Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 05 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau; Án lệ số 35/2020/AL về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng và nội dung tiếp theo của Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung cơ bản trong các bài viết như sau:

Với bài viết: “Định danh pháp lý hình sự”, tác giả Võ Khánh Vinh nêu nhận định: Định danh pháp lý hình sự là nội dung quan trọng của áp dụng pháp luật hình sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Trong Tạp chí số này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc phần đầu của bài viết, bao gồm những vấn đề lý luận về định danh pháp lý hình sự, bao gồm: Khái niệm, nội dung, các loại định danh pháp lý hình sự. Phần còn lại của bài viết sẽ được đăng tải vào số Tạp chí tiếp theo.

Trên chuyên mục Bình luận Án lệ, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu đến bạn đọc bài viết:Bình luận Án lệ số 10/2016/AL” của tác giả Tưởng Duy Lượng. Với việc tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, cùng với việc đánh giá việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn cuộc sôngs của một số cơ quan hành chính, tác giả đưa ra lập luận xác đáng về tính cần thiết khi lựa chọn và công bố Án lệ số 10/2016/AL. Đồng thời, với việc bình luận chuyên sâu về nội dung của Án lệ số 10/2016/AL, tác giả còn chỉ ra tính ứng dụng cụ thể của Án lệ này trong thực tiễn.

Trong bài viết: “Quy định về việc kháng nghị  một số quyết định của Tòa án trong thi hành án hình sự  những bất cập và kiến nghị”, tác giả Trương Như Thủy nêu nhận định: Thi hành án hình sự là giai đoạn cuối cùng trong quy trình xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Theo quy định của luật, trong quá trình thi hành án hình sự, Tòa án có quyền ban hành một số quyết định như: quyết định về việc hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, miễn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn, rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của án treo, buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo; quyết định giải quyết đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo (gọi chung là quyết định của Tòa án trong thi hành án hình sự). Hiện nay, quy định về việc kháng nghị và phạm vi kháng nghị (kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đối với quyết định của Tòa án trong thi hành án hình sự được ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nghiên cứu các quy định này cho thấy tồn tại sự thiếu tính thống nhất trong các văn bản luật khi quy định về vấn đề này, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Vấn đề đặt ra là, có phải tất cả các quyết định của Tòa án trong thi hành án hình sự đều bị kháng nghị và phạm vi kháng nghị có giống nhau không? Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật về kháng nghị quyết định của Tòa án trong thi hành án hình sự, từ đó chỉ ra những bất cập trong quy định của pháp luật và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự, thi hành án hình sự về nội dung này.

Với bài viết: “Luận bàn về trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự theo quy định tại Điều 397Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Anh Thư – Châu Thanh Quyền nêu nhận định: Một trong những điểm mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là việc bổ sung thêm Chương XXVIII – thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, trong đó có quy định về trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết tại Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quy định này đã đề ra giải pháp xử lý của Tòa án từ việc ban đầu các đương sự không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ hôn nhân và gia đình sang vụ án có sự tranh chấp giữa các bên. Khi áp dụng quy định này có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ việc được nhanh chóng, kịp thời hơn. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc áp dụng quy định trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết còn một số vướng mắc, bất cập dẫn đến chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đòi hỏi cần phải có cách hiểu, hướng dẫn thống nhất để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích các quy định về đình chỉ giải quyết việc dân sự, từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Trong bài viết: “Kinh nghiệm quản lý Thẩm phán tại Phần Lan và  một số giá trị tham khảo cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Minh Sử – Lại Sơn Tùng với việc giới thiệu về hệ thống Tòa án ở Phần Lan, từ đó đưa ra kinh nghiệm quản lý Thẩm phán của Phần Lan trên các phương diện cụ thể như: trong việc tuyển chọn Thẩm phán, đào tạo Thẩm phán, chế độ dành cho Thẩm phán… từ đó chỉ ra một số giá trị tham khảo cụ thể cho Việt Nam.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2020!

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân được phát hành 02 số/tháng; lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng. Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc thông qua số điện thoại: (024) 39.341.735.

BTK