Câu hỏi chất vấn được trả lời minh bạch

Tiếp theo số trước, Tạp chí TAND điện tử tiếp tục phản ánh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tại diễn đàn Quốc hội.

 

BÍ MẬT RIÊNG TƯ TRONG CÔNG KHAI BẢN ÁN

 Đại biểu Lê Ngọc Hải – Quảng Nam chất vấn: Vừa qua Tòa án nhân dân tối cao tiến hành công khai các bản án lên mạng internet tạo hiệu ứng tốt từ phía xã hội, tuy nhiên có ý kiến băn khoăn đến việc đảm bảo quyền bí mật đời tư, bí mật hoạt động kinh doanh. Đề nghị đồng chí cho biết để một mặt thực hiện công khai bản án, mặt khác, vẫn đảm bảo quyền bí mật riêng tư của các tổ chức và cá nhân.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Một trong những giải pháp đột phá, chúng tôi quyết định trong năm 2017 là công khai bản án trên mạng. Việc công khai bản án trên mạng có nhiều tác dụng, nó đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Việc thứ hai, đây là một chủ trương tuân thủ nguyên tắc hoạt động của tòa án là công khai minh bạch và việc công khai bản án cũng nằm trong thực hiện nguyên tắc này. Thông qua việc công khai bản án thì chúng tôi cũng còn đề cao trách nhiệm của thẩm phán để mỗi khi thẩm phán đặt bút viết bản án thì biết rằng sau đây mấy ngày người dân sẽ phán xét về bản án của mình, cho nên cẩn trọng hơn trong việc áp dụng pháp luật, cẩn trọng hơn trong việc diễn đạt trong bản án, kể cả văn phạm, ngữ pháp. Đây cũng là một cơ chế để cho người dân và các cơ quan dân cử giám sát hoạt động của tòa án và cũng là một kênh thông tin để qua đó chúng tôi đánh giá chất lượng thẩm phán.

Cho đến nay, trước giờ vào phiên chất vấn, chúng tôi đã công bố được 32.318 bản án và từ tháng 9 đến nay đã có gần 1.400.000 lượt người dân đọc. Chúng tôi đã nhận được 5.362 ý kiến của người dân góp ý cho 1.116 bản án. Đa số các ý kiến đánh giá tích cực về các bản án và cũng có những ý kiến góp ý về nội dung các bản án.

Liên quan đến mối quan tâm của đại biểu là việc công khai bản án này có ảnh hưởng đến quyền của công dân, bí mật đời tư hay không? Chúng tôi đã ban hành nghị quyết quy định có một số bản án được công khai và có một số bản án không được công khai. Những bản án không được công khai như bản án liên quan đến an ninh quốc gia, những bản án liên quan đến người vị thành niên là không được công khai. Khi công khai thì phải mã hóa tên của những người liên quan trong vụ án, bị can, bị cáo, bên nguyên, bên bị, tên, địa chỉ, từ quận huyện trở xuống là được mã hóa, còn tỉnh, thành phố phải giữ nguyên. Nội dung vụ án không được mã hóa, tên thẩm phán chủ trì phiên tòa không được mã hóa để cho người dân giám sát. Bí mật đời tư của người dân cũng được đảm bảo và đây là kinh nghiệm không phải của chúng ta, thế giới người ta cũng làm nhiều. Một số nước người ta bảo xét xử công khai người ta không cần mã hóa, nhưng nhiều nước còn lại cũng đã mã hóa tên những người liên quan của vụ án. Tôi cho rằng, với cách mã hóa như thế nào, cả tên, địa chỉ, số nhà, đường phố và đến quận huyện thì bí mật đời tư được bảo đảm.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai 

 VIỆC TĂNG GẤP ĐÔI NHƯNG ĐỊNH BIÊN NHƯ CŨ

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – TP Hà Nội chất vấn: Ngày 17/4/2015 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39, trong đó đề ra nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Tòa án đó là tinh giản biên chế. Tuy nhiên trong những năm gần đây số lượng các vụ án tăng nhanh đáng kể, theo Báo cáo năm 2017 mỗi năm tăng 8%. Trong bối cảnh như vậy, đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp nào được coi là đột phá để ngành tòa án một mặt vẫn bảo đảm thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế nhưng mặt khác vẫn đảm bảo chất lượng xét xử, tiến độ xét xử?

