Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 1 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2021 có 9 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực pháp luật khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết:“Những đổi mới tích cực của Tòa án nhân dân trong nhiệm kỳ công tác năm 2016 - 2020", tác giả Lê Phúc Hỷ nhận định: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) đã xác định Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp; Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp… đã đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, tạo động lực cùng những điều kiện thuận lợi để Tòa án nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, bảo vệ công lý trong bối cảnh đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Trong bài viết của mình, tác giả tập trung đánh giá những kết quả cải cách tư pháp giai đoạn 2016 – 2020, nhấn mạnh và khẳng định dấu ấn nổi bật về những đổi mới tích cực của hệ thống Tòa án nhân dân trong thực hiện cải cách tư pháp và hoạt động xét xử, góp phần bồi đắp, nâng cao niềm tin của người dân và xã hội vào Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp quốc gia.

Trên Chuyên mục nghiên cứu, Tạp chí TAND tiếp tục gửi tới bạn đọc nội dung tiếp theo của bài viết:“Miễn trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành và định hướng tiếp tục hoàn thiện, của tác giả Lê Cảm .

Trong phần nội dung tiếp theo của bài viết, tác giả tập trung phân tích, luận bàn về nội hàm của năm (05) dạng miễn trách nhiệm hình sự trong phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành; đồng thời đưa ra những kiến giải định hướng tiếp tục hoàn thiện các dạng miễn trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự Việt Nam tương lai.

Trong bài viết: “Một số vướng mắc, bất cập trong quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng hoàn thiện”, tác giả Phạm Văn Báu nhận định: Tội đầu cơ được xác định là một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và hình phạt đối với tội phạm này có văn bản pháp luật quy định tối đa là tử hình. Tội đầu cơ là một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định khá sớm trong lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này phụ thuộc vào hoàn cảnh (chế độ kinh tế - xã hội) thời điểm tội phạm xảy ra, cũng như hình phạt luật quy định đối với tội phạm này. nhiều nội dung mới, nhằm đáp ứng các yêu cầu, một mặt, để có căn cứ pháp lý xử lý hình sự người phạm tội này và mặt khác, không “thủ tiêu” các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, doanh nhân kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội đầu cơ.

Trong bài viết: Một số vướng mắc, bất cập khi giải quyết các vụ án về chia thừa kế và kiến nghị hoàn thiện, tác giả Quách Hữu Thái cho rằng: Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật Dân sự năm 2005, được đánh giá là tiến bộ và tiệm cận hơn nhiều với các đòi hỏi của xã hội trong giai đoạn mới hiện nay. Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng đó là các sửa đổi, bổ sung về chế định thừa kế. Có thể nói, quan hệ thừa kế là quan hệ khá phổ biến, diễn ra hàng ngày trong đời sống dân sự và có ảnh hưởng, tác động đến nhiều chủ thể khác nhau. Đây là một chế định khá quan trọng, được các nhà làm luật quan tâm, bổ sung hoàn thiện khi xây dựng Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về thừa kế cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế. Trong bài viết này, bên cạnh việc phân tích những nội dung mới của chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời, chỉ ra những vướng mắc, bất cập còn tồn tại, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.

 Với bài viết:“ Điều kiện chủ thể của người làm chứng trong vụ án dân sự, thực tiễn và hướng hoàn thiện”, các tác giả Trần Thăng Long - Ngô Thị Ngọc Trinh nhận định: Chế định người làm chứng  trong hoạt động tố tụng dân sự được kế thừa, bổ sung, phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện, mở rộng quyền và đề cao hơn vai trò, trách nhiệm của người làm chứng. Thời gian qua, đã có nhiều vụ án được giải quyết nhanh chóng, đúng đắn, hợp lòng dân nhờ vào sự hiện diện của người làm chứng, tạo điều kiện cho Tòa án có cơ sở vững chắc để giải quyết đúng đắn vụ án.

Thực tiễn xét xử cho thấy, người làm chứng tham gia ngày càng nhiều trong các vụ án dân sự và cung cấp nhiều thông tin giá trị cho Tòa án. Tuy nhiên, với quy định về điều kiện để trở thành người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, chưa thực sự phát huy được vị trí, vai trò quan trọng của người làm chứng trong hoạt động tố tụng, một số trường hợp chưa đảm bảo yếu tố khách quan, một số trường hợp tham gia chưa đảm bảo nguyên tắc tố tụng...

Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích các quy định pháp luật về chế định người làm chứng, từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhưng kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viết: “Một số vấn đề đặt ra trong việc định tội danh mua bán người theo Bộ luật Hình sự năm 2015 của tác giả Lê Thị Vân Anh  nêu nhận định: Mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là một vấn nạn mang tính toàn cầu và đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại trên phạm vi toàn thế giới, bất chấp những nỗ lực quốc tế và các quốc gia. Đây là hoạt động tội phạm xâm hại những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của con người, mà đối tượng bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em. Họ thường bị lừa gạt bởi các cơ hội việc làm giả mạo và bị bán cho các nhà chứa ở biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc và Lào; một số người sau đó bị đưa sang các nước thứ ba như Thái Lan và Malaysia. Bọn tội phạm buôn bán người thường lừa gạt phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa để đưa ra các thành phố và các khu công nghiệp, khu vực biên giới, sau đó lừa bán.

Để đấu tranh có hiệu quả với nạn mua bán người, thì việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Hình sự - một công cụ pháp lý sắc bén và hữu hiệu nhất trong cuộc đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

Tuy nhiên, những sửa đổi, bổ sung này của Bộ luật Hình sự 2015 đã khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc này chưa, thì trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số phân tích, đánh giá dưới góc độ lý luận về việc định tội danh mua bán người thông qua việc phân biệt giữa tội mua bán người với một số tội danh khác của Bộ luật Hình sự 2015 để làm rõ vấn đề này.

Với bài viết: “Hiểu quy định “chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn” tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 như thế nào cho đúng?”, tác giả Hoàng Quảng Lực nhận định: Hiện nay, việc áp dụng điều luật này để xét xử bị cáo trong trường hợp bị cáo phạm vào điều khoản có khung hình phạt quy định là chỉ có loại hình phạt tù có thời hạn, hoặc có các loại hình phạt gồm tù có thời hạn, tù chung thân, hoặc có các loại hình phạt gồm cả tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình và điều khoản liền kề nhẹ hơn có khung hình phạt quy định cả loại hình phạt tù có thời hạn và loại hình phạt khác là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền hoặc đồng thời cả hai loại hình phạt này, thì Tòa án có được phép áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo hay không, đang là vấn đề có các quan điểm khác nhau.

Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích các quy định cụ thế tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó chỉ ra các quan điểm khác nhau khi áp dụng quy định này vào thực tiễn và đưa ra những quan điểm của bản thân, luận bàn cụ thể về vấn đề này.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi đến bạn đọc bài viết: “Bàn về hành vi đồng phạm trong tội tham ô tài sản qua một vụ án thực tế của tác giả Lê Đăng Doanh. Tác giả nêu ra một vụ án cụ thể mà việc định tội danh đối với bị cáo còn nhiều quan điểm khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn.

Với bài viết: “Pháp luật một số nước châu á về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Bùi Thị Mừng nêu nhận định: Trên nền tảng pháp lý quốc tế về bảo vệ quyền của phụ nữ, cũng như nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng từ tình trạng bạo lực gia đình mang lại cho đời sống gia đình và xã hội, các quốc gia trên thế giới đều rất nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình. Cho đến nay, đã có trên 89 quốc gia có các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 60 quốc gia có luật về phòng, chống bạo lực gia đình, 07 quốc gia có luật về chống bạo hành đối với phụ nữ.

Tại châu Á, nơi khuôn mẫu giới truyền thống có ảnh hưởng đáng kể đến việc bảo đảm quyền bình đẳng giới cũng như phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, Chính phủ các nước đã không ngừng nỗ lực thực hiện việc xây dựng khung pháp lý nhằm nâng cao việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Nghiên cứu pháp luật của một số nước châu Á về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân  bạo lực gia đình nhằm học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, chuyển giao những mô hình tiến bộ về phòng ngừa bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân  bạo lực gia định tại Việt Nam.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2021!

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

BTK