Nhiều quy định pháp luật quan trọng có hiệu lực thi hành trong tháng 12/2020

Căn cứ để Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thay đổi chế độ lương thực cho phạm nhân; tăng mức xử phạt báo chí đăng tin sai sự thật và nhiều quy định quan trọng, tác động đến nhiều đối tượng sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2020.

Tòa án tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Các biển pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 vẫn được áp dụng kể cả khi đương sự không yêu cầu (Điều 135), tuy nhiên vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn những căn cứ cụ thể để Tòa án được tự mình ra quyết định áp dụng.

Để làm rõ những căn cứ đó, Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự tại khoản 1 Điều 5:

“1. Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cụ thể khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó liên quan đến vụ án đang giải quyết;

b) Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là thực sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 và các điều từ Điều 115 đến Điều 119 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

c) Đương sự không làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì có lý do chính đáng hoặc trở ngại khách quan.”

Ví dụ: Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng” quy định tại khoản 2 Điều 114 và Điều 116 của Bộ luật Tố tụng dân sự khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: Việc giải quyết vụ án có liên quan đến yêu cầu cấp dưỡng; xét thấy việc cấp dưỡng đó là có căn cứ; nếu không thực hiện trước ngay một phần nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người được cấp dưỡng và đương sự chưa có điều kiện thực hiện được quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nếu có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc xem xét, giải quyết được thực hiện theo quy định tại các điều tương ứng của Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết này.

Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp sơ thẩm mà trong đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho đương sự biết là Tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Trường hợp đương sự gửi đơn kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm cho Tòa án cấp phúc thẩm mà trong đơn kháng cáo, đương sự khiếu nại quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm giải thích cho đương sự là Tòa án cấp phúc thẩm chưa thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm nên không xem xét, giải quyết khiếu nại yêu cầu áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án cấp sơ thẩm. Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ giải quyết khi đương sự có yêu cầu.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/12/2020.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể bị cách chức

Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại 2011, Điều 41 quy định 2 trường hợp sẽ áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

- Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

- Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.

Nghị định có hiệu lực từ 10/12/2020.

Phải kiểm tra nữ tử tù có thai không trước khi tử hình

Thông tư liên tịch số 02 năm 2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2020.

Theo đó, nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện có thẩm quyền để kiểm tra, xác định người này có thai hay không.

Ngoài ra, nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi tử hình (trong thời gian giam giữ chờ thi hành án hoặc trên đường áp giải đến địa điểm tử hình) thì phải xác định nguyên nhân chết.

Sau khi xác định xong và được phép của cơ quan có thẩm quyền thì thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi của người này về mai táng hoặc tổ chức mai táng.

Thay đổi chế độ ăn cho phạm nhân từ 25/12

Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự, quy định tại Điều 7 : Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 7 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

So với quy định trước đây, chế độ ăn đã tăng thêm 0,2 kg cá; 0,3 kg thịt lợn; bổ sung dầu ăn và gia vị khác.

Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 3 lần định lượng ăn trong 1 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

Khoản 1 Điều 10 quy định, phạm nhân nữ được tăng gấp đôi lượng lương thực khi mang thai, nuôi con dưới 2 tuổi. Trước đây, phạm nhân nữ chỉ được tăng 20-30% lượng lương thực so với khi không mang thai, không nuôi con nhỏ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2020.

Người lao động tố cáo sẽ không bị phân biệt đối xử

Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó tại Điều 7 có quy định Trách nhiệm của người sử dụng người lao động trong việc bảo vệ người lao động có những nội dung cơ bản sau:

Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người tố cáo

Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.

Khi người lao động thực hiện quyền tố cáo của mình, trên thực tế có rất nhiều vấn đề xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến nhân thân và tài sản của họ, Thông tư 08 là cơ sở để thực hiện việc bảo vệ người tố cáo trong quan hệ lao động.

Thông tư có hiệu lực kể từ 01/12/2020.

Thêm nhiều công chức phải kê khai tài sản hàng năm

 Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2020 đã quy định thêm nhiều đối tượng công chức phải kê khai tài sản theo Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đó là:

- Những ngạch công chức và người giữ chức danh công chức sau: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên...

- Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo chí đưa tin sai sự thật bị phạt đến 100 triệu đồng

Từ 1/12/2020, nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh, theo Nghị định 119/2020/NĐ-CP. Trong đó, có mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.

- Nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng: Phạt từ 5 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 1 – 3 triệu đồng)

- Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng: Phạt từ 50 - 70 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 5 – 10 triệu đồng)

- Nếu gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng: Phạt từ 70 - 100 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 20 – 30 triệu đồng)

Trong cả ba trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Đồng thời, riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 1 - 12 tháng (trước đây chỉ bị đình chỉ hoạt động từ 1 – 3 tháng).

Điều lệ mẫu dành cho các quỹ từ thiện

Hiện nay Nghị định 93/2019/NĐ-CP điều chỉnh về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tuy nhiên trong đó vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể những mẫu quyết định, mẫu điều lệ, các biểu mẫu khác liên quan đến các quỹ này.

Điều lệ mẫu của quỹ từ thiện đã được ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện sắp có hiệu lực từ 01/12/2020.

Tiêu chí xác định xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực đặc biệt khó khăn giao đoạn 2021-2025

 Quyết định 33/2020/QĐ-TTg quy định, trong giai đoạn này, tiêu chí xác định xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm:

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số).

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có 01 trong các tiêu chí sau:

+ Có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ nghèo của xã;

+ Có số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên;

+ Số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm;

+ Đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20 km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông.

Trong đó xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xác định là:

- Các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

- Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

Quyết định 33 có hiệu lực kể từ 31/12/2020.

Mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng

Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.

- Phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế

- Phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng)

- Phạt từ 4 - 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập…

- Phạt từ 8 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên.

Ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế

Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Khoản 2 Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

Khoản 6 Điều 8 của Nghị định:

- Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.

- Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, hết ngày 31/10 hàng năm số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm; nếu nộp thấp hơn doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.

Khai sai số tiền khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng

Nghị định 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.

- Phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 05 - 10 triệu đồng;

- Phạt từ 5 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 30 - dưới 70 triệu đồng;

- Phạt từ 15 - 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 70 - dưới 100 triệu đồng;

- Phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.


Phòng xét xử của TAQS Quân khu 2- Ảnh minh họa của THÁI VŨ

KIM DUNG