Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau và phần cuối của Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung cơ bản trong các bài viết như sau:

Với bài viết: “Cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền”, tác giả Lê Cảm – Hoàng Minh Hiển cho rằng: Mặc dù đã 15 năm qua (kể từ khi có Nghị quyết 49/NQ-TW năm 2005 “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”) nhưng sự thật là, trong khoa học pháp lý Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ công trình nghiên cứu nào mà trong đó đưa ra khái niệm Hệ thống những vấn đề lý luận về cải cách tư pháp là gì và nội hàm của chúng (hệ thống những vấn đề lý luận đó) bao gồm những luận điểm mang tính học thuật cụ thể nào. Nói cách khác, hệ thống những vấn đề lý luận về cải cách tư pháp ở Việt Nam chứa đựng các phạm trù khoa học nào về cải cách tư pháp (1) và các đối tượng nào có liên quan đến cải cách tư pháp cần phải được đổi mới mà cải cách tư pháp cần phải tác động đến (2). Chính vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, dựa trên cơ sở các nền tảng khoa học pháp lý về tư pháp và xuất phát từ thực tiễn triển khai công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta trong 15 năm qua (2005-2020), có thể đưa ra định nghĩa khoa học của khái niệm Hệ thống những vấn đề lý luận về cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay là tổng thể các luận điểm mang tính học thuật về các phạm trù khoa học (1), cũng như các đối tượng có liên quan đến cải cách tư pháp cần được đổi mới (2).

Trong phạm vi bài viết, các tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích các phạm trù khoa học về cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay từ đó đưa ra những đánh giá và kiến nghị đối với các văn bản pháp luật về tư pháp còn thiếu cần được ban hành. 

Trên Tạp chí số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo của bài viết: “Định danh pháp lý hình sự” của tác giả Võ Khánh Vinh. Với việc tiếp tục phân tích cụ thể về định danh các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, tác giả Võ Khánh Vinh cho rằng: định danh pháp lý hình sự là chủ đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn rất quan trọng của khoa học pháp lý, cần phải được tiếp tục triển khai nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, xây dựng lý luận đầy đủ, mang tính hệ thống, phục vụ tốt hơn cho hoạt động áp dụng pháp luật hình sự. Trước hết, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc cần đưa chủ đề định danh pháp lý hình sự vào nội dung chương trình đào tạo luật luật hình sự ở bậc cử nhân và thạc sỹ trong các cơ sở đào tạo luật ở nước ta hiện nay.

Trong bài viết: “Quy định về sửa đổi hợp đồng tại Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015 – một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Lê Xuân Hiền- Trương Thị Tố Uyên nêu nhận định: Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì nhu cầu hợp tác kinh tế ngày càng phát triển với đa dạng các ngành, nghề và lĩnh vực khác nhau. Do đó, để thực hiện tốt việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự công bằng trong xã hội thì pháp luật dân sự cũng phải được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra. Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thấy vẫn còn một số quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng cần được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện để việc áp dụng pháp luật trong thực tế được thống nhất hơn.

Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích quy định về sửa đổi hợp đồng tại Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015, từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Với bài viết: “Một số ý kiến về Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 – quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng”, tác giả Dương Tuyết Miên nêu nhận định: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng là một trường hợp quyết định hình phạt giảm nhẹ đặc biệt. Tính chất đặc biệt của trường hợp này là ở chỗ, do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể không lựa chọn và tuyên một hình phạt cho bị cáo trong giới hạn của khung hình phạt cho phép, mà Tòa án có thể tuyên một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Về căn cứ pháp lý, khi quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật Hình sự, ngoài việc tuân thủ các quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp thông thường, Tòa án còn phải tuân thủ quy định của Điều 54 Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.

Việc Bộ luật Hình sự quy định chế định “quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng” có ý nghĩa quan trọng. Có thể nói, đây là quy định tạo ra khả năng linh hoạt cho các Tòa án khi quyết định hình phạt trong trường hợp hình phạt trong khung không đáp ứng được việc tuyên hình phạt tương xứng, thỏa đáng với hành vi phạm tội của bị cáo; đồng thời, khắc phục được hiện tượng cứng nhắc, máy móc, hình thức trong quyết định hình phạt. Mặt khác, nó là cơ sở pháp lý đảm bảo cho hình phạt được tuyên tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, đáp ứng được nguyên tắc cá thể hóa hình phạt.

Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích, bình luận quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Với bài viết: “Một số ý kiến về bảo vệ quyền của phụ nữ trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án”, tác giả Phạm Thị Bích Phượng cho rằng: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ nhà nước pháp quyền nào, đó là, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, mà nhiệm vụ đó chỉ có thể được thực hiện bởi cơ quan duy nhất là Tòa án, như có quan điểm cho rằng: Tòa án là nơi đầu tiên và trước nhất mà người dân trông cậy để gìn giữ quyền con người. Một trong những quyền cơ bản của con người là quyền được bảo vệ bởi một phương thức khắc phục hữu hiệu (right to an effective remedy): “Mọi người đều có quyền được các Tòa án quốc gia có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ mà đã được hiến pháp hay luật pháp quy định”. Theo đó, mọi người dân bao gồm cả phụ nữ, với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng và không thể tách rời của quyền con người đương nhiên  được Nhà nước bảo vệ bằng hệ thống cơ quan Tòa án quốc gia.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định của pháp luật bảo đảm vai trò của Tòa án bảo vệ quyền của phụ nữ trong giải quyết các vụ án dân sự, từ đó đánh giá thực tiễn Tòa án bảo vệ quyền của phụ nữ trong giải quyết các vụ án dân sự và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền của phụ nữ trong giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án.

Trong chuyên mục trao đổi ý kiến, chúng tôi tiếp tục đăng tải hai bài viết: Về bài viết: “Các bị cáo phạm tội theo khoản 1  hay khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đỗ Ngọc Bình và  Về bài viết: “Hợp đồng mua bán hàng hóa thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ có vô hiệu không?” của tác giả Lê Thị Tuyết Thanh để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2020!

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.

BTK