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Trong điều kiện áp lực công việc tăng lên mà phải thực hiện Chỉ thị 39 về tinh giản biên chế, năm 2012 khi Thường vụ Quốc hội cho chúng tôi biên chế là 15 nghìn người (số tròn) thì số lượng công việc là 250 nghìn vụ. Sau 5 năm, năm 2017 số lượng công việc là 499 nghìn vụ tức là chỉ thiếu mấy vụ nữa là lên gấp đôi trong khi định biên vẫn như cũ. Đây là áp lực rất lớn.

Tôi báo cáo Quốc hội có rất nhiều địa phương cấp huyện một thẩm phán phải xử lý 18 vụ trong 1 tháng trong khi quy định chỉ 5 vụ trong 1 tháng. Ví dụ ở Ninh Kiều, Cần Thơ, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh v.v… Ở Thành phố Hồ Chí Minh hầu hết các quận đều trên 12 vụ, áp lực như thế này bên cạnh là nỗ lực của đội ngũ thẩm phán nhưng rủi ro về chất lượng cũng có. Giải pháp cho việc này chúng tôi có điều chuyển và tăng cho mỗi huyện có tỷ lệ án bình quân là 12 vụ trên 1 thẩm phán thì tăng thêm 1 người, điều chỉnh từ chỗ nọ chỗ kia để hạ tỷ lệ xuống nhưng không ăn thua.

Thứ hai, là kêu gọi anh em cố gắng chứ không có cách nào khác. Trách nhiệm trước dân, trước nền công lý là phải ngày đêm làm việc tăng cường đào tạo bồi dưỡng hướng dẫn cho anh em.

Thứ ba là đang xây dựng đề án vị trí việc làm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để có thể một mặt chúng ta thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 39 của Đảng về tinh giản biên chế mà chúng ta đã thảo luận một phiên rồi, tòa án cũng nghiêm túc thực hiện.

Để thực hiện Chỉ thị 39, từ 2016 chúng tôi dừng việc tuyển thêm người, toàn ngành tòa án không thêm bất cứ một biên chế nào để thực hiện việc sắp xếp và tinh giản nên áp lực càng lớn. Chúng tôi đang đề xuất với Thường vụ Quốc hội trong định biên cho phép có thể tăng số lượng thẩm phán không phải là 6.000 nữa mà có thể là hơn con số 6.000, tùy theo nhu cầu của các địa phương chúng tôi đang tập hợp.

 PHIÊN TÒA XÉT XỬ CHÂU THỊ THU NGA

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Trong phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga, có dư luận nói khi bị cáo khai chạy tiền để trúng cử Đại biểu Quốc hội thì Hội đồng xét xử lại không cho nói, đề nghị Chánh án giải thích việc này cho nhân dân hiểu rõ.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Về vụ án Châu Thị Thu Nga, khi dư luận báo chí nêu có việc Hội đồng xét xử không cho công khai, vi phạm tố tụng, có vẻ giấu diếm một điều gì, có báo còn nói “cắt điện 30 giây”, chúng tôi ngay lập tức yêu cầu kiểm tra. Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật của phòng xét xử. Chúng tôi đã yêu cầu thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa báo cáo giải trình và chúng tôi đã gặp luật sư. Phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì về mặt kỹ thuật trong phòng xét xử. Hai là trong hồ sơ vụ án có tất cả những tài liệu như lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan.

Việc Chủ tọa phiên tòa dừng việc không cho khai tiếp, yêu cầu vụ án này đã được tách ra, theo quy định của luật thì việc đó được phép và trên thực tế chúng ta đã tách án rất nhiều. Ví dụ, ALCII- Vũ Quốc Hảo, chúng ta tách làm 6 vụ. Vụ Ngân hàng Xây dựng, chúng ta tách làm 3 vụ. Vụ Ngân hàng Đại Dương chúng ta đã xử một phần và rất nhiều vụ chúng ta đã tách. Nếu trong phiên tòa, tình tiết mới xuất hiện, không có việc có quyết định tách án thì trách nhiệm của Hội đồng xét xử phải thẩm vấn làm cho rõ tình tiết này. Nhưng do vụ án đã được tách ra và có quyết định trong hồ sơ vụ án nên hội đồng xét xử được phép không cần đề cập đến vụ án này nữa.

