Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 4 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 4 năm 2020 xuất bản ngày 15 tháng 03 năm 2020 bao gồm 09 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính, nổi bật của các bài viết như sau:

Trên chuyên mục nghiên cứu, Tạp chí TAND giới thiệu đến độc giả bài viết: “Trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân và thực thực thể trí tuệ nhân tạo (AI): quá khứ, hiện tại và viễn cảnh tương lai” của tác giả PGS.TS Trịnh Tiến Việt. Trong bài viết, tác giả cho rằng: “Trách nhiệm hình sự là sự phản ứng (lên án) của Nhà nước đối với chủ thể thực hiện tội phạm qua việc quy định những biện pháp cưỡng chế về hình sự trong luật hình sự để áp dụng đối với đối tượng này. Theo thời gian, các nội dung và hình thức thực hiện (biện pháp) trách nhiệm hình sự từng bước được hoàn thiện, để áp dụng tương ứng đối với chủ thể phạm tội.

Do đó, dẫn chiếu lịch sử quá trình lập pháp trong quá khứ, hiện tại và viễn cảnh tương lai ở Việt Nam để đánh giá, hoàn thiện quy định về trách nhiệm hình sự phục vụ nhiệm vụ bảo vệ, phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, các lợi ích của cơ quan, tổ chức, quyền con người, quyền công dân, cũng như xây dựng, hoạch định chính sách hình sự và đề ra giải pháp thực tiễn thực thi là yêu cầu có tính cấp thiết”.

Với cách tiếp cận lịch sử, khoa học viễn tưởng kết hợp với khoa học luật hình sự, công nghệ học, khoa học thần kinh, tâm lý học, ngôn ngữ học và giáo dục học, tác giả đã khái quát quy định chế định trách nhiệm hình sự trong quá khứ, hiện tại và tập trung vào tương lai để dự báo viễn cảnh từ những thách thức của cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 với các giả định cụ thể khi thực thể AI phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là một cách tiếp cận mới của khoa học luật hình sự với những quan điểm, nhận thức hoàn toàn mới mẻ, cần được nghiên cứu để hoàn thiện chế định TNHS trong tương lai.

Với bài viết: “Thực trạng thụ lý, giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài ở một số địa phương hiện nay, bình luận và kiến nghị”, tác giả Hoàng Quảng Lực đưa ra nhận định: Giải quyết yêu cầu của đương sự về ly hôn có yếu tố nước ngoài là vấn đề không hề đơn giản, bởi nhiều lý do, như khó khăn trong việc xác định địa chỉ của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; trong việc tống đạt giấy tờ, điều tra, thu thập chứng cứ, nhất là ở các nước không có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc không áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam; vấn đề xung đột pháp luật giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài có liên quan; tính khả thi trong thi hành án liên quan đến con cái, tài sản ở nước ngoài; cần làm rõ việc kết hôn trên có phải là kết hôn giả nhằm mục đích ra nước ngoài sinh sống hay không để áp dụng đúng thủ tục giải quyết v.v. Từ đó, tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng giải quyết vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài ở một số địa phương, đồng thời bình luận về các cách thức giải quyết khác nhau đối với các vụ án này và đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Trong bài viết: “Một số vấn đề liên quan đến việc định tội danh trong nhóm các tội phạm về ma túy”, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: một số nội dung trong việc quy định, hướng dẫn các dấu hiệu xác định tội danh của một số tội phạm về ma túy còn bất cập. Từ đó, tác giả tập trung phân tích, đánh giá quy định về việc xử lý tội phạm vận chuyển hoặc tàng trữ trái phép chất ma túy đối với người mua ma túy để sử dụng; về các loại hành vi được coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… để chỉ ra những bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và nêu đề xuất, kiến nghị.

Vấn đề bảo vệ quyền của người khuyết tật tại Việt Nam luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta và toàn xã hội quan tâm. Với bài viết: “Bảo vệ quyền của người khuyết tật tại Việt Nam – thực tiễn và những vấn đề vướng mắc”, TS Phạm Minh Tuyên tập trung nghiên cứu về những quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền của người khuyết tật, từ đó chỉ ra những tồn tại, bất cập trong thực tiễn áp dụng và nêu kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết: “Tác động của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra yêu cầu đối với hoạt động đào tạo Thẩm phán hình sự ở Việt Nam hiện nay”, tác giả Hoàng văn Toàn nêu quan điểm: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án thì công tác đào tạo Thẩm phán nói chung, đào tạo Thẩm phán hình sự nói riêng phải có những bước chuyển biến lớn trong thời gian tới. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động của Tòa án nhân dân nói chung và hoạt động đào tạo Thẩm phán nói riêng, trong đó có đào tạo Thẩm phán hình sự; từ đó tác giả đưa ra một số yêu cầu cụ thể đối với hoạt động đào tạo Thẩm phán hình sự ở Việt Nam hiện nay.

 

Với bài viết: “Một số vấn đề cần lưu ý khi định tội “lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Hoàng Trọng Tuân nhận định: “Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường thì tình hình tội phạm cũng gia tăng một cách nhanh chóng. Trong đó, các tội phạm về ma túy ngày càng phát triển, vượt ra khỏi ranh giới một quốc gia. Tệ nạn ma túy đã và đang là hiểm họa đe dọa toàn xã hội, gây hại cho sức khỏe con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, đe dọa sự phát triển giống nòi của một quốc gia, dân tộc… Vì vậy, pháp luật hình sự với chế tài nghiêm khắc nhất, là công cụ sắc bén, cần thiết để phòng, chống tội phạm về ma túy, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, an ninh của quốc gia…”. Trong bài viết, tác giả phân tích một cách cụ thể về các quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó chỉ ra những điểm cần lưu ý khi áp dụng điều luật này trong thực tiễn.

Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thế giới cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp đã giúp cho các quốc gia có sự hợp tác ngày càng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Mặt trái của nền kinh tế phát triển là tình hình tội phạm tăng nhanh với tính chất, quy mô và thủ đoạn ngày càng lớn và tinh vi, trong đó phải kể đến tội phạm mua bán người. Đây là vấn nạn được các quốc gia trên thế giới quan tâm và có nhiều biện pháp để đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Ở Việt Nam, với việc tham gia nhiều công ước quốc tế về đấu tranh chống tội phạm mua bán người, đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó có Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mang lại nhiều kết quả to lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng vẫn còn nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập từ các quy định của pháp luật đòi hỏi cần được bổ sung, hoàn thiện. Bài viết: “Một số ý kiến về tội mua bán người quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Đỗ Thị Lý Quỳnh sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cần thiết nêu trên.

Cũng trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND số 04/2020 tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc một số bài viết gồm: Bài viết “Cần áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 để quyết định hình phạt đối với Chu Văn H” của tác giả Bùi Văn Đàm; bài viết: “Các bị cáo phạm tội giết người hay gây rối trật tự công cộng?” của tác giả Đinh Ngọc Huân và bài viết: “ Về bài viết “Tòa án có phải tiến hành hòa giải đối với vụ án ly hôn trong trường hợp không đăng ký kết hôn?” của các tác giả Lý Văn Toán và Lâm Thị Minh Hiếu. Trong bài viết, các tác giả đưa ra các tình huống giả định còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, rất mong sự quan tâm trao đổi của bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2020!

BTK