Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 6 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 03 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết và là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Tăng cường điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, tác giả Nguyễn Minh Đoan nhận định: Vấn đề Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được nói đến rất nhiều, nhưng việc tạo lập, củng cố các điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm thực sự độc lập khi xét xử và chỉ tuân theo pháp luật vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu và thực hiện. Bài viết mong muốn đóng góp một số ý kiến nhằm tăng cường các điều kiện để đảm bảo cho Thẩm phán, Hội thẩm Việt Nam xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Một trong những yêu cầu và cũng là nguyên tắc không thể thiếu trong hoạt động xét xử là khách quan, vô tư, công bằng. Nếu chủ thể xét xử không vô tư, khách quan, thì việc giải quyết của họ sẽ không công bằng. Khi đó, chắc chắn một trong các bên sẽ không đồng ý với kết quả giải quyết đó, nói cách khác, họ không cần đến chủ thể xét xử ấy nữa. Do vậy, đã xét xử, thì dù là “tư pháp tự nhiên” hay tư pháp nhà nước, thì cũng cần phải vô tư, khách quan, công bằng. Không phải ngẫu nhiên những người xét xử được coi là những người đại diện công lý, người bảo vệ công lý và muốn làm được như vậy, thì một trong những điều kiện quan trọng là chủ thể phải xét xử độc lập và chỉ tuân theo các thể chế đã được định trước. Để làm rõ những nhận định nêu trên, trong bài viết, tác giả tập trung phân tích về điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường điều kiện để Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật ở nước ta hiện nay.

Với bài viết: “Bàn về hiệu lực của hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận đối tượng vay là ngoại tệ ”, tác giả Nguyễn Ngọc Huy cho rằng: Kể từ khi thực hiện mở cửa nền kinh tế, dòng vốn kiều hối chuyển vào Việt Nam ngày càng tăng. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, các bên thỏa thuận dùng ngoại tệ là đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay bằng ngoại tệ cho thấy, các bản án thường xác định hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu được giải quyết theo hướng các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được, không tính lãi nếu hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn ý kiến trái chiều về hướng xử lý này, cũng như đặt câu hỏi về việc giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu đã thực sự đảm bảo cân bằng được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu chưa? Bên cạnh đó, thực trạng quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngoại hối hiện nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Trong khi Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của luật, thì giao dịch vô hiệu, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2013 cũng cấm “mọi giao dịch bằng ngoại hối”, thì theo Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không phải lúc nào hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ cũng vô hiệu toàn bộ. Biết rằng, việc cấm “mọi giao dịch bằng ngoại hối” là một khái niệm với nội hàm rất rộng, bao gồm đối tượng của hợp đồng và cả vấn đề thỏa thuận về giá cả khi giao kết hợp đồng. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích những hạn chế, bất cập của pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngoại hối trong vấn đề này.