Tương tự như trong vụ án Oceanbank, lần xét xử sơ thẩm thứ nhất có việc thất thoát 800 tỷ, Hội đồng xét xử làm rõ, nhưng ở lần xét xử thứ hai cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án nên Hội đồng xét xử không đề cập đến nội dung này nữa. Việc không đề cập đến nội dung vụ án đã được tách ra nằm trong quy định của luật và là thông lệ bình thường, không phải có điều gì quá khác biệt.

Còn lời khai của Châu Thị Thu Nga chắc đại biểu quan tâm, việc này cũng có trong hồ sơ vụ án, không có gì giấu giếm ở đây. Thu Nga đã khai việc chi tiền, số tiền đại biểu đã biết, nhằm cho 2 mục đích: Mục đích thứ nhất là chi cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên, mục đích thứ  hai là chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sĩ giả. Ở thời điểm bầu cử nhiều báo chí viết về việc Nga không đi học mà có bằng tiến sĩ. Theo lời khai của Nga, Nga biết một doanh nhân buôn bán vàng, có quan hệ rộng ở Hà Nội nên chủ động gặp. Theo yêu cầu của doanh nhân này Nga đã đưa cho anh này nhiều lần, có lần 100.000, có lần 200.000, việc đưa là ở các quán cà phê khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau, sau khi đưa anh này mang đi đâu, làm gì bản thân Nga không biết. Việc đưa chỉ có 2 người biết, không có chứng cứ gì để chứng minh việc đưa đó.

Tại biên bản đối chất anh này nói có quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không quen biết ai ở Hà Nội và không làm việc đó. Với tình huống vụ án như vậy cơ quan điều tra tách ra là cần thiết, tòa cũng không thể làm rõ hành vi này tại tòa. Nếu bằng các giải pháp nghiệp vụ khác nhau, cơ quan điều tra, mà tôi biết các đồng chí đang tích cực làm rõ được tình tiết này, thì chúng ta sẽ có một phiên tòa công khai khác, không có gì là mờ ám ở đây cả.

 BỎ XÉT XỬ LƯU ĐỘNG                  

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Bắc Kạn chất vấn: Nghị quyết số 37 năm 2012 Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về tội phạm công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 có yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động và theo báo cáo hàng năm các Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Riêng năm 2017 đã có đến 9029 phiên tòa xét xử lưu động. Như chúng ta đã biết việc các tòa án tổ chức xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả… Tuy nhiên, tại Báo cáo tóm tắt của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có đề nghị Quốc hội xem xét bỏ chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được quy định tại Nghị quyết số 37. Đề nghị Chánh án cho biết những cơ sở đối với đề xuất này và việc bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động có làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền cũng như giảm tính công khai minh bạch trong công tác xét xử hay không?

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Về phiên tòa lưu động, báo cáo Quốc hội, đúng là phiên tòa lưu động trong một thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh thì có tác dụng tuyên truyền rất lớn, giáo dục pháp luật, nhất là những nơi xảy ra vụ án. Nhưng trong điều kiện của công nghệ thông tin hiện nay, không cần thiết phải có mặt tại phiên tòa, người dân vẫn có thể tiếp cận với phiên tòa thông qua hệ thống truyền thông, đặc biệt khi chúng tôi đã công khai bản án trên mạng thì bất kể lúc nào, không phải chỉ có thời điểm diễn ra phiên tòa, thì người dân đều có thể tiếp cận phiên tòa. Cho nên tác dụng tuyên truyền của các phiên tòa lưu động đã không còn được nguyên vẹn như khi ban đầu chúng ta triển khai, một thời gian dài có tác dụng rất tốt. Hiện nay thì phiên tòa lưu động cũng phát sinh những mặt trái khác. Thứ nhất là tổ chức ở ngoài công đường thì không nghiêm minh, khó bảo vệ, đặc biệt những phiên tòa có đối tượng nguy hiểm và hết sức tốn kém. Báo cáo Quốc hội, một năm chúng ta tổ chức hơn 9.000, gần 10.000 phiên tòa lưu động thì Tòa án phải chi khoảng 70 tỷ, đấy là chưa kể tiền mà các địa phương hỗ trợ và tôi được biết là địa phương nào cũng hỗ trợ. Khoản chi này tổng hợp lại cũng hết sức lớn.

