Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 7 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung cơ bản trong các bài viết như sau:

Với bài viết: “Bình luận Án lệ số 16/2017/AL về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng”, tác giả Tưởng Duy Lượng với việc tập trung bình luận về các nội dung trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm từ đó chỉ ra những sai sót trong các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để đánh giá sự cần thiết phải chọn và công bố Án lệ số 16/2017/AL. Đồng thời, với việc bình luận chuyên sâu về nội dung của Án lệ số 16/2017/AL, tác giả còn chỉ ra tính ứng dụng cụ thể của Án lệ này trong thực tiễn.

Trong bài viết: “Thực trạng xét xử và khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Tòa án nhân dân – một số giải pháp, kiến nghị, tác giả Nguyễn Thị Tám và Nguyễn Thị Huyền Trang nêu nhận định: “Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, với sự có mặt của 10% số loài được biết đến, trong khi diện tích lãnh thổ chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích trái đất. Theo Báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam đang là điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán động, thực vật hoang dã; dần trở thành thị trường tiêu thụ thay vì chỉ đơn thuần là quốc gia trung chuyển trong hoạt động buôn bán xuyên biên giới và xuyên quốc gia. Với vị trí địa lý tiếp giáp nhiều quốc gia, với nhiều cửa khẩu, hải cảng đã tạo điều kiện để Việt Nam trở thành một trong các mắt xích quan trọng của đường dây buôn bán động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm  tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Châu Á.

Với việc phân tích, đánh giá tình hình thụ lý, xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, các tác giả chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Với bài viết: “Một số vấn đề về chi phí phá sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2014”, tác giả Trương Như Thủy cho rằng: Việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại khác, việc giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ làm phát sinh các chi phí khác ngoài án phí, lệ phí là khoản tiền phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 thì chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Từ khái niệm này, chúng ta thấy được ý nghĩa, vai trò của chi phí phá sản trong việc giải quyết vụ việc phá sản; tức là nếu không có khoản tiền này thì việc tiến hành các thủ tục để giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ không được bảo đảm.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định của pháp Luật Phá sản hiện nay về chi phí phá sản vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, gây lúng túng cho Thẩm phán khi giải quyết vì có vấn đề chưa được pháp luật quy định hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, cụ thể; từ đó làm ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết các vụ việc phá sản tại Tòa án. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra một số vướng mắc, bất cập khi thi hành Luật Phá sản năm 2014, từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị cụ thể.

Trong bài viết: Thời điểm chuyển quyền sở hữu trong luật nhà ở năm 2014 và giải pháp hoàn thiện”, tác giả Hoàng Thị Việt Anh cho rằng: Quyền sở hữu đối với tài sản là quyền gắn với chủ thể có tư cách chủ sở hữu đối với tài sản. Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Do đó, chuyển quyền sở hữu đối với tài sản không phải chỉ là chuyển giao bản thể vật lý đối với tài sản mà là chuyển giao tổng thể các quyền năng đối với tài sản. Các giao dịch có sự chuyển quyền sở hữu đối với tài sản như: mua bán, tặng cho, trao đổi, góp vốn, thừa kế…

Với việc phân tích lý luận về nhận diện thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản và ý nghĩa pháp lý của xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản; đồng thời đánh giá thực trạng quy định của Luật Nhà ở năm 2014 về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở và hướng hoàn thiện pháp luật, tác giả Hoàng Thị Việt Anh cho rằng: nhà làm luật cần phải thấu triệt nguyên lý hay triết lý pháp lý trong việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản mà pháp luật của hầu hết các nước đều ghi nhận, đó là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản sẽ thuộc một trong hai thời điểm sau: thời điểm chuyển giao tài sản hoặc/và thời điểm hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản; và những nhà làm luật cũng phải xác định rõ những hệ quả pháp lý liên quan đến việc xác định chính xác thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với nhà ở.

Trong bài viết: “Về thi hành phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế tại Việt Nam”, tác giả Trần Thăng Long nêu nhận định:

Trong tương lai, việc tham gia vào ngày càng nhiều các tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó một bên là nhà đầu tư nước ngoài (ISDS), thì việc thực thi các phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế tại Việt Nam chắc chắn sẽ đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với cơ quan Tòa án trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết, xuất phát từ việc tranh chấp về đầu tư quốc tế có những đặc thù riêng như: nhà đầu tư có quyền khởi kiện chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, việc áp dụng quyền miễn trừ quốc gia trong hoạt động đầu tư, việc xác định tài sản quốc gia là đối tượng thi hành phán quyết… Chính vì vậy, Tòa án Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc diễn giải và áp dụng các quy định pháp luật đầu tư quốc tế và việc thi hành phán quyết đối với các tài sản của Nhà nước trong trường hợp nhà nước là bên thua kiện… Cuối cùng, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định đầu tư thế hệ mới có cơ chế thi hành phán quyết ràng buộc cao hơn trong tương lai đòi hỏi phải có sự nghiên cứu đầy đủ nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa và giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong giai đoạn thi hành phán quyết trọng tài đầu tư, đặc biệt là những phán quyết bất lợi cho phía Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản liên quan đến việc thi hành phán quyết của trọng tài đầu tư quốc tế, tổng quan quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, phân tích một số vấn đề đặt ra đối với việc thi hành phán quyết trọng tài đầu tư quốc tế trên cơ sở liên hệ với Việt Nam và đưa ra một số giải pháp khắc phục.

 

Trong bài viết: “Bàn về đối tượng được thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015”, của tác giả Nguyễn Viết Giang cho rằng: Thừa kế là sự dịch chuyển tài sản của người chết sang cho những người còn sống. Thừa kế có hai hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Thừa kế thế vị là một trường hợp đặc biệt, phát sinh trong trường hợp người ở hàng thừa kế sau (gọi là người thừa kế thế vị) thay thế vị trí của người ở hàng thừa kế trước (người được thế vị) hưởng phần di sản mà người được thế vị được hưởng trong khối di sản của người để lại thừa kế nếu còn sống.

Theo quy định tại các điều luật nêu trên thì hiện nay pháp luật Việt Nam quy định chỉ có hai đối tượng được hưởng thừa kế thế vị là “cháu” hoặc “chắt” của người để lại di sản. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến thừa kế thế vị hiện nay thấy rằng, việc pháp luật chỉ quy định về đối tượng được hưởng thừa kế thế vị bao gồm “cháu” và “chắt” như hiện nay đang là vấn đề bất cập, dẫn đến còn nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau khi áp dụng quy định này nên trong một số trường hợp quyền lợi của những người thân thích nhất trong dòng trực hệ của người để lại di sản không được bảo đảm.

Trong phạm vi bài viết của mình, tác giả nêu ra và phân tích một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về đối tượng được hưởng thừa kế thế vị theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; từ đó đề xuất hướng sửa đổi các quy định pháp luật này cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Trên Tạp chí số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc nội dung còn lại của bài viết: “Giới hạn quyền tự do ngôn luận và một số gợi mở cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, của tác giả Mạc Thị Hoài Thương. Với việc tiếp tục luận bàn về mục đích giới hạn quyền tự do ngôn luận theo pháp luật một số nước tác giả đưa ra một số nhận xét và gợi mở cho Việt Nam.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2020!

BTK