Trong bài viết: “Xác định “mục đích lợi nhuận” để phân biệt tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là dân sự hay kinh doanh thương mại”, tác giả Huỳnh Quang Thuận cho rằng: Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định giải thích khái niệm “tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các quan điểm đều thống nhất có thể xác định tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là những tranh chấp mà trong đó: Quyền sở hữu trí tuệ là đối tượng tranh chấp: Là các tranh chấp mà các bên đều cho rằng mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu trí tuệ cho mình.
Trong thực tiễn, đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, căn cứ vào "mục đích lợi nhuận" để xác định đó là tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại hiện còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. 
Trong bài viết này, với việc phân tích các quy định của pháp luật có liên quan, từ đó tác giả chỉ ra các hệ quả của việc xác định quan hệ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Với việc đánh giá thực trạng việc xác định yếu tố “có mục đích lợi nhuận” khi giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Trong bài viết “Một số lưu ý khi xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu”, tác giả Phạm Minh Nhựt cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế được hình thành và phát triển với các quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Bên cạnh những giá trị tích cực mà các tổ chức kinh tế này mang lại như: Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân… thì cũng dần bộc lộ những góc khuất, những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Thời gian qua, chúng ta đã phải chứng kiến khá nhiều hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội, cho đất nước do những tổ chức kinh tế gây ra, như hành vi hủy hoại môi trường khi xả thải ra môi trường những chất thải chưa qua xử lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, hay hành vi trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu... tuy nhiên lại chưa có một chế tài đủ nặng để trừng phạt, răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật do các tổ chức thực hiện.
Để giải quyết được những tồn tại nói trên, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây chính là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu tại khoản 6 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015; từ đó chỉ ra một số tồn tại, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Với bài viết: “Bàn về tội mua dâm người dưới 18 tuổi quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Đinh Thị Thu Hằng nhận định: Mua dâm là một hiện tượng xã hội tồn tại phổ biến ở nhiều quốc gia và là hiện tượng xã hội tiêu cực ở nước ta. Bởi mua dâm là hiện tượng trái với truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đồng thời ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa và trật tự an toàn công cộng.
Hành vi mua dâm người chưa thành niên thực tế có thể xảy ra nhiều nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thống nhất về cách hiểu hành vi khách quan trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự, dẫn đến số vụ khởi tố về hình sự không nhiều. Do đó, để hiểu cơ sở lý luận về tội danh này và áp dụng chính xác trên thực tiễn là điều vô cùng quan trọng, bởi đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng dễ bị tổn thương về tâm sinh lý và cần được bảo vệ đặc biệt. Trong nội dung bài viết, tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật về tội mua dâm người chưa thành niên, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập và nêu kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Trong bài viết: “Xác định và áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại tòa án nhân dân”, tác giả Nguyễn Bé Lê nêu nhận định: Quá trình áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình còn nhiều bất cập như: Hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình  đã có quy định cho phép các đương sự viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết, nhưng những quy định này chưa cụ thể, dẫn đến việc Tòa án còn lúng túng khi xác định các tập quán do đương sự viện dẫn, yêu cầu. Các địa phương vẫn chưa xây dựng được các danh mục tập quán theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Do cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến chưa có sự thống nhất hoặc “ngại” áp dụng tập quán ở các địa phương, chưa thực sự phát huy được quy định tại khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, nghiên cứu vấn đề xác định và áp dụng tập quán trong giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình  tại Tòa án nhân dân, nhằm đề xuất, kiến nghị hoàn thiện các quy định về áp dụng tập quán là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích về xác định tập quán về hôn nhân và gia đình để áp dụng tại Tòa án nhân dân; đánh giá thực trạng áp dụng tập quán trong việc giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại Tòa án nhân dân; từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Với bài viết:“Từ nguyên tắc thẩm quyền thích hợp, thẩm quyền không thích hợp và vụ kiện đang chờ xét xử đến việc định hướng hoàn thiện pháp luật việt nam”, tác giả Vũ Thị Hương nhận định: Để giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột thẩm quyền xét xử đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, các quốc gia thường áp dụng nguyên tắc thẩm quyền thích hợp, thẩm quyền không thích hợp (Forum Non Conveniens) và vụ kiện đang chờ xét xử (Lis Pendens). Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại vận dụng các nguyên tắc này một cách khác nhau. Hiện nay, các nguyên tắc này đã dần được nội luật hóa và ghi nhận trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày một số vấn đề cơ bản của các nguyên tắc nêu trên và phân tích việc nội luật hóa các nguyên tắc này vào quy định của pháp luật Việt Nam để từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc giải quyết xung đột về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Ngoài ra, các quốc gia còn ký kết các Điều ước quốc tế song phương để giải quyết xung đột về thẩm quyền (Việt Nam đã ký khoảng 18 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại với các quốc gia), các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư,… tuy nhiên, các Hiệp định tương trợ tư pháp mà các quốc gia ký kết chỉ giải quyết xung đột về thẩm quyền xét xử trong phạm vi hai quốc gia ký kết với nhau. Các Điều ước quốc tế giải quyết xung đột về thẩm quyền xét xử thường quy định, nếu cả hai Tòa án đều có thẩm quyền đối với cùng một vụ việc, thì Tòa án nào thụ lý đơn kiện trước sẽ có thẩm quyền giải quyết, Tòa án nhận đơn sau sẽ phải trả lại đơn kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.
Trong trường hợp không có Điều ước quốc tế, các quốc gia thường dựa vào quy định trong pháp luật của quốc gia mình để xác định thẩm quyết giải quyết của Tòa án quốc gia đối với một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài (căn cứ để xác định thẩm quyền của Tòa án mỗi quốc gia thường dựa trên các dấu hiệu như quốc tịch của đương sự, nơi cư trú của bị đơn, …). Ở phạm vi quốc gia, mỗi quốc gia đều tự định ra những quy tắc nhất định để xác định thẩm quyền của mình trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Các nguyên tắc này có thể giống nhau, có thể khác nhau trong pháp luật của các quốc gia.

Ngoài ra, trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn Nghị quyết số 03/2020/NQ– HĐTP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.


Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
 

BTK