Hướng tới mọi người dân được bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững

Mô hình an sinh xã hội của Việt Nam đã tỏ rõ tính ưu việt và sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống chính sách an sinh xã hội cũng bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần được khắc phục và hoàn thiện. Để các chủ trương, chính sách an sinh xã hội đi vào cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần mọi tầng lớp nhân dân, đòi hỏi cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong thời gian tới.

An sinh xã hội gặp hái được nhiều thành công

Ngày 16-2-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP thành lập ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động. Tiếp đó, ngày 24-1-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg về việc chuyển chức năng tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Đây là quyết định quan trọng trong việc thống nhất tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta. Trong 25 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) cho người dân.

Tại Hội thảo khoa học “BHXH Việt Nam – Một phần tư thế kỷ góp phần sự nghiệp an sinh”, Viện trưởng Khoa học BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết: Trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, BHXH Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Điều này, thể hiện qua diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng, năm 1995 chỉ có 2,2 triệu người tham gia, thì đến tháng 8-2019 là 14,65 triệu người (tăng khoảng 5,7 lần). Năm 2008, năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện, chỉ có 6,11 nghìn người tham gia, đến tháng 8-2019 con số này là 437 nghìn người (tăng 70 lần). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng nhanh với 5,9 triệu người khi bắt đầu triển khai năm 2009 lên 12,9 triệu người ở thời điểm tháng 8-2019. Đáng chú ý, đến tháng 9-2019, số người và tỷ lệ tham gia BHYT trên tổng dân số tăng ấn tượng, vượt các chỉ tiêu được giao, với hơn 85,2 triệu người tham gia, tương ứng với tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, tăng 68,8 triệu người so với năm 2003 (năm mà chức năng thực hiện chính sách BHYT chính thức chuyển sang cho BHXH Việt Nam). Cùng với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng liên tục tăng theo thời gian, năm 2018 tổng số thu toàn ngành đạt 332.006 tỷ đồng, tăng 11,26 lần so với năm 2006 và tăng 425,7 lần so với năm 1995.

Trong 25 năm, ngành BHXH đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, trong đó có gần 2,5 triệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng; gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH một lần và hơn 100 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn. Trong 10 năm thực hiện chế độ BH thất nghiệp, đã có khoảng năm triệu lượt người lao động thất nghiệp được hưởng trợ cấp; hơn 180 nghìn người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; hơn 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Trong 10 năm gần đây, ngành BHXH tập trung quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp giảm còn 51 giờ/năm… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai giao dịch điện tử, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và tất cả cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Triển khai cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình. Khai trương trung tâm dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT… Với những nỗ lực này, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Cũng trong bảng xếp hạng này, năm 2018, BHXH Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu, đánh dấu bước tiến đáng kể của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý…

Trong lĩnh vực BHYT, bình quân mỗi năm có hơn 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; chỉ riêng năm 2018, đã thanh toán chi phí KCB cho hơn 176 triệu lượt người (tăng gần gấp hai lần so với năm 2009), với tổng số tiền thanh toán gần 96 nghìn tỷ đồng (tăng gần bốn lần so với năm 2011)…

Định hướng phát triển an sinh xã hội trong giai đoạn mới

Để tiếp tục phát triển an sinh xã hội, bảo đảm người dân được bảo vệ tốt hơn trước các rủi ro về thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, cần tiếp tục đổi mới an sinh xã hội theo các hướng sau:

Một là, làm rõ, thống nhất nhận thức và hoàn thiện mô hình an sinh xã hội đa tầng, đặc biệt là tầng an sinh xã hội cơ bản. An sinh xã hội chủ yếu được tư duy theo chiều dọc với các trụ cột an sinh mà chủ yếu là BHXH, bảo trợ xã hội và giảm nghèo. Mặt khác, mặc dù có thể dễ hình dung về 3 tầng an sinh xã hội, đặc biệt là tầng an sinh xã hội cơ bản, còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và xây dựng lộ trình thực hiện, phù hợp với khả năng tài chính.

Hai là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững. Tăng trưởng là cơ sở để bảo đảm an sinh xã hội vì tăng trưởng giúp tạo việc làm và thu nhập cho hộ gia đình, giúp tăng nguồn đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, từ đó có thể hỗ trợ cho hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng không nhất thiết giải quyết an sinh xã hội nếu nó không phải là tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng đi kèm với tiến bộ xã hội và môi trường. Do đó, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn đề an sinh xã hội chính là bảo đảm tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, trong đó mọi người dân đều tham gia đóng góp và đều được hưởng các thành quả của tăng trưởng.

Ba là, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các chương trình tạo việc làm và giảm nghèo. Thiếu, mất thu nhập với người trong tuổi lao động thường gắn với thiếu, mất việc làm. Chính vì vậy, cần tiếp tục các chương trình tạo việc làm gắn với phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Giảm nghèo những năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, do những hộ nghèo nằm tập trung ở các vùng núi, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn lực và tiếp cận sinh kế rất hạn chế. Mô hình an sinh phải đưa các hộ nghèo này vào các chuỗi giá trị, để họ có nguồn thu nhập ổn định, bền vững mà không cần dựa vào trợ cấp trực tiếp bằng tiền hay hiện vật.

Bốn là, củng cố và phát triển hệ thống BHXH, tăng độ bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tư cách là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Hiện nay, trừ bảo hiểm y tế, độ bao phủ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp và chủ yếu mới ở khu vực kinh tế chính thức. Khu vực kinh tế phi chính thức với số lượng lao động đông đảo ở nước ta phần lớn vẫn chưa tham gia BHXH. Điều này, một mặt, vừa khiến cho BHXH chưa phát huy được tính ưu việt trong bảo đảm an sinh xã hội, vừa tạo ra một gánh nặng xã hội lớn khi những người này qua tuổi lao động; mặt khác, khiến cho quỹ BHXH có nguy cơ thiếu bền vững. Do đó, cần phải tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Năm là, điều chỉnh hợp lý việc huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHXH nhằm bảo đảm đáp ứng các nhu cầu thụ hưởng của người tham gia, đồng thời bảo đảm tính an toàn và bền vững của quỹ BHXH trong bối cảnh dân số đang già hóa.

Sáu là, chuẩn bị ứng phó với xu thế già hóa dân số. Già hóa dân số là một xu thế phổ biến trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh, vì thế sẽ tạo ra nhu cầu an sinh rất lớn cho nhóm người cao tuổi trên các trụ cột an sinh chính, bao gồm hệ thống hưu; hệ thống chăm sóc sức khỏe người già, nhà dưỡng lão; bảo trợ xã hội với người già neo đơn,… Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì hệ thống an sinh xã hội sẽ không thể đáp ứng được những thay đổi này.

Bảy là, tăng cường xã hội hóa an sinh xã hội. An sinh xã hội đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Bên cạnh nguồn đóng góp của những người tham gia đóng BHXH, trong nhiều trường hợp, an sinh xã hội phải dựa vào ngân sách nhà nước, như bảo trợ xã hội, hỗ trợ người nghèo, người tàn tật…

Trương Tuấn