Công tác xét xử của Tòa án có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành Tòa án đã được nâng lên

Tiếp theo kỳ trước, Tạp chí TAND điện tử xin lược ghi nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về nội dung trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC.

ÁN HÀNH CHÍNH

Đại biểu Bùi Huyền Mai – TP Hà Nội chất vấn: Thực tế là số lượng các vụ án bị cải, hủy còn nhiều, đặc biệt là những vụ án do lỗi chủ quan của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Ở đây có thể ví dụ trong các vụ án hành chính thì tỷ lệ án bị cải, sửa và hủy vượt chỉ tiêu so với nghị quyết của Quốc hội. Xin được hỏi Chánh án với vai trò là người đứng đầu của ngành Tòa án, Chánh án có giải pháp gì để khắc phục hiệu quả tình trạng án bị cải, hủy trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn

Đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chất vấn nhiều nội dung, trong đó nội dung liên quan đến án hành chính. 3 hạn chế lớn của án hành chính hiện nay: Thứ nhất là thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền cho nên có những trường hợp thiếu khách quan và chưa công minh khi đánh giá chứng cứ. Thứ hai là tỷ lệ án hủy, cải, sửa cao. Thứ ba là án xử không thi hành được.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Về án hành chính thì có một số tồn tại:

Một là tỷ lệ giải quyết thấp, mặt bằng chung của chúng tôi giải quyết án là 91%, riêng án hành chính là 70% thấp hơn so với mặt bằng chung của tất cả các loại án khác. Tỷ lệ hủy, sửa cao, hủy, sửa do lỗi chủ quan của án hành chính là 3,3%. Nguyên nhân khách quan thì có nhiều, án này tồn đọng và kéo dài. Nguyên nhân khách quan thì có việc quy định của luật, trước đây là do tòa án huyện xử lý các vụ án hành chính của huyện, bắt đầu từ ngày 1/7/2016 đưa lên tòa án cấp tỉnh. Theo quy định của tố tụng hành chính thì tất cả các vụ án hành chính phải có 2 yếu tố:

Một là phải qua đối thoại bắt buộc, nếu như chưa đối thoại thì tòa án không được xử lý và phải có mặt của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đã ra quyết định xử lý hành chính đó. Án hành chính thì 74% số lượng các án hành chính liên quan đến đất đai, câu chuyện về đất đai có rất nhiều ách tắc, không phải chỉ có trình tự tố tụng mà trình tự hành chính, hồ sơ, luật lệ đất đai thường xuyên bổ sung thay đổi nên giải quyết câu chuyện đất đai hết sức khó, đây là một loại án phức tạp.

Riêng đối với một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh thì năm 2017 là gần 1.400 vụ án hành chính, Hà Nội là 440 vụ án hành chính. Nếu như chúng ta quy định các đồng chí Chủ tịch chỉ được ủy quyền cho phó có mặt tại tòa án để giải quyết vụ án này thì đây là một quy định chúng tôi đề nghị cần phải đánh giá lại trong một thời đoạn nào đó như 5 năm, 10 năm. 1.390 vụ án hành chính như ở Thành phố Hồ Chí Minh chắc là sẽ không còn thời gian để đi giải quyết các việc khác. Đã đến lúc chúng ta cũng phải xem xét lại chính quy định của chúng ta. Khi các đồng chí chủ tịch không có mặt thì tòa buộc phải hoãn phiên tòa và hoãn hoài như thế là hình ảnh rất xấu, vụ án hành chính thực chất là vụ án giải quyết quan hệ giữa dân và chính quyền. Nếu như chính quyền cứ né hoài như thế này thì hình ảnh cũng rất dở. Nhưng chính quyền có mặt hoài thì cũng sẽ không có thời gian để giải quyết công việc khác.

Trong khi chúng ta tổng kết đánh giá lại quy định này thì chúng tôi đề nghị khi Quốc hội thảo luận về cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh xét đặc thù ở đây cũng phải xem xét đến khía cạnh Chủ tịch được ủy quyền đến cho ai đó để giải quyết các vụ án này mới xem như là cơ chế đặc thù để hạn chế sự có mặt của Chủ tịch và Phó Chủ tịch thành phố ra giải quyết hơn 1.300 vụ án hành chính/1 năm của Thành phố Hồ Chí Minh. Tương tự như vậy, chúng ta phải tổng kết tính toán dài hơi hơn.

Nguyên nhân chủ quan là năng lực của thẩm phán đối với vụ án khó khăn như thế này, thông thường các thẩm phán là né, ngại va chạm chính quyền nên xử cũng né, bản lĩnh chưa cao. Những việc thuộc về trách nhiệm bản lĩnh và năng lực của đội ngũ thẩm phán chúng tôi sẽ có chấn chỉnh, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao và có nhiều phiên tòa hành chính rút kinh nghiệm để cùng nhau nâng cao kinh nghiệm cho đội ngũ thẩm phán.

Đại biểu Nguyễn Văn Pha – Nam Định tranh luận và nói rõ thêm ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga, cho rằng nguyên nhân không phải từ phía tòa án, không hẳn từ phía tòa án. Tôi xin cung cấp với Quốc hội hai thông tin sau đây:

Thứ nhất, qua khảo sát về tư pháp thời gian qua, từ 01/10/2016 đến 31/7/2017 thì vụ số án hành chính mà tòa án nhân dân các cấp tỉnh Lâm Đồng đã xét xử, chỉ đạt có 52,3%, trong đó cũng cùng thời gian đó nhưng tòa án Đăk Lăk lại xử đạt 88,5% trên tổng số vụ án đã thụ lý. Như vậy, khó có thể nói rằng các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Lâm Đồng bận hơn Đắk Lắk được.

