Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2019 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2019. Trong số này, Tạp chí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 08 bài viết về các lĩnh vực pháp luật khác nhau với những nội dung cụ thể mang tính thời sự sâu sắc và Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký sự về Tòa án nhân dân.

Trong chuyên mục Bình luận Án lệ, tác giả Tưởng Duy Lượng – Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có bài viết “Bình luận Án lệ số 07/2016/AL” về hợp đồng mua bán nhà đang tranh chấp chỉ có bên bán ký, còn bên mua không ký, khi tranh chấp bên bán cho rằng bên mua chưa trả tiền, yêu cầu hủy hợp đồng, còn bên mua yêu cầu công nhận hợp đồng. Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bên mua chưa ký vào văn bản mua bán nhà và không chứng minh được đã trả tiền nên đã bác yêu cầu công nhận hợp đồng của bên mua. Án lệ chỉ ra rằng trường hợp này phải công nhận hợp đồng. Với bút pháp sắc sảo của một người có bề dày trong công tác xét xử, Tác giả đã những có bình luận vô cùng đặc sắc. Bên cạnh việc phân tích các tình tiết, căn cứ nêu trong nội dung vụ án, Tác giả đã chỉ ra những sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm; những sai lầm này tuy không nêu trong án lệ nhưng có ý nghĩa trong thực tiễn cần rút kinh nghiệm. Đồng thời, Tác giả chỉ ra tính ứng dụng và phạm vi áp dụng án lệ. Thông qua bình luận của mình, Tác giả cung cấp cho người làm công tác xét xử cách nhận diện về chứng cứ, đánh giá chứng cứ để có thể áp dụng khi thu thập tài liệu, nhận diện, đánh giá chứng cứ cho các trường hợp, các vụ án khác.

Bài viết: “Công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án – vướng mắc và đề xuất, kiến nghị” của ThS. Bùi Ai Giôn và Trần Tuyết Trinh là một nghiên cứu công phu về thực tiễn công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Dựa trên số liệu chi tiết, các tác giả đã lập bảng biểu so sánh, đánh giá thực trạng việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án trong thời gian qua. Bằng những vụ việc cụ thể, các tác giả đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án; từ đó các tác giả đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Trong bài viết “Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, tác giả Phùng Văn Hoàng đi sâu vào việc phân tích: (1) Điểm mới trong hoạt động xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự 2003; (2) Thực tiễn áp dụng và những vấn đề cần hoàn thiện. Bài viết với kết cấu rõ ràng, mạch lạc giúp cho bạn đọc dễ dàng tiếp cận với quy định về Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Với bài viết: “Nhận diện bản chất pháp lý của hoạt động chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong Luật Kinh doanh bảo hiểm”, tác giả Bạch Thị Nhã Nam đã phân tích các cơ sở lý luận và học thuyết pháp lý về thế quyền yêu cầu nhằm giúp xác định lại bản chất pháp lý của hoạt động chuyển quyền đòi bồi hoàn trong bảo hiểm mang bản chất thế quyền yêu cầu, với các nội dung chính: (1) Lược sử pháp luật Việt Nam quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn trong bảo hiểm; (2) Phân biệt chế định chuyển giao quyền yêu cầu và chế định thế quyền yêu cầu; (3) Nhận diện bản chất pháp lý thế quyền yêu cầu bồi hoàn pháp luật bảo hiểm trong quy định của pháp luật một số nước, Luật Kinh doanh bảo hiểm Việt Nam và kiến nghị.

PGS.TS. Đoàn Đức Lương và TS. Nguyễn Thị Hồng Trinh có bài viết “Những bất cập trong quy định về hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về quyền sử dụng đất”. Các tác giả nêu một số vướng mắc trong quy định về hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về quyền sử dụng đất; chỉ ra bất cập trong các quy định xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất kể từ thời điểm đăng ký và các quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, thời điểm có hiệu lực kể từ khi công chứng. Từ đó, các tác giả đề xuất, kiến nghị hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật và thực tiễn áp dụng.

Về bài viết: “Trách nhiệm dân sự thuộc về ai?” là tập hợp các ý kiến của nhiều tác giả về một tình huống pháp lý mà tác giả Dương Xuân Tuấn đã nêu ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 05/2019. Các tác giả đều nhất trí với quan điểm là chủ xe ô tô có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng có sự phân tích và lập luận khác nhau. Tạp chí đã chọn lọc ý kiến của 5 tác giả trao đổi về tình huống này để giới thiệu tới bạn đọc.

Ngoài ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2019 cũng đăng tải các bài viết như: “Một số vấn đề về tình tiết: “phạm tội 02 lần trở lên” trong thực tiễn áp dụng pháp luật” của tác giả Nguyễn Anh Chung; “Về bài viết: “Tòa án có phải tiến hành hòa giải đối với vụ án ly hôn trong trường hợp không đăng ký kết hôn?” của ThS. Hoàng Ngọc Anh và Thái Thị Thu.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2019./.

BTK