Mê tín dị đoan chưa được ngăn chặn

Bà nội đang tâm sát hại cháu gái mới 20 ngày tuổi khai rằng vì tin lời thầy bói.

       Vụ bé gái 20 ngày tuổi vừa bị sát hại tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, nghi can chính là bà nội của cháu. Theo lời khai ban đầu của nghi can, động cơ giết cháu vì nghe lời thầy bói cho rằng cháu là nghiệp chướng cho cả nhà, bà sống thì cháu phải chết và ngược lại.

       U mê tin lời thầy bói, nên tối ngày 25/11, sau khi giết cháu bằng tay, bà Xuân nhét xác cháu xuống gầm giường, rồi dựng lên vụ bắt cóc. Sau đó, bà Xuân vứt bao tải đựng thi thể cháu ra thùng rác, khi rác được vận chuyển đến nơi xử lý, mới được phát hiện.

       Ngày 28/11 cháu bé 7 tuổi, ở với bà ngoại ở Cai Lậy, Tiền Giang bị chính bà ngoại dùng dây siết cổ đến chết. Vụ án cũng liên quan đến mê tín dị đoan.  

       Hung thủ gây ra vụ án thương tâm lại chính là bà nội, bà ngoại cúa hai cháu bé… khiến ngôn ngữ dường như bất lực vì quá sức hình dung, trái ngược với tình cảm bà cháu thiêng liêng. Nhưng ở khía cạnh pháp luật, ngoài nghi can, thủ phạm trực tiếp sát hại cháu bé, một thủ phạm khác cần xử lý bằng hình sự chính là thầy bói.

       Hành vi mê tín dị đoan đã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, thậm chí gây chết người, giết người như vụ án trên đây và một vài vụ án mới được Tòa án đưa ra xét xử. Đơn cử như phiên tòa, xét xử lưu động vụ án hành nghề mê tín dị đoan ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Vì mê tín dị đoan mà bị cáo Lưu Văn Hoàng cùng vợ là Lê Thị Bảy và em vợ là Lê Thanh Tú dùng cách trị bệnh bằng cách cho bệnh nhân uống dầu ăn, xông dầu dừa, tỏi, bông gòn và dùng sức giẫm đạp lên người, đánh gãy nhiều xương sườn, chấn thương dẫn đến cái chết tức tưởi của một nạn nhân.

       Điều đáng nói là chính cha mẹ của nạn nhân cũng mê muội, tin tưởng và tiếp tay cho những hành vi giết chết con mình. Cha mẹ của bị hại cho rằng: Con đang mạnh khỏe, bỗng dưng nói chuyện lảm nhảm, có biểu hiện như bệnh tâm thần. “Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Hoàng đã liên tục đốt nhang quanh người, quanh miệng rồi đổ dầu ăn vào miệng nạn nhân, thậm chí các thầy còn tát, đạp chân lên người nạn nhân để con ma chịu đau mà đi ra. Mặc dù thấy con quằn quại trong đau đớn, nhưng vì muốn con hết bệnh nên họ cắn răng nài nỉ yêu cầu các thầy tiếp tục điều trị. Đến lúc quá yếu, khi chưa kịp gọi xe đưa con đi cấp cứu thì con đã chết”.

       Những vụ án đau lòng đó cảnh báo tệ mê tín dị đoan đang gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong xã hội. Trong khi đó, Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009  có quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan. Điều 320 – Bộ luật hình sự năm 2015 cũng quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan, cả hai Bộ luật đều quy định mức hình phạt tù đến 10 năm trong trường hợp mê tín dị đoan gây hậu quả làm chết người.

       Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo thì vi phạm quy định về nếp sống văn hóa được quy định như sau: 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.

       Tuy nhiên, dường như còn ít vụ mê tín dị đoan được điều tra, truy tố và xét xử. Hiện tượng “lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” vẫn diễn ra gần như công khai tại rất nhiều cơ sở thờ tự, tín ngưỡng.

       Có lẽ do ranh giới giữa tự do tín ngưỡng và mê tín dị đoan rất mong manh, nên khó xử lý. Vì vậy, nếu không có những quy định cụ thể hơn nữa thì các cơ quan chức năng rất khó áp dụng pháp luật để ngăn chặn, xử lý, trừ những trường hợp gây hậu quả chết người trên đây.

                                                                                                                                        LÂM UYÊN