Thứ hai, trước bức xúc về việc có quá nhiều phiên tòa của tòa án cấp cao tại Hà Nội bị hoãn do Chủ tịch, Phó Chủ tịch không đến dự. Vừa qua, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có công văn gửi đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Hà Nội, tôi trích một đoạn thế này: “Thực tiễn công tác xét xử, phúc thẩm vụ án hành chính thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết các vụ kiện hành chính mà tòa án cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử có triệu tập thành phần là đại diện Chủ tịch hoặc thành phần được ủy quyền Phó chủ tịch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa với tư cách là bị kiện song đều vắng mặt tại phiên tòa, nhiều trường hợp vắng mặt không có lý do hoặc có văn bản đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt người bị kiện. Từ đó không chỉ gây khó khăn trong công tác xét xử của Tòa án, mà trong nhiều trường hợp đã gây nên tình trạng hết sức bức xúc trong nhân dân”. Nếu duy tình một chút, tôi cho rằng đây là tiếng kêu cứu của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Tôi cho rằng, đây là vấn đề không thể xem thường. Một nền tư pháp chỉ thật sự công bằng và thật sự phát huy tác dụng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nếu như người đứng đầu cán bộ nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật như người dân. Tôi cho rằng Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải sớm, với tư cách là người đứng đầu cơ quan tư pháp, ngồi với người đứng đầu cơ quan hành pháp là Thủ tướng Chính phủ bàn giải quyết dứt điểm sớm việc này như ý kiến đại biểu Lê Thị Nga.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KẾT LUẬN

Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Trong thời gian qua công tác tư pháp nói chung, công tác của ngành Tòa án nói riêng luôn dành được sự quan tâm của Quốc hội cũng như cử tri cả nước. Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về lĩnh vực này. Trong các phiên thảo luận về công tác tư pháp, các dự án luật liên quan đến công tác tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều lần phát biểu giải trình làm rõ về các nội dung. Trước sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri, hôm nay Quốc hội tiếp tục chất vấn về vấn đề này để cử tri theo dõi. Trong phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thì Chánh án đã trả lời khá rõ vì là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp, đã có 1 nhiệm kỳ làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cũng đã trả lời chất vấn tại Quốc hội nhiệm kỳ 13. Nhưng đây là lần đầu tiên Chánh án trả lời với cương vị là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trước Quốc hội. Chánh án đã nắm chắc những tình hình và thực trạng, trả lời thẳng thắn, cụ thể và khá rõ ràng cũng không né tránh và làm rõ các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, đương nhiên sẽ có một số đại biểu sẽ chưa thỏa đáng lắm về phần trả lời thì Chánh án sẽ tiếp tục trả lời bổ sung bằng văn bản.

Theo dõi phần trả lời của Chánh án thì cơ bản cũng nhận được sự hài lòng của Quốc hội, tuy nhiên về vấn đề này cũng rất rộng, phức tạp nên cũng có tới 12 ý kiến đăng ký tranh luận, chỉ có 10 ý kiến được tranh luận tại hội trường hôm nay.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy công tác xét xử của tòa án đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng của đội ngũ cán bộ ngành tòa án đã được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi ngành tòa án cần phải nỗ lực quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đề nghị Chánh án và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhất là ý kiến chất vấn trong phiên sáng nay…

Vụ án, vụ việc phải xử đi, xử lại nhiều lần, phải phấn đấu để không xảy ra việc kết án oan sai, người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Khắc phục triệt để việc án tuyên không rõ ràng và chấm dứt sớm việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định. Cơ bản khắc phục tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại phải kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Có các biện pháp cụ thể, căn cơ để tập trung xử lý giải quyết những đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh việc biến xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thành một cấp xét xử. Bảo đảm các bản án, quyết định của tòa án phải được chuyển đến người bị kết án, đương sự, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử nhằm kịp thời hướng dẫn, giải thích hoặc kháng nghị giám đốc thẩm đối với các bản án tuyên có sai sót và thống nhất công tác xét xử liên quan đến nợ bảo hiểm xã hội.

Triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh việc tuyển chọn án lệ bảo đảm chặt chẽ sau khi được lựa chọn công khai rộng rãi án lệ và sớm tổng kết để có chủ trương đối với việc dừng xét xử lưu động.

Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng lớn, trọng điểm, các vụ án được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, đảm bảo thấu tình đạt lý, nghiêm minh, đúng pháp luật. Chú trọng công tác kiểm tra công tác xét xử dân sự, nâng cao chất lượng xét xử dân sự, hạn chế tối đa vi phạm về thời gian chuẩn bị xét xử, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, chậm gửi thông báo thụ lý bản án, quyết định cho việc kiểm sát nhân dân., vi phạm trong việc xác minh, thu thập và đánh giá chứng cứ, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Phấn đấu đạt yêu cầu của Quốc hội về công tác xét xử các vụ án hành chính, tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hành chính về đối tượng tham gia phiên toà. Việc đánh giá chứng cứ phải bảo đảm toàn diện, hạn chế tâm lý ngại va chạm với chính quyền, không muốn đưa vụ việc hành chính ra tòa án.

Tiếp tục kiện toàn làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tòa án nhân dân các cấp. Củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2020 triển khai đề án tòa án điện tử. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm hợp tác quốc tế phục vụ cho hoạt động xét xử và tòa án nhân dân các cấp. Qua đây đề nghị Quốc hội ủng hộ chủ trương dành nguồn vốn để đầu tư cho các cơ sở của Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan thi hành án để đảm bảo một xã hội thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật và thi hành pháp luật nghiêm minh.

THÁI VŨ