiến định bảo đảm tranh tụng là một nguyên tắc trong quá trình hoạt động của Tòa án nhân dân . Tuy nhiên, tranh tụng hiện nay được hiểu như thế nào? Nó được hiểu là nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân? Hay nó là một thủ tục bắt buộc trong quá trình tố tụng, bao gồm: tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính? Từ sau khi được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong pháp luật tố tụng, góp phần đảm bảo hiện thực hóa về mặt tinh thần và mặt nội dung của nguyên tắc này trong pháp luật tố tụng, thông qua đó góp phần thể hiện các cải cách mạnh mẽ trong thủ tục tố tụng hướng đến dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện. Trong nội dung bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng; về sự ghi nhận nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử trong hoạt động của Tòa án nhân dân theo Hiến pháp năm 2013 và sự cụ thể hóa nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong pháp luật tố tụng Việt Nam.
Trong bài viết: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân tại cơ sở giam giữ”, tác giả Lại Sơn Tùng nêu nhận định: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, là kết quả của quá trình đấu tranh, phát triển lâu dài của các dân tộc, nhân dân trên toàn thế giới. Vì vậy, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nội dung quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và thi hành án hình sự nói riêng. Trên cơ sở đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân tại cơ sở giam giữ. Bài viết hướng tới việc làm rõ một số nội dung về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thi hành án hình sự, chỉ ra một số hạn chế, từ đó, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân.
             Với bài viết:“Trách nhiệm hình sự của pháp nhân - quy định của singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Đỗ Nhật Ánh nhận định: Theo tư duy truyền thống, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra đối với chủ thể là cá nhân - người thực hiện hành vi mà pháp luật quy định là tội phạm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, văn hóa, xã hội; sự vi phạm pháp luật của các tổ chức ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm cho xã hội, dẫn đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm phải được đặt ra, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự  của pháp nhân, bên cạnh trách nhiệm hình sự của cá nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong tư duy lập pháp hình sự của nước ta. Mặc dù trong quá trình xây dựng các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tiến hành những nghiên cứu, so sánh, đánh giá, học hỏi từ các quy định tương ứng trong luật hình sự của nhiều quốc gia nhưng hoạt động này được thực hiện chưa thật sự đầy đủ và toàn diện; vì vậy, các quy định hiện hành trong Bộ luật Hình sự chưa đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi của việc áp dụng pháp luật trên thực tế. Nghiên cứu dưới đây về trách nhiệm hình sự của tổ chức ở Singapore (một quốc gia phát triển ở châu Á) có nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam và cùng áp dụng hệ thống Civil Law để xây dựng Bộ luật Hình sự, vì vậy, pháp luật hình sự Singapore có thể được coi là tương đối phù hợp để so sánh với các quy định tương ứng của Việt Nam, từ đó, đưa ra được những góc nhìn mới, những kinh nghiệm được đúc rút, tham khảo, học hỏi, nhằm hoàn thiện hơn chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại ở Việt Nam.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
 

BTK