Việc quan trọng nữa là trong điều kiện những nguyên tắc tiến bộ của tố tụng đã được Hiến pháp ghi nhận và đã được luật ghi nhận là một người chỉ được xem là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa án. Và việc đưa những bị can, bị cáo này ra công khai ở nơi cư trú có thể làm ảnh hưởng đến cả những người thân. Không ít những vụ án, con cháu những người phạm tội vì bức xúc bỏ học đi bụi đời, thậm chí có hành động đáng tiếc khác. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị Quốc hội dừng việc tổ chức các phiên tòa lưu động, vì tác dụng của nó đã hạn chế nhưng hậu quả của nó rất lớn, đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

 TỶ LỆ ÁN TREO THẤP

 Đại biểu Nguyễn Thị Thảo – Nghệ An chất vấn: Cử tri phản ánh hiện nay án đánh bạc xử lý rất nhẹ, có thể là án treo. Vậy Chánh án cho biết có hiện tượng tiêu cực hay không? Chánh án cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử ngành tòa án nói chung và án đánh bạc nói riêng.

 Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Về án treo, tại sao án đánh bạc treo nhiều như vậy? Chế định án treo bản thân nó là một chế định rất tích cực, đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa, nhất là đối với những tội phạm do lỗi vô ý và những loại tội phạm lấy đồng tiền làm mục tiêu và phương tiện phạm tội, như tội đánh bạc, tội cho vay nặng lãi, tội lạm dụng tín nhiệm, tội giao thông. Ở đây có lạm dụng không? Trên thế giới tỷ lệ án treo khoảng 60%, chúng ta đang nằm ở tỷ lệ 20%, thấp hơn nhiều so với thế giới. Tỷ lệ án treo tập trung ở 3 loại án là án giao thông, trong 3.700 bị cáo có 1.700 là án treo, chiếm tỷ lệ 46%; án đánh bạc 19.000 thì có 7.000 là án treo, chiếm tỷ lệ 37%, tổ chức đánh bạc là 2.500 thì có 900 là án treo, chiếm tỷ lệ 35%. Tổng tỷ lệ án treo cũng chiếm 61% trên tổng số các đối tượng được hưởng án treo.

Nguyên tắc án treo trong Nghị quyết 49 của Đảng cũng xác định tăng cường các hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo, phạt tiền là một trong những giải pháp để nâng cao hình phạt không giam giữ. Với tỷ lệ án treo 46% trong số vụ đánh bạc và 20% trên tổng số tôi cho đây chưa phải là cao. Vì nguyên tắc chính sách hình sự đối với những vụ án lấy đồng tiền làm mục đích và phương tiện phạm tội thì hình phạt không phải hình phạt tù là chính, phải là hình phạt tiền và những hình phạt không giam giữ, như thế mới có tác dụng tích cực.

Còn có tiêu cực ở trong chỗ này hay không, báo cáo với Quốc hội chúng tôi vừa tổng kết Nghị quyết 01 về xử lý án treo thì tâm lý của các thẩm phán chủ tọa phiên tòa rất ngại xử án treo. Cho nên thông thường xử án giam nhiều hơn làm cho tỷ lệ cải tạo không giam giữ của chúng ta thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới. Vì khi xử án treo giám đốc kiểm tra, dư luận luôn đặt câu hỏi như đại biểu vừa nêu, cho nên việc đầu tiên của việc kiểm tra là xem xét về án treo cho nên các thẩm phán thường né việc xử án treo, vì vậy mà có tỷ lệ như tôi đã nêu.

Trong những vụ cụ thể, nếu như đại biểu thấy có vụ nào thẩm phán tiêu cực chúng tôi sẵn sàng nghe và có kiểm tra để xử lý. (Còn nữa)

 THÁI